“... Tôi (ĐTC Phanxicô) mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng...
Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột : hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống, thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít hòa hợp hơn, và áp đặt một sự đồng nhất, khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.
Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.
Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.
Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.
Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô, “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38)...
Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13)...
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột...
Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30)...”
(Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma, 21/12/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét