Ads 468x60px

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Mừng ngày Hiến chương Nhà Giáo 20-11

THẦY 


Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi
Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi ...
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai
Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu ...

...........................................................................................................



 Bụi phấn xa rồi 

Ngẩn ngơ chiều khi nắng vàng phai 

Thương nhớ ngày xưa chất ngất hồn 

Một mình thơ thẩn đi tìm lại 
Một thoáng hương xưa dưới mái trường 



Cho dẫu xa rồi vẫn nhớ thương, 

Nầy bàn ghế cũ, nầy hàng me 
Bảng đen nằm nhớ người bạn trẻ 
Bụi phấn xa rồi... gửi chút hương! 



Bạn cũ bây giờ xa tôi lắm 

Mỗi đứa một nơi cách biệt rồi! 
Cuộc đời cũng tựa như trang sách 
Thư viện mênh mông, nhớ mặt trời!!! 



Nước mắt bây giờ để nhớ ai??? 

Buồn cho năm tháng hững hờ xa 
Tìm đâu hình bóng còn vương lại? 
Tôi nhớ thầy tôi, nhớ... xót xa! 



Như còn đâu đây tiếng giảng bài 

Từng trang giáo án vẫn còn nguyên 
Cuộc đời cho dẫu về muôn nẻo 
Vẫn nhớ thầy ơi! Chẳng thể quên!!! 
......................................................

Hoa và ngày 20-11 



Nụ hoa hồng ngày xưa ấy 

Còn rung rinh sắc thắm tươi 
20-11 ngày năm ấy 
Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi 



Cô tôi mặc áo dài trắng 

Tóc xanh cài một nụ hồng 
Ngỡ mùa xuân sang quá 
Học trò ngơ ngẩn chờ trông... 



Nụ hoa hồng ngày xưa ấy... 

Xuân sang, thầy đã bốn mươi 
Mái tóc chuyển màu bụi phấn 
Nhành hoa cô có còn cài? 



Nụ hoa hồng ngày xưa ấy... 

Tà áo dài trắng nơi nao, 
Thầy cô - những mùa quả ngọt 
Em bỗng thành hoa lúc nào. 

....................................................................................


Nắng ấm sân trường 


Cây điệp già xòe rộng tán yêu thương 

Lá lấp lánh cười duyên cùng bóng nắng 
Giờ đang học, mảng sân vuông lặng vắng 
Chim chuyền cành buông tiếng lạnh bâng qươ 



Chúng em ngồi nghe thầy giảng bình thơ 

Nắng ghé theo chồm lên ngồi bệ cửa 
Và cả gió cũng biết mê thơ nữa 
Thổi thoảng vào mát ngọt giọng thầy ngâm. 



Cả lớp say theo từng nhịp bổng trầm 

Điệp từng bông vàng ngây rơi xoay tít 
Ngày vẫn xuân, chim từng đôi ríu rít 
Sà xuống sân tắm nắng ấm màu xanh 



Em ngồi yên uống suối mật trong lành 

Thời gian như dừng trôi không bước nữa 
Không gian cũng nằm yên không dám cựa 
Ngại ngoài kia nắng ấm sẽ thôi vàng 



Sân trường căng rộng ngực đến thênh thang 

Kiêu hãng khoe trên mình màu nắng ấm 
Lời thơ thầy vẫn nhịp nhàng sâu lắng 
Nắng ấm hơn nhờ giọng ấm của người..

(Sưu tầm)
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thư Mục Vụ Gởi Cộng Đoàn Dân Chúa Gp. Phan Thiết Dịp Bế Mạc Năm Đức Tin 2012-2013




THƯ MỤC VỤ DỊP BẾ MẠC NĂM ĐỨC TIN

Kính gửi: anh em linh mục; anh chị em tu sĩ, chủng sinh
và cộng đoàn dân Chúa giáo phận Phan Thiết.

Anh chị em thân mến,

Năm Đức Tin, theo tông thư Porta Fidei của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV, sẽ chính thức khép lại trên quy mô Giáo Hội toàn cầu vào ngày 24.11.2013, là Chúa Nhật cuối cùng trong năm phụng vụ, trọng kính Đức Kitô Vua vũ trụ, cũng là dịp kỷ niệm 20 năm công bố Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo. Riêng Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam, ở quy mô các Giáo Hội địa phương cấp Giáo Phận, hôm nay, cùng với việc kính trọng thể các thánh Tử Đạo Việt Nam, sẽ cử hành nghi thức bế mạc Năm Đức Tin. Nhân dịp này, mời anh chị em tìm hiểu ý nghĩa đặc biệt của biến cố để nhận ra đà lực mới mà tiếp tục dấn bước trong đời sống đức tin.

1. Năm Đức Tin khép lại

Về phương diện tổ chức, nếu Năm Đức Tin đã được khai mạc trọng thể thì cũng được bế mạc cách long trọng, từ các Giáo Hội địa phương đến Giáo Hội trung ương. Trong thời gian một năm qua, giáo phận Phan Thiết chúng ta, với những sinh hoạt tại các giáo hạt, các giáo xứ và các cộng đoàn, đã trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng hiếm có, được thể hiện tuần tự qua 3 giai đoạn cũng là 3 điểm nhấn quan trọng của hành trình đức tin: rà soát lại đức tin để chân thành sám hối; đào sâu đức tin để sốt sắng cử hành; và tuyên xưng đức tin để trung thành làm chứng. Từng giai đoạn một như đã được trải ra trong Năm Đức Tin hay cả ba giai đoạn nối kết lại như đang được thực hiện vào dịp bế mạc này, đều là những nỗ lực trân trọng, xứng đáng đón lấy phúc lành của Thiên Chúa và xứng hợp nhận được sự khích lệ của Giáo Hội.

Kinh nghiệm thiêng liêng này có một chỗ đứng không thể thay thế trong đời sống đức tin, vừa làm cơ sở bù đắp lại những thiếu sót trong quá khứ, vừa thành tiền đề khai triển những bước tới trong tương lai. Năm Đức Tin là một thời gian gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô để mọi người thấy mình được Kitô-hóa rõ nét hơn, từ đó bản thân từng người được đổi mới, những tương quan liên hệ với thế giới và tha nhân cũng được đặt vào cùng dòng chảy mới trong ơn thánh. Như thế, khi khép lại, Năm Đức Tin đã trở thành một kho tàng tích lũy để tháng ngày tới sẽ được tiết kiệm tiêu dùng và cần mẫn làm cho sinh sôi nảy nở thêm. Đầu xuôi thì đuôi lọt. Nếu trong dịp khai mạc, cả giáo phận đã vang lên lời xác quyết “biến Kinh Tin Kính thành kinh nguyện hằng ngày” và khắc sâu lời nguyện tắt “Lạy Chúa, con tin, xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con” (Mc 9,24), thì dịp bế mạc này chính là lúc lên đường, phát huy âm hưởng của những tâm tình ấy mà nỗ lực kiên định đức tin nơi mình cũng như góp phần chia sẻ đức tin cho anh chị em.

2. Nhưng cánh cửa đức tin vẫn rộng mở

Năm Đức Tin khép lại. Tạ ơn Chúa đã thương chúc lành cho bước đi chung của giáo phận đem lại nhiều hồng phúc và thời gian trải ra với niềm bình an cả trong tâm hồn lẫn trong sinh hoạt. Nhưng đức tin của Kitô hữu trong Giáo Hội lữ hành là một chuyến đi hướng tới Đức Kitô, nên ngày nào còn có mặt nơi trần thế thì ngày đó được xem như chưa tới đích. Năm Đức Tin thuộc về định chế thời gian có thể khép lại vào một ngày ấn định, nhưng Cánh Cửa Đức Tin (x. Cv 14,27) thuộc về định chế ân sủng một khi đã mở ra thì chẳng những không đóng lại, mà còn luôn luôn rộng mở đón nhận mọi người tìm vào hưởng ơn cứu độ và thúc đẩy mỗi người sau khi nhận được đức tin cũng biết chia sẻ ơn phúc ấy cho ai mình gặp gỡ trên mọi nẻo đường đời. Thật vậy, dù được phân tích là chủ thể kiếm tìm hay là đối tượng tìm kiếm, đức tin vẫn được minh họa đầy đủ như cuộc gặp gỡ giữa hồng ân Thiên Chúa và thiện chí con người.

Nhưng đức tin còn được hình dung như hai bước đi tương tác: nội dung đức tin (khách quan) và hành động đức tin (chủ quan), nên trong đời tín hữu, đức tin chính là hành động đi tìm hiểu và yêu mến Đấng là nội dung của đức tin. Không phải vô tình mà dịp bế mạc Năm Đức Tin lại là ngày kỷ niệm 20 năm ban hành sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, mà do hữu ý lựa chọn, để cho thấy việc đào sâu kiến thức đức tin là một hành trình không bao giờ chấm dứt. Càng biết giáo lý càng có cơ sở tin yêu Chúa, và càng tin yêu Chúa càng tinh tế hơn trong việc thực thi giới luật yêu thương. Logo Năm Đức Tin với chữ JHS biểu trưng lời tuyên xưng “Jesus Hominum Salvator / Giêsu Đấng Cứu Chuộc loài người” sẽ được cất đi nay mai, nhưng hình ảnh Đấng Cứu Chuộc sẽ còn được lưu lại mãi mãi trong đời sống đức tin của mọi kẻ tin yêu Người.

3. Để bước đi trong ánh sáng

Ở cao điểm của Năm Đức Tin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra thông điệp đầu tiên với tựa đề “Ánh Sáng Đức Tin” (Lumen Fidei, 29.6.2013), gợi hứng từ lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng thứ tư: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12, 46), để một mặt tiếp nối chủ đề “đức tin” của vị tiền nhiệm, và mặt khác chuẩn bị tín hữu khi kết thúc Năm Đức Tin, sẽ mạnh mẽ bước đi trong ánh sáng, vì xét cho cùng, trong ánh sáng Chúa người ta mới nhận được ánh sáng cho đời mình. Ánh sáng đức tin vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa hằng sống, Đấng mặc khải tình yêu cứu độ, để trên đó con người được mời gọi dựa vào mà xây dựng cuộc đời. Sự trùng hợp giữa ngày bế mạc Năm Đức Tin với ngày kết thúc năm phụng vụ, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, tự thân cũng hàm chứa lời kêu gọi tín hữu trong khi xác tín vào tình thương cứu độ, hãy sống trong vương quyền ánh sáng của Chúa Kitô bằng một cuộc sống mẫu gương và kiên cường làm chứng cho Tin Mừng tại nơi mình hiện diện.

Theo nhãn giới của Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội là “Ánh Sáng Muôn Dân” (Lumen Gentium), nên đức tin toàn vẹn nhất thiết phải thể hiện trong hiệp thông Giáo Hội, được tuyên xưng từ bên trong thân thể Đức Kitô và thoát tỏa ra qua gương sáng hiệp thông của các tín hữu với nhau. Vì thế, tôi thiết tha kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận nhà hãy chứng tỏ đời sống hạnh phúc của mình trong ánh sáng đức tin bằng những việc cụ thể theo đòi hỏi của tình hiệp thông Kitô giáo, biết nâng đỡ người yếu đau về thể chất hoặc tinh thần, biết giúp đỡ người thiếu thốn về mọi mặt và biết bênh đỡ người bị thiệt thòi về nhiều phương diện trong cuộc sống. Chính trong ý hướng này, lời cảnh báo của thánh Giacôbê tông đồ năm xưa vẫn không mất đi tính thời sự: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (x.Gc 2,14-18).

Anh chị em thân mến,

Khép lại Năm Đức Tin hôm nay không có nghĩa là khép lại đời sống đức tin, mà trái lại là mở rộng hơn nữa tấm lòng, tiếp tục đón nhận ánh sáng đức tin để thêm lớn mạnh mà chia sẻ lại cho ai chưa nhận biết tin theo Chúa. Các thánh Tử Đạo Việt Nam hôm qua đã luôn rộng mở tấm lòng để nhận lấy ánh sáng đức tin và can đảm hy sinh mạng sống để ánh sáng ấy được soi chiếu đến khắp mọi nơi. Xin nhờ lời chuyển cầu của các ngài, cho tín hữu chúng ta hôm nay, giữa những vất vả mưu sinh, cũng biết nêu cao gương sáng đức tin để vương quyền của Chúa Kitô được bền vững tỏa lan trên cả mọi miền. Amen.

Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục GP Phan Thiết
(Theo GpPhanthiet.com)
Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Tác giả Thầy Paul Duy Yên


XÓT THƯƠNG TÌNH CHÚA

Ngợi ca lòng Chúa xót thương
Suối nguồn lân ái tỏa hương khiêm nhường
Ngài là Chân lý, là Đường
Cho ai lạc bước đêm trường cô đơn.

Tình thương Thiên Chúa lớn hơn,
Xóa tan tội lỗi tủi hờn còn vương.
Nguyện xin Chúa hãy xót thương
Ban ơn trợ giúp trên đường chông gai

Đường về cõi phúc còn dài
Sức hèn yếu đuối miệt mài lập công
Chúa ơi! Xin hãy mở lòng
                                             Dủ tình tha thứ tội con bao điều./.


Hạt Bụi
Sài gòn, ngày 12 tháng 11 năm 2013
Đọc tiếp »

Chúa Nhật Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm C



17/11/2013
PHÚC ÂM:  Lc 21, 5-19
"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con". 
Đó là lời Chúa.


Suy Niệm Lời Chúa 

17/11/13 CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN – C
Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam
Lc 21,5-19

LINH HỒN CỦA NHÀ CHÚA

“Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào… Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu.” (Lc 21,6.18)

Suy niệm: Người Do Thái vẫn tự hào vào đền thờ, Hòm Bia giao ước. Ấy vậy mà, Hòm Bia đã hơn một lần bị quân thù cướp đi, và biết bao lần đền thờ cũng đã bị tàn phá. Và rồi năm 70, đền thờ thành bình địa, hòm bia bị tiêu huỷ không để lại dấu vết. Lời Chúa là cả một nghịch lý, nhưng là nghịch lý được ứng nghiệm: sự kiên cố, hùng vĩ và vẻ đẹp của đền thờ rồi sẽ hóa ra tro bụi, nhưng một sợi tóc trên đầu anh em cũng không suy suyển. Một bên là vĩ đại, vững chắc; bên kia là nhỏ bé, mỏng manh. Linh hồn của đền thờ là sự tôn thờ và niềm cậy trông của dân vào Thiên Chúa, những điều đó đã mất thì thành thánh cũng hết lý do để tồn tại.

Mời Bạn: Nhiều khi chúng ta phải đối diện một thực tại xót xa là đời sống đạo của một giáo xứ sau khi xây dựng được ngôi nhà thờ tráng lệ lại không còn sốt sắng như khi còn dâng lễ trong ngôi nhà thờ xiêu vẹo ngày nào. Cái nền và cái hồn của nhà Chúa là chính Chúa Giê-su Thánh Thể, chính những điều đó đem lại sức sống cho nhà Chúa.

Chia sẻ: Cả nhóm làm một việc cụ thể để làm đẹp nhà Chúa nơi bạn sống và để thăng tiến cộng đoàn của bạn.

Sống Lời Chúa: Sắp xếp thời gian để đến cầu nguyện với Chúa Thánh Thể vào một ngày nào đó trong tuần.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng mỹ lệ của nhà Chúa không ở nơi những ngôi nhà thờ bằng vàng bạc đá quý nhưng ở nơi những cộng đoàn có những tâm hồn đơn sơ biết ca tụng tạ ơn Chúa bằng cuộc sống thánh thiện của mình.
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Hội Các BMCG Cù Mi 2006-2010

Ban Trị sự Hội Các BMCG Cù Mi 2006-2010

1. Mad Hà Thị Dương  1657                  Trưởng
2. Rosa Bùi Thị Hoa     1958                   Phó
3. Mar Nguyễn Thị Thiết 1960               Phó
4. Anna Nguyễn Thị Quy 1965               Thủ quỹ
5. Matta Trương Thị Tím 1956              Thư ký




Đọc tiếp »

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2013


Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2013 đề cập đến vấn đề mục vụ gia đình.


giadinhlatruongdayTrong ba năm qua (2010-2013), tất cả chúng ta đã cùng nhau học hỏi và sống ý nghĩa Giáo Hội: mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ. Định hướng đó và tinh thần của Năm Đức Tin cần được tiếp nối bằng nỗ lực “Tân Phúc-Âm-hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, cũng là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7-28 tháng 10 năm 2012. (Thư chung 2013, số 2).
Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 là chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi thực hiện kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016):
– Năm 2014: Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình;
– Năm 2015: Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn;
– Năm 2016: Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội.
Trong năm 2014 sắp tới, chúng ta hãy cùng nhau Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình và thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội Thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội Thánh tại gia. Việc canh tân Hội Thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội Thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình…Để thực hiện những mục tiêu trên, xin anh chị em hãy xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng (x.số 2,4,6).
“Chúng tôi tha thiết xin anh chị em duy trì giờ kinh chung trong gia đình, và cố gắng đưa Lời Chúa vào giờ kinh này” (số 6).
Như vậy, những thao thức mục vụ của các vị chủ chăn là về gia đình Công Giáo, về việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa. Đưa Lời Chúa vào trong gia đình để mọi thành viên có Lời Chúa làm của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, Lời Chúa là kim chỉ nam và là ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của tín hữu.
Nhận định về bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị của Việt Nam hôm nay, Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 viết: “Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết” (Số 6). Trước thực trạng đó, thao thức của dân Chúa là “Canh tân đời sống thiêng liêng của mọi thành phần Dân Chúa dựa trên nền tảng Lời Chúa và các Bí Tích”; và là “Các gia đình công giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện” (Số 5).
Từ lời mời gọi của Thư Chung 2013, xin được gợi lên một vài suy niệm về đề tài “Đưa Lời Chúa vào giờ kinh chung gia đình”. Làm thế nào để đưa Lời Chúa vào sinh hoạt hằng ngày của từng gia đình?
I. Lý do “đưa Lời Chúa vào gia đình”.
Trước công đồng Vaticanô II, hầu như Lời Chúa chỉ được công bố khi cử hành các bí tích, từ Bí tích Rửa tội, Thêm sức cho đến các Bí tích Truyền chức, Hôn phối, Xức dầu. Sở dĩ như thế là vì Lời Chúa được xem như là chứng cứ để biện minh rằng chính Chúa Giêsu đã lập các Bí tích, hoặc để soi sáng đức tin của người đã lành nhận Bí tích.
Nhưng dần dần Giáo hội đã nhận ra rằng, Lời Chúa còn có tác dụng thánh hóa tâm hồn, soi sáng các vấn nạn ngàn đời cũng như những vấn nạn của con người thời đại, đem lại một tia hy vọng cho thế giới đang khắc khoải hiện nay và nhất là đưa con người đi vào hiệp thông với chính Thiên Chúa. Với hiến chế Dei Verbum, Công đồng Vaticanô II còn cho thấy Lời Chúa là chính Thiên Chúa đang nói với con người ngay lúc này “hic et nunc”.
Từ đó, các phong trào học hỏi Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa nở rộ trong các Giáo xứ, các cộng đoàn, các hội đoàn. Tại nhiều gia đình, Lời Chúa cũng được công bố trong những giờ kinh tối sáng của gia đình, nhưng việc dựa vào Lời Chúa để chia sẻ kinh nghiệm sống giữa các thành viên của gia đình thì còn rất họa hiếm.
Có những thao thức về việc đưa Lời Chúa vào gia đình:
- Nếu Lời Chúa được công bố và được chia sẻ trong các đoàn thể thì tại sao lại không đưa Lời Chúa vào trong các gia đình?
- Nếu gia đình là định chế vững chắc và ổn định, trong đó mọi thành viên có nhiệm vụ giúp nhau thánh hóa bản thân và gia đình, thì tại sao lại không đọc và áp dụng Lời Chúa ngay trong phạm vi của gia đình mình để đạt được mục tiêu ấy?
- Nếu gia đình là Hội thánh tại gia, nơi tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa, thì tại sao gia đình lại không phải là nơi ưu việt để Lời Chúa được phổ biến.
- Nếu gia đình được gọi là trường học đầu tiên đào luyện đức tin, thì tại sao gia đình lại không là trường học về Lời Chúa?
II. Nền tảng Thánh Kinh.
Dọc theo chiều dài của Lịch sự cứu độ, trong nhiều trường hợp, Lời Chúa đã được công bố tại các gia đình – bối cảnh thường ngày của cuộc sống.
A. Cựu ước: chính tại các tư gia mà nhiều lần Thiên Chúa đã công bố những quyết định của Người và trao phó sứ mệnh cho con người:
- Chính tại căn lều của cụ Abraham, ba vị sứ giả của Thiên Chúa đã thông báo rằng: vào ngày này sang năm, bà Sara sẽ sinh con.
- Chúa sai tiên tri Samuel đến nhà ông Jessé. Chính tại nơi đây Chúa chỉ định Đavid làm vua, còn Samuel chỉ làm công việc xức dầu phong vương. (1Sm 16,1-13)
- Cuộc cử hành tôn giáo quan trọng nhất là Lễ Vượt Qua, người Do Thái có thói quen mừng lễ trong khuôn khổ gia đình của họ.
- Gia đình là môi trường đầu tiên để người Do thái truyền đạt và đón nhận Lời Chúa. Công thức truyền đạt Lời Chúa rõ ràng và quen thuộc nhất của người Do Thái là: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ. Anh em hãy lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Đnl 6,4-7). Đoạn văn tiêu biểu trong sách Đệ Nhị Luật cho thấy gia đình là môi trường thông thường để người Do Thái công bố, truyền đạt và lắng nghe Lời Chúa.
B. Tân Ước: tư gia là nơi được Chúa Giêsu dùng để ngỏ Lời mạc khải.
- Tin Mừng thời thơ ấu Chúa Giêsu là những trang đẹp nhất cho thấy Lời Chúa được công bố tại các gia đình:
+ Biến cố Truyền tin diễn ra trong khuôn khổ một gia đình.
+ Bài ca Magnificat của Mẹ Maria và ca khúc Benedictus của Zacharia không phải là những sáng tác từ trong các tu viện Essénien mà lại là hai ca khúc bộc phát ngay từ trong gia đình.
- Chúa Giêsu không chỉ loan báo Tin mừng ở hoang địa, trên bãi biển, trên triền đồi, trong các nhà hội, tại Đền Thờ Giêrusalem mà còn trong các tư gia:
+ Có lần Người giảng dạy tại một tư gia. Thiên hạ tuôn đến nghe, lớp trong lớp ngoài đông đảo đến nổi, để đưa một người bại liệt đến trước mặt Người, người ta phải dỡ mái nhà để thòng một người bại liệt xuống.
+ Chính tại nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazarô ở Bêtania, Chúa giảng dạy cho Maria (Lc 10, 38-42).
+ Chính tại nhà ông Simon biệt phái, trong một bữa ăn, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn hai người mắc nợ, kẻ 50, người 500… để kết luận “Ai yêu mến nhiều thì được tha nhiều” (Lc 7,36-50).
+ Tại nhà của Lêvi, trong một bữa tiệc từ giã các đồng nghiệp do Lêvi thết đãi, Chúa Giêsu đã nói rõ lập trường của Người: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần… Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,12.13b). Và tại nhà ông Giakêu, Người cũng dạy một giáo lý tương tự như thế: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10)
+ Vào một ngày Sabat, Người dùng bữa tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu. Nơi đây Người đã dạy rằng được phép làm việc lành vào ngày Sabbat khi Người chữa lành người mắc bệnh phù thũng (Lc 14,1-6).
+ Bí tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong một tư gia.
+ Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng. Người không truyền lệnh cho các ông đến các hội đường, hay đứng giữa các ngã ba đường để lớn tiếng giảng dạy như thói quen của các Rabbi thời ấy, nhưng Người lại truyền lệnh là đến từng nhà “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên các con hãy nói: ‘Bình an cho nhà này’… Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó…”(Lc 10,5-8). Tại sao lại rao giảng Lời Chúa trong gia đình, mà không phải ở ngoài chợ búa, nơi công cộng? Phải chăng vì gia đình có bầu khí thích hợp để người ta dễ đón nhận Tin mừng hơn?
C. Giáo hội sơ khai: gia đình càng là nơi ưu tiên để Lời Chúa được công bố và triển khai.
- Chính trong một căn hộ là Nhà tiệc ly, mà Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các môn đệ chứ không phải tại Đền thờ Giêrusalem hay tại một hội đường.
- Dĩ nhiên các tín hữu tiên khởi cũng đến cầu nguyện tại Đền Thờ như những người Do Thái khác. Nhưng sinh hoạt chủ yếu là lắng nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Bẻ Bánh lại chỉ diễn ra tại các tư gia mà thôi. Những ngôi nhà trong đó các tín hữu tiên khởi gặp gỡ nhau chính là Giáo hội tại gia đúng nghĩa nhất. Sách Công vụ Tông đồ đã tóm tắt cuộc gặp gỡ có tính cách gia đình của các tín hữu tiên khởi để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Bẻ Bánh “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,42.46b).
- Trong các cuộc hành trình truyền giáo của mình, Thánh Phaolô tông đồ cũng thường giảng dạy tại các tư gia.
Một vài trích dẫn Thánh Kinh cho thấy: Gia đình là nơi ưu việt để người tín hữu lắng nghe Lời Chúa.
III. Đưa Lời Chúa vào giờ kinh chung gia đình.
Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã dùng nhiều phương cách để mạc khải cho loài người. Gia đình, nơi công bố Lời Chúa là một phương cách đem lại hiệu quả. Vì thế, Giáo hội cổ võ phong trào đưa Lời Chúa vào giờ kinh chung gia đình.
1. Trong những năm gần đây, Giáo hội Việt Nam đã có những sáng kiến đưa Lời Chúa vào trong gia đình, chẳng hạn như:
- Mỗi gia đình nhận Lộc Lời Chúa vào ngày Tết Nguyên Đán.
- Đọc Lời Chúa trong các buổi kinh chung của các giáo họ, các liên gia. Đọc Lời Chúa trong các buổi kinh chung do các hội đoàn hay đoàn thể tổ chức trong Tháng Hoa, Tháng Trái Tim, Tháng Mân Côi và Tháng các Đẳng Linh hồn.
- Ngoài ra, tại nhiều nơi, khi có lễ giỗ, khi tổ chức viếng xác, tiệc cưới, giáo dân cũng tổ chức suy tôn Lời Chúa.
Thế nhưng, đây chỉ là những sinh hoạt theo “thời vụ” tại các gia đình, chứ chưa phải là thường xuyên.
Làm sao để thường xuyên đem Lời Chúa vào trong gia đình?
Gia đình là một cộng đoàn sống chung dưới một mái ấm. Những thành viên được nối kết với nhau bằng mối liên hệ ruột thịt. Những bữa ăn sáng, trưa, tối và trong những buổi đọc kinh chung thì mọi thành viên của gia đình mới họp mặt đông đủ. Công bố Lời Chúa, cần có bầu khí cầu nguyện và lắng nghe Chúa nói. Vì thế, chỉ có hai giờ kinh sáng và kinh tối mới đáp ứng được yêu cầu. Giờ kinh tối là thích hợp nhất. Buổi sáng trong gia đình, có người đi lễ, người đi làm, người đi học…Ban tối mọi người về lại mái ấm gia đình. Bầu khí thân mật, đầm ấm, thoải mái, hạnh phúc thích hợp nhất để cầu nguyện chung.
2. Tạo bầu khí đầm ấm hạnh phúc, gia đình cần cầu nguyện chung.
