GIÁO LÝ CÔNG GIÁO nói về bệnh tật giúp ta cảm thấu phận mình và cảm thông nỗi thống khổ của các bệnh nhân… Xin Chúa giúp ta được thanh luyện từ dịch bệnh, không ngã lòng nhưng vững tin, tha thiết khẩn cầu Chúa Giêsu, là vua nhân hậu và là lương y chữa lành chúng ta và thế giới :
1500 :
Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn.
1501 :
Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa, nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra những điều phụ thuộc trong cuộc sống để biết quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Người.
1502 :
Cựu Ước nhìn bệnh tật trong tương quan với Thiên Chúa. Con người than thở với Chúa về bệnh tật (x. Tv 38) và xin Người cứu chữa, vì Người là Chúa sự sống và sự chết (x. Tv 6,3; Is 38). Bệnh tật trở thành con đường hoán cải và Thiên Chúa có tha thì bệnh mới lành (x. Tv 32,5; 107,20; Mc 2, 5-12). Dân Ít-ra-en có kinh nghiệm rằng bệnh tật liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ; trung thành giữ luật Chúa sẽ được Người hoàn lại sự sống, "vì Ta là Chúa, là Lương Y của ngươi" (Xh 15,26). Ngôn sứ I-sai-a tin rằng đau khổ cũng có giá trị chuộc tội cho kẻ khác (x Is 53,11). Ông loan báo Thiên Chúa sẽ ban cho Xi-on một thời đại, lúc đó Người sẽ tha thứ mọi tội lỗi và chữa lành mọi bệnh tật (x. Is 33,34).
1503 :
Ðức Ki-tô cảm thương người bệnh tật và chữa lành nhiều kẻ yếu đau (x. Mt 7,24): đó là dấu chỉ tỏ tường Thiên Chúa viếng thăm Dân Người (Lc 7,16) và Nước Trời đã gần kề. Ðức Giê-su không những có quyền chữa bệnh nhưng còn có quyền tha tội (x. Mc 2,5-12): Người đến chữa lành con người, cả hồn lẫn xác; Người là Lương Y mà các bệnh nhân cần đến (x. Mc 2,17). Người cảm thương mọi bệnh nhân đến nỗi đồng hóa với họ : "Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom" (Mt 25,36). Lòng yêu thương Ðức Ki-tô dành cho những người đau yếu luôn thôi thúc các tín hữu đón nhận tất cả những người đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tình yêu này là nguồn mọi cố gắng không ngừng để nâng đỡ những anh em đau khổ.
1504 :
Ðức Giê-su thường đòi các bệnh nhân phải tin (x. Mc 5,34; 9,23). Người dùng những dấu bề ngoài để chữa bệnh : nước miếng và việc đặt tay (x. Mc 7, 32-36; 8,22-25), bùn đất và rửa sạch (x. Ga 9,6tt). Các bệnh nhân tìm cách chạm đến Chúa (x. Mc 1,41; 3,10; 6,56), "vì có một năng lực tự nơi Người phát ra chữa tất cả mọi người" (Lc 6,19). Trong các bí tích, Ðức Ki-tô tiếp tục "chạm" đến để chữa lành chúng ta.
1505 :
Xúc động trước bao cảnh khổ đau, Ðức Giê-su không những để cho bệnh nhân chạm đến Người nhưng còn nhận lấy đau khổ của họ làm của mình : "Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta" (x. Mt 8,17; Is 53,4). Tuy nhiên, Người đã không chữa mọi bệnh nhân. Việc Người chữa lành là dấu chỉ Nước Trời đang đến, loan báo việc chữa lành tận căn : đó là toàn thắng trên tội lỗi và cái chết nhờ cuộc Vượt Qua của Người. Trên thập giá, Ðức Ki-tô đã mang lấy tất cả mọi gánh nặng của sự dữ. Người "xóa tội trần gian" (Ga 1,29) mà bệnh tật chỉ là một hậu quả. Khi chịu nạn và chịu chết trên thánh giá, Ðức Ki-tô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ : đau khổ giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ðức Ki-tô và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét