Thư Mục Vụ Dịp Đầu Năm 2014:
“Phúc-Âm-Hóa Đời Sống Gia Đình”
Kính gửi: anh em linh mục; anh chị em tu sĩ, chủng sinh
và cộng đoàn dân Chúa giáo phận Phan Thiết.
Anh chị em thân mến,
Theo tinh thần Thư Chung 2013 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2014 được chọn là “Năm phúc-âm-hóa đời sống gia đình”. Đây là một sáng kiến vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại của Giáo Hội, khi Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XII, từ ngày 11 đến ngày 27.10. 2012 tại Roma, đã chú tâm đến chủ đề “Tân phúc-âm-hóa để thông truyền đức tin”; vừa tương ứng với dự kiếncủa Giáo Hội cho tương lai, vì Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới khóa ngoại thường vào tháng 10.2014 sắp tới, sẽ bàn luận về “Những thách đố mục vụ đối với gia đình trong bối cảnh phúc-âm-hoá”. Phúc-âm-hóa đời sống gia đình như vậy là một thao thức mục vụ dựa trên cơ sở: mỗi gia đình một khi đã được phúc-âm-hóa sẽ tham gia vào công cuộc phúc-âm-hóa chung của Giáo Hội để sẵn sàng làm chứng cho Phúc Âm giữa cuộc sống hằng ngày.
1. Gia đình được phúc-âm-hóa nhờ bí tích hôn nhân
Nếu phúc-âm-hóa là tiến trình đem ánh sáng Phúc Âm soi vào một thực tại, làm cho thực tại ấy sáng lên và chiếu tỏa, thì phúc-âm-hóa đời sống gia đình cũng là một tiến trình được khởi đi từ việc gia đình đón nhận các giá trị Phúc Âm, rồi không ngừng làm cho các giá trị ấy thấm vào trong cơ cấu cũng như mọi sinh hoạt, mong biểu lộ ra bằng đời sống hạnh phúc ngay chính, nêu gương sáng cho các gia đình lân cận.
Tự bản chất, nhờ ân sủng của bí tích hôn nhân, gia đình công giáo “nhất phu nhất phụ, bất khả phân ly” đã được phúc-âm-hóa làm thành cộng đoàn “một xương một thịt” (x. Mt 19,5), từ lúc vợ chồng còn son đến khi có con cái, được sinh động hóa bởi tình yêu vừa hiến thân cho nhau, vừa làm phong phú lẫn nhau, có khả năng diễn tả Tình Yêu Thiên Chúa. Mục đích của cộng đoàn yêu thương này là phục vụ sự sống, quy hướng vào việc sinh sản và giáo dục con cái.
Phúc-âm-hóa đời sống gia đình, như vậy, vừa là hồng ân Chúa, vừa là sứ mạng bậc sống. Là hồng ân Chúa, gia đình đón nhận các giá trị Phúc Âm như vốn liếng khởi nghiệp; nhưng là sứ mạng, gia đình còn phải nỗ lực làm cho phát triển sinh lời, bằng cách để cho các giá trị Phúc Âm thẩm thấu vào mọi sinh hoạt, sao cho gia đình bên ngoài cũng hạnh phúc như bao gia đình khác, nhưng bên trong còn lắng đọng hạnh phúc sâu hơn, không chỉ đóng khung trong gia đình mình, kiểu “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, mà còn “đặt trên đế” (x. Mt 5,15) để tỏa sáng ra xung quanh; và không chỉ dừng lại ở đời này, mà hơn thế còn trở thành dấu chỉ cho hạnh phúc đời đời.
Được phúc-âm-hóa từ bí tích hôn nhân, gia đình quyết tâm “trở nên điều mình là” bằng nỗ lực phúc-âm-hóa mọi sinh hoạt hằng ngày, nhằm giúp đỡ hữu hiệu cho mọi thành viên gia đình, dù khác biệt về phái tính, tuổi tác và tính tình, có được cuộc sống làm người trọn vẹn. Chính trong ý nghĩa này, gia đình được gọi là “cộng đoàn các ngôi vị” (x. Familiaris Consortio, số 18).
2. Gia đình tham gia vào sứ mạng phúc-âm-hóa của Giáo Hội
Khi đã được phúc-âm-hóa, gia đình sẽ chung phần vào sứ vụ của Giáo Hội để loan báo tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Do ơn gọi của mình, gia đình không khép kín nhưng mở ra với xã hội qua sự đóng góp căn bản nhất, là chính kinh nghiệm về sự hiệp thông và chia sẻ. Sống đúng như thế, gia đình trở thành trường học đầu tiên và hữu hiệu về tình yêu, làm tiền đề để khích lệ mở rộng các tương quan cộng đồng. Nhất nữa, được mệnh danh là “Hội Thánh tại gia” (x. GLHTCG số 1656), gia đình Kitô hữu tham dự vào sứ mạng phúc-âm-hóa qua ba chức vụ của Đức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế.
Qua chức vụ tư tế, gia đình sống tinh thần cầu nguyện. Lời cầu nguyện phản ánh những niềm vui hay nỗi buồn; những thành công hay thất bại; những ngày có trẻ chào đời hay có người tử biệt; những cuộc chia ly hay đoàn tụ; nghĩa là tất cả những biến cố của gia đình nối kết với nhau. Bằng việc cầu nguyện, gia đình phó thác vào lòng yêu thương của Thiên Chúa quan phòng và tin tưởng sống bình an, như người xưa vẫn nói: “Gia đình cầu kinh, gia đình bình yên”.
Qua chức vụ tiên tri, gia đình trở nên chứng tá bằng cách sống Lời Chúa mỗi ngày. Chứng tá ấy bao gồm cả tình yêu vợ chồng, việc chăm sóc con cái; sự tự chế, sự hy sinh, sự tha thứ, sự bỏ mình. “Một sự nhịn là chín sự lành”. Tất cả những đức tính này đi vào gia đình, biến mái nhà của gia đình thành một mái ấm thơm hương đức tin, đức ái và sự sống.
Qua chức vụ vương giả, gia đình đáp ứng được những nhu cầu của mỗi thành viên bằng lòng quảng đại và trân trọng, kế đến cũng được mời gọi phục vụ những người nghèo và những người bị bỏ rơi, đồng thời còn thực hiện sứ vụ vương giả bằng cách đào tạo ra những con người biết lạc quan và can đảm sống Tin Mừng.
3. Gia đình là điểm sáng trong công cuộc phúc-âm-hóa
Giữa đời sống thường ngày, các thành viên gia đình từ vị trí của mình, quyết trở thành điểm sáng Phúc Âm.
Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, vừa phản ánh vừa làm phong phú tình yêu gia đình, nên bậc làm cha làm mẹ được mời gọi biến tình thương dành cho con cái thành dấu chỉ hữu hình cho tình yêu Thiên Chúa, và phận làm con cái cũng ý thức diễn tả tình thương đối với cha mẹ như giới răn thứ tư đòi hỏi và như chữ “hiếu” của đạo lý gọi mời. Hòa thuận yêu thương “trên kính, dưới nhường” chính là điểm sáng cuốn hút của mỗi gia đình trong công cuộc phúc-âm-hóa.
Trong vai trò làm vợ và làm mẹ, nữ giới có một vị trí không thể thay thế, ngay cả việc nội trợ tưởng như âm thầm cũng góp phần không nhỏ vào hạnh phúc gia đình. Tình mẫu tử từ ngàn đời luôn được truyền thống Thánh Kinh và xã hội đề cao, vì thế nữ giới nắm giữ chìa khóa hạnh phúc gia đình. Người nữ công giáo không chỉ chăm lo “công, dung ngôn, hạnh” đảm đang mọi bề, mà còn yêu thương chồng con hết mực; không chỉ chăm chút cho nhà mình trong ấm ngoài êm, mà còn nêu gương phúc-âm-hóa cho những nhà gần gũi với mình nữa.
Còn nam giới trong tư cách là chồng và là cha, nghiêm túc gánh vác trách nhiệm cuộc sống, vừa lo cho gia đình có đủ “cơm, áo, gạo, tiền”, vừa lo cho con cái hưởng một nền giáo dục hoàn chỉnh, không chỉ giới hạn trong việc thụ huấn chính thức nơi học đường, mà còn mở rộng bằng chứng tá hằng ngày của tình phụ tử, là giúp con cái phát triển về mọi mặt, cả về nhân bản lẫn luân lý và thiêng liêng. Cung cách yêu thương tôn trọng của nam giới đối với người bạn đời sẽ dạy cho con cái những bài học cốt yếu về lòng thảo kính; tinh thần dấn thân của nam giới trong lao động mưu sinh và chu cấp nhu cầu vật chất cho gia đình cũng nêu gương sáng phúc-âm-hóa cho con cái và mọi người, cách riêng về việc chu toàn trách nhiệm và bổn phận bậc sống.
4. Những đề nghị cụ thể
Cuối cùng, về mặt mục vụ, xin đề nghị với các gia đình trong Giáo Phận một vài việc cụ thể, vừa tạo điều kiện thuận lợi, vừa đẩy mạnh công cuộc phúc-âm-hóa đời sống gia đình. Có thể hình dung những việc này qua ba điều quyết tâm, cũng là ba giai đoạn liên tiếp hỗ tương:
1/ Tẩy trừ bóng tối: ba không.
-Không vi phạm đặc tính hôn nhân công giáo là “một vợ một chồng, bất khả phân ly”;
-Không lơ là bổn phận tôn trọng sự sống và trách nhiệm giáo dục con cái;
-Không sử dụng bạo lực trong gia đình dưới bất cứ hình thức nào, dù là lời nói hay việc làm.
2/ Trang bị dầu đèn: ba chăm.
-Chăm chuyên ôn lại Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo về bí tích Hôn Nhân (1601-1658) và về Điều răn thứ sáu (2331-2391); đọc lại Tông Huấn về Gia Đình của Đức Gioan Phaolô II;
-Chăm lo chu toàn bổn phận bậc sống và đọc kinh tối trong gia đình (x. Thư Chung 2013, số 6);
-Chăm chỉ tham gia sinh hoạt hội đoàn cho từng giới: gia trưởng, hiền mẫu, giới trẻ, thiếu nhi.
3/ Thắp lên ánh sáng: ba sống.
-Sống thánh theo khuôn mẫu thánh gia thất “Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse”;
-Sống đẹp theo châm ngôn “Cha mẹ mẫu mực, con cái thảo hiền” bằng nhiều gương sáng;
-Sống liên đới, thăm viếng, giúp đỡ những gia đình đang gặp khó khăn về vật chất và tinh thần.
Mong rằng những đề nghị này, dưới sự hướng dẫn của các mục tử tại địa phương, sẽ giúp cho mọi người gặp được những cảm hứng thiêng liêng cần thiết, để cuộc sống gia đình được thăng tiến; đồng thời cũng giúp gặp thấy niềm vui thánh hóa khi nỗ lực phúc-âm-hóa đời sống gia đình mình và hăng say góp phần vào công cuộc phúc-âm-hóa của gia đình chung Giáo Phận.
Anh chị em thân mến,
Cùng với chủ đề “Phúc-âm-hóa đời sống gia đình”, một logo giầu tính biểu tượng cũng được phổ biến, vừa như một nhắc nhớ mọi thành phần dân Chúa Giáo Phận trong năm 2014 chung lời cầu nguyện cho các gia đình, để nhận được ơn thánh nâng đỡ mà thăng tiến trên hành trình phúc-âm-hóa; vừa như một lời mời chiêm ngắm cầu xin Thánh Gia “Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse”, là nguyên mẫu và là tấm gương cho các gia đình, thương giúp đỡ, để mọi người cảm nhận được hạnh phúc sống Phúc Âm trong Giáo Hội là “gia đình của Thiên Chúa” (x. GLHTCG số 1655).
Nguyện chúc gia đình anh chị em trong năm 2014, dưới sự bảo trợ của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, gặt hái được nhiều thành quả cho công cuộc phúc-âm-hóa tại giáo phận nhà.
Giuse Vũ Duy Thống,
Giám mục GP. Phan Thiết