"XIN THA NỢ CHÚNG CON NHƯ CHÚNG CON CŨNG THA KẺ CÓ NỢ CHÚNG CON "
2838
Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu "xin tha nợ chúng con", lời xin này lẽ ra đã hàm chứa trong ba lời nguyện đầu kinh Lạy Cha, vì Đức Ki-tô tự hiến tế để "cho mọi người được tha tội". Phần thứ hai của lời xin cho thấy : Thiên Chúa chỉ nhận lời nếu trước đó chúng ta đáp ứng một đòi buộc. Lời xin này sẽ được Thiên Chúa ban với điều kiện chúng ta phải đáp ứng điều Chúa đòi buộc trước: Thiên Chúa sẽ tha cho chúng ta "như " chúng ta tha cho anh em.
"Xin tha nợ chúng con"...
2839
Chúng ta đã bắt đầu xin Cha trên trời với lòng tin tưởng dạn dĩ. Khi "nguyện Danh Cha cả sáng", chúng ta đã xin Người luôn thánh hóa chúng ta hơn nữa. Nhưng dù đã được mặc áo trắng tinh tuyền khi Rửa Tội, chúng ta vẫn tiếp tục phạm tội, quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời xin này, chúng ta như người con hoang đàng trở về với Cha, và như người thu thuế nhận mình là tội nhân trước nhan Người. Lời xin này bắt đầu bằng một lời thú tội, vừa thú nhận tình trạng khốn cùng của mình vừa tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng hay thương xót. Niềm hy vọng này được bảo đảm trong Con Một Người, "chúng ta đã được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1,14; Ep 1,7). Trong các bí tích của Hội Thánh, chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha tội (x. Mt 26-28; Ga20,23).
2840
Nhưng thật đáng sợ, nguồn ơn thương xót của Thiên Chúa không vào được lòng ta nếu chúng ta không tha cho những người có lỗi với chúng ta. Cũng như Thân Thể Đức Ki-tô, Tình yêu không thể phân chia: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà ta không thấy, nếu ta không yêu mến anh chị em mà ta đang thấy được. Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và trở nên chai đá không thể đón nhận tình thương tha thứ của Cha. Khi thú nhận tội lỗi, chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng của Người.
2841
Lời xin này quan trọng đến nỗi đây là lời duy nhất, trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su phải trở lại chủ đề này và khai triển thêm. Con người không có khả năng chu toàn đòi hỏi quyết liệt này của mầu nhiệm giao ước, nhưng Thiên Chúa có thể làm được mọi sự.
..."như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
2842
Khi giảng dạy, Đức Giê-su nhiều lần dùng chữ "như": "anh em hãy nên hoàn thiện "như" Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5,48); "Anh em hãy có lòng nhân từ "như" Cha anh em là Đấng nhân từ" (Lc 6,36) ; "Thầy ban cho anh em một điều răn mới : anh em hãy yêu thương nhau "như" Thầy đã yêu thương anh em"(Ga 13,34). Chúng ta không thể giữ được điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước Chúa bằng những hành vi bên ngoài. Chúng ta phải hiệp thông sống động và "hết lòng" với sự thánh thiện, lòng thương xót và yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần, "nhờ Người mà chúng ta sống" (Ga 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được tâm tình của Đức Giê-su Ki-tô (Pl 2,1-5). Khi được hiệp thông với Thiên Chúa đầy lòng tha thứ, "chúng ta biết tha thứ cho nhau "như" Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta trong Đức Ki-tô" (Ep 4,32).
2843
Như thế, lời Chúa dạy về tha thứ mang sức sống vì dạy chúng ta sống đến tận cùng của tình yêu (Ga 13,1). Khi đưa ra dụ ngôn người đầy tớ không biết thương xót là đỉnh cao của giáo huấn về hiệp thông trong Hội Thánh ( x. Mt 18,23-35 ) , Đức Giê-su kết luận : "Cũng vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình" (Mt 18, 23-35). Tội lỗi của chúng ta bị cầm buộc hay được tháo gỡ đều tùy vào việc "hết lòng tha thứ" của ta. Chúng ta không có khả năng bỏ qua hay quên đi lỗi của anh em; nhưng ai sống theo Thánh Thần sẽ biết cảm thương người bị xúc phạm đến mình và thanh luyện ký ức bằng cách chuyển cầu cho người có lỗi.
2844
Việc cầu nguyện giúp người Ki-tô hữu biết tha thứ cho cả kẻ thù (x. Mt 5,43-44, và biến đổi người môn đệ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một đỉnh cao của kinh nguyện Ki-tô giáo; Thiên Chúa chỉ ban ơn cầu nguyện cho tâm hồn nào biết hòa nhịp với lòng thương xót của Người. Tha thứ còn minh chứng rằng trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Đức Giê-su bằng cách này. Tha thứ là điều kiện căn bản để có sự giao hòa giữa con người với Thiên Chúa ( x. 2Cr 5, 18-21) và giữa con người với nhau (x. Gio-an Phao-lô II, DM 14).
2845
Sự tha thứ này bắt nguồn từ Thiên Chúa nên không có giới hạn hay mức độ. Nếu đề cập đến xúc phạm (hay "tội" theo Lc 11,4; "nợ" theo Mt 6,12), trong thực tế chúng ta luôn luôn là kẻ mắc nợ : "anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái" (Rm13,8). Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và tiêu chuẩn chân thực cho mọi tương quan. Chúng ta sống hiệp thông này trong cầu nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể.
Thiên Chúa không nhận lễ vật của kẻ gây bất hòa. Người dạy họ để của lễ lại bàn thờ về giao hòa với anh em trước đã; Thiên Chúa chỉ vui nhận những lời cầu nguyện trong an hòa. Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (T.Cyprien 23).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét