“…Con đường Chúa chọn để đến cứu độ chúng ta là con đường mà Người cũng mời gọi chúng ta đi theo Người để tiếp tục dệt nên nhân loại, một nhân loại mới, tự do, hòa giải, cùng với Người. Đây là từ chủ yếu: nhân loại được hòa giải. Đó là một phong cách, một cách quan hệ với chúng ta, từ đó phát sinh ra muôn vàn những đức tính tốt đẹp và tử tế của con người khi sống với nhau.
Một trong những nhân đức này là lòng tốt, như một lối sống nuôi dưỡng tình huynh đệ và tình bạn xã hội (x. Thông điệp Fratelli tutti, 222-224).
Và nói về lòng tốt, vào lúc này, tự nhiên tôi nghĩ đến Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI thân yêu, người đã từ biệt chúng ta sáng nay. Chúng ta cảm động khi nhớ đến ngài như một người cao thượng, rất nhân từ. Và chúng ta cảm thấy lòng biết ơn: lòng biết ơn Thiên Chúa vì đã ban Đức Nguyên Giáo Hoàng cho Giáo hội và thế giới; lòng biết ơn đối với Đức Nguyên Giáo Hoàng về tất cả những điều tốt lành mà ngài đã thực hiện, và trên hết, về chứng tá đức tin và lời cầu nguyện của ngài, đặc biệt là trong những năm cuối cùng của cuộc đời chiêm niệm của ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới biết giá trị và sức mạnh của lời chuyển cầu của ngài, của những hy sinh mà ngài đã dâng vì lợi ích của Giáo Hội.
Và tối hôm nay, tôi muốn nhắc lại lòng tốt cũng như một đức tính dân sự, đặc biệt khi nghĩ đến giáo phận Rôma của chúng ta.
Lòng tốt là một khía cạnh quan trọng của văn hóa đối thoại, và đối thoại là điều không thể thiếu để sống trong hòa bình, để sống như anh chị em, những người không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, điều này là bình thường, nhưng vẫn nói chuyện với nhau, lắng nghe nhau và cố gắng hiểu nhau và tiến về phía nhau. Chúng ta chỉ cần nghĩ xem “thế giới sẽ như thế nào nếu không có cuộc đối thoại kiên nhẫn của nhiều người hào phóng, những người đã giữ các gia đình và cộng đồng lại với nhau. Khác với bất đồng và xung đột, đối thoại bền bỉ và dũng cảm không gây xôn xao dư luận, nhưng âm thầm giúp thế giới sống tốt đẹp hơn” (nt. 198). Vì vậy, lòng tốt là một phần của đối thoại. Nó không chỉ là vấn đề về “cách cư xử tốt”; nó không phải là vấn đề về “nghi thức”, về cách cư xử nhã nhặn…. Không. Đây không phải là điều chúng ta muốn đề cập đến khi nói về lòng tốt. Thay vào đó, đó là một đức tính tốt cần được học hỏi và thực hành hàng ngày để đi ngược dòng chảy; và nhân bản hóa xã hội của chúng ta.
Tác hại của chủ nghĩa cá nhân tiêu dùng đang ở trước mắt mọi người. Và thiệt hại nghiêm trọng nhất là những người khác, những người xung quanh chúng ta, bị coi là chướng ngại vật cho sự bình yên, hạnh phúc của chúng ta. Những người khác “gây bất tiện” cho chúng ta, “làm phiền” chúng ta, cướp đi thời gian và nguồn lực của chúng ta mà chúng ta muốn dùng theo ý mình. Xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và theo chủ nghĩa tiêu dùng của chúng ta có xu hướng hung hăng, vì xem những người khác là đối thủ cạnh tranh của họ (x. nt. 222). Tuy nhiên, trong chính những xã hội này của chúng ta, và ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất mà chúng ta phải đối mặt, có những cá nhân chứng minh làm thế nào có thể “tu dưỡng lòng tốt” và do đó, bằng phong cách sống của họ, họ “trở thành những ngôi sao sáng trên bầu trời giữa mịt mùng đêm đen” (nt)…”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét