GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992, dạy chúng ta về cái chết qua các số :
1006 :
Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ" (x. GS 18). Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng, đức tin cho chúng ta biết, chết là "tiền công trả cho tội lỗi" (Rm 6, 23) (x. St 2, 17). Và đối với người chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, chết là tham dự vào cái chết của Chúa để cùng được tham dự vào sự Phục Sinh của Người (x. Rm 6, 3-9; Pl 3, 10-11).
1007 :
Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn:
"Vào thời thanh xuân, con hãy nhớ đến Ðấng Sáng Tạo ... trước khi bụi trở về với đất như cũ và sinh khí trở về với Ðấng đã ban nó cho con" (x. Giảng viên 12, 1. 7).
1008 :
Chết là hậu quả của tội lỗi. Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2, 17;3, 3;3, 19;Sg 1, 13;Rm 5, 12;6, 23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con người đã phạm tội (x. DS 1511). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2, 23-24). "Giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết" (x. GS 18), nên "cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần phải chiến thắng" (x. 1Cr 15, 26).
1009 :
Cái chết được biến đổi nhờ Ðức Ki-tô. Dù là Con Thiên Chúa, Ðức Giê-su đã chịu chết vì mang thân phận con người. Ðứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x. Mc 14, 33-34; Dt 5, 7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Ðức Giê-su đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x. Rm 5, 19-21).
1010 :
Nhờ Ðức Ki-tô, chết mang một ý nghĩa tích cực. "Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô và chết là một mối lợi" (Pl 1, 21). "Ðây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2, 11). Ki-tô giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết : nhờ bí tích Thánh Tẩy, Ki-tô hữu đã "cùng chết với Ðức Ki-tô" cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, cái chết thể xác sẽ kết thúc việc "cùng chết với Ðức Ki-tô" mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người nhờ công trình cứu độ của Người:
Ðối với tôi, chết trong Ðức Giê-su Ki-tô còn hơn là được cai trị cả thế gian. Tôi đang đi tìm Ðấng đã chết cho chúng ta: tôi đang khao khát Ðấng đã phục sinh cho chúng ta. Giờ tôi được sinh ra (trong cuộc sống vĩnh cửu) đã gần kề ... Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền, khi nào tôi tới được đó, tôi mới thực sự là một con người (x. T. Inhaxio Antiôkia, thư gởi giáo đoàn Rô-ma 6, 1-2).
1011 :
Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Ki-tô hữu có thể mong ước như Thánh Phao-lô : "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Ki-tô" (Pl 1, 23); theo gương Ðức Ki-tô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (x. Lc 23, 46).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét