Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022
Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022
Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022
SỐNG KHÔN NGOAN
9 Này bạn thanh niên,
và làm cho tâm hồn được hạnh phúc
trong những ngày còn trẻ :
cứ chiều theo ước muốn của lòng mình
và những gì mắt mình ưa thích.
Nhưng bạn phải biết rằng :
về tất cả những điều đó,
Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử.
10Hãy đẩy lui sầu não khỏi tâm hồn,
khử trừ đớn đau khỏi thân xác,
vì tuổi trẻ đầu xanh đều là phù vân cả.
121Giữa tuổi thanh xuân,
bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình.
Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới,
đừng chờ cho năm tháng qua đi,
những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói :
“Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả !”
2Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng,
mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm,
và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt.
3Ngày ấy, người giữ nhà sẽ run lẩy bẩy,
chàng trai vạm vỡ phải khòm lưng,
các cô xay bột không còn xay tiếp vì không đủ người xay,
các bà nhìn qua cửa sổ : chỉ nhìn thấy lờ mờ.
4Ngày ấy, cánh cửa ngó ra đường sẽ đóng lại,
tiếng cối xay bột từ từ nhỏ đi,
người ta trỗi dậy khi vừa nghe tiếng chim hót
và mọi cô ca sĩ sẽ phải lặng thinh.
5Ngày ấy, đường hơi dốc cũng làm người ta sợ,
chân bước đi mà lòng thật kinh hoàng.
Ngày ấy, hoa hạnh đào nở ra trắng xoá,
loài châu chấu trở nên chậm chạp nặng nề,
trái bạch hoa hết còn hương vị.
Bởi vì con người tiến đến nơi ở ngàn thu,
bên đường đầy những người khóc than ai oán.
6Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ,
vò nước bể ngay tại hồ chứa nước,
ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu.
7Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất,
khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa
hơi thở Người đã ban cho mình.
8Ông Cô-he-lét nói :
“Phù vân, quả là phù vân, mọi sự đều là phù vân cả !”
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG (trái đất) (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
“Những ai biết cách chiêm niệm sẽ dễ dàng bắt tay vào việc cố gắng thay đổi những gì đang tạo ra suy thoái và tổn hại cho sức khỏe. Họ sẽ cố gắng giáo dục và cổ vũ các thói quen sản xuất và tiêu thụ mới, để góp phần vào một mô hình tăng trưởng kinh tế mới bảo đảm việc tôn trọng ngôi nhà chung của chúng ta và tôn trọng người ta. Người chiêm niệm trong hành động: điều này quả tốt đẹp! Mỗi người chúng ta nên là người bảo vệ môi trường, sự trong sạch của môi trường, tìm cách kết hợp kiến thức tổ tiên của các nền văn hóa lâu đời hàng thiên niên kỷ với kiến thức kỹ thuật mới, để lối sống của chúng ta luôn bền vững.
Cuối cùng, chiêm niệm và quan tâm: đó là hai thái độ chỉ cho ta cách sửa chữa và tái cân bằng mối tương quan của chúng ta trong tư cách con người nhân bản với sáng thế.
Thường thường, mối tương quan của chúng ta với sáng thế dường như là mối tương quan giữa những kẻ thù: phá hủy sáng thế vì lợi ích của chúng ta. Khai thác sáng thế vì lợi nhuận của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng điều đó sẽ phải trả giá rất đắt; chúng ta đừng quên câu nói của người Tây Ban Nha: “Chúa luôn tha thứ; đôi khi chúng ta tha thứ; thiên nhiên không bao giờ tha thứ ”. Hôm nay tôi đọc trên báo về hai băng sơn lớn ở Nam Cực, gần biển Amundsen: chúng sắp sụp đổ. Điều này sẽ rất khủng khiếp vì mực nước biển sẽ dâng cao và việc này sẽ mang lại rất nhiều khó khăn và gây ra rất nhiều tai hại. Và tại sao? Vì trái đất đang nóng lên, không quan tâm đến môi trường, không chăm sóc ngôi nhà chung. Mặt khác, khi chúng ta có mối tương quan – tôi tạm gọi là - "huynh đệ" vì nó là kiểu nói văn hoa; mối quan hệ “huynh đệ” với sáng thế, chúng ta sẽ trở thành người bảo vệ ngôi nhà chung, người bảo vệ sự sống và người bảo vệ niềm hy vọng. Chúng ta sẽ bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để các thế hệ mai sau được thụ hưởng nó. Và một số người có thể nói: "Nhưng, tôi rất ổn giống như bây giờ". Nhưng vấn đề không phải là nay anh chị em lo liệu ra sao - điều này đã được một nhà thần học người Đức, một người theo đạo Tin lành, một người tốt: Bonhoeffer nói ra - vấn đề không phải là nay anh chị em lo liệu ra sao; vấn đề là: đâu là di sản, là sự sống cho các thế hệ mai sau? Chúng ta hãy nghĩ đến con cái cháu chắt của chúng ta: chúng ta sẽ để lại gì nếu chúng ta trấn lột sáng thế? Chúng ta hãy bảo vệ đường đi này của những “người bảo vệ” ngôi nhà chung của chúng ta, những người bảo vệ sự sống và cũng là những người bảo vệ niềm hy vọng. Họ bảo vệ di sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta (cho người ta, cho mọi người) để các thế hệ mai sau được thụ hưởng nó. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người dân bản địa, những người mà tất cả chúng ta đều mang món nợ ơn nghĩa- cũng là món nợ ăn năn, sửa chữa những điều xấu xa chúng ta đã gây ra cho họ. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những phong trào, hiệp hội, những nhóm bình dân vốn cam kết bảo vệ lãnh thổ của họ với những giá trị tự nhiên và văn hóa của nó. Những thực tại xã hội này không luôn luôn được đánh giá cao, và đôi khi chúng còn bị cản trở; bởi vì chúng không kiếm ra tiền; nhưng trên thực tế, chúng góp phần vào một cuộc cách mạng hòa bình, mà chúng ta có thể gọi là “cuộc cách mạng của sự chăm sóc”. Chiêm niệm để chăm sóc, chiêm niệm để bảo vệ, bảo vệ chính mình, sáng thế, con cái cháu chắt chúng ta và bảo vệ tương lai. Chiêm niệm để chăm sóc và bảo vệ, và để lại một di sản cho thế hệ mai sau.
Và không được giao việc này cho người khác: đây là nhiệm vụ của mỗi con người nhân bản. Mỗi người chúng ta có thể và phải là “người bảo vệ ngôi nhà chung”, có khả năng ca ngợi Thiên Chúa vì các tạo vật của Người, chiêm ngưỡng các tạo vật và bảo vệ chúng. Cảm ơn anh chị em.” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG (trái đất) (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
“...Điều quan trọng là phải tái khám phá chiều kích chiêm niệm, tức là nhìn vào trái đất, nhìn công trình sáng tạo (sáng thế) như một hồng phúc, không phải như một điều để khai thác kiếm lợi: không. Khi chúng ta chiêm niệm, chúng ta khám phá ra nơi những người khác và nơi thiên nhiên một điều gì đó lớn hơn tính hữu dụng của họ. Đây là trọng tâm của vấn đề: việc chiêm niệm vượt ra ngoài tính hữu dụng của một điều gì đó. Chiêm niệm cái đẹp không có nghĩa là bóc lột nó, không: chiêm niệm. Nó có tính tự do. Chúng ta khám phá ra giá trị nội tại của những sự vật được Thiên Chúa ban cho chúng. Như nhiều bậc thầy linh đạo đã dạy chúng ta, trời, đất, biển và mọi tạo vật đều có khả năng mang tính biểu tượng này, hoặc khả năng huyền bí này để đưa chúng ta trở lại với Đấng Tạo Dựng và hiệp thông với sáng thế. Chẳng hạn, Thánh Inhaxiô thành Loyola, ở cuối cuốn Linh Thao của ngài, mời gọi chúng ta thực hiện “Chiêm niệm để tiến tới yêu thương”, nghĩa là xem xét việc Thiên Chúa nhìn các tạo vật của Người và vui mừng vì chúng như thế nào; để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong các tạo vật của Người, với sự tự do và ân sủng, để yêu thương và chăm sóc chúng.
Sự chiêm niệm, trong khi dẫn chúng ta đến một thái độ quan tâm, không phải là vấn đề nhìn vào thiên nhiên từ bên ngoài, như thể chúng ta không đắm mình trong đó. Nhưng chúng ta ở bên trong thiên nhiên, chúng ta là một phần của thiên nhiên. Đúng hơn, việc này được thực hiện từ bên trong, nhìn nhận chúng ta là một phần của sáng thế, khiến chúng ta trở thành những người chủ đạo chứ không chỉ là những khán giả đơn thuần của một thực tại vô định hình chỉ để được khai thác. Những người chiêm niệm theo cách này cảm nghiệm không những sự ngạc nhiên đối với những gì họ nhìn thấy mà còn bởi vì họ cảm thấy họ là một phần làm nên vẻ đẹp này; và họ cũng cảm thấy được kêu gọi để trông nom nó và bảo vệ nó. Và có một điều chúng ta không được quên: Những ai không thể chiêm niệm thiên nhiên và sáng thế, thì cũng không thể chiêm niệm con người trong sự phong phú đích thực của họ. Và những người sống để khai thác thiên nhiên rốt cục sẽ bóc lột con người và đối xử với họ như nô lệ. Đó là một quy luật phổ quát. Nếu không thể chiêm niệm thiên nhiên, anh chị em sẽ rất khó chiêm niệm con người, vẻ đẹp của con người, anh của anh chị em, chị của anh chị em. Tất cả chúng ta...” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022
Thứ năm, 25 tn, bài đọc 1
Giảng viên 1 :
Ông Cô-he-lét nói : “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. 3 Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời ? 4 Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn. 5 Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên. 6 Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. 7 Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục. 8 Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.
9Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra :
dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ?
10 “Nếu có điều gì đáng cho người ta nói : ‘Coi đây, cái mới đây này !’, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. 11 Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế ; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.”
Suy niệm :
-Mọi sự ta có chỉ là “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”...
-Những gì ta biết, ta nghĩ, ta nói, ta viết... “đã có, rồi ra sẽ có, đã làm, rồi lại sẽ làm ra : dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ ?”...
Lạy Chúa, xin giúp con sống siêu thoát... !
Vanity of vanities, says Qoheleth, vanity of vanities! All things are vanity! What profit has man from all the labor which he toils at under the sun? One generation passes and another comes, but the world forever stays. The sun rises and the sun goes down; then it presses on to the place where it rises. Blowing now toward the south, then toward the north, the wind turns again and again, resuming its rounds. All rivers go to the sea, yet never does the sea become full. To the place where they go, the rivers keep on going. All speech is labored; there is nothing man can say. The eye is not satisfied with seeing nor is the ear filled with hearing. What has been, that will be; what has been done, that will be done. Nothing is new under the sun. Even the thing of which we say, "See, this is new!" has already existed in the ages that preceded us. There is no remembrance of the men of old; nor of those to come will there be any remembrance among those who come after them.
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG-TRÁI ĐẤT (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
“Nếu không có sự chiêm niệm, chúng ta sẽ dễ trở thành con mồi cho một chủ nghĩa qui nhân bất cân bằng và cao ngạo, cái “tôi” ở trung tâm của mọi sự, mang lại tầm quan trọng thái quá cho vai trò con người của chúng ta, định vị chúng ta như những kẻ thống trị tuyệt đối mọi tạo vật khác. Việc giải thích sai lệch các văn bản Kinh thánh về sáng thế đã góp phần vào việc giải thích sai lạc này, dẫn đến việc khai thác trái đất đến mức bóp nghẹt nó. Khai thác công trình sáng tạo : đó là tội lỗi. Chúng ta tin rằng chúng ta là trung tâm, đòi chiếm vị trí của Thiên Chúa và vì vậy chúng ta phá hủy thế hài hòa của mọi tạo vật, sự hài hòa trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta trở thành những kẻ săn mồi, quên đi ơn gọi của mình là người trông coi sự sống. Tất nhiên, chúng ta có thể và phải cày bừa trái đất để sống còn và phát triển. Nhưng cày bừa không đồng nghĩa với bóc lột, nó luôn đi kèm với sự chăm sóc: cày bừa và bảo vệ, làm việc và chăm sóc… Đó là sứ mệnh của chúng ta (x. St 2,15). Chúng ta không thể kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển trên bình diện vật chất mà không chăm sóc ngôi nhà chung đang chào đón chúng ta. Những anh chị em nghèo nhất của chúng ta và mẹ đất của chúng ta đang than khóc về những thiệt hại và bất công mà chúng ta đã gây ra, và yêu cầu chúng ta đi theo một con đường khác. Nó đòi hỏi chúng ta một sự hoán cải, một sự thay đổi đường đi; cả việc chăm sóc trái đất, chăm sóc toàn thể công trình Chúa tạo dựng...” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ (Đức Hồng y Robert Sarah, 11/09/2020)
“-Chúng tôi không thể sống nếu không có cộng đoàn Kitô hữu, gia đình của Chúa; chúng tôi cần gặp gỡ những người anh chị em cùng chia sẻ hồng ân làm con Thiên Chúa, làm em của Đức Kitô, cùng được mời gọi nên thánh và đón nhận ơn cứu độ, dù rất khác biệt nhau về tuổi tác, về hoàn cảnh cá nhân, về các đặc sủng và ơn gọi riêng của mỗi người;
-Chúng tôi không thể sống nếu không có Nhà Chúa, cũng là nhà của chúng tôi, nếu không có nơi thánh để chúng tôi được sinh ra trong đức tin, nơi chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Chúa quan phòng và vòng tay xót thương nâng dậy những ai đang quỵ ngã, nơi chúng tôi hiến thánh ơn gọi hôn nhân hoặc tu trì, nơi chúng tôi cầu nguyện và tạ ơn, vui mừng và than khóc, nơi chúng tôi phó dâng cho Chúa Cha những người thân yêu của chúng tôi đã hoàn tất cuộc lữ hành trần thế;
-Chúng tôi không thể sống nếu không có Chúa nhật, ngày của Chúa, ngày mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho những chuỗi ngày lao động cũng như cho các bổn phận trong gia đình và xã hội.” (Đức Hồng y Robert Sarah, 11/09/2020)
CHÚA CHĂN NUÔI TÔI (Trích sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en-43, 11-16 :)
Quả thật, ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này : Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. 12 Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. 13 Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng.
Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. 14Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. 15 Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. 16 Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm ; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về ; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó ; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh ; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.
PHỤC VỤ (ĐTC Phanxicô, 19/09/2021)
“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người” (Mc 9, 35). Nếu anh chị em muốn đứng đầu, anh chị em cần phải xếp hàng, xếp cuối cùng và phục vụ mọi người. Thông qua cụm từ gây ngỡ ngàng này, Chúa mở đầu cho một sự đảo ngược: Ngài lật ngược các tiêu chí về những gì thực sự quan trọng. Giá trị của một người không còn phụ thuộc vào vai trò của họ, công việc họ làm, số tiền họ có trong ngân hàng. Không, không, không, nó không phụ thuộc vào những điều này. Sự vĩ đại và thành công trong mắt Thiên Chúa được đo lường một cách khác: chúng được đo lường bằng sự phục vụ. Không phải những gì ai đó đang sở hữu, nhưng dựa vào những gì người đó trao ban. Anh chị em có muốn là người lớn nhất không? Hãy phục vụ. Đây là con đường…
Càng phục vụ, chúng ta càng ý thức về sự hiện diện của Chúa. Trên hết, khi chúng ta phục vụ những người không thể hồi đáp, những người nghèo, đón nhận những khó khăn và nhu cầu của họ với lòng trắc ẩn, dịu dàng: thì đến lượt chúng ta, chúng ta khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa và đón nhận tình yêu đó…
Những người cần được phục vụ trên hết là: những người túng quẫn, những người không thể hồi đáp. Chúng ta hãy phục vụ những người cần nhận nhưng không thể hồi đáp lại. Khi chào đón những người bên lề, những người bị bỏ rơi, chúng ta chào đón Chúa Giêsu vì Ngài ở đó. Và nơi những người bé nhỏ, nơi người nghèo mà chúng ta phục vụ, ở đó chúng ta nhận được vòng tay âu yếm của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến, trước thách đố của Tin Mừng, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi, người theo Chúa Giêsu, có quan tâm đến người bị bỏ rơi không? Hay tôi thích tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân, giống như các môn đệ ngày đó? Hay tôi chỉ hiểu cuộc sống ở khía cạnh cạnh tranh để giành giật cho bản thân với giá phải trả của người khác? Hay tôi tin rằng trở thành người đầu tiên có nghĩa là phục vụ? Và, cụ thể là: tôi có dành thời gian cho “một đứa trẻ”, cho một người không có cách nào để hồi đáp cho tôi không? Tôi có lo lắng cho một người không thể cho tôi bất cứ thứ gì để đáp lại, hay tôi chỉ cho người thân và anh chị em bạn bè của tôi? Đây là những câu hỏi mà chúng ta cần tự hỏi mình.” (ĐTC Phanxicô, 19/09/2021)
Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022
HÃY VUI MỪNG TRỞ LẠI VỚI THÁNH LỄ (Đức Hồng y Robert Sarah, 11/09/2020)
“Thời gian thiếu vắng Thánh lễ cũng cho chúng ta hiểu được tâm tư của anh chị em chúng ta, những vị tử đạo tại Abitina (đầu thế kỷ thứ IV), dù biết chắc chắn phải mang án chết, đã bình thản khẳng định trước các quan toà: “Sine Dominico non possumus”. Động từ non possumus (chúng tôi không thể) và danh từ Dominicum (điều thuộc về Chúa) không thể phiên dịch chỉ bằng một từ đơn giản nào được. Hôm nay, chúng ta chỉ có thể diễn đạt những sắc thái tinh tế và ý nghĩa phong phú của câu nói này qua những suy tư thật ngắn gọn như sau:
– Chúng tôi không thể sống, không thể là Kitô hữu, không thể đạt đến mức độ viên mãn của nhân cách và khát vọng sâu xa hướng đến thiện hảo và hạnh phúc, nếu không có Lời Chúa, được định hình trong các cử hành phụng vụ và trở thành lời sống động, do chính Chúa nói với những ai biết mở rộng trái tim để lắng nghe Người;
– Chúng tôi không thể sống như những Kitô hữu, nếu không thông dự vào Hy tế Thánh Giá của Chúa Giêsu, Đấng đã hiến thân chịu chết để cứu độ nhân loại đang chết vì tội lỗi; Đấng Cứu Thế đã đón nhận và đưa nhân loại về với Chúa Cha; trong vòng tay của Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá, toàn thể nhân loại đau khổ tìm được ánh sáng và sức mạnh đỡ nâng.” (Đức Hồng y Robert Sarah, 11/09/2020)
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)