Ads 468x60px

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH (Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy-Giáo phận Phan Thiết)


KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH

Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy-Giáo phận Phan Thiết
(Bản tin Hiệp Thông số 131, tháng 9 & 10 năm 2022)
“Synod”, từ gốc Hy Lạp đã được dùng từ lâu, nhưng chưa đến một năm nay, được dịch ra Việt ngữ là “Hiệp hành”, không chỉ

khó hiểu với những người Công giáo ít học, mà cả giới trí thức, có người cũng thấy xa lạ, ít muốn tiếp nhận. Nhưng đến lúc này, nó đã thân quen với mọi hạng người, cả những bà mẹ nhà quê cũng biết “họp hiệp hành”, “đi hiệp hành” với giáo phận.
Đáp lời của cha Tổng thư ký Ủy ban Giáo sĩ và chủng sinh mời chia sẻ “Những suy tư và kinh nghiệp về gặp gỡ, lắng nghe và phân định”  “những hoa trái có được

trong tiến trình hiệp hành”
 giáo phận, sau khi bản thân tham dự hơn 14 lần hiệp hành, xin ghi lại những gì đã gặp, đã thấy, đã nghe, đã nghĩ, đã nói tại giáo phận Phan Thiết trong tiến trình hiệp hành với Giáo Hội hoàn vũ.
Tài liệu chuẩn bị của Toà Thánh và nhiều tác giả đã phân tích từ ngữ Synod, đặc tính, ý nghĩa thần học của Hội Thánh hiệp

hành… nay, là một cha sở vùng quê Bình Thuận, theo cách dạy giáo lý và loan báo Tin Mừng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu là tiếp tục
 “Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu”, xin KỂ CHUYỆN HIỆP HÀNH.
 
  1. Cùng giáo xứ sống hiệp hành
Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 diễn ra theo chiều “nghịch”: từ các giáo phận tiến về Rôma, trong hoàn cảnh đại dịch bùng phát lần thứ tư tại Việt Nam cách tàn khốc nhất. Dù vậy, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục Phan Thiết đã thực hiện việc hiệp hành rất sớm, rất kỹ bất chấp hoàn cảnh khó khăn.
Khi Covid làm cho cả nước bị phong toả với chỉ thị 16, nhốt chặt mọi người ở nhà hay chỉ ở riêng trong phòng vì cách ly, thì “Zoom meeting” chính là phương tiện gặp gỡ. Linh mục, tu sĩ, giáo dân, khi cần họp mục vụ, tĩnh tâm đều qua hình thức online này. Chắc hiếm có Giám mục nào đã họp 150 lần bằng zoom meeting như Giám mục Phan Thiết ! Bản thân tôi cũng nhiều lần họp chung và riêng với ngài, trao đổi mục vụ, tĩnh tâm chung, góp ý soạn thảo giáo lý, tìm giải pháp mục vụ trong hoàn cảnh nhiều “vùng đỏ” hiểm nguy dịch bệnh… Thánh lễ online-trực tuyến không thay thế được thánh lễ trực tiếp, nhưng “gặp gỡ online” cũng hữu hiệu cho việc mục vụ và gần gũi, đồng cảm, chia sẻ, nâng đỡ nhau trong thời đại dịch.
Gặp gỡ không được thì sao lắng nghe, đeo khẩu trang và nhốt ở nhà sao nói ? Thỉnh ý hiệp hành bằng “Google forms” được áp dụng cho toàn giáo phận. Có nhóm linh hoạt viên được đào tạo giúp hướng dẫn, Đức cha cho gởi nhiều biểu mẫu với nhiều hình thức góp ý khác nhau, các câu hỏi dọn sẵn, linh mục, tu sĩ, giáo dân gởi ý kiến của mình bằng Google forms, ai không biết thì nhờ con cháu giúp và nhóm linh hoạt hỗ trợ.
Vẫn gặp trở ngại vì ít người theo được với kỷ thuật mới này, giáo phận cho photo các câu hỏi, gởi đến từng giáo xứ chia ra cho từng người theo các giới và đoàn thể điền vào; thu lại rồi nhờ những người biết vi tính nhập Google forms, để tất cả các ý kiến đến được Đức Giám mục, và nhờ ban linh hoạt là tám phó tế tại Toà Giám mục giúp ngài lắng nghe. Nghe bằng mắt.
Tôi và giáo xứ mình cũng cố gắp tham gia vào tiến trình hiệp hành của giáo phận, thực hiện việc thỉnh ý hiệp hành bằng cả hai hình thức Google forms và photo giấy.
Như thói quen triển khai sớm đường hướng mục vụ của Hội Thánh đến với dân Chúa, từ logo “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành : Hiệp thông-Tham gia-Sứ vụ”, trong các bài giảng lễ, và nhất là lần hiệp hành cấp giáo xứ, được thực hiện khi dịch tạm yên mà mọi người có thể đến với nhau và nói với nhau được, tôi đã giải thích cho giáo dân về hiệp hành.
Đôi khi đọc những ý tưởng, bài viết như thể xưa nay Hội Thánh chưa hiệp hành, bây giờ mới “hướng tới”. Từ “hướng tới” cũng dễ làm cho giáo dân hiểu nó sẽ đến trong tương lai như hiện nay việc mục vụ của Phan Thiết “hướng tới” mừng kim khánh giáo phận năm 2025… tôi coi lại từ tiếng Anh “for”, từ tiếng Pháp “pour” tiếng Đức “für”, rồi giúp bà con hiểu “vì” một Hội Thánh hiệp hành, bản chất hiệp hành của Hội Thánh đã có ngay từ đầu và hoàn hảo hơn chúng ta ngày nay, vì đó là “những người cùng đi trên con đường” (Cv 9,2; 19,9.23) và Chúa Giêsu đã nói “Thầy là con đường” (Ga 14,6).  Ai đi sát con đường Đức Kitô, ai bước theo chính lộ cho bằng các Kitô hữu đầu tiên ? Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều đó : "Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? " (Cv 9,4). Các tín hữu đầu tiên đã được Chúa đồng hoá với mình. Nhưng vì 2000 năm qua, với những lệch lạc theo thời gian, có thể bản thân ta hay một nhóm nhỏ, hoặc một Giáo Hội địa phương nào đó (nhiều người lo cho Giáo Hội Đức) đã đánh mất tính hiệp hành, đi lạc, hoặc có nguy cơ lệch xa con đường của Đức Kitô, thì nay sám hối, được chữa lành… trở về với chính lộ nhờ sống hiệp thông-tham gia-sứ vụ với Giám mục địa phương, với Toà Thánh.
Chắc xứ nào cũng thấy càng ngày số người tham dự Thánh lễ thưa dần, sinh hoạt đoàn thể ít đi, kinh nguyện gia đình khó thực hiện… đó là sự hiệp thông với Chúa bị suy giảm. Hiệp thông với nhau theo gương các Kitô hữu đầu tiên “hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí”(Cv 2, 44.46 ) cũng sa sút: tính đồng thuận, đồng lòng trong công việc còn yếu, thích theo ý riêng rồi dễ cãi nhau… người giáo dân cần lắng nghe Lời Chúa, nghe và sống giáo huấn của Hội Thánh để tái lập sự hiệp thông, xây dựng sự hiệp nhất. Giảm hiệp thông thì tỉ lệ tham gia cũng giảm, công tác mục vụ giáo xứ ít người dần, “số còn sót lại” (x.Am 9,12) gắn bó làm việc chung nhà xứ đôi khi chỉ đủ đếm trên năm ngón tay, các cuộc qui tụ mục vụ của giáo xứ và giáo phận tham dự thưa thớt, hoặc miễn cưỡng… Vì không ý thức sứ vụ được giao nên không muốn tham gia việc chung, an phận cho khoẻ…
“Vì một Hội Thánh hiệp hành” là cơ hội tốt để giúp mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ rà soát lại bản thân, điều chỉnh lại thái độ hiệp thông, tham gia, sứ vụ của từng cá nhân, gia đình và đoàn thể mình. Tạ ơn Chúa dịch bệnh tan dần, giáo xứ đã có những buổi gặp gỡ sinh hoạt cộng đồng trở lại, mọi người có thể thăm viếng, gặp nhau, nói và nghe nhau. Trước hết cần gặp gỡ Lời Chúa và lắng nghe tiếng Chúa, phân định nhận ra ý Chúa sẽ tiến tới hiệp thông với anh chị em, nhiệt tình tham gia việc chung, vui vẻ đón nhận sứ vụ Chúa trao qua các mục tử của mình. Vẫn biết Thượng Hội đồng lần này muốn chúng ta gặp gỡ, lắng nghe nhau để tìm ra ý Chúa, đừng nghe lời đồn hay tin vịt, fake news rồi làm đau nhau bởi những kẻ “ngồi lê đôi mách” mà Đức thánh cha cũng là “nạn nhân” và ngài khiển trách điều này nhiều lần. Hãy gặp gỡ nhau, hiện diện thể lý chứ không phải trên thế giới ảo hay qua màn hình. Chúa vô hình mà còn thân hành đến gặp con người diện đối diện. Gặp gỡ để nghe nhau, hiểu nhau, hiệp thông yêu mến nhau, cùng nhau tham gia, cùng đi con đường Giêsu, chia sẻ đồng một sứ vụ…
Giáo dân cũng được mời gọi vô gặp các cha, chứ có gì đâu mà còn có người sợ, phải nhờ người khác nhắn tin dùm. Giáo dân gặp gỡ, lắng nghe các mục tử, những người được Chúa uỷ thác chỉ đường đi đúng cho đoàn chiên, bao lâu lời rao giảng của các linh mục là “rao giảng Lời Chúa, chứ không rao giảng ý kiến riêng tư hay của loài người” (Kinh cầu cho các Linh mục) thì ta phân định đó là ý Chúa đem ra thực hành. Chiều ngược lại, tiếng nói của dân, lòng khao khát van nài của dân Chúa diễn tả nguyện vọng chính đáng của đoàn chiên, thì người mục tử cũng phải phân định, nhận ra ý Chúa mà thực hiện. Tất cả giáo dân ước ao các mục tử “thánh thiện, thân thiện, dễ gần”, thì đây là ý Chúa muốn các linh mục hoàn thiện dần; hay khi có ai “rên” cha dữ quá, khó quá… cũng là dịp người mục tử bình tâm phân định để điều chỉnh lối hành xử cho phù hợp.
Giáo xứ biết nhìn lại từ kinh nghiệm đức tin cha ông để xét mình “có đi đúng con đường Giêsu không, có nhắm loan báo Tin Mừng không”, theo gợi ý của Đức giám mục trong lần gặp gỡ cấp giáo hạt. Dựa vào sách Công vụ tông đồ, chương 2, 42-45 : “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng… Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” để xác định mình đi đúng đường. Vì 135 năm qua, giáo xứ chuyên cần nghe các Đức giám mục là đấng kế vị các tông đồ giáo huấn, gắn bó với nhà thờ, nên dù chiến tranh có lúc nhà thờ bị cháy và phải “lưu đày“  10 năm (1965-1975) mới về lại xứ, vẫn kiên trì xây dựng 14 ngôi nhà thờ; nay hằng ngày lên đền thờ 3 lần: sáng lễ, 3 giờ chiều kinh lòng thương xót, 6 giờ chiều lễ, tối lần hạt Mân Côi ngoài đài Đức Mẹ và học Kinh Thánh cầu nguyện thứ hai mỗi tuần… Giáo xứ cũng sám hối và điều chỉnh: trước đây đi chầu chỉ hơn 20 người, nay gần 200; một số ít có khuynh hướng xin phép chuẩn khác đạo cho mau và tiện lợi, nay ý thức hơn việc loan báo Tin Mừng khi con cháu kết hôn; hiệp hành trong lời cầu nguyện bằng “Kinh cầu cho Hội Thánh hiệp hành” được đọc lên trong mỗi thánh lễ Chúa nhật...
Những khi đi hiệp hành với giáo phận về, tôi cũng chia sẻ những tâm tình cho giáo xứ, để tất cả hiệp thông với nhịp sống của giáo hội địa phương mà mau mắn tham gia khi Đức giám mục kêu gọi trong các việc mục vụ cụ thể sau này. Giáo huấn của Đức thánh cha, Thư mục vụ của Đức giám mục đều được chia sẻ đến giáo dân qua các bài giảng lễ hằng ngày và Chúa nhật. Nhờ hiểu và sống đặc tính hiệp hành, nay khi triển khai có những chương trình mục vụ cụ thể như tổ chức ngày người cao tuổi 24/07, hành hương Tàpao hiệp hành với giáo phận 11-12/08, Hội đồng mục vụ giáo xứ và các đoàn thể vui vẻ, nhiệt tâm thi hành…
 
  1. Đi hiệp hành cùng giáo phận
Nói đi hiệp hành có vẻ dư vì hiệp hành là cùng đi con đường Giêsu, nhưng lối nói bình dân này, nay đã thành quen thuộc để diễn tả việc ra đi “hiệp thông-tham gia-sứ vụ” chung của giáo xứ hay giáo phận.
Ngay khi còn bị “buộc đeo khẩu trang”  “cách li nhà với nhà”, hay chỉ được đi lại trong xứ vì bị nhiều chốt chặng, các linh mục Phan Thiết đã có tài liệu chuẩn bị hiệp hành của Toà Thánh và hướng dẫn thực hiện của giáo phận, dạng file pdf gởi qua email; rồi hết thời giãn cách, khi gặp gỡ lần đầu tại Toà Giám Mục vào tháng 3/2022 mà khi ra đó tôi phải test âm tính để đồng hành với các linh mục trẻ, được nghe nhiều lần bài Phúc Âm thường công bố trong các buổi hiệp hành: câu chuyện Emmaus (Lc 24,13-35) để cầu nguyện xin Thánh Thần hướng dẫn hiệp hành, dường như tất cả có tác động đến riêng mình.
Ban hiệp hành chính nằm ở Toà giám mục, tôi chỉ thực hiện thỉnh ý hiệp hành và tổ chức hiệp hành cho xứ mình mà thôi. Thế mà tự nhiên chiều thứ bảy, 14/05/2022, Đức cha gọi điện thoại và bảo “Cha Duy, nếu được mời cha đi hiệp hành với tôi, cùng lắng nghe và giúp phân định”. Trực giác tự nhiên tôi thấy sứ vụ, nên hỏi “đi đâu, thưa Đức cha?”- “ ra Long Hương hạt Bắc Tuy.”- “Khi nào, thưa Đức cha ?”- “thứ hai, cha ra Toà giám mục rồi cùng đi…”. Như hai môn đệ nhận ra ý Chúa lập tức rời Emmaus, quay lại thủ đô Giêrusalem, tự nhiên tôi mau mắn nhận lời (dù trước đây đã dại dột từ chối ba lần ba Đức cha trước giao việc vì sợ mình yếu), vội vã thu xếp việc xứ, rời xứ Cù Mi xinh đẹp bao quanh bởi đồng ruộng và vườn chuối, chạy khoảng 90 Km về thành phố Phan Thiết để sáng mại kịp ra Long Hương.
Hạt Bắc Tuy hiệp hành rất sớm, 07g00 sáng đã khai mạc nên phải dậy sớm, ăn sáng lúc 04g30 chạy thêm hơn 100 Km nữa, đến nơi gặp gỡ, ngồi nghe 5 tiếng đồng hồ, nhiều người nói đi nói lại, rất muốn nói gì đó, nhưng đành kiên nhẫn ngồi nghe, chờ đợi. Khởi đầu hiệp hành là gác việc xứ, chạy gần 200 Km, ngồi nghe liên tục không nói một lời. Một bài học lắng nghe. Nhớ lại cuộc đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã kiên nhẫn lắng nghe. Ngài hỏi như người không biết và bị chê là người duy nhất ở Giêrusalem mà không biết chuyện động trời vừa xảy ra : Giêsu Nazareth bị đóng đinh. Hai môn đệ say xưa “kể chuyện Chúa Giêsu” cho Đức Kitô nghe… Nhiều lần tôi đã không để cho người khác tiếp tục trình bày vì mình… biết rồi, đã nghe nói rồi, thiếu kiên nhẫn lắng nghe. Phải học lại từ Thầy Giêsu : Chúa biết mà như không biết, để lắng nghe kỹ hơn, rõ hơn, nghe cả điều sai để biết môn đệ lạc đường, khai trí mở lòng, giúp họ quây về nẻo chính đường ngay.
Tôi nghe có những nơi càm ràm khi được phát giấy thỉnh ý hiệp hành, họ cho rằng các cha rảnh quá bày chuyện. Ban đầu nhiều người không nhớ cả từ “hiệp hành”, chỉ biết điền giấy thống kê gì đó nộp cho Toà giám mục. Rồi quen dần họ nói giấy hiệp hành, đi hiệp hành mà mệt mỏi như thể “bị hành” hết hiệp này đến hiệp khác… Ngày hiệp hành tại hạt Phan Thiết, sau những hướng dẫn trình bày của Đức giám mục giáo phận, lắng nghe tiếng nói của dân Chúa theo 4 vùng : núi, biển, thành phố, vườn thanh long; đại diện các giới và đoàn thể, tôi có dịp để chia sẻ cho họ. Chỉ vào logo trên cung thánh và giải thích : “ từ Synod trước đây luôn được dịch và hiểu là Thượng hội đồng Giám mục thế giới, nay dịch mới là “hiệp hành”. Anh chị em từ các xứ về đây, hỏi đi đâu, thưa đi hiệp hành, chính là đi tham dự Thượng hội đồng Giám mục thế giới đang diễn ra ở cấp giáo phận. Nó quan trọng và ý nghĩa, không phải bày chuyện đâu. Chúng ta cùng nhau hiệp thông cầu nguyện với Đức giám mục, đấng kế vị các tông đồ, tham gia cuộc gặp gỡ, lắng nghe các mục tử và nghe nhau, phân định tìm ra ý Chúa để điều chỉnh lại đời sống và công việc của ta trong sứ vụ Hội Thánh trao. Hiệp hành còn hiểu là cùng đi con đường Giêsu. Bản thân ta, gia đình ta, đoàn thể và giáo xứ ta có dấu gì đi lạc đường Giêsu không, nếu thấy mình sai, hãy lập tức quây lại Giêruralem như hai môn đệ Emmaus, để hiệp thông với cộng đoàn và tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh…” Sau buổi gặp gỡ, nhiều giáo dân quen biết đến chào và nói nhờ cha nói mà con mới rõ và biết đi hiệp hành, hổm giờ cứ lơ mơ…
Cùng Đức giám mục, tôi tham gia 5 lần hiệp hành ở 5 giáo hạt (16-20/05/2022), 6 lần hiệp hành cấp giáo phận tại Tàpao (13-19/06/2022) cho các giới và đoàn thể, linh mục, tu sĩ; cộng thêm 2 lần ở giáo xứ và một lần họp riêng cho hiệp hành linh mục thì đúng 14 lần. Đây là lúc gặp gỡ diện đối diện và nghe bằng tai. Nếu tham gia cách mệt mỏi miễn cưỡng thì giống đang sống yên lành mà “bị hành 14 hiệp” như 14 chặng đàng thánh giá, còn khi ta thấy đây là cơ hội gặp gỡ-lắng nghe-phân định, thì chính là dịp may cho tôi nghe nhiều hơn để biết nhiều hơn, biết rộng hơn, biết kỹ hơn việc giáo phận hầu sống tinh thần hiệp thông-tham gia-sứ vụ. Tạ ơn Chúa.
Nói vậy nhưng không phải là không có lúc ngao ngán, cám dỗ muốn trốn cho khoẻ. Câu chuyện hiệp hành mà Đức giám mục kể với hình ảnh minh hoạ từ nhà thờ Domine Quo Vadis ở Roma: Phêrô theo lời khuyên của cộng đoàn, ý chung là ý Chúa, trốn khỏi Roma vì bách hại, gặp Thầy Giêsu vác thập giá đi vào, hỏi Thầy đi đâu ? (Domine Quo Vadis ?) Đi chết. Sao lại chết nữa ? Vì con trốn… tác động đến tôi. Đức cha kể câu chuyện ấy để minh chứng ý chung của dân chưa hẵn là ý Chúa, Phêrô có cách phân định riêng nhờ gặp Chúa riêng… nhưng câu chuyện ấy lại cho tôi bài học riêng mình là: thầy mình đang vác thập giá mà mình trốn sao ? Tiếp tục sứ vụ…
Nhờ Thánh Thần hướng dẫn, tiến trình hiệp hành diễn ra tốt đẹp cho những ai hết lòng tham dự, lắng nghe. Mọi thành phần dân Chúa nói lên nguyện vọng của mình, những tiếng rên, tiếng than của tu sĩ và giáo dân về cha xứ : nào là sài sang quá, hãy ra khỏi nhà xứ đến thăm giáo dân, giảng Lời Chúa chứ đừng la chúng con, hãy chăm lo cho giới trẻ con cái chúng con, hãy giúp chúng con học hỏi thêm… và chiều ngược lại, các giới và đoàn thể tông đồ giáo dân được hướng dẫn : thay vì bận tâm tìm kiếm số hội viên cho đông mà có khi “chiêu mộ” từ đoàn khác để mình “phát triển mạnh hơn”, hãy lo ra vùng ngoại vi, tìm “chiên lạc nhà Israel” (Mt 10,6) -tức các tín hữu không còn đến nhà thờ; tìm “chiên chưa thuộc đàn này” (Ga 10,6) – tức là những người ngoài Công giáo, để đưa về một đàn chiên và một Chủ chiên. Mến thánh giá tại thế áo đen, dù có 10 người, đừng lo qua rủ thêm 5 người áo đỏ của Lòng thương xót (có người mặc thêm áo nâu của Phansinh tại thế nữa, một mình ba màu áo) mà hãy ra vùng ngoại vi, đưa những người không đi con đường đến nhà thờ, không còn vào nhà thờ… hãy vui mừng không phải vì nhóm ta có 99 người thay màu áo đi lễ, mà vui mừng vì đoàn thể mình đã tìm được 1 người bỏ lễ đến nhà thờ, con đường Giêsu cũng hiểu cụ thể là con đường đưa ta đến nhà thờ gặp Chúa và gặp nhau…
Khi nhận thấy bề trên đau buồn vì môn đệ đi sai đường… trong buổi hiệp hành tu sĩ mà tôi là linh mục triều và cha xứ duy nhất, nghe và “gánh” tiếng than của tu sĩ thay cho anh em, tự nhiên được đánh động chia sẻ điều trước đây mình chưa nghĩ tới bao giờ. Cũng chỉ một câu chuyện Emmaus thôi, nhưng Lời Chúa thật phong phú cho mọi hoàn cảnh sống của chúng ta. Như Đức Kitô biết hai môn đệ bỏ về Emmaus là sai đường, nhưng vẫn chấp nhận đi sai 11km với họ, bề trên hãy chịu đồng hành cả khi cùng bước lệch dường với anh chị em mình. Chúa ẩn mình vì nếu ngài hiện ra từ đầu có thể họ bỏ chạy vì sợ ma (xin các nhà Kinh Thánh thứ lỗi) vì tôi thấy có lần Chúa hiện ra các tông đồ cứ sợ ma. (x.Lc 24,37). Chỉ nhờ giải thích Kinh Thánh và Thánh Thể (bẻ bánh) lòng trí họ bừng sáng, Chúa mới cho họ nhận ra Ngài, và lập tức sửa sai, quay về chính lộ. Bề trên dám bước một đoạn lệch đường, ẩn mình theo dõi bề dưới, đừng làm họ “sợ ma”, khai sáng cho họ, đưa về với cộng đoàn như hai môn đệ tìm về Giêrusalem…
Nói với giáo dân tôi chỉ hình logo, nhưng với tu sĩ, tôi nhắc việc “Lắng nghe Kinh Thánh”. Tài liệu của Thượng hội đồng triển khai điều này ở mục III, với 8 số, từ 16-23. Gặp gỡ Chúa, lắng nghe Chúa sẽ giúp gặp gỡ lắng nghe nhau, đưa ta hiệp thông, tham gia và chu toàn sứ vụ. Chính kho tàng Kinh Thánh, ghi lại cuộc đời Đức Kitô và những người đi con đường của Ngài, soi sáng cho ta tiếp bước đúng con đường ấy. Hai môn đệ hiền lành, tội nghiệp buồn phiền đi sai đường về Emmaus thì Chúa đi theo, nhưng Saolơ kiêu căng, tự phụ và tỏ ra quá nguy hiểm khi lạc đường tìm bắt các tín hữu, thì Chúa chỉnh liền, té ngựa, mù loà, được khai sáng và dắt đi bởi Khanania, một người ngán sợ Saolơ (x. Cv 9,1-19). Bề trên biết phân định ý Chúa và hoàn cảnh để dìu bước theo họ, hay chặn lại ngay lập tức khi môn đệ sai đường.
Cũng từ kho tàng Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy tầm quan trọng của sứ vụ, nhiệm vụ được sai. “Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp: "Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả. Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư? " Các ông trả lời: "Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.” (Ga 21,4-6). Đi đánh cá ban đầu là ý riêng của Phêrô, được tất cả anh em đồng thuận, với công việc đầy kinh nghiệm của mình, nhưng vất vả cả đêm vô ích. Cũng chỗ đó, cũng lưới thuyền đó, cũng bao nhiêu người tay nghề đó và có thể bị mệt rồi, nhưng “thả lưới bên phài thuyền” là sứ vụ Thầy Giêsu sai, kết quả đầy cá. Coi chừng một nhóm giáo dân, một nhóm tu sĩ, hay linh mục, đã đồng thuận 100% rồi, làm thôi, nhưng theo ý riêng, không phải ý Chúa, vô ích, tốn sức, tốn của… Sứ vụ rất quan trọng, hãy làm theo sứ vụ. Giáo dân kêu ca tại sao chúng con đã lên kế hoạch lâu rồi, đã đồng thuận đồng lòng rồi, quen tay nghề rồi mà cha xứ không cho làm… hãy học bài học mẻ cá lạ này để phân định ý Chúa.
Nếu coi việc tham dự Hội nghị thường niên các Đại chủng viện từ 04-09/07/2022 tại Đàlạt vừa qua là hiệp hành quốc gia cho các nhà đào tạo, thì đây là dịp may tôi có thêm một lần hiệp hành nữa. Ước vọng của tu sĩ, giáo dân mong có được những linh mục giản dị, hiền lành, hy sinh cho đoàn chiên, đừng bắt dự tòng đi từ xứ này sang xứ khác xin học giáo lý vì chưa có khoá; hay các dòng ngày nay có thể lạc đường khi quá đầu tư làm kinh tế… được gặp thấy trong gương sáng của Đức cha Lambert de La Motte và bản Monita ngài nhắn nhũ các thừa sai: biết khổ chế, siêng năng cầu nguyện, đừng làm ăn buôn bán, không lệ thuộc của cải và thế quyền… quí trọng, chăm lo cho các dự tòng và tân tòng…
Giáo phận đã có bản đúc kết 10 trang A4 gởi cho Hội đồng Giám mục trong đó trình bày những thành quả lớn đáp ứng nguyện vọng của dân Chúa như soạn bộ giáo lý “Hành trình Đức tin”, lập các “vệ tinh” và xây dựng cơ sở đào tạo nhân sự… Kể chuyện hiệp hành chỉ ghi nhận những hoa trái cá nhân trong suốt hành trình hiệp thông tham gia hiệp hành như một sứ vụ mới Chúa trao.
 
  1. Kết
Mười lăm Thượng hội đồng Giám mục thế giới trước ít có người giáo dân nào biết. Họ chỉ nghe nói đến khi được cha nào siêng năng đọc và trình bày vài ý tưởng trong các bài giảng. Thượng Hội đồng (Synod) sau cùng dành cho Amazôn (Querida Amazoia) với bản Tông huấn ngày 02/02/2020 thì ta không đọc chắc cũng không đáng trách lắm, thế nhưng mấy ai đọc những Tông huấn Synod quan trọng gần đây “Lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay” (Gaudete et exultate, 19/03/2018) và gần nhất là Synod dành cho Giới trẻ (Christus vivit, 25/03/2019) mà Đức cha Chủ tịch Uỷ ban giáo sĩ chủng sinh, trước khi về Phan Thiết, là nghị phụ có bài tham luận chỉ ba phút. Tông huấn này có nhắc đến chân phước Anrê Phú Yên của chúng ta (số 54) một giáo lý viên trẻ, ấy thế mà chắc cũng ít người trẻ biết, hy vọng các cha đặc trách giới trẻ đọc hết tông huấn này để hướng dẫn giới trẻ.
Nhưng nay, người giáo dân Phan Thiết không thể không biết Thượng Hội đồng Giám mục “hiệp hành”, mà vị chủ chăn của mình đồng hành đến 20 hiệp (ngài đi cả 5 lần ở 5 dòng tu mà tôi không được dự), mỗi cha ít là 3 hiệp, giáo dân siêng năng và nòng cốt linh hoạt giáo xứ cũng 3 hiệp : giáo xứ, giáo hạt, giáo phận và ngày 11-12/08/2022 còn một hiệp tổng kết nữa tại Tàpao cho dịp hành hương riêng của giáo phận.
Một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông-tham gia-sứ vụ đã thân quen với người Công giáo bình dân. Các tín hữu đầu tiên là mẫu gương hiệp hành cho chúng ta tiếp tục, nhờ gặp gỡ, lắng nghe, phân định để tìm ra ý Chúa, bước tiếp con đường Giêsu. Lắng nghe Kinh Thánh, lắng nghe nhau trong Thánh Thần, mục tử lắng nghe dân Chúa, đoàn chiên lắng nghe chủ chăn Chúa uỷ thác “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16). Dân lữ hành sống hiệp hành mãi, cho đến khi được hiệp thông, tham dự vào tình yêu Chúa cách trọn vẹn nơi nhà Cha Đức Kitô, cũng là Cha chúng ta.
Tạ ơn Chúa là Cha đã ban Thánh Thần cho Đức thánh cha Phanxicô khi ngài đảo nghịch trật tự tổ chức Synod, để dân Chúa biết được đường lối mục vụ của Tòa Thánh trước khi tông huấn hậu Synod ra đời, hầu kịp thời giúp đoàn dân lữ hành đi đúng con đường Giêsu. Phải chăng vì ngài biết ngày nay chúng ta lười đọc, bao nhiêu tư tưởng hay và đường lối hữu ích còn nằm trên kệ sách, nên Synod lần thứ 16 này, đã làm trước khi đọc, và giáo dân các Giáo hội địa phương, nhỏ nhất là giáo xứ cũng đã làm, đã sống, trước khi các nghị phụ chính thức họp tại Roma tháng 10/2023.


Cù Mi, Chúa nhật 24/07/2022
Đọc tiếp »

CHẾT: Tháng 11 nhớ người đã chết (GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992)


Tối hôm qua, 19/11/2021, cả nước tưởng niệm hơn 23.300 người Việt chết vì covid…
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1992, dạy chúng ta về cái chết qua các số :
1006 :
Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến tột độ" (x. GS 18). Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng, đức tin cho chúng ta biết, chết là "tiền công trả cho tội lỗi" (Rm 6, 23) (x. St 2, 17). Và đối với người chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, chết là tham dự vào cái chết của Chúa để cùng được tham dự vào sự Phục Sinh của Người (x. Rm 6, 3-9; Pl 3, 10-11).
1007 :
Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế. Cuộc đời chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ là đời người có hạn:
"Vào thời thanh xuân, con hãy nhớ đến Ðấng Sáng Tạo ... trước khi bụi trở về với đất như cũ và sinh khí trở về với Ðấng đã ban nó cho con" (x. Giảng viên 12, 1. 7).
1008 :
Chết là hậu quả của tội lỗi. Khi chính thức giải thích những điều Thánh Kinh (x. St 2, 17;3, 3;3, 19;Sg 1, 13;Rm 5, 12;6, 23) và Thánh Truyền khẳng định, Huấn quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian vì con người đã phạm tội (x. DS 1511). Mặc dù theo bản tính tự nhiên con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa sáng tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2, 23-24). "Giả như con người không phạm tội thì đã không phải chết" (x. GS 18), nên "cái chết là kẻ thù cuối cùng con người cần phải chiến thắng" (x. 1Cr 15, 26).
1009 :
Cái chết được biến đổi nhờ Ðức Ki-tô. Dù là Con Thiên Chúa, Ðức Giê-su đã chịu chết vì mang thân phận con người. Ðứng trước cái chết, tuy sợ hãi (x. Mc 14, 33-34; Dt 5, 7-8), Người đã chấp nhận nó vì hoàn toàn và tự nguyện tùng phục ý Chúa Cha. Nhờ vâng phục, Ðức Giê-su đã biến đổi cái chết từ chỗ là lời nguyền rủa trở thành lời chúc lành (x. Rm 5, 19-21).
1010 :
Nhờ Ðức Ki-tô, chết mang một ý nghĩa tích cực. "Ðối với tôi, sống là Ðức Ki-tô và chết là một mối lợi" (Pl 1, 21). "Ðây là lời đáng tin cậy : Nếu ta cùng chết với Người, chúng ta sẽ cùng sống với Người" (2 Tm 2, 11). Ki-tô giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết : nhờ bí tích Thánh Tẩy, Ki-tô hữu đã "cùng chết với Ðức Ki-tô" cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng Ðức Ki-tô, cái chết thể xác sẽ kết thúc việc "cùng chết với Ðức Ki-tô" mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người nhờ công trình cứu độ của Người:
Ðối với tôi, chết trong Ðức Giê-su Ki-tô còn hơn là được cai trị cả thế gian. Tôi đang đi tìm Ðấng đã chết cho chúng ta: tôi đang khao khát Ðấng đã phục sinh cho chúng ta. Giờ tôi được sinh ra (trong cuộc sống vĩnh cửu) đã gần kề ... Anh em hãy để tôi nhận lãnh ánh sáng tinh tuyền, khi nào tôi tới được đó, tôi mới thực sự là một con người (x. T. Inhaxio Antiôkia, thư gởi giáo đoàn Rô-ma 6, 1-2).
1011 :
Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế đối với cái chết, Ki-tô hữu có thể mong ước như Thánh Phao-lô : "Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Ðức Ki-tô" (Pl 1, 23); theo gương Ðức Ki-tô, họ có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Chúa Cha (x. Lc 23, 46).
Đọc tiếp »

GX CÙ MI: MỤC VỤ THÁNG 12



Đọc tiếp »

CHÚA NHẬT XXXIV - Mùa TN C, LỄ CHÚA KITÔ VUA



Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

NGƯỜI CHẾT PHỤC SINH THẾ NÀO ?


997
“Phục sinh” là gì? Khi chết, linh hồn và thân xác bị tách biệt, thân xác con người bị hư hoại trong khi linh hồn của nó đến gặp Thiên Chúa, mà vẫn mong đợi được kết hợp lại với thân xác được tôn vinh của mình. Thiên Chúa, bằng sự toàn năng của Ngài, sẽ vĩnh viễn trả lại sự sống bất hoại cho thân xác chúng ta, kết hợp thân xác đó với linh hồn chúng ta, bằng sức mạnh của cuộc phục sinh của Chúa Giê-su.
998
Ai sẽ phục sinh? Tất cả mọi người đã chết đều sẽ phục sinh: “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống, ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29).574
999
Phục sinh thế nào? Đức Ki-tô đã phục sinh với thân xác riêng của Người: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!” (Lc 24,39); nhưng Người không trở lại với đời sống trần thế. Cũng vậy, trong Người, “tất cả mọi người sẽ sống lại với thân xác riêng của mình, thân xác hiện giờ họ đang mang”, nhưng thân xác này “sẽ được biến đổi thành thân xác của sự vinh quang”, thành “thân thể có thần khí” (1 Cr 15,44):
“Nhưng có người sẽ nói: Kẻ chết sống lại thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống; cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi… Gieo xuống thì hư nát, mà sống lại thì bất diệt;… những kẻ chết sẽ sống lại mà không còn hư nát… Quả vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (l Cr 15,35-37.42.52- 53).
1000
Sự “phục sinh thế nào” đó, vượt quá trí tưởng tượng và sự hiểu biết của chúng ta; điều đó chỉ có thể đạt tới bằng đức tin. Nhưng việc chúng ta tham dự vào bí tích Thánh Thể đã cho chúng ta được nếm trước sự biến hình của thân xác chúng ta nhờ Đức Ki-tô:
“Cũng như bánh là hoa mầu ruộng đất, sau khi nhận được lời khẩn cầu Thiên Chúa, không còn là bánh thường nữa, nhưng là Thánh Thể với hai thực tại trần thế và thiên quốc: cũng vậy, thân xác chúng ta khi đón nhận Thánh Thể thì không còn bị hư hoại, nhưng đã mang niềm hy vọng phục sinh.”
1001
Khi nào phục sinh? Một cách vĩnh viễn, “trong ngày sau hết” (Ga 6,39-40.44.54; 11,24); “ngày tận thế.” Quả vậy, sự phục sinh của những người chết được gắn liền với cuộc Quang lâm của Đức Ki-tô:
“Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng Tổng lãnh Thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người chết trong Đức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên” (l Tx 4,16).
Phục sinh với Đức Ki-tô (1002–1004)
1002
Nếu thật sự là, Đức Ki-tô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Ki-tô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Ki-tô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Ki-tô:
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Ki-tô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết… Anh em đã được sống lại cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).
1003
Được liên kết với Đức Ki-tô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Ki-tô phục sinh,579 nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Ki-tô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
1004
Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Ki-tô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:
“Thân xác… phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Ki-tô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao?… Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1Cr 6,13-15.19-20).
Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

TĨNH TÂM NGÀY CUỐI (18/11/2022): Lần đầu tiên sau 63 năm, Linh Mục đoàn lên núi đồng tế… Tạ ơn Chúa, cám ơn Mẹ Tàpao!

Đọc tiếp »

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

TĨNH TÂM NĂM LM, ngày thứ năm (17/11/2022)

Đi dạo một mình, tình cờ gặp Đức cha Vĩnh Long, Giám mục giảng phòng, nhớ hơn 11 năm trước ngài là cha giáo dạy triết đã cùng cha Giám đốc Hưởng (ĐCV Sàigòn) đến ăn trưa tại nhà xứ Tân Châu…
Đọc tiếp »

THÁNH CÔNG CHÚA CỦA NGƯỜI NGHÈO (Trích thư của cha Côn-rát thành Mác-bua, linh hướng của thánh nữ, gửi đức thánh cha Ghê-gô-ri-ô IX, năm 1232 )


Trích thư của cha Côn-rát thành Mác-bua, linh hướng của thánh nữ, gửi đức thánh cha Ghê-gô-ri-ô IX, năm 1232 :
“Bà Ê-li-sa-bét sớm bắt đầu trổi vượt về các nhân đức. Cũng như suốt đời, bà đã là người an ủi những người nghèo, thì bây giờ bà hoàn toàn trở nên vị cứu tinh của những người đói. Bà ra lệnh xây một nhà thương gần lâu đài của mình, đón về đó nhiều người đau yếu tàn tật. Đối với mọi người đến xin của bố thí, bà đã làm các việc từ thiện cách rộng rãi, ở đây cũng như trong toàn lãnh thổ thuộc quyền cai trị của chồng bà. Bà đã phân phát tất cả hoa lợi do bốn lãnh địa của chồng bà đem lại, thậm chí cuối cùng bà đã cho bán hết cả đồ trang sức và y phục quý giá để giúp người nghèo.
Bà có thói quen mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, đích thân thăm viếng tất cả các bệnh nhân của bà. Những người bị bệnh ghê tởm nhất thì bà trực tiếp săn sóc, cho người này ăn, đỡ người kia nằm xuống, vác kẻ khác trên vai, và còn làm nhiều việc từ thiện khác nữa. Chồng bà, một người mà ai cũng thương nhớ, không bao giờ tỏ ra khó chịu vì những việc bà làm. Sau khi ông qua đời, bà muốn hướng tới sự hoàn thiện cao nhất, nên đã khóc lóc nài van con cho phép bà được đi ăn xin từ nhà này qua nhà khác.
Một ngày thứ Sáu Tuần Thánh kia, sau khi người ta đã lột khăn các bàn thờ, bà đã đặt tay trên bàn thờ một nhà nguyện trong thành của bà, nơi bà đã cho các Anh Em Hèn Mọn ở, trước sự hiện diện của một số nhân chứng, bà đã nguyện từ bỏ ý riêng, từ bỏ mọi vinh hoa của thế gian và những gì mà trong Tin Mừng, Đấng Cứu Thế đã khuyên từ bỏ. Sau đó, vì bà thấy rằng mình có thể bị chi phối bởi cảnh huyên náo của thế gian và vinh quang trần thế, trong đó bà đã sống cách vẻ vang khi chồng bà còn sống, nên bà đã theo con đến Mác-bua mặc dầu con không muốn. Trong thành này, bà xây một nhà thương, đón về đó những người đau yếu tàn tật, và cho những người khốn khổ nhất, những người bị khinh rẻ nhất, ngồi ăn cùng bàn với bà.
Ngoài những hoạt động bác ái bà làm, con xin tuyên bố trước mặt Thiên Chúa rằng con hiếm thấy một người phụ nữ nào có đời sống chiêm niệm cao hơn. Một số tu sĩ nam nữ đã nhiều lần thấy rằng : khi bà cầu nguyện một mình xong và đi ra thì bộ mặt bà toả sáng lạ lùng, và từ mắt bà phát ra những tia sáng như tia sáng mặt trời. Trước lúc bà qua đời, con đã giải tội cho bà ; khi hỏi bà phải định đoạt thế nào về của cải và đồ đạc bà để lại, bà trả lời rằng tất cả những gì bà xem ra còn sở hữu đều là của người nghèo..”
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

ĐẦU TƯ CHO NHỮNG CÁI CHỐNG QUA HAY TÌNH YÊU CÒN MÃI (ĐTC Phanxicô, 14/11/2021)



“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng của Phụng Vụ hôm nay mở đầu bằng một câu nói của Chúa Giêsu khiến chúng ta phải kinh ngạc: “Mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống” (Mc 13, 24-25). Như thế thì sao, chẳng lẽ ngay cả Chúa cũng là một tiên tri của ngày thế mạt. Không, đây chắc chắn không phải là ý định của
Ngài. Ngài muốn chúng ta hiểu rằng mọi thứ trên đời này sớm muộn gì cũng qua đi. Ngay cả mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao tạo nên “firmamento” - “bầu trời” - một từ biểu thị “fermezza” - “sự vững chắc”, “sự ổn định” - cũng sẽ qua đi.
Tuy nhiên, cuối cùng, Chúa Giêsu đề cập đến điều không sụp đổ: “Trời và đất sẽ qua đi”, Ngài nói, “nhưng lời Thầy nói sẽ không qua đi” (câu 31). Lời của Chúa sẽ không qua đi. Ngài phân biệt giữa những thứ áp chót, sẽ trôi qua; và những thứ cuối cùng, sẽ còn lại. Đó là một thông điệp cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta đến những quyết định quan trọng trong cuộc sống, hướng dẫn chúng ta những gì đáng để đầu tư cuộc sống của chúng ta. Đầu tư vào một cái gì đó nhất thời, hay vào những lời của Chúa là những điều còn mãi mãi? Rõ ràng là chúng ta sẽ chọn những điều còn mãi…
Và chúng ta, anh chị em thân mến, hãy tự hỏi: chúng ta đang đầu tư cuộc sống của mình vào điều gì? Về những thứ đã qua, chẳng hạn như tiền bạc, thành công, ngoại hình, thể chất? Chúng ta sẽ không mang được theo với mình những thứ này. Chúng ta có gắn bó với những thứ trần gian, như thể chúng ta sẽ sống ở đây mãi mãi không? Khi chúng ta còn trẻ và khỏe mạnh, mọi thứ đều tốt đẹp, nhưng đến thời điểm phải ra đi, chúng ta sẽ phải bỏ lại tất cả.
Lời Chúa cảnh báo chúng ta hôm nay: thế giới này sẽ qua đi. Và sẽ chỉ còn lại tình yêu. Do đó, đặt cuộc sống của một người dựa trên Lời Chúa không phải là trốn tránh lịch sử, nhưng là đắm mình vào những thực tại trần thế để làm cho chúng trở nên vững chắc, biến đổi chúng bằng tình yêu thương, khắc ghi vào chúng dấu chỉ vĩnh cửu, dấu chỉ của Thiên Chúa…
Khi tôi không biết phải làm gì, không biết phải làm thế nào để đưa ra một lựa chọn dứt khoát, một quyết định quan trọng, một quyết định liên quan đến tình yêu của Chúa Giêsu, tôi phải làm gì? Trước khi quyết định, chúng ta hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang đứng trước mặt Chúa Giêsu, như vào cuối cuộc đời, trước mặt Đấng là tình yêu. Và tưởng tượng mình ở đó, với sự hiện diện của Ngài, trước ngưỡng cửa của cõi đời đời, và chúng ta đưa ra quyết định cho ngày hôm nay. Chúng ta phải quyết định theo cách này: luôn nhìn về cõi vĩnh hằng, nhìn vào Chúa Giêsu… Xin Đức Mẹ giúp chúng ta có những lựa chọn quan trọng trong cuộc đời như Mẹ đã làm: đó là theo tình yêu, theo Chúa.” (ĐTC Phanxicô, 14/11/2021)
Đọc tiếp »

TÀPAO, NƠi TĨNH TÂM TUYỆT VỜI, Hiệp thông, cầu nguyện…

Đọc tiếp »

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

CHÚA GIÊSU CẦU NGUYỆN CÙNG TA... (ĐTC Phanxicô, 11/11/2020)


“... Trong những đêm đen của đức tin ấy, người cầu nguyện không bao giờ cô độc. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ là một nhân chứng và là người dạy cầu nguyện; Người còn hơn thế nữa. Người chào đón chúng ta trong lời cầu nguyện của Người để chúng ta có thể cầu nguyện trong Người và qua Người. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần. Vì lý do này, Tin Mừng mời gọi chúng ta nhân danh Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha. Thánh Gioan cung cấp cho chúng ta những lời lẽ sau đây của Chúa: “Bất cứ điều gì các con xin nhân danh Thầy, Thầy sẽ làm, hầu cho Chúa Cha được vinh hiển trong Chúa Con” (14, 13). Và Sách Giáo Lý giải thích rằng “việc biết chắc các lời thỉnh cầu của chúng ta sẽ được lắng nghe là dựa trên lời cầu nguyện của Chúa Giêsu” (số 2614). Nó đem lại đôi cánh mà lời cầu nguyện của con người luôn mong muốn sở hữu.
Ở đây, làm sao chúng ta có thể không nhớ lại những lời của Thánh vịnh 91, tràn đầy tín thác, phát xuất từ một tấm lòng hy vọng mọi sự sẽ đến từ Thiên Chúa: “Chúa phù trì che chở, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân : lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ. Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng hay mũi tên bay giữa ban ngày, cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại lúc ban trưa” (câu 4-6). Chính trong Chúa Kitô, lời cầu nguyện tuyệt vời này được hoàn thành, và trong Người, nó tìm thấy sự thật trọn vẹn của nó. Không có Chúa Giêsu, lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ bị giản lược thành nỗ lực của con người, phần lớn sẽ thất bại. Nhưng Người đã tiếp nhận vào chính Người mọi tiếng kêu, mọi rên rỉ, mọi hân hoan, mọi khẩn cầu… mọi lời cầu nguyện của con người. Và chúng ta đừng quên rằng Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta; chính Người dẫn chúng ta tới việc cầu nguyện, Người dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Người là hồng phúc mà Chúa Cha và Chúa Con đã ban cho chúng ta để phát huy cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Và khi chúng ta cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Kitô là tất cả cho chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Thánh Augustinô đã nói điều này bằng một cách diễn đạt đầy soi sáng mà chúng ta cũng tìm thấy trong Sách Giáo Lý: Chúa Giêsu “cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là linh mục của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Đầu của chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện với trong tư cách là Thiên Chúa của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn nhận tiếng nói của chúng ta trong Người và tiếng của Người trong chúng ta ”(số 2616). Đây là lý do tại sao Kitô hữu nào cầu nguyện sẽ không sợ gì cả, họ tín thác vào Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta như một hồng phúc và là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, thúc đẩy việc cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần, Thầy cầu nguyện, dạy chúng ta con đường cầu nguyện.” (ĐTC Phanxicô, 11/11/2020)
Đọc tiếp »

Hôm nay bước vào tuần tĩnh tâm linh mục Phan Thiết, 14-18/11/2022. Xin mọi người hiệp thông cầu nguyện…




Đọc tiếp »

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

CHÚA NHẬT NGÀY 13-11-2022: CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, BỔN MẠNG HĐMV GIÁO XỨ

Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.