Ads 468x60px

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Thánh Gioan Phaolô II, giảng lễ phong thánh TĐVN, 19/06/1988 :


“... Tôi chào tất cả các anh em Giám Mục, cũng như Giáo dân của Tây Ban Nha, Pháp quốc và Phi Luật Tân, những xứ sở mà trong suốt ba thế kỷ đã góp phần vào việc truyền giáo tại Việt Nam. Tất cả tuôn về Rôma hôm nay để tưởng niệm những người anh em trước kia là Thừa Sai xuất xứ từ ba quốc gia này.
Một tư tưởng ưu ái xin gửi tới các Linh Mục Đa Minh thuộc Tỉnh Dòng Đức Mẹ Mân Côi đã thành lập từ bốn thế kỷ, và Hội Thừa Sai Paris đã cống hiến một số đông đảo Giám Mục và Linh Mục, mà hôm nay chúng ta sùng kính như những vị Tử Đạo vì Đức Tin, vì đã rao giảng lời Chúa.
Một cách đặc biệt cha gửi lời chào tất cả anh chị em Việt Nam, hiện là thành phần Giáo đoàn thế giới, hôm nay từ bốn phương trời: Mỹ Châu, Á Châu, Úc Châu và Âu Châu tuôn về địa điểm này. Cha biết rằng các con đang ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn tự cảm nhu cầu đứng chung quanh các vị Thánh - để xe kết tình huynh đệ kết nghĩa, thương mến hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và cùng chung sống niềm hy vọng.
Lên tiếng với các con để hô vang Chúa Kitô tử nạn Thập Giá. Tất cả chúng ta hôm nay gởi lời cám ơn các con vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam các con đã nêu cao, bất cứ các Ngài là con dân Việt Nam, hay là những vị Thừa Sai xuất xứ từng những nước đã in sâu mầm mống Đức Tin Chúa Kitô.
Làm sao kể lại cho hết ? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Agnès Lê Thị Thành mẹ của sáu người con.
Truyền thống còn ghi nhớ truyền thống chết vì Đạo của Giáo Hội Việt Nam rất bao quát, phức tạp ngay từ ban đầu. Từ năm 1533, nghĩa là từ lúc miền Đông Nam Á Châu vừa được truyền Đạo, Giáo Hội Việt Nam đã chịu bách hại suốt ba thế kỷ, trừ một vài năm cách quãng, giống hệt ba thế kỷ bắt bớ của Giáo Hội Âu Châu xưa. Từng ngàn giáo dân Tử Đạo, từng trăm ngàn người đã chết lưu lạc trên núi, trong rừng sâu nước độc!
...
Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh em rằng: Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa Kitô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng lời kêu gọi của Phúc Âm vẫn là phải tuân phục các thể chế loài người, để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh em, kính yêu Thiên Chúa cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia (I Pet. 2, 13-17). Do đó công ích của quốc gia vẫn là điểm người công dân có Đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, được cảm thông với các vị chủ chăn và anh em đồng tín ngưỡng, như thế là để sống an bình với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân...”
Đọc tiếp »

TÔI CHỊU GIAN TRUÂN ĐỂ ANH EM CHÁY LỬA MẾN CHÚA...


Trích thư của thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh gửi các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh năm 1843 :
"Tôi là Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Ki-tô. Tôi muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Thiên Chúa : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Ngục thất này quả là một hình ảnh sống động của hoả ngục đời đời : ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gỗ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành, và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp.
Nhưng Đấng đã giải thoát ba người thanh niên khỏi ngọn lửa bừng bừng vẫn luôn ở cùng tôi ; Người cũng đã giải thoát tôi khỏi những sự khốn khó này bằng cách làm cho trở nên ngọt ngào : Chúa yêu thương ta đến muôn đời.
Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người là Thầy của chúng ta, Người mang tất cả sức nặng của thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất. Người không chỉ nhìn tôi chiến đấu, mà chính Người đang chiến đấu và chiến thắng. Vì thế, triều thiên vinh quang đã được đặt trên đầu Người, nhưng chi thể cũng được hân hoan vì vinh quang của đầu..."
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

THIÊN ĐÀNG, LUYỆN NGỤC, HỎA NGỤC (GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993)


Tuần lễ cuối cùng của năm phụng vụ, những ngày cuối tháng cầu cho người đã qua đời, ta cùng đọc GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO-1993 về số phận cuối cùng của nhân loại:
II. Thiên Đàng (1023–1029)
1023
Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa, và những ai đã được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống muôn đời với Đức Ki-tô. Muôn đời họ sẽ giống như Thiên Chúa, bởi vì họ

thấy Ngài “như Ngài là” (1 Ga 3,2), “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12)
“Bằng thẩm quyền tông đồ, chúng tôi định tín rằng: Theo sự an bài chung của Thiên Chúa, từ sau cuộc Thăng thiên của Đấng Cứu Độ chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô, linh hồn của tất cả các Thánh… và của mọi Ki-tô hữu đã chết sau khi lãnh nhận Phép Rửa thánh thiêng của Đức Ki-tô, nếu họ không có gì phải thanh luyện, sau khi họ chết,… hoặc nếu lúc đó nơi họ đã hoặc sẽ có gì phải thanh luyện, mà đã thanh luyện xong sau khi chết… thì ngay cả trước khi họ đảm nhận lại thân xác của mình và trước cuộc phán xét chung, các linh hồn này đã, đang và sẽ được ở trên trời, trên Nước Trời và trên Thiên Đàng cùng với Đức Ki-tô, được nhập đoàn các thánh Thiên thần, và sau cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô, các linh hồn này đã và đang

được xem thấy bản tính thần linh bằng sự hưởng kiến trực tiếp và giáp mặt, không qua trung gian một thụ tạo nào.”
1024
Đời sống trọn hảo này với Ba Ngôi Chí Thánh, việc hiệp thông sự sống với Ngài, với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, với các Thiên thần và tất cả các Thánh, được gọi là “thiên đàng.” Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự hoàn thành các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng vinh phúc tuyệt hảo và vĩnh viễn.
1025
Sống trên thiên đàng là “ở với Đức Ki-tô.” Những người được tuyển chọn sống “trong Người”, nhưng ở đó họ vẫn giữ, thậm chí họ tìm được, căn tính riêng của mình, danh xưng riêng của mình.
“Quả vậy, sự sống là được ở với Đức Ki-tô, bởi vì ở đâu có Đức

Ki-tô, ở đó là Nước Trời.”
1026
Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ sự chết và sự sống lại của Người, đã “mở cửa” thiên đàng cho chúng ta. Sự sống của các Thánh cốt tại việc sở hữu sung mãn các hoa trái của ơn Cứu Chuộc mà Đức Ki-tô đã hoàn thành, Người là Đấng kết hợp vào vinh quang thiên quốc của Người những ai đã tin vào Người và đã trung thành với thánh ý Người. Thiên Đàng là cộng đồng vinh phúc của tất cả những người đã được tháp nhập trọn vẹn vào Đức Ki-tô.
1027
Mầu nhiệm hiệp thông vinh phúc với Thiên Chúa và với tất cả những người ở trong Đức Ki-tô, vượt quá mọi hiểu biết và mọi trình bày. Thánh Kinh nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, nhà Cha, thành Giê-ru-sa-lem thiên quốc, thiên đàng: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Ngài” (1 Cr 2,9).
1028
Thiên Chúa, vì sự siêu việt của Ngài, không ai có thể trông thấy Ngài như Ngài là, nếu chính Ngài không mở mầu nhiệm của Ngài cho con người chiêm ngưỡng trực tiếp, và nếu chính Ngài không ban cho con người khả năng đó. Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa như vậy trong vinh quang thiên quốc của Ngài, được Hội Thánh gọi là “sự hưởng kiến vinh phúc” (visio beatifica):
“Bạn sẽ vinh quang và hạnh phúc biết bao vì được phép nhìn thấy Chúa, được hân hạnh hưởng niềm vui cứu độ và ánh sáng vĩnh cửu cùng với Chúa Ki-tô, Thiên Chúa của bạn,… bạn sẽ hưởng niềm vui của sự bất tử cùng với những người công chính và các bạn hữu của Thiên Chúa trong Nước Trời.”
1029
Trong vinh quang trên trời, các Thánh vẫn tiếp tục thi hành thánh ý của Thiên Chúa một cách hân hoan đối với những người khác và đối với toàn thể các thụ tạo. Các ngài đã hiển trị cùng với Đức Ki-tô; cùng với Người, các ngài “sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
III. Sự thanh luyện cuối cùng hoặc Luyện ngục (1030–1032)
1030
Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.
1031
Hội Thánh gọi sự thanh luyện cuối cùng này của những người được chọn là Luyện ngục, sự thanh luyện này khác hẳn với hình phạt của những kẻ bị luận phạt. Hội Thánh công bố đạo lý đức tin liên quan đến luyện ngục, chủ yếu trong các Công đồng Florentinô và Tri-đen-ti-nô. Truyền thống của Hội Thánh, dựa trên một số bản văn của Thánh Kinh, nói đến lửa thanh luyện:
“Đối với một số tội nhẹ, phải tin là trước phán xét chung có lửa thanh luyện, theo điều Đấng là Chân lý đã nói rằng nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Thần, người đó sẽ chẳng được tha cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,32). Trong lời đó, chúng ta có thể hiểu là một số tội có thể được tha ở đời này, còn một số tội có thể được tha ở đời sau.”
1032
Đạo lý này cũng dựa trên tập quán cầu nguyện cho những người quá cố, điều này đã được Thánh Kinh nói đến: “Bởi đó ông Giu-đa Ma-ca-bê đã dâng hy lễ đền tội cho những người quá cố, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46). Ngay những thời đầu, Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lời cầu nguyện cho họ, nhất là dâng Hy lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội Thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời:
“Vậy chúng ta hãy giúp đỡ họ và hãy nhớ đến họ. Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông: tại sao bạn lại hồ nghi, là liệu những lễ tế chúng ta dâng lên để cầu cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không?… Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời, và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
IV. Hỏa ngục (1033–1037)
1033
Chúng ta không thể được kết hợp với Thiên Chúa, nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng chống lại Ngài, chống lại người lân cận của chúng ta hoặc chống lại chính chúng ta: “Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân, và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3,15). Chúa chúng ta cảnh cáo rằng chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi Người, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn, là các anh em của Người. Chết trong tội trọng mà chúng ta không thống hối và không đón nhận tình yêu thương xót của Thiên Chúa, có nghĩa là chúng ta bị tách biệt khỏi Ngài đến muôn đời, vì sự chọn lựa tự do riêng của chúng ta. Tình trạng chính mình tự loại trừ mình cách vĩnh viễn như vậy (“autoexclusio”) khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Thánh, được gọi bằng từ “hỏa ngục.”
1034
Chúa Giê-su thường nói về lửa không hề tắt của “hỏa ngục”, dành cho những ai cho đến chết vẫn không tin và không chịu hối cải, ở đó cả linh hồn và thân xác có thể bị hư mất. Chúa Giê-su dùng những lời nghiêm khắc loan báo: “Con Người sẽ sai các Thiên thần của Người tập trung… mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa” (Mt 13,41-42), và chính Người sẽ công bố lời kết án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời!” (Mt 25,41).
1035
Đạo lý của Hội Thánh khẳng định có hỏa ngục và tính vĩnh cửu của hỏa ngục. Linh hồn của những kẻ chết trong tình trạng tội lỗi, ngay sau khi chết, sẽ xuống chịu hình phạt hỏa ngục, chịu “lửa muôn đời.” Hình phạt chủ yếu của hỏa ngục cốt tại việc muôn đời bị tách biệt khỏi Thiên Chúa, Đấng mà chỉ nơi Ngài con người mới có thể có sự sống và sự vinh phúc, là những mục đích của việc con người được tạo dựng, và là những điều con người hằng khát vọng.
1036
Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để, khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x. Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26) chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng.”
1037
Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục; điều này đòi sự tự ý thù ghét Thiên Chúa (tội trọng) và cố chấp trong tình trạng đó đến cùng. Hội Thánh, trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của các tín hữu, khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn “cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9):
“Vì vậy, lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận lễ vật của chúng con là tôi tớ Chúa,
và của toàn thể gia đình Chúa…
Xin an bài cho đời chúng con được sống trong bình an của Chúa,
cứu chúng con thoát khỏi án phạt đời đời
và nhận chúng con vào đoàn những người Chúa chọn.”
Đọc tiếp »

MỪNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM, 24/11-Lễ Trọng





Đọc tiếp »

XIN VUA GIÊSU GIẢI THOÁT CHÚNG CON (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)


“Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này chỉ để làm chứng về Sự Thật.” (Ga 18,37)…
Chính sự thật của Người đã giải thoát chúng ta (x. Ga 8,32). Nhưng chân lý của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, một điều gì đó trừu tượng: chân lý của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Người tạo ra chân lý bên trong chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi những hư cấu, khỏi những giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi thói nói một đàng làm một nẻo. Khi sống trong tình thân mật với Chúa Giêsu, chúng ta sống trong sự thật.
Cuộc sống của một Kitô Hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo chiếc mặt nạ phù hợp với mình nhất. Bởi vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong trái tim, Người giải phóng trái tim chúng ta khỏi thói đạo đức giả, giải thoát nó khỏi những thứ thấp hèn, khỏi sự giả tạo. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là vua của chúng ta là khả năng chúng ta có thể tách rời khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, những gì khiến nó trở nên mơ hồ, mờ đục, buồn bã. Khi cuộc sống mông lung, một chút ở đây, một chút ở đó, thật buồn, thật buồn.
Tất nhiên, chúng ta phải luôn đối mặt với những hạn chế và khiếm khuyết: tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi. Nhưng, khi sống dưới vương quyền của Chúa Giêsu, chúng ta không trở nên hư hỏng, không trở nên giả dối, không có khuynh hướng che đậy sự thật. Không có cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ kỹ: chúng ta là những kẻ tội lỗi, đúng như thế, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội! Tội thì có, nhưng băng hoại thì không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày đều biết tìm kiếm chân lý của Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi nô lệ trần gian và dạy chúng ta kềm chế những tệ nạn của mình.” (ĐTC Phanxicô, 21/11/2021)
Đọc tiếp »

MỪNG BỔN MẠNG CA ĐOÀN XÊXILIA (CECILIA)


Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa
Trích bài diễn giải thánh vịnh của thánh Âu-tinh, giám mục:
“Hãy tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm ; kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt. Nào dâng Chúa một bài ca mới. Hãy cởi bỏ cái cũ kỹ ; anh

em đã biết bài ca mới. Con người mới, giao ước mới, bài ca mới. Bài ca mới không thích hợp với những con người cũ. Bài ca đó, chỉ những con người mới mới học được, vì nhờ ân sủng họ đã được đổi mới từ tình trạng cũ kỹ và từ nay thuộc về giao ước mới, tức là Nước Trời. Tất cả tình yêu của chúng ta tha thiết hướng về Nước ấy và hát bài ca mới ; hãy hát bài ca mới, không phải bằng môi miệng nhưng bằng đời sống.
Hãy dâng Chúa một bài ca mới, hãy hát cho hay để mừng Người. Mỗi người tự hỏi phải hát mừng Thiên Chúa thế nào. Hãy hát mừng Người, nhưng đừng hát sai. Người không muốn bị chói tai. Hãy hát cho hay, hỡi anh em. Trước mặt một người sành âm nhạc, nếu người ta bảo bạn : “Hãy hát cho ông ấy thưởng thức”, mà bạn không được huấn luyện về âm nhạc, thì bạn sợ không dám hát kẻo làm mất lòng người nghệ sĩ. Thật thế, những lỗi người không thạo nhạc chẳng nhận ra, thì người nghệ sĩ sẽ thấy rõ. Vậy ai dám cho mình là hát hay để hát mừng Thiên Chúa, Đấng đánh giá người hát, Đấng xem xét mọi sự, Đấng nghe thấy tất cả ? Bao giờ bạn mới có thể hát cách điêu luyện đến mức không làm chói đôi tai thành thạo ấy chút nào ?
Đây chính Người chỉ cho bạn cách hát : đừng tìm lời, như thể bạn có khả năng diễn tả bằng lời điều làm cho Thiên Chúa ưa thích. Hãy hát mừng Người bằng tiếng reo vui. Hát bằng tiếng reo vui, đó là hát cho hay để dâng Chúa. Hát bằng tiếng reo vui là gì ? Phải hiểu rằng tiếng hát của tâm hồn không thể diễn tả bằng lời. Cũng như những người hát trong khi gặt lúa hoặc hái nho hay khi làm một công việc gì phấn khởi : thoạt đầu họ vui mừng hân hoan nhờ những lời của bài ca, sau đó họ như đầy tràn một niềm vui lớn lao đến nỗi không thể diễn tả bằng lời, nên họ không dùng lời nữa mà chuyển sang tiếng reo vui.
Reo vui là một tiếng phát ra để diễn tả rằng : tâm hồn đang trào dâng một điều gì đó không thể nói lên được. Tiếng reo vui ấy thích hợp với ai hơn là với Thiên Chúa, Đấng không gì diễn tả được ? Đấng không gì diễn tả được là Đấng bạn không thể nói lên được bằng lời. Nếu bạn không thể nói lên bằng lời, mà cũng không được phép thinh lặng, thì bạn còn cách nào hơn là reo vui ? Tâm hồn cứ hân hoan mà không cần lời để niềm vui vô biên không bị ngôn từ giới hạn. Hãy hát cho hay bằng tiếng reo vui để mừng Chúa.”
Đọc tiếp »

BỀN ĐỖ LÀM ĐIỀU THIỆN (ĐTC Phanxicô, huấn từ 13/11/2022)


“…Vì thế, đây là sự bền đỗ của chúng ta: hãy xây dựng lòng tốt mỗi ngày. Bền đỗ là luôn luôn hướng thiện, đặc biệt là khi thực tế xung quanh thúc giục chúng ta làm khác đi. Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ: Tôi biết rằng lời cầu nguyện là quan trọng, nhưng, giống như mọi người, tôi cũng luôn có rất nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi nói: “Không, tôi đang bận, tôi không thể, tôi 'sẽ làm điều đó sau’. Hoặc, tôi thấy
nhiều người xảo quyệt lợi dụng các tình huống, những người né tránh các giới luật, và vì vậy tôi cũng ngừng tuân giữ những giới luật ấy, ngừng kiên trì với những gì là công lý và hợp pháp: “Nhưng nếu những kẻ vô lại này làm điều đó, thì tôi cũng vậy!”. Hãy coi chừng điều này! Và một lần nữa: Tôi thực hiện công việc phục vụ Giáo hội, cho cộng đồng, cho người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ nghĩ đến việc tận hưởng bản thân, nên tôi cảm thấy muốn từ bỏ và làm những gì họ làm. Bởi vì tôi không nhìn thấy kết quả, hoặc tôi cảm thấy buồn chán, hoặc nó không làm cho tôi hạnh phúc.
Thay vào đó, sự bền đỗ phải dựa vào sự thiện. Chúng ta hãy tự hỏi mình: sự bền đỗ của tôi là như thế nào? Tôi có liên tục không, hay tôi sống đức tin, công bằng và bác ái theo thời điểm: Tôi cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; Tôi công bằng, sẵn lòng và giúp đỡ người khác nếu điều đó phù hợp với tôi; trong khi nếu tôi không hài lòng, nếu không ai cảm ơn tôi, tôi có dừng lại không? Tóm lại, lời cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào tấm lòng kiên trung trong tình yêu Chúa? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta bền đỗ, chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tối tăm của cuộc sống, thậm chí trước những điều xấu xa mà chúng ta thấy xung quanh mình, bởi vì chúng ta vẫn dựa vào điều tốt. Dostoevsky viết: “Đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu mến một người ngay cả trong tội lỗi của anh ta, vì đó là vẻ vang của Tình yêu Thiên Chúa và là tình yêu cao cả nhất trên trái đất “ (Anh em nhà Karamazov, II, 6, 3g). Sự bền bỉ là sự phản chiếu trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu thương của Thiên Chúa là sự chung thủy, nó bền bỉ, không bao giờ thay đổi.
Xin Đức Mẹ, tôi tớ Chúa, Mẹ luôn kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1,12), xin Mẹ thêm sức cho chúng con.”
Đọc tiếp »

CA ĐOÀN CECILIA 2022



Đọc tiếp »

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

ĐỨC MARIA CẦU NGUYỆN (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)



“Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!
Trong quá trình dạy giáo lý về cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp gỡ Đức Trinh Nữ Maria như người phụ nữ cầu nguyện. Đức Mẹ đã cầu nguyện. Khi thế giới vẫn chưa biết gì về ngài, khi ngài còn là một cô gái đơn sơ đính hôn với một người đàn ông thuộc nhà Đa-vít, Đức Maria đã cầu nguyện. Chúng ta có thể tưởng tượng cô gái trẻ Nazareth được bao bọc trong im lặng, liên tục đối thoại với Thiên Chúa, Đấng sẽ sớm giao phó cho ngài một sứ mệnh. Ngài đã tràn đầy ân sủng và vô nhiễm ngay từ khi được thụ thai; nhưng ngài chưa biết gì về ơn gọi bất ngờ và phi thường của mình cũng như vùng biển bão tố mà ngài sẽ phải vượt qua. Điều chắc chắn là: Đức Maria thuộc về đoàn rất nhiều người có tấm lòng khiêm tốn mà các sử gia chính thức không bao giờ đưa vào sách của họ, nhưng là người mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Con của Người xuống thế.
Đức Maria đã không tự ý tiến hành cuộc sống của mình: ngài chờ đợi Thiên Chúa cầm cương con đường của ngài và hướng dẫn ngài đến nơi Người muốn. Ngài ngoan ngoãn, và sẵn sàng chuẩn bị cho những biến cố lớn trong đó Thiên Chúa dự phần vào thế giới. Sách Giáo lý nhắc đến sự hiện diện thường xuyên và đầy quan tâm của ngài trong thiết kế đầy nhân từ của Chúa Cha trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu (xin xem Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, 2617-2618).
Đức Maria đang cầu nguyện thì Tổng lãnh thiên thần Gabriel mang sứ điệp của Thiên Chúa đến cho ngài ở Nazareth. Suốt trong lịch sử cứu độ, câu thưa “Tôi đây” nhỏ bé nhưng bao la của ngài, một câu nói làm cho mọi tạo vật nhảy mừng hân hoan vào lúc đó, đã theo sau nhiều câu “Tôi đây” khác, của nhiều người tin cậy vâng lời, của nhiều người sẵn sàng mở lòng ra đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Không có cách nào tốt để cầu nguyện hơn là đặt mình vào một thái độ cởi mở, một tấm lòng rộng mở đối với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Tấm lòng rộng mở đón nhận thánh ý Thiên Chúa là thế đó. Và Chúa luôn đáp trả. Có biết bao tín hữu đã sống việc cầu nguyện của họ như thế! Những ai có tấm lòng khiêm tốn nhất đều cầu nguyện như thế này: với lòng khiêm nhường từ trong yếu tính, có thể nói như thế; với lòng khiêm nhường đơn sơ: “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Họ cầu nguyện như vậy và không buồn khi các vấn đề tràn ngập ngày sống của họ, nhưng họ tiếp tục đối mặt với thực tại và biết rằng trong tình yêu khiêm nhường, trong tình yêu dâng hiến theo mỗi hoàn cảnh, chúng ta trở thành công cụ cho ơn thánh của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, Chúa muốn gì, Chúa muốn khi nào và Chúa muốn ra sao”. Một lời cầu nguyện đơn giản nhưng là lời cầu nguyện trong đó chúng ta đặt mình trong tay Chúa để Người hướng dẫn chúng ta. Tất cả chúng ta có thể cầu nguyện như thế, hầu như không cần lời nói...” (ĐTC Phanxicô, 18/11/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

CHẾT-PHÁN XÉT


1020
Ki-tô hữu nào kết hợp sự chết riêng của mình với sự chết của Chúa Giê-su, thì coi sự chết như việc đến với Chúa và đi vào sự sống muôn đời. Khi Hội Thánh, lần cuối cùng, đọc lời xá giải của Đức Ki-tô để tha thứ cho Ki-tô hữu hấp hối, xức dầu ban sức mạnh và trao Chúa Ki-tô là của ăn đàng như lương thực cho cuộc hành trình, Hội Thánh dịu dàng trấn an người ấy:
“Hỡi linh hồn Ki-tô hữu, hãy ra đi khỏi trần gian này,
nhân danh Chúa Cha toàn năng,
Đấng đã tạo dựng nên con,
nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô,
Con Thiên Chúa hằng sống,
Đấng đã chịu khổ hình vì con,
nhân danh Chúa Thánh Thần,
Đấng đã được tuôn đổ trên con;
hôm nay xin cho con được bình an đến chỗ của con
và nơi lưu ngụ của con bên Thiên Chúa trong thành thánh Xi-on,
cùng với Đức thánh Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa,
với thánh Giu-se, với tất cả các Thiên thần và các Thánh của Thiên Chúa…
Xin cho con được trở về cùng Đấng đã lấy bùn đất tạo dựng nên con.
Khi con lìa bỏ đời này, xin thánh Ma-ri-a, các Thiên thần và toàn thể các Thánh đón tiếp con…
Xin cho con được nhìn thấy mặt giáp mặt Đấng Cứu Chuộc con và con được chiêm ngưỡng Thiên Chúa đến muôn đời.”
I. Phán xét riêng (1021–1022)
1021
Sự chết kết thúc đời sống con người, xét như quãng thời gian mở ngỏ để đón nhận hay khước từ ân sủng của Thiên Chúa được biểu lộ trong Đức Ki-tô. Tân Ước nói về sự phán xét chủ yếu trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ sau cùng với Đức Ki-tô khi Người ngự đến lần thứ hai, nhưng cũng nhiều lần khẳng định sự thưởng phạt mỗi người ngay sau khi họ chết, tùy theo công việc và đức tin của họ. Dụ ngôn về người nghèo khó Lazarô, và lời Đức Ki-tô trên thập giá nói với người trộm lành, cũng như những bản văn khác trong Tân Ước nói đến số phận cuối cùng của linh hồn, một số phận có thể khác nhau giữa người này với người khác.
1022
Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Ki-tô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời.
“Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu.”
V. Phán xét cuối cùng (1038–1041)
1038
Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng… Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Ki-tô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu… Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).
1039
Đối diện với Đức Ki-tô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:
“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)… Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt họ làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta.”
1040
Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Ki-tô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Ki-tô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mặc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết.
1041
Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).
Đọc tiếp »

SỐNG ĐẠO THEO THÁNH PHÊRÔ (Trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ, chương 1)


Trích thư thứ hai của thánh Phê-rô tông đồ, chương 1:
“1 Tôi là Si-mê-on Phê-rô, tôi tớ và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, kính gửi những người, nhờ sự công chính của Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta, cũng đã lãnh nhận một đức tin quý giá như chúng tôi. 2 Chúc anh em được đầy tràn ân sủng và bình an, nhờ được biết Thiên Chúa và Đức Giê-su, Chúa chúng ta.
3 Thật vậy, Đức Ki-tô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức, khi Người cho chúng ta biết Đấng đã dùng vinh quang và sức mạnh của mình mà kêu gọi chúng ta. 4 Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian.
5 Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, 6 có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, 7 có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái. 8 Thật vậy, nếu anh em có những đức tính ấy và có dồi dào, thì anh em sẽ không trở nên những người chẳng làm gì và chẳng làm gì được để biết Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. 9 Ai không có những đức tính ấy thì là người đui mù, người cận thị : kẻ ấy quên rằng mình đã được tẩy sạch các tội xưa đã phạm.
10 Vì vậy, thưa anh em, anh em đã được Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi, thì hãy cố gắng hết mình, để làm cho các ơn đó nên vững mạnh. Có thế, anh em sẽ không bao giờ vấp ngã, 11 và nhờ đó, con đường rộng mở để đón nhận anh em vào Nước vĩnh cửu của Đức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Đấng cứu độ chúng ta.”
Đọc tiếp »

BỀN ĐỖ XÂY DỰNG ĐIỀU VỮNG BỀN (ĐTC Phanxicô, huấn từ 13/11/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,
Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên Giêrusalem, nơi thánh thiêng nhất: đó là đền thờ. Ở đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói về vẻ tráng lệ của tòa nhà đồ sộ đó, “được tô điểm bằng những viên đá quý” (Lc 21,5). Nhưng Chúa nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị ném xuống” (Lc 21,6). Sau đó,

Ngài thêm vào câu chuyện, giải thích rằng trong lịch sử, hầu hết mọi thứ đều sụp đổ như thế nào: Ngài nói, sẽ có các cuộc cách mạng và chiến tranh, động đất và đói kém, ôn dịch và bách hại (xem các câu 9-17). Như thể Chúa muốn nói: không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những thực tại trần thế chóng qua. Đây là những lời khôn ngoan, tuy nhiên có thể khiến chúng ta hơi cay đắng. Đã có rất nhiều điều tiêu cực.
Tại sao Chúa lại còn đưa ra những tuyên bố tiêu cực như thế? Trên thực tế, ý định của Ngài không phải là tiêu cực, mà ngược lại, Chúa muốn ban cho chúng ta một giáo huấn có giá trị, đó là con đường để có thể thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại đang trôi qua và sẽ không còn nữa?
Nó nằm trong một từ mà có lẽ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô mạc khải điều đó trong câu cuối cùng của Tin Mừng, khi Người nói: “Có bền đỗ, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Bền đỗ. Bền đỗ là gì? Từ này chỉ ra một cái gì đó “rất nghiêm ngặt”; nhưng nghiêm ngặt theo nghĩa nào? Phải chăng là nghiêm ngặt với chính mình, cho rằng mình không đạt tiêu chuẩn? Không. Phải chăng là nghiêm ngặt với những người khác, trở nên cứng nhắc và không linh hoạt? Cái này cũng không. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải “nghiêm nhặt”, không khoan nhượng, kiên trì với những gì Ngài nghĩ trong lòng, với những gì đáng kể. Bởi vì, những gì thực sự quan trọng, thường không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta.
Giống như những người ở đền thờ, chúng ta thường ưu tiên cho công việc do bàn tay chúng ta thực hiện, những thành tựu, truyền thống tôn giáo và dân sự, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Điều này là tốt, nhưng chúng ta dành quá nhiều ưu tiên cho những sự ấy. Những điều này quan trọng thật, nhưng chúng qua đi. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào những gì còn lại, đừng dành cuộc đời của chúng ta để xây dựng một cái gì đó rồi sẽ bị phá hủy, chẳng hạn như ngôi đền đó, và quên xây dựng những gì sẽ không sụp đổ, được dựng xây trên lời của Người, trên tình yêu, trên sự tốt lành. Hãy kiên trì, nghiêm khắc và kiên quyết xây dựng trên những gì không qua đi…
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.