“Con có yêu mến Thầy không?” Đây là những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói với Phêrô trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe (Ga 21,15). Những lời cuối cùng của Ngài là: “Hãy chăm sóc các chiên của Thầy” (câu 17). Vào ngày kỷ niệm khai mạc Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể cảm nhận rằng chính những lời đó của Chúa cũng được gửi đến chúng ta, ngỏ với chúng ta với tư
cách là Giáo Hội: Con có yêu mến Thầy không? Hãy chăm sóc các chiên của Thầy.
Thứ nhất: Con có yêu mến Thầy không? Đó là một câu hỏi, vì phong cách của Chúa Giêsu không chú trọng đưa ra câu trả lời cho bằng đặt ra những câu hỏi, những câu hỏi thách thức cuộc sống của chúng ta. Chúa, Đấng “từ tình yêu viên mãn của Ngài, coi những người nam và người nữ là bạn của mình và sống giữa họ” (Dei Verbum, 2), tiếp tục hỏi Giáo Hội, Hiền Thê của Ngài: “Con có yêu mến Thầy không?” Công đồng Vatican II là một trong những câu trả lời tuyệt vời cho câu hỏi này. Để khơi dậy tình yêu của mình đối với Chúa, lần đầu tiên trong lịch sử, Giáo Hội đã dành ra một Công Đồng để kiểm tra bản thân và suy ngẫm về bản chất và sứ mệnh của mình. Giáo Hội thấy mình một lần nữa như một mầu nhiệm của ân sủng được tạo ra bởi tình yêu; một lần nữa Giáo Hội thấy mình là Dân Thiên Chúa, Thân thể Chúa Kitô, đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần!
Cách đầu tiên để nhìn vào Giáo Hội là từ trên cao. Thật vậy, trước hết, Giáo Hội cần được nhìn từ trên cao, với đôi mắt của Thiên Chúa, đôi mắt đầy tình yêu thương. Chúng ta hãy tự hỏi xem liệu chúng ta, trong Hội Thánh, có bắt đầu với Thiên Chúa và ánh mắt yêu thương của Người dành cho chúng ta hay không. Chúng ta luôn bị cám dỗ để bắt đầu từ chính chúng ta hơn là từ Thiên Chúa, đặt các chương trình nghị sự của chúng ta trước Tin Mừng, để bản thân bị cuốn theo những luồng gió của thế gian, chạy theo những trào lưu nhất thời hoặc quay lưng lại với thời gian mà Chúa Quan Phòng đã ban cho chúng ta, để lần ngược trở lại các bước chân của mình.
Tuy nhiên, chúng ta hãy cẩn thận: cả “chủ nghĩa cấp tiến” chạy theo đuôi thế gian lẫn “chủ nghĩa truyền thống”, hay “nhìn ngược lại”: khao khát về một thế giới đã qua, không phải là bằng chứng của tình yêu, mà là của sự bất trung. Chúng là những hình thức ích kỷ của người theo thuyết Pêlagiô đặt sở thích và kế hoạch của chúng ta lên trên tình yêu đẹp lòng Thiên Chúa, tình yêu đơn sơ, khiêm tốn và trung thành mà Chúa Giêsu yêu cầu nơi Thánh Phêrô.
Con có yêu mến Thầy không? Chúng ta hãy tái khám phá Công đồng để khôi phục quyền ưu tiên đối với Thiên Chúa, đối với những điều cốt yếu: đối với một Giáo Hội yêu mến Chúa của mình một cách điên cuồng và với tất cả những người nam và người nữ mà mình yêu mến; ưu tiên đối với một Hội Thánh giàu có về Chúa Giêsu và nghèo về tài sản; một Giáo Hội tự do và giải phóng. Đây là con đường mà Công đồng đã vạch ra cho Giáo Hội. Con đường ấy đã dẫn Giáo Hội trở lại, giống như Thánh Phêrô trong Phúc âm, khi ngài quay về Galilê, về với cội nguồn của tình yêu đầu tiên của mình; để tái khám phá sự thánh khiết của Thiên Chúa trong sự nghèo khó của chính mình (xem Lumen Gentium, 8c; chương 5).
Mỗi người trong chúng ta cũng có Galilê của riêng mình, Galilê của tình yêu đầu tiên của chúng ta, và chắc chắn ngày nay tất cả chúng ta đều được mời gọi trở về với chính Galilê của mình để nghe tiếng Chúa: “Hãy theo Thầy”. Và ở đó, chúng ta tìm thấy một lần nữa trong ánh mắt của Chúa bị đóng đinh và phục sinh, một niềm vui đã phai mờ; để chúng ta có thể tập trung vào Chúa Giêsu, và tái khám phá niềm vui của chúng ta, cho một Giáo Hội đã đánh mất đi niềm vui, và tình yêu của mình. Về cuối đời, Thánh Giáo Hoàng Gioan đã viết: “Cuộc đời này của tôi, giờ đã gần hoàng hôn, không thể tìm thấy kết cục nào tốt đẹp hơn cho bằng tập trung mọi suy nghĩ của tôi vào Chúa Giêsu, Con của Mẹ Maria… một tình bạn tuyệt vời và bền vững với Chúa Giêsu, được chiêm ngưỡng như một Hài Nhi và trên Thập giá, và được tôn thờ trong Thánh Thể “(Nhật ký của một tâm hồn). Đây là cái nhìn của chúng ta từ trên cao; đây là nguồn sống mãi của chúng ta : Chúa Giêsu, Galilê của tình yêu, Chúa Giêsu gọi chúng ta, Chúa Giêsu hỏi chúng ta: “Con có yêu mến Thầy không?”. (ĐTC Phanxicô, giảng lễ ngày 11/10/2022)