Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022
TẠ ƠN 21 NĂM LINH MỤC (2000-08/09-2021)
Kỷ niệm thụ phong Linh Mục lần này, anh em chúng con tính về Cù Mi tạ ơn Chúa, tri ân Đức Mẹ và cám ơn mọi người… nhưng dịch bệnh đã “cách li tập trung” Thánh Lễ đồng tế này, nên ai ở nhà xứ nấy, nhớ nhau và cầu nguyện cho nhau thôi…
THÁNH PHAOLÔ KHIỂN TRÁCH… (Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô, chương 6:)
1 Thưa anh em, khi xảy ra tranh chấp với kẻ khác, có người trong anh em dám đi kiện cáo trước mặt người ngoại mà lại không đến trước mặt những người trong dân thánh ! 2 Nào anh em chẳng biết rằng dân thánh sẽ xét xử thế gian sao ? Mà nếu được quyền xét xử thế gian, anh em lại không xứng đáng xử những việc nhỏ mọn ư ? 3 Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao ? Phương chi là những việc đời này ! 4 Thế mà khi phải xét xử những việc đời này, anh em lại đặt những người mà Hội Thánh coi nhẹ làm quan toà ! 5 Tôi nói thế cho anh em phải xấu hổ.
Chẳng lẽ trong anh em lại không có người nào khôn ngoan có thể xử các vụ tranh chấp giữa anh em mình ư ? 6 Đằng này, anh em đã kiện cáo nhau thì chớ, lại còn đem nhau ra trước toà những người không có đức tin ! 7 Dù sao, nguyên việc anh em kiện cáo nhau đã là một thất bại cho anh em rồi. Tại sao anh em chẳng thà chịu bất công ? Tại sao anh em chẳng thà chịu thiệt thòi ? 8 Nhưng chính anh em lại ăn ở bất công và bóc lột, và đã đối xử như thế với anh em mình !
9 Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao ? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, 10 những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. 11 Trước kia, có vài người trong anh em đã là như thế. Nhưng anh em đã được tẩy rửa, được thánh hoá, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta !
Thứ Ba, 6 tháng 9, 2022
ĐỪNG XÂY NHÀ CAO TẦNG MÀ PHÁ HUỶ CỘNG ĐỒNG… (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
“...Kinh thánh, ngay từ đầu, đã cảnh cáo chúng ta về điều này. Hãy nghĩ đến câu chuyện về Tháp Babel (xem St 11, 1-9); câu chuyện này mô tả những gì xảy ra khi chúng ta cố gắng vươn tới trời- tức là đích đến của chúng ta – mà bỏ qua mối ràng buộc của chúng ta với nhân loại, tạo vật và Đấng Tạo Hóa. Đây là một kiểu nói văn hoa. Điều này xảy ra bất cứ khi nào ai đó muốn leo lên và leo lên mà không lưu ý gì tới người khác. Chỉ bản thân tôi, phải không? Hãy nghĩ tới ngọn tháp.
Chúng ta đang xây những ngọn tháp và các tòa nhà chọc trời, nhưng chúng ta đang phá hủy cộng đồng. Chúng ta thống nhất các tòa nhà và ngôn ngữ, nhưng chúng ta bóp chết tính phong phú của văn hóa. Chúng ta muốn trở thành chủ nhân của Trái đất, nhưng chúng ta lại hủy hoại sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái. Trong một buổi yết kiến khác, tôi đã nói về những ngư dân phát xuất từ San Benedetto del Tronto, những người từng đến đây năm nay, và họ nói với tôi rằng năm nay: “Chúng con đã vớt 24 tấn chất thải khỏi biển, một nửa trong số đó là chất nhựa”. Hãy nghĩ đến việc những người này có nhiệm vụ bắt cá - vâng - nhưng cũng từ chối, và ra khơi để làm sạch biển. Không có tình liên đới, trái đất vốn là một hồng phúc, sẽ mất sự cân bằng sinh thái, sẽ hủy hoại trái đất...” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
THOÁT DỊCH PHẢI TỐT HƠN, LIÊN ĐỚI YÊU THƯƠNG HƠN (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
“... Lễ Ngũ tuần hoàn toàn trái ngược với Tháp Babel (xin xem Công vụ 2, 1-3), chúng ta đã nghe ở phần đầu của buổi yết kiến. Chúa Thánh Thần, từ trên cao ngự xuống như gió và lửa, lướt trên cộng đoàn đang co cụm trong Nhà Tiệc Ly, truyền sức mạnh của Thiên Chúa cho họ, và thôi thúc họ ra đi loan báo Chúa Giêsu cho mọi người. Thần Khí tạo ra sự hợp nhất trong đa dạng; Người tạo ra sự hài hòa.
Trong câu chuyện Tháp Babel, không có sự hài hòa nào; chỉ thôi thúc tiến lên để kiếm tiền. Ở đó, những người khác chỉ đơn giản là dụng cụ, chỉ là “nhân lực”, nhưng ở đây, trong Lễ Ngũ Tuần, mỗi người chúng ta là một công cụ, nhưng là một công cụ cộng đồng tham gia đầy đủ vào việc xây dựng cộng đồng. Thánh Phanxicô Assisi biết rõ điều này, và được Thần Khí linh ứng, ngài đã gọi mọi người, thực sự mọi tạo vật, là anh chị em (xin xem Laudato Si' 11; xin xem LS 11; xem Thánh Bonaventure, Legenda maior, VIII, 6: FF 1145). Thâm chí, anh sói, hãy nhớ điều đó. Với Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa làm cho chính Người hiện diện và soi dẫn đức tin của cộng đồng hợp nhất trong đa dạng và liên đới. Sự đa dạng và liên đới hợp nhất trong hài hòa, đó mới là cách.
Sự đa dạng trong liên đới sở hữu nhiều “kháng thể” bảo đảm rằng tính độc đáo của mỗi con người – vốn là một hồng phúc, độc đáo và không thể lặp lại được - không bị chủ nghĩa duy cá nhân, tính ích kỷ làm cho bệnh hoạn. Sự đa dạng trong liên đới cũng sở hữu các kháng thể có thể hàn gắn các cơ cấu và diễn trình xã hội từng thoái hóa trở thành các hệ thống bất công, các hệ thống áp bức (xem Bản Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội, 192). Do đó, liên đới ngày nay là con đường phải đi hướng tới một thế giới hậu đại dịch, hướng tới việc chữa lành những căn bệnh xã hội và liên ngã của chúng ta. Không có con đường nào khác. Hoặc là chúng ta cùng đi trên con đường liên đới, hoặc là mọi sự sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tôi muốn nhắc lại điều này: người ta sẽ không thoát ra khỏi một cuộc khủng hoảng mà vẫn y như trước đây. Đại dịch là một cuộc khủng hoảng. Chúng ta thoát khỏi khủng hoảng một là tốt hơn hai là tệ hơn trước. Tùy ý chúng ta lựa chọn. Và liên đới thực sự là một cách để thoát khỏi khủng hoảng mà được tốt hơn, chứ không phải bằng những thay đổi phiến diện, với một lớp sơn mới để mọi thứ trông đều ổn. Không. Phải tốt hơn!” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
BIẾT LẮNG NGHE (ĐTC Phanxicô, 05/09/2021)
Bài Tin Mừng trong phụng vụ ngày hôm nay trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã chữa lành một người điếc không thể nói được. Điều nổi bật trong câu chuyện này là cách Chúa thực hiện dấu chỉ phi thường này. Ngài đưa người đàn ông bị điếc sang một bên, đặt ngón tay vào tai người ấy và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” nghĩa là, “Hãy mở ra!” (x. Mc 7, 33-34). Trong những sự chữa lành khác, đối với những bệnh tật nghiêm trọng như bại liệt hoặc phong cùi, Chúa Giêsu đã không làm nhiều điều như vậy. Vậy tại sao Ngài lại làm tất cả những điều này, mặc dù họ chỉ yêu cầu Ngài đặt tay lên người bệnh (xem c.32)? Có thể đó là vì tình trạng của người đó có một giá trị biểu tượng đặc biệt.
Tình trạng điếc cũng là một biểu tượng có thể nói lên điều gì đó đối với tất cả chúng ta. Vậy biểu tượng này là gì? Thưa: Điếc. Người đàn ông đó không thể nói bởi vì anh ta không thể nghe thấy. Để chữa lành nguyên nhân gây ra bệnh tật của người ấy, Chúa Giêsu, trên thực tế, đặt những ngón tay của mình trước hết vào tai của người đàn ông, sau đó miệng của anh ta, nhưng trước hết là vào đôi tai của anh ta.
Tất cả chúng ta đều có tai, nhưng rất thường xuyên chúng ta không thể nghe thấy. Tại sao thế? Thưa anh chị em, có một chứng điếc nội tâm mà chúng ta có thể xin Chúa Giêsu chạm vào và chữa lành ngay hôm nay. Đó là điếc nội tâm, tệ hơn điếc thể chất, vì nó là chứng điếc lác của con tim. Vội vã bởi quá nhiều điều phải nói và làm, chúng ta không tìm thấy thời gian để dừng lại và lắng nghe những người muốn nói với chúng ta.
Chúng ta có nguy cơ trở nên vô cảm trước mọi thứ và không còn chỗ cho những người cần được lắng nghe. Tôi đang nghĩ về trẻ em, thanh niên, người già, những người không thực sự cần những lời nói và các bài giảng, nhưng cần được lắng nghe. Chúng ta hãy tự hỏi: khả năng lắng nghe của tôi đang như thế nào đây? Tôi có để mình xúc động trước cuộc sống của người ta không? Tôi có biết dành thời gian cho những người thân thiết với tôi để lắng nghe họ không?” (ĐTC Phanxicô, 05/09/2021)
Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022
TẬP PHÂN ĐINH ĐỂ SỐNG YÊU THƯƠNG (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
“…Sự phân định, như tôi đã nói, đòi hỏi một sự lao nhọc. Theo Kinh Thánh, chúng ta không tìm thấy một cuộc sống đã được gói sẵn về những gì chúng ta phải sống. Không! Chúng ta phải quyết định nó một cách liên tục, tùy tình hình thực tế. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đánh giá và lựa chọn: Người đã tạo nên chúng ta với sự tự do và muốn chúng ta sử dụng sự tự do của mình. Do đó, đòi hỏi phải có sự phân định.
Chúng ta thường có kinh nghiệm này: chọn điều gì đó có vẻ tốt, nhưng thực tế lại không. Hoặc biết điều gì đó là thực sự tốt cho mình nhưng lại không chọn nó. Con người, khác với động vật, có thể sai, có thể không muốn chọn đúng. Và Kinh Thánh cho thấy điều đó ngay từ những trang đầu tiên. Thiên Chúa ban cho con người một chỉ dẫn cụ thể: nếu ngươi muốn sống, nếu ngươi muốn nếm hưởng cuộc sống thì hãy nhớ rằng ngươi là một thụ tạo, rằng ngươi không phải là thước đo của thiện và ác, và rằng những lựa chọn ngươi đều mang lại những hệ quả cho ngươi, cho người khác và cho thế giới (xem St 2,16-17); ngươi có thể làm cho trái đất trở thành một khu vườn tráng lệ hoặc ngươi có thể biến nó thành một sa mạc chết chóc. Giáo huấn nền tảng ở đây là: không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện đó là cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thiên Chúa và con người. Cuộc đối thoại là: Thiên Chúa trao sứ mạng, thế này, thế này…; và con người ở mỗi bước đi phải phân định để đưa ra quyết định. Sự phân định là phản ánh của tâm trí, con tim mà chúng ta phải làm trước khi đưa ra quyết định.
Sự phân định tuy khó nhọc nhưng không thể miễn trừ trong cuộc sống. Nó đòi hỏi tôi phải biết mình, biết điều gì là tốt cho tôi tại đây và lúc này. Trên tất cả, nó đòi hỏi một tương quan con thảo với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha, Người không để chúng ta một mình, Người luôn sẵn lòng khuyên bảo chúng ta, khuyến khích chúng ta và chào đón chúng ta. Nhưng Người không bao giờ áp đặt ý muốn của Người trên chúng ta. Vì sao? Bởi vì Người muốn được yêu chứ không vì sợ hãi. Và nữa, Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành người con chứ không phải nô lệ: những người con tự do. Và người ta chỉ có thể sống tình yêu trong tự do. Để học cách sống, người ta phải học cách yêu thương, và vì điều này, cần phải phân định: tôi có thể làm gì lúc này, khi đối diện với bao nhiêu điều khác? Đâu là dấu hiệu của một tình yêu lớn hơn, một sự trưởng thành hơn trong tình yêu. Chúng ta xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta! Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, đặc biệt là khi chúng ta phải chọn lựa. Xin cảm ơn.” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2022
BIẾT PHÂN ĐỊNH… (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
“…Tin Mừng gợi ý một khía cạnh quan trọng khác của sự phân định: nó liên quan đến các cảm xúc. Ai đã tìm được kho báu mà lại không cảm thấy khó khăn khi bán đi mọi thứ, và cả niềm vui lớn của họ (x. Mt 13,44). Thuật ngữ được sử dụng bởi thánh sử Mátthêu chỉ một niềm vui hết sức đặc biệt, mà không một thực tại con người nào có thể ban tặng được; và nó còn lặp lại trong rất ít
những đoạn Tin Mừng khác, mà tất cả đều nói về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Đó là niềm vui của các Đạo sĩ, sau hành trình dài và khó nhọc, đã lại nhìn thấy ngôi sao (x. Mt 2,10); đó là niềm vui của những phụ nữ trở về từ ngôi mộ trống sau khi nghe thiên thần báo tin Chúa sống lại (x. Mt 28,2). Đó là niềm vui của những người đã tìm được Chúa. Đưa ra một quyết định tốt, một quyết định đúng, luôn mang lại niềm vui chung cuộc; có thể người ta phải khó khăn trên đường đi với sự không chắc chắn, phải nghĩ, phải tìm, nhưng cuối cùng quyết định đúng sẽ mang lại niềm vui.
Trong cuộc phán xét cuối cùng, Thiên Chúa sẽ làm một cuộc phân định trước chúng ta. Hình ảnh của người nông dân, người đánh cá và người buôn ngọc là những ví dụ về những gì xảy ra trong Vương quốc Thiên Chúa, một Vương quốc thể hiện qua những hành động thường hằng của cuộc sống, đòi hỏi phải có lập trường. Đây là lý do tại sao biết cách phân định lại quan trọng đến thế: những lựa chọn tuyệt vời có thể nảy sinh từ những hoàn cảnh thoạt nhìn chỉ là thứ yếu, nhưng lại có ý nghĩa quyết định.
Ví dụ, chúng ta hãy nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên của Anrê và Gioan với Chúa Giêsu, một cuộc gặp gỡ nảy sinh từ một câu hỏi đơn giản: “Thưa Rabbi, Ngài ở đâu?” – Chúa Giêsu nói: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,38-39). Một cuộc trao đổi rất ngắn, nhưng đó là sự khởi đầu của một sự thay đổi từng bước sẽ ghi dấu ấn của cả cuộc đời. Thật lâu sau, Thánh sử vẫn sẽ tiếp tục ghi nhớ cuộc gặp gỡ đó đã thay đổi ông mãi mãi, nhớ cả về giờ: “Lúc đó khoảng bốn giờ chiều” (câu 39). Đó là điểm mà thời gian và vĩnh cửu gặp nhau trong cuộc đời ông. Và trong một quyết định tốt và đúng đắn, ý muốn của Thiên Chúa và ý muốn của chúng ta sẽ gặp nhau, bước đường hiện tại và vĩnh cửu sẽ gặp nhau. Đưa ra quyết định đúng đắn, sau một hành trình phân định, là làm cho thời gian và vĩnh cửu gặp nhau.
Bởi thế, kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm, ý chí là một số yếu tố không thể thiếu của sự phân định. Trong hành trình các bài giáo lý này, chúng ta sẽ thấy những điều khác, cũng quan trọng không kém…” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
PHÚC THAY AI SẦU KHỔ (Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng)
Trích bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, về các mối phúc :
“Sau khi giảng về mối phúc khó nghèo, Chúa nói thêm : Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Anh chị em thân mến, Chúa hứa ban niềm an ủi đời đời cho người sầu khổ ; sầu khổ ở đây không đồng nghĩa với cực khổ ở trần gian này. Những lời than vãn vọng lên từ tiếng khóc của toàn thể nhân loại cũng chẳng làm cho ai được hạnh phúc.
Người thánh thiện rên rỉ vì lý do khác, người lành thánh khóc than cũng vì nguyên nhân khác. Người đạo đức buồn sầu khóc lóc hoặc tội người khác, hoặc tội mình. Người ấy không sầu khổ vì Chúa xét xử công minh, nhưng buồn vì loài người phạm tội. Ở đây người làm điều dữ thì đáng cho người ta than khóc, hơn là người phải chịu sự dữ. Bởi vì sự gian ác của kẻ bất lương khiến nó bị phạt ; còn sự chịu đựng của người công chính đưa họ tới vinh quang.”
GẶP NHAU… KÍCH HOẠT TÌNH LIÊN ĐỚI… (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
“Sau nhiều tháng, chúng ta lại gặp lại nhau mặt đối mặt chứ không phải đối với màn hình. Mặt đối mặt. Điều này thật tốt! Đại dịch hiện thời làm nổi bật sự liên lập của chúng ta: tất cả chúng ta đều được liên kết với nhau, dù tốt hay xấu. Vì vậy, để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này tốt hơn trước đây, chúng ta phải làm như vậy cùng với nhau; cùng với nhau, không một mình. Cùng với
nhau. Một mình, không, bởi vì nó không thể thực hiện được. Hoặc nó được thực hiện cùng với nhau, hoặc nó không được thực hiện. Chúng ta phải làm điều đó cùng với nhau, tất cả chúng ta, trong tình liên đới. Hôm nay tôi xin gạch dưới hạn từ này: liên đới.
Là một gia đình nhân loại, chúng ta có nguồn gốc chung của chúng ta nơi Thiên Chúa; chúng ta cư ngụ trong ngôi nhà chung, vườn-hành-tinh, trái đất nơi Chúa đặt chúng ta vào; và chúng ta có một điểm đến chung trong Chúa Kitô. Nhưng khi chúng ta quên tất cả những điều này, sự phụ thuộc qua lại của chúng ta trở thành sự phụ thuộc của một số người vào những người khác, chúng ta mất đi sự hài hòa của liên lập và liên đới và chúng ta trở nên phụ thuộc - sự phụ thuộc của một số người vào một số ít, vào những người khác - làm gia tăng sự bất bình đẳng và bị gạt ra ngoài lề xã hội; nó làm suy yếu cấu trúc xã hội và làm môi trường xấu đi. Nó luôn luôn là như thế...
Giữa những cuộc khủng hoảng và sóng bão, Chúa kêu gọi chúng ta và mời gọi chúng ta đánh thức và kích hoạt tình liên đới có khả năng mang lại sự vững chắc, nâng đỡ và ý nghĩa cho những giờ phút trong đó mọi sự dường như đang bị phá hủy. Cầu xin tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần khuyến khích chúng ta tạo ra những hình thức mới của lòng hiếu khách quen thuộc, của tình huynh đệ sinh hoa trái và của tình liên đới phổ quát.” (ĐTC Phanxicô, 02/09/2020)
Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2022
Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022
BIỆN PHÂN (PHÂN ĐỊNH) (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới: chúng ta đã hoàn thành loạt bài giáo lý về tuổi già, bây giờ chúng ta bắt đầu một chu kỳ mới về chủ đề biện phân. Biện phân là một hành động quan trọng có liên quan đến mọi người, vì các chọn lựa là một phần thiết yếu của cuộc sống. Người ta chọn thức ăn, quần áo, khóa học, việc làm, mối liên hệ. Trong tất cả những điều này, một dự án cuộc sống được thể hiện, và ngay cả mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng được cụ thể hóa.
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến sự biện phân bằng những hình ảnh lấy từ cuộc sống đời thường; chẳng hạn, Người mô tả người đánh cá chọn những con cá tốt và loại bỏ những con cá xấu; hoặc thương gia biết cách xác định trong số rất nhiều viên ngọc trai, viên ngọc trai nào có giá trị lớn nhất. Hoặc người đang cày ruộng, tình cờ gặp một thứ hóa ra là của báu (x. Mt 13,44-48).
Dưới ánh sáng những thí dụ này, sự biện phân được trình bầy như một thao tác của trí hiểu, cũng là một thao tác của kỹ năng [tiếng Ý: ‘perizia’] và của cả ý chí nữa, để nắm bắt thời cơ: đây là những điều kiện để thực hiện một lựa chọn tốt. Cần có trí hiểu, kỹ năng và cả ý chí để thực hiện một lựa chọn tốt. Và cũng có một cái giá cần thiết để sự biện phân trở nên hữu hiệu. Để thực hiện nghề nghiệp của mình hết khả năng tốt nhất của mình, người đánh cá phải tính đến công việc khó khăn, những đêm dài trên biển, sau đó bỏ một số khỏi mẻ cá, chấp nhận thiệt hại vì lợi ích của những người mà mẻ cá dự định dành cho. Người buôn ngọc trai không ngần ngại chi tiêu mọi sự để mua được viên ngọc trai đó; và người tình cờ tìm được kho báu cũng vậy. [Đây là] những tình huống bất ngờ, không có kế hoạch, trong đó điều quan trọng là phải nhận ra tầm quan trọng và tính cấp bách của một quyết định phải được thực hiện.
Mọi người đều phải đưa ra các quyết định; không ai làm điều này cho chúng ta. Ở một điểm nào đó, người trưởng thành có thể thoải mái hỏi ý kiến; chúng ta có thể suy nghĩ, nhưng quyết định là của chúng ta. Chúng ta không thể nói, 'Tôi mất cái này, bởi vì chồng tôi quyết định, vợ tôi quyết định, anh tôi quyết định.' Không. Anh chị em phải quyết định, mỗi người chúng ta phải quyết định, và vì lý do này, điều quan trọng là phải biết cách biện phân, để quyết định tốt cần phải biết cách biện phân…” (ĐTC Phanxicô, 31/08/2022)
Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022
Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022
ĐỪNG TRÁCH NGƯỜI, BIẾT TRÁCH MÌNH (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
“Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế.” (Mc 7, 15) Đúng hơn, chính là “từ bên trong, từ trong lòng” (c. 21) mà những điều xấu xa được sinh ra. Những từ này mang tính cách mạng, bởi vì trong tư duy thời đó, người ta cho rằng một số loại thực phẩm hoặc các tiếp xúc bên ngoài sẽ làm cho họ không trong sạch. Chúa Giêsu đảo ngược quan điểm: những gì đến từ bên ngoài không gây hại, nhưng đúng hơn, chính là những gì phát sinh ra từ bên trong.
Anh chị em thân mến, điều này cũng liên quan đến chúng ta. Chúng ta thường nghĩ rằng cái xấu chủ yếu đến từ bên ngoài: từ hành vi của người khác, từ những người nghĩ xấu về chúng ta, từ xã hội. Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác, cho xã hội, cho thế giới, đã gây ra tất cả những gì xảy ra cho chúng ta! Đó luôn là lỗi của “những người khác”: đó là lỗi của con người, của những người cai trị, của bất hạnh, v.v. Có vẻ như các vấn đề luôn đến từ bên ngoài. Và chúng ta dành thời gian để đổ lỗi; nhưng dành thời gian để đổ lỗi cho người khác là lãng phí thời gian. Chúng ta càng trở nên tức giận, càng trở nên cay đắng thì càng khiến Chúa xa rời lòng mình. Giống như những người trong bài Tin Mừng, những người phàn nàn, những người bị tai tiếng, những người gây tranh cãi và không chấp nhận Chúa Giêsu. Người ta không thể thực sự ngoan đạo khi phàn nàn: phàn nàn là chất độc, nó dẫn anh chị em đến tức giận, phẫn uất và buồn bã, và trái tim anh chị em đóng chặt cánh cửa lại với Chúa.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi việc đổ lỗi cho người khác như những đứa trẻ con: “Không, đó không phải lỗi của tôi! của người này, của người kia”. Chúng ta hãy cầu xin ơn đừng lãng phí thời gian để làm ô nhiễm thế giới với những lời phàn nàn, bởi vì đó không phải là thái độ của Kitô Hữu. Thay vào đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào cuộc sống và thế giới bắt đầu từ trái tim của chúng ta. Nếu chúng ta nhìn vào bên trong, chúng ta sẽ tìm thấy gần như tất cả những gì bên ngoài mà chúng ta vẫn thường khinh miệt. Và khi chúng ta thành tâm cầu xin Chúa thanh tẩy trái tim mình, thì đó là lúc chúng ta bắt đầu làm cho thế giới trong sạch hơn. Bởi vì có một cách không thể sai lầm để đánh bại cái ác: đó là bằng cách bắt đầu chinh phục nó trong chính anh chị em.
Các Giáo Phụ đầu tiên của Giáo Hội, các tu sĩ, khi được hỏi: “Con đường nên thánh là gì?”, Bước đầu tiên, họ thường nói, là tự trách mình: hãy tự trách mình. Tự trách mình. Có bao nhiêu người trong chúng ta, trong ngày, vào một thời điểm nào đó trong ngày hoặc một thời điểm nào đó trong tuần, có thể tự trách mình ở một mức độ nào đó không? “Vâng, điều này, điều kia, điều nọ đã gây ra cho tôi, đó là sự man rợ”. Nhưng còn tôi thì sao? Tôi cũng làm điều tương tự, hoặc tôi làm thế này, thế kia…. Đó là sự khôn ngoan: anh chị em hãy học cách tự trách mình. Hãy cố gắng làm điều đó, nó sẽ làm anh chị em tốt hơn. Nó làm cho tôi tốt hơn, khi tôi làm được như vậy, nhưng khi đó nó cũng tốt cho chúng ta, cho tất cả mọi người.
Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã thay đổi lịch sử nhờ sự trong sạch của tâm hồn, giúp chúng ta thanh tẩy chính mình, bằng cách vượt qua trước hết và quan trọng hơn hết là thái độ đổ lỗi cho người khác và phàn nàn về mọi thứ.” (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022
ĐỨC TIN PHẢI CHẠM ĐẾN TRÁI TIM (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
Bài Tin Mừng trong Phụng vụ hôm nay cho thấy một số luật sĩ và biệt phái ngạc nhiên trước thái độ của Chúa Giêsu. Họ chướng tai gai mắt vì các môn đệ của Ngài dùng bữa mà không thực hiện các nghi lễ truyền thống trước. Họ tự nghĩ: “Làm thế là trái với các thực hành tôn giáo” (xem Mc 7, 2-5).
Chúng ta cũng có thể tự hỏi: Tại sao Chúa Giêsu và các môn đệ của ngài bỏ qua những truyền thống này? Xét cho cùng chúng không phải là những điều xấu, mà là thói quen lễ nghi tốt, đơn giản là rửa ráy sạch sẽ trước khi dùng bữa. Tại sao Chúa Giêsu không chú ý đến nó? Thưa: Bởi vì điều quan trọng là Ngài phải đưa niềm tin trở lại trung tâm của nó. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy điều đó lặp đi lặp lại: Chúa luôn muốn đưa đức tin trở lại trung tâm. Và để tránh cho những luật sĩ đó, cũng như cho chúng ta, nguy cơ chỉ tuân theo các hình thức bề ngoài, Chúa Giêsu đặt cả trái tim và đức tin vào nền tảng.
Nhiều khi chúng ta cũng “đánh phấn thoa son” cho tâm hồn mình. Nghĩa là, chúng ta chỉ chú ý đến hình thức bề ngoài chứ không phải trung tâm của đức tin: đây là một nguy cơ. Đó là nguy cơ của một vẻ ngoài tôn giáo: chỉ cốt làm cho bề ngoài trông đẹp đẽ, mà không hề thanh lọc tâm hồn. Chúng ta luôn có cám dỗ là “đặt để Chúa” trong giới hạn của một số lòng sùng kính bề ngoài, nhưng Chúa Giêsu không chấp nhận thái độ thờ phượng này. Chúa Giêsu không muốn những hình thức bề ngoài, Ngài muốn một đức tin chạm đến trái tim.” (ĐTC Phanxicô, 29/08/2021)
HUẤN LUYỆN: ĐỂ THIÊN CHÚA HÀNH ĐỘNG (Trích tông huấn "Người Kitô hữu giáo dân" của ĐTC Gioan Phaolô II, 1988, số 63)
Việc huấn luyện không phải là đặc quyền của một số người, nhưng thực sự là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người. về điều này, các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng yêu cầu : “Làm sao cho mọi người, nhất là những người nghèo, đều có thể được huấn luyện, để đến lượt mình, chính họ có thể trở thành nguồn mạch huấn luyện cho mọi người” ; các Nghị Phụ còn thêm : “Trong việc huấn luyện, nên sử dụng những phương tiện thích ứng giúp cho người kitô-hữu thực hiện tốt hơn ơn gọi đầy đủ làm người và làm kitô-hữu của họ”.
Để thực hiện một đường lối mục vụ thực sự hữu hiệu, cần phải cổ võ việc đào tạo các người huấn luyện, kể cả việc thiết lập các khóa học hay các trường dành riêng cho công việc đó. Việc đào tạo những người mà, đến lượt mình, sẽ đảm nhận công việc huấn luyện giáo dân, là một đòi hỏi tiên quyết để bảo tồn việc huấn luyện tổng quát và sâu xa cho toàn thể Dân Chúa, cho mọi giáo dân.
Trong công trình huấn luyện, cần phải lưu ý đặc biệt tới văn hóa địa phương, như Thượng-hội-đồng đã kêu gọi rõ ràng : “Việc huấn luyện các kitô-hữu phải hết sức quan tâm đến văn hóa địa phương, vì văn hóa này góp phần vào chính việc huấn luyện ; việc huấn luyện ấy phải hướng dẫn để nhận ra những giá trị đã có trong văn hóa truyền thống, và những giá trị trong văn hóa mới. Phải chú ý đến những nền văn hóa khác nhau có thể cũng tồn tại trong một dân tộc hay trong một quốc gia. Với tư cách là Mẹ và là Thầy của các dân, Giáo Hội sẽ cố gắng gìn giữ, khi có dịp, nền văn hóa của các nhóm thiểu số đang sống giữa lòng các quốc gia lớn”.
Trong công trình huấn luyện, có một vài xác tín hết sức cần thiết và phong phú. Trước tiên, đó là xác tín rằng không thể có việc huấn luyện đích thực và hữu hiệu nếu mỗi người không tự đảm nhận và phát triển trách nhiệm đào tạo chính mình : quả thực, mọi việc huấn luyện thiết yếu là một thứ “tự-huấn-luyện”.
Tiếp đến là xác tín rằng mỗi người chúng ta vừa là đích điểm vừa là khởi điểm của việc huấn luyện : chúng ta càng huấn luyện mình cho tốt hơn thì càng có khả năng huấn luyện người khác.
Điểm đặc biệt quan trọng là ý thức rằng công trình huấn luyện cho dù chắc chắn không thể nại tới các phương tiện và phương pháp của khoa học nhân văn một cách thông minh, nhưng nó chỉ hữu hiệu trong mức độ sẵn sàng để Thiên Chúa hành động : chỉ có cành nào không sợ để cho thợ vườn nho cắt tỉa mới mang lại hoa trái nhiều hơn cho chính mình và cho người khác."
GIẢ HÌNH (ĐTC Phanxicô, 25/08/2021)
Những kẻ giả hình là những người giả vờ, xu nịnh và lừa dối vì họ sống với một chiếc mặt nạ che mặt và không có đủ can đảm để đối mặt với sự thật. Vì lý do này, họ không có khả năng yêu thương thực sự: kẻ giả hình không biết cách yêu thương. Họ tự giới hạn mình vào việc sống theo chủ nghĩa vị kỷ và không có đủ sức mạnh để biểu lộ trái tim họ cách minh bạch. Có rất nhiều tình huống trong đó, tính giả hình đang hoạt động. Nó thường giấu mặt ở nơi làm việc, nơi người ta tỏ ra bầu bạn với đồng nghiệp, trong khi đâm sau lưng họ do óc tranh giành. Trong chính trị, điều thông thường là thấy những kẻ giả hình sống theo một cách ở nơi công cộng và sống theo một cách khác hẳn ở nơi riêng tư. Giả hình trong Giáo hội là điều đặc biệt đáng ghê tởm; và thật không may, giả hình hiện hữu trong Giáo hội và có nhiều Kitô hữu và thừa tác viên giả hình.
Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Chúa: “Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37). Thưa anh chị em, hôm nay, chúng ta hãy suy nghĩ về thói giả hình mà Thánh Phaolô lên án, và Chúa Giêsu lên án: giả hình. Và chúng ta đừng sợ sống chân thật, nói sự thật, nghe sự thật, làm cho mình tuân theo lẽ thật, để chúng ta có thể yêu thương. Kẻ giả hình không biết yêu thương. Hành động khác với sự thật có nghĩa là gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội, sự hiệp nhất mà chính Chúa đã cầu nguyện.” (ĐTC Phanxicô, 25/08/2021)
Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022
HUẤN LUYỆN GIÁO DÂN TOÀN VẸN (Trích tông huấn "Người Kitô hữu giáo dân" của ĐTC Gioan Phaolô II, 1988, số 60)
Chắc chắn việc huấn luyện thiêng liêng phải chiếm một vị trí ưu tiên trong đời sống của mỗi người, bởi vì mỗi người được kêu gọi để không ngừng lớn lên trong tình thân mật với Đức Giêsu-Kitô, trong sự hòa hợp với ý muốn của Chúa Cha, trong sự tận tụy cho các anh em, trong bác ái và sự công bình. Công Đồng nói : “Đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng sự phù giúp thiêng liêng chung cho mọi tín hữu, nhất là bằng việc tham dự tích cực và Phụng Vụ thánh. Người giáo dân phải làm thế nào để nhờ những phương tiện ấy mà chu toàn nhiệm vụ trần thế trong những hoàn cảnh thường xuyên của cuộc sống mà vẫn không tách khỏi đời sống mình sự kết hiệp với Chúa Kitô, nhưng càng kết hiệp mật thiết hơn khi thi hành công việc của mình theo ý Thiên Chúa”.
Ngày nay, việc huấn luyện đạo lý cho các tín hữu mỗi ngày một khẩn thiết hơn, không những vì sự năng động tự nhiên thúc đẩy việc đào sâu đức tin, nhưng còn vì nhu cầu “chứng thực niềm hy vọng” nơi họ trước một thế giới cũng như trước những vấn đề nghiêm trọng và phức tạp của thế giới. Do đó, một hoạt động huấn giáo có hệ thống, thích hợp với lứa tuổi và với những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, một sự thăng tiến văn hóa theo tinh thần Kitô-giáo cách cương quyết hơn, được coi là tuyệt đối cần thiết, để có thể trả lời cho những vấn đề muôn thuở cũng như những vấn đề mới đang làm cho con người và vũ trụ hiện nay giao động.
Đặc biệt, một điều không thể thiếu được, là người giáo dân, nhất là những người tham gia nhiều cách khác nhau vào lãnh vực xã hội hoặc chính trị, cần phải hiểu biết chính xác hơn về học thuyết xã hội của Giáo Hội, như các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhiều lần đòi hỏi trong các phát biểu của mình. Khi nói tới việc tham gia của giáo dân vào chính trị, Thượng-hội-đồng đã diễn tả như sau : “Để người giáo dân có thể tích cực thực hiện dự phóng cao quý này trong lãnh vực chính trị (tức là dự phóng làm cho người ta nhìn nhận và quý trọng các giá trị nhân bản và Kitô-giáo), chỉ khuyến khích mà thôi thì không đủ, cần phải trao cho họ những phương tiện cần thiết để đào tạo lương tâm xã hội của họ, đặc biệt dựa vào học thuyết xã hội của Giáo Hội, là học thuyết bao gồm những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những chỉ dẫn hành động (x. TB. Giáo Lý Đức Tin, “Huấn thị về Tự Do Kitô-giáo và giải phóng”, 72). Học thuyết này phải được đua vào trong chương trình huấn giáo cơ bản và phải được giải thích trong những khóa chuyên biệt cũng như trong các trường học và đại học. Cũng nên ghi nhận rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội có tính năng động, nghĩa là nó thích ứng với hoàn cảnh không gian và thời gian. Các vị chủ chăn có quyền và nghĩa vụ đề ra những nguyên tắc lyuân lý thuộc lãnh vực xã hội cũng như những lãnh vực khác ; mọi kitô-hữu phải sẵn sàng bảo vệ các quyền con người ; tuy nhiên, việc dấn thân tích cực trong các đảng phái chính trị được dành cho người giáo dân”.
Trong bối cảnh của việc huấn luyện giáo dân cách toàn vẹn và thống nhất, phải luư tâm tài bồi các giá trị nhân bản ; đó là điều quan trọng trong công tác truyền giáo và tông đồ. Chính trong chiều hướng này, Công Đồng đã viết : “(Giáo dân) nên quý trọng chuyên môn nghề nghiệp, ý nghĩa gia đình và công dân, cũng như những đức tính liên quan tới đời sống xã hội chẳng hạn sự lương thiện, tinh thần công bình, lòng thành thực, sự tế nhị, lòng quả cảm ; không có những đức tính đó, không thể có đời sống kitô-hữu đích thực”.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)