Đọc GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, giúp suy niệm 30 phút lãnh Ơn Toàn Xá năm Thánh Giuse :
“Số 2759
Một hôm, Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người : "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông" ( Lc 11,1). Đáp lại, Đức Giê-su đã dạy các môn đệ và Hội Thánh lời kinh căn bản của Ki-tô giáo. Thánh Luca ghi lại bản kinh Lạy Cha ngắn (có năm lời nguyện xin), còn thánh Matthêu ghi lại bản dài hơn (có bảy lời nguyện xin). Truyền thống Phụng Vụ của Hội Thánh sử dụng bản văn Matthêu (Mt 6,9-13) :
Lạy Cha chúng con ở trên trời,
chúng con nguyện danh Cha cả sáng,
nước Cha trị đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con
hôm nay lương thực hàng ngày
và tha nợ chúng con,
như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con,
Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.”
2761
"Lời kinh Chúa dạy thực sự là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng". Sau khi dạy mẫu kinh này, Chúa Giêsu thêm : "Anh em cứ xin thì sẽ được" (Lc 11,9). Vậy mỗi người có thể dâng lên Chúa những lời kinh khác nhau tùy nhu cầu, nhưng luôn phải bắt đầu bằng kinh nguyện căn bản là Lời Kinh Chúa dạy".
2762
Sau khi cho thấy các Thánh Vịnh là chất liệu chính cho kinh nguyện của Ki-tô hữu và tất cả được thâu tóm trong những lời nguyện xin của kinh Lạy Cha, thánh Âu-tinh kết luận :
"Cứ đọc hết các kinh nguyện trong Sách Thánh, chúng ta không thể tìm thấy một điều gì không được thâu tóm trong Lời Kinh Chúa dạy".
2763
Toàn bộ Cựu Ước (Lề Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh) đều được ứng nghiệm nơi Đức Ki-tô (Lc 24,44). Đây là "Tin Mừng" được các sách Tin Mừng công bố. Thánh Mat-thêu tóm lược lời loan báo Tin Mừng đầu tiên trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5-7). Kinh Lạy Cha được thánh Mat-thêu đặt ở tâm điểm của lời loan báo này. Chúng ta phải hiểu các lời nguyện xin của kinh Lạy Cha trong văn mạch đó: “Kinh Lạy Cha là kinh tuyệt hảo... với lời kinh này, không những chúng ta nguyện xin tất cả những gì chúng ta có thể ao ước cách chính đáng, mà còn theo trật tự những gì nên ao ước. Vì thế, kinh nguyện này không chỉ dạy chúng ta nguyện xin, mà còn huấn luyện tâm tình của ta nữa" (Thánh Tôma Aquinô)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét