“Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã cử hành sự phục sinh của Chúa; hôm nay chúng ta chứng kiến sự phục sinh của các môn đệ Ngài. Một tuần đã trôi qua, một tuần lễ kể từ khi các môn đệ đã thấy Chúa Phục Sinh, nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn sợ hãi, co rúm đằng sau “những cánh cửa đóng kín” (Ga 20:26), thậm chí không có khả năng thuyết phục Tôma, là người duy nhất vắng mặt, về sự phục sinh của Chúa. Chúa Giêsu làm gì khi thấy sự nhút nhát thiếu niềm tin này? Ngài trở lại và, đứng ở cùng một chỗ, “ở giữa” các môn đệ, và lặp lại lời chào của Người: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19, 26). Rồi Người bắt đầu lại từ đầu. Sự phục sinh của môn đệ Người bắt đầu từ đây, từ lòng thương xót trung thành và kiên nhẫn này, từ khám phá rằng Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vươn ra để nâng chúng ta dậy khi chúng ta té ngã. Người muốn chúng ta nhận ra nơi ngài, không phải như một người giao việc mà chúng ta phải giải trình công việc của mình, mà như người Cha của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta dậy. Trong cuộc sống, chúng ta ngập ngừng tiến về phía trước, không chắc chắn, giống như một đứa trẻ mới chập chững bước vài bước và té ngã; một vài bước nữa và lại ngã nữa, nhưng mỗi lần cha đứa bé lại nâng nó dậy trên đôi chân của mình. Bàn tay luôn đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của chúng ta là lòng thương xót: Chúa biết rằng nếu không có lòng thương xót của Người, chúng ta sẽ ở lại trên mặt đất; và Chúa biết rằng để tiếp tục bước đi, chúng ta cần phải được nâng dậy để đứng trên đôi chân của mình.
Anh chị em có thể phản đối: “Nhưng tôi cứ vấp ngã hoài!” Chúa biết điều này và Ngài luôn sẵn sàng nâng anh chị em dậy. Người không muốn chúng ta cứ tiếp tục suy nghĩ về những thất bại của chúng ta; đúng hơn, Chúa muốn chúng ta nhìn lên Ngài. Vì khi chúng ta ngã, Người thấy con trẻ cần được đặt trở lại trên đôi chân của chúng; trong những thất bại của chúng ta, Chúa thấy các con cái của Ngài cần đến tình yêu thương xót của Chúa. Hôm nay, trong nhà thờ đã trở thành đền thờ của lòng thương xót ở Rôma và cũng vào Chúa Nhật này, hai mươi năm trước, Thánh Gioan Phaolô II đã dành riêng cho Lòng thương xót Chúa, chúng ta vững dạ chào đón thông điệp này. Chúa Giêsu nói với Thánh Faustina: “Ta chính là tình yêu và lòng thương xót; không có sự đau khổ nhân sinh nào có thể vượt quá lòng thương xót của Ta” (Nhật ký, ngày 14 tháng 9 năm 1937). Có một lần, Thánh Nữ hài lòng nói với Chúa Giêsu rằng cô đã hiến dâng cho Người tất cả cuộc sống và tất cả những gì cô có. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cô choáng váng: “Con chưa dâng lên cho Ta những điều thực sự là của con”. Có điều gì đó người nữ tu thánh thiện này giữ riêng cho mình chăng? Chúa Giêsu từ ái nói với cô rằng: “Con gái Ta, hãy dâng lên cho Ta cả những thất bại của con nữa” (10 tháng 10 năm 1937). Chúng ta cũng có thể tự hỏi mình: “Tôi đã dâng những thất bại của tôi lên Chúa chưa? Tôi có để Người thấy tôi vấp ngã để Người có thể nâng tôi lên chưa?” Hoặc là có một cái gì đó tôi vẫn giữ trong tôi? Một tội lỗi, một sự hối tiếc về quá khứ, một vết thương mà tôi có bên trong lòng, một mối hận thù với ai đó, một ý tưởng về một người cụ thể. Chúa chờ đợi chúng ta dâng lên Người những thất bại của chúng ta để Người có thể giúp chúng ta trải nghiệm lòng thương xót của Người...
Anh chị em thân mến, trong thời gian thử thách mà chúng ta hiện đang trải qua, cũng như Tôma, với nỗi sợ hãi và nghi ngờ, chúng ta đã trải nghiệm sự yếu đuối của mình. Chúng ta cần Chúa, Đấng nhìn thấy vẻ đẹp không thể kiềm chế vượt lên trên sự yếu đuối của chúng ta. Với Người, chúng ta tái khám phá rằng chúng ta quý giá như thế nào ngay trong sự mỏng dòn của chúng ta. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta giống như những viên pha lê đẹp, mỏng manh nhưng đồng thời quý giá. Và, nếu là pha lê, chúng ta phải trong suốt trước mặt Người, để ánh sáng của Người - ánh sáng của lòng thương xót – có thể tỏa sáng trong chúng ta và thông qua chúng ta lan ra thế giới. Như Thư của Phêrô cho biết, đây là một lý do để “hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách” (1 Pt 1: 6)... “
(ĐTC Phanxicô giảng lễ Chúa Nhật lòng thương xót 19/04/2020)
(ĐTC Phanxicô giảng lễ Chúa Nhật lòng thương xót 19/04/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét