Ads 468x60px

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

KHIÊM TỐN TRONG CẦU NGUYỆN




Tác giả: Thầy Paul Duy Yên

Khi thưa cùng Chúa là Cha
Nhận mình yếu đuối chẳng ra điều gì
Cũng đừng vì quá kiêu kì
Khinh thường kẻ khác mỗi khi nguyện cầu
Chỉ nên khiêm tốn thẳm sâu
Trước nhan Thiên Chúa bao lâu chưa về
Nhận mình tội lỗi trăm bề
Cúi đầu, đấm ngực, tràn trề ăn năn
Giêsu Thánh Tử phán rằng
Đừng nên xét đoán mà hằng thứ tha
Noi gương Thiên Chúa là Cha
Mở lòng đón nhận bao la mọi người
Nguyện xin Thần Khí sáng tươi
Soi lòng mở trí giữ mười điều răn
Giúp con mau mắn thi hành
Thực thi nhân đức việc lành vươn xa
Để nên giống Chúa là Cha
Hằng ngày gọi mãi Áp Ba Cha Hiền

HẠT BỤI

Sài gòn, ngày 26 tháng 10 năm 2013

Đọc tiếp »

Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên Năm C


27/10/2013
PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Đó là lời Chúa.



Suy Niệm Lời Chúa

THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN

Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: “…Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.” (Lc 18,10)

Suy niệm: Qua một dụ ngôn súc tích, Chúa Giêsu so sánh hai mẫu người để cho chúng ta biết thế nào là cầu nguyện. Ông Pharisêu thuộc mẫu người mắc “bệnh thành tích”: báo cáo của ông mọi thứ đều “vượt chỉ tiêu”: Luật Môsê buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (Ds 29,7) và một số dịp đặc biệt khác, còn ông ăn chay một tuần hai lần; thuế thập phân thì ông nộp nghiêm túc không chỉ hoa lợi ngoài đồng (Đnl 14,22) mà còn đủ mọi thứ chi li: bạc hà, thì là, rau húng (Mt 23,23). Thế nhưng ông dẫm đạp người khác xuống để tôn mình lên: “Con không như người khác… hoặc như tên thu thuế kia.”Chính sự tự mãn này làm cho lời cầu nguyện của ông không được Chúa đoái trông đến.

Còn người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Ông chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Ông đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng ông đang khao khát: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chính vì lòng khao khát này mà ông được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của ông được Ngài chấp nhận.
Mời Bạn: Đối chiếu hai mẫu người trên, bạn tự xét mình có thái độ nào trong khi cầu nguyện.
Sống Lời Chúa: Xét mình và thưa với Chúa một cách thật lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng khiêm tốn chân thành của người thu thuế, để con đón nhận anh em con với tình thương mến và để con cũng được Chúa thương đón nhận. Amen.
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

10 từ khóa để hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô

(Nguồn: hdgmvietnam.org)
10 từ khóa để hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô.

WHĐ (24.10.2013) – “Đức Thánh Cha Phanxicô không phải là một nhà chính trị đúng nghĩa nhưng là người con trung thành của Giáo hội”, ông Greg Burke, đã nhận xét như thế. Ông Burke giải thích thêm rằng: Đức Thánh Cha luôn mời gọi mọi người sống chân lý của Phúc Âm và ngài có khả năng trình bày những sự thật nan giải với lòng xót thương sâu nặng.
Greg Burke là một cựu ký giả của giới truyền thông Hoa Kỳ, suốt 25 năm qua ông đã cư ngụ và làm việc tại Roma và trở thành một nhà cố vấn truyền thông kinh nghiệm của Phủ Quốc vụ khanh. Vốn là một người hâm mộ bóng đá, cũng như Đức Thánh Cha, ông Burke đã ví von về ‘ngôi sao truyền thông’ Phanxicô như thế này: “Chúng tôi chuyền bóng cho Đức Thánh Cha và ngài ghi bàn”! Dí dỏm hơn, ông Burke còn đề nghị một khẩu hiệu, như vẫn thường thấy trên các bao thuốc lá, để in trên các tấm ảnh của của Đức Thánh Cha và cảnh báo mọi người: “Nguy hiểm: Người này có thể thay đổi cuộc đời của bạn!”
Ngày 18 tháng 10 vừa qua, trong một bài nói chuyện với các ân nhân của một quỹ bảo trợ tài chính cho Bảo tàng Vatican nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, ông Burke đã ca ngợi khả năng thu hút truyền thông của Đức Thánh Cha Phanxicô: Đó không phải là sự mê hoặc. Nó phát xuất từ đức ái Kitô giáo, vốn có sức thu hút mạnh mẽ hơn sự mê hoặc. Đức Thánh Cha muốn vượt qua giới hạn chính trị của phe cánh bằng cách định hướng con người chú tâm vào Tin Mừng và Thiên Chúa, cũng như chân lý và lòng thương xót của Ngài. Tin Mừng không phải là khí cụ làm cho chúng ta dễ chịu nhưng, trái lại, Tin Mừng thách đố chúng ta rất cụ thể: hãy loan báo chân lý và đồng hành với con người tìm gặp Thiên Chúa.
Ông Burke cũng bình luận về âm hưởng từ những giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô: Ngài không xoa dịu con người bằng một lối diễn tả Tin Mừng hời hợt mưu tìm sự đón nhận một cách dễ chịu nhưng là giới thiệu sự thật của Tin Mừng vốn diễn tả chân lý của Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và tha thứ. Ông Burke đề cập đến hình ảnh Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến” mà Đức Thánh Cha đã đề cập, trong bài phỏng vấn lịch sử, để ghi nhận lập trường của Đức Thánh Cha về sứ vụ của Giáo hội: một Giáo hội chữa lành.
Với thâm niên và trải nghiệm trong giới truyền thông, ông Burke đã liệt kê 10 từ khóa để tìm hiểu về giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và để giải thích về phong thái của ngài:
1. Lòng thương xót – Trình thuật về người con hoang đàng [của Tin Mừng] là một chủ đề được Đức Thánh Cha trích dẫn nhiều lần và xác quyết rằng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để ban ơn tha thứ và chờ đón sự trở về của con người; và vì thế “Giáo hội luôn luôn mong đợi con người với cánh tay rộng mở”.
2. Can đảm hoặc dũng cảm – Bạn hãy chuẩn bị vì Đức Thánh Cha sẽ thách đố mọi người! Những ai sống trong tiện nghi hoặc sống trong những nước phát triển sẽ được Đức Thánh Cha chiếu cố và thách đố một cách đặc biệt. Đúng thôi, vì đó là thách đố của Tin Mừng.
3. Vùng ven và Sứ vụ – Đức Thánh Cha tiếp nối các đấng tiền nhiệm phê phán mạnh mẽ một thế giới chia rẽ giữa giàu và nghèo. Đức Thánh Cha Phanxicô “không phải là người của ân sủng rẻ tiền và thứ tôn giáo dễ chịu. Ngài muốn nhìn thấy các Kitô hữu dám làm”.
4. Cầu nguyện – Người không có niềm tin thường không hiểu được tầm quan trọng của cầu nguyện trong đời sống đức tin. Chẳng hạn như Chân phước Têrêsa Calcutta đã từng bị truyền thông thế tục xem như một “nhà hoạt động xã hội trong chiếc áo dòng”. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã không ngừng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cầu nguyện và thúc đẩy mọi người cầu nguyện.
5. Gặp gỡ – Đức Thánh Cha đề nghị mọi người đón nhận nền “văn hóa gặp gỡ” để cảm nhận Thiên Chúa và gặp gỡ mọi người, kể cả những người không có đức tin. Cách thế gặp gỡ và giao tiếp này bắt đầu từ trong gia đình.
6. Niềm vui – Đức Thánh Cha nhận được nhiều khen ngợi về điều này, đơn giản là vì ngài thể hiện niềm vui một cách thật giản dị. Đối với Đức Thánh Cha, nguy hiểm và cám dỗ lớn nhất của đời người là “sự ngã lòng, sự bất hòa, sự chán nản và sự dữ”.
7. Phục vụ – Đức Thánh Cha đã nêu gương phục vụ qua việc tự thanh toán tiền trọ ở Roma sau khi được bầu làm giáo hoàng, tự gọi điện thoại cho những người viết thư cho mình, hay làm những việc mà lẽ ra ngài có thể để các phụ tá thực hiện. Thông điệp của ngài là: “Đó không phải là quyền lực hay đặc ân, chúng ta hiện diện để phục vụ”.
8. Đơn sơ và khiêm nhường – Việc Đức Thánh Cha quyết định lưu trú trong nhà khách thay vì ở trong Dinh Tông Toà hoặc việc ngài tự xách cặp khi công du phần nào nói lên tính cách của Đức Thánh Cha Phanxicô và mọi người cần làm quen với sự bình dị ấy.
9. Cảm thương – Thương cảm và đồng cảm với người khác là sở trường của Đức Thánh Cha. Điều đó thể hiện rõ nét khi ngài ôm tất cả mọi người vào lòng và ngay cả khi ở giữa đám đông ngài vẫn có thể hiện diện một cách trọn vẹn với từng người.
10. Năng lượng – Với tuổi 76, Đức Thánh Cha quả thật là một người đầy tràn năng lượng và chúng ta sẽ được tham gia vào một hành trình thú vị!
 (Theo CNS)
Đọc tiếp »

Giáo hạt Phan Thiết

(Nguồn: Gpphanthiet.com)


GIÁO HẠT PHAN THIẾT TỪ GIÃ
CÁC CHA ĐI NHẬN NHIỆM SỞ MỚI

Trưa ngày 21-10-2013, các cha trong giáo hạt đã tập trung về nhà xứ Chính Tòa để chuẩn bị cho việc thuyên chuyển sẽ tiến hành trong tháng 11-2013: cha Giuse Bùi Ngọc Báu, sau 7 năm 8 tháng phục vụ tại giáo xứ Tầm Hưng, ngày 01-11-2013 sẽ bàn giao giáo xứ và ngày 02-11-2013 sẽ về nghỉ tại nhà hưu dưỡng trong tòa giám mục, cha Giuse Trần Đức Dậu, sau 10 năm 10 tháng phục vụ tại gia1o xứ Thanh Hải, ngày 6-11-2013 sẽ bàn giáo giáo xứ và  ngày 16-11-2013 sẽ về chủng viện Nicôla, cha Giuse Hồ Sĩ Hữu, sau 2 năm 4 tháng làm chánh xứ Chính Tòa kiêm Hạt trưởng Phan Thiết, 5 năm 9 tháng làm Chưởng Ấn & Thư Ký TGM, ngày 18-11-2013 sẽ đến làm chánh xứ Vinh Tân, cha Phaolô Hoàng Kim Tốt, sau 8 năm 9 tháng phục vụ tại giáo xứ Ma Lâm, ngày 3-11-2013 sẽ bàn giao giáo xứ và ngày 9-11-2013 sẽ đến làm quản xứ Vinh Lưu.

Cha Hạt trưởng  cám ơn các cha đã tận tình phục vụ các giáo xứ  trong giáo hạt thời gian qua, cầu chúc các cha tràn đầy ân sủng, bình an và niềm vui của Chúa để lên đường nhận  nhiệm sở mới.

Sau đó các cha đã dùng bữa cơm trưa gia đình giáo hạt với sự hiện diện của ĐGM giáo phận và Đức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan.

GX Chính Tòa
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Khánh nhật truyền giáo

Tác giả: Thầy Paul Duy Yên


SỨ MẠNG TRUYỀN GIÁO
Ra đi loan báo Tin Mừng
Mang theo sứ mạng tưng bừng hỷ hoan
Hợp cùng toàn thể vũ hoàn
Ngợi ca danh Chúa hoàn toàn hiệp thông
Tin mừng sự sống ban không
Chúa dành cho hết những ai mong Ngài
Nguồn ơn cứu độ trãi dài
Qua muôn thế hệ lâu đài tình yêu
Nhiệm mầu tình Chúa cao siêu
Vượt trên tất cả bao nhiêu cho vừa
Như lời Chúa phán khi xưa
Đất trời bát ngát vẫn chưa thỏa lòng
Xin cho con biết lập công
Dựng xây nước Chúa trong lòng muôn dân
Nguyện xin Chúa đổ hồng ân
Trên toàn nhân loại đang cần Chúa thương./.

HẠT BỤI

Sài gòn, ngày 21 tháng 10 năm 2013

Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc, Tân Chủ Tịch HĐGMVN

(Trích từ gpphanthiet.com)


Biên bản Đại Hội lần thứ XII Hội đồng Giám mục Việt Nam
(07 – 11/10/2013)
  



HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Đại Hội Lần Thứ XII
B i ê n B ả n
1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã họp Đại hội lần thứ XII từ chiều thứ Hai ngày 07/10/2013 đến trưa thứ Sáu ngày 11/10/2013, tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Về tham dự Đại hội có sự hiện diện đông đủ các vị chủ chăn của 26 giáo phận: Đức Hồng Y, các Đức Tổng giám mục, các giám mục và linh mục giám quản giáo phận Vĩnh Long.
3. Hội Đồng Giám Mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; đồng thời chúc mừng Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho, vừa được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục Phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh; chúc mừng Đức tân giám mục chính tòa giáo phận Bùi Chu; vui mừng và chào đón các thành viên mới của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đó là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên, tân giám mục phụ tá giáo phận Vinh, Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, tân giám mục phụ tá giáo phận Hưng Hóa.
4. Hội Đồng Giám Mục lắng nghe những sinh hoạt phong phú trong Năm Đức Tin được diễn ra ở nhiều lãnh vực.
5. Đại hội tiếp tục trao đổi về dự án kiến thiết Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang.
6. Hội Đồng Giám Mục dành nhiều thời gian soạn thảo Thư Chung với những định hướng mục vụ cụ thể cho những năm sắp tới.
7. Đại hội đã bầu ra Ban Thường vụ và Chủ tịch của các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng
Tổng thư ký: Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt
Phó Tổng thư ký: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Các Ủy Ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gồm có:
1/ Ủy Ban Giáo lý đức tin
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Năng
2/ Ủy Ban Kinh Thánh
Chủ tịch: Đức cha Giuse Võ Đức Minh
3/ Ủy Ban Phụng tự
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ
4/ Ủy Ban Nghệ thuật thánh
Chủ tịch: Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy Ban Thánh nhạc
Chủ tịch: Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản
6/ Ủy Ban Loan báo Tin mừng
Chủ tịch: Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long
7/ Ủy Ban Giáo sĩ-Chủng sinh
Chủ tịch: Đức cha Antôn Vũ Huy Chương
8/ Ủy Ban Tu sĩ
Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ
9/ Ủy Ban Giáo dân
Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu
10/ Ủy Ban Truyền thông xã hội
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy Ban Giáo dục công giáo
Chủ tịch: Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo
12/ Ủy Ban Mục vụ giới trẻ
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên
13/ Ủy Ban Văn hóa
Chủ tịch: Đức cha Giuse Vũ Duy Thống
14/ Ủy Ban Công lý-Hòa bình
Chủ tịch: Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
15/ Ủy Ban Mục vụ Gia đình
Chủ tịch: Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri
16/ Ủy Ban Bác ái xã hội- Caritas
Chủ tịch: Đức cha Tôma Aquinô Vũ Đình Hiệu
17/ Ủy Ban Mục vụ di dân
Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh.
8. Đại hội cũng trao đổi về một số vấn đề khác như tình trạng các dòng tu chưa rõ nguồn gốc, vai trò linh mục chánh văn phòng của văn phòng Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục, việc xướng tên thánh Giuse trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.
9. Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.
Trung Tâm Mục Vụ TGP.TP. HCM ngày 11/10/2013
Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
(Đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt
Giám mục giáo phận Bắc Ninh
Hội đồng Giám mục Việt Nam

Đọc tiếp »

Cáo phó

(Theo tin từ gpphanthiet.com)

Đọc tiếp »

Tác giả: Thầy Paul Duy Yên

Bệnh Vô Cảm Thời Đại


Vô cảm bệnh dịch đã lây lan
Xã hội tràn lan bệnh dịch này
Nguyên nhân bắt nguồn từ đâu vậy
Làm sao chữa khỏi bệnh lay lan?
Có phải con người sống trái ngang
Đạo đức lương tâm cũng chẳng màng
Chỉ cần thỏa mãn bao dục vọng
Dù đời chỉ có cũng bằng không./.



Hạt bụi

Sài gòn, ngày 15 tháng 10 năm 2013

Đọc tiếp »

Chúa Nhật Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm C


20/10/2013

PHÚC ÂM:   Lc  18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc' ".

Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"  Đó là lời Chúa.
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.