Đối với người Công giáo, việc cầu nguyện chung trong gia đình là yếu tố nền tảng để bảo vệ, duy trì và tăng trưởng hạnh phúc gia đình. Bữa cơm gia đình là lúc đầm ấm, mọi người ngồi bên nhau chia sẻ lương thực là hoa quả của mồ hôi lao động của người thân trong tâm tình tri ân cảm mến. Giờ kinh chung, bầu khí thánh thiện hiệp nhất mọi thành phần gia đình trong ơn thánh.
Cầu nguyện chung giúp mọi người trong gia đình giữ vững đức tin. Đây là chân lý đã được chứng minh qua lịch sử Hội Thánh. Giáo hội Việt Nam đã đứng vững trong suốt 300 năm bị cấm chế và bách hại. Nhiều nơi, không có mục tử chăm sóc, nhưng nhờ chuyên chăm kinh nguyện trong gia đình mà tín hữu đã giữ vững đức tin và tuyên xưng đức tin trong các cuộc bách hại lâu dài. Kinh nguyện trong gia đình là chiều sâu và nền móng vững chãi của Giáo hội Việt Nam.
IV. Đưa Lời Chúa vào giờ kinh tối.
Giờ kinh tối, mọi thành viên của gia đình tham gia tích cực sẽ đem lại nhiều lợi ích. “Gia đình là cộng đoàn cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa, đền thờ tại gia. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và Hôn Phối. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động”.(Số 6).
Cầu nguyện là gặp gỡ, là đối thoại giữa Thiên Chúa và con người. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa, Đấng tạo thành và thụ tạo, cho nên thái độ của con người là tôn thờ và cảm tạ. Nhưng đồng thời đây cũng là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con, cho nên cuộc gặp gỡ này cũng đượm tâm tình phụ tử.
Cầu nguyện là gặp gỡ là đối thoại nên có NÓI và có NGHE. Vì thế cần chia giờ cầu nguyện thành hai phần:
• Nói chuyện với Chúa.
• Nghe Chúa nói với ta.
Phần I: Ta nói chuyện với Chúa
Vì cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, cho nên cần lưu ý đặt mình trước sự hiện diện của Chúa. Xin có một đề nghị cụ thể như sau:
- Sau khi làm dấu Thánh giá, đọc kinh Chúa Thánh Thần, cả gia đình dành vài phút thinh lặng trước nhan Chúa, củng cố niềm tin vào sự hiện diện của Người. Phút thinh lặng thiêng liêng của buổi cầu nguyện. Mỗi người hướng lòng tin, cậy, mến, phó thác vào Chúa.
- Tiếp đến là đọc kinh cách chậm rãi, không nóng ruột mong cho chóng xong chóng rồi. Có thể chia các kinh nguyện trải dài trong suốt cả tuần, một cách cụ thể:
+ Ngày Chúa Nhật, đọc các kinh: Kinh sấp mình, kinh Đội ơn, kinh Phù hộ. Sau đó, hát một bài kính Đức Mẹ, kinh truyền giáo.
+ Ngày thứ hai: Sau dấu Thánh giá, kinh Đức Chúa Thánh Thần. Im lặng. Đọc tiếp các kinh: Tin, Cậy, Mến, Lạy Cha.
+ Các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, cũng theo thứ tự ấy mà đọc hết các kinh hàng ngày.
+ Riêng ngày thứ tư đọc thêm kinh kính thánh Giuse. Ngày thứ năm đọc thêm kinh cầu cho các linh mục hoặc kinh dâng gia đình. Ngày thứ sáu đọc thêm kinh cầu Trái Tim. Ngày thứ bảy đọc thêm kinh cầu Đức Bà.
Phần II: Lắng nghe Lời Chúa.
Đây là phần mang tính sáng tạo, đổi mới liên tục, tự phát, dấn thân… phù hợp với tâm lý tuổi trẻ và giới thiếu nhi.
1. Lắng nghe Chúa nói
Trước mặt Chúa, chúng ta chào hỏi, bày tỏ tâm tình tin tưởng, cậy trông và nói lên lòng cảm mến tri ân đã đành, nhưng còn phải lắng nghe Chúa nói. Tại sao thế? Thưa, vì cầu nguyện là một cuộc đối thoại, cho nên ngoài việc nói với Chúa, còn cần phải nghe Chúa nói. Đây là điều mà xưa nay các gia đình Công giáo Việt Nam ít quan tâm, dù rằng đây là một phần cốt yếu giúp cải thiện cuộc sống. Việc đọc Tin mừng trong gia đình được thực hiện một cách tương đối rộng rãi từ năm Sống Lời Chúa mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra. Và phải thành thật nhận định rằng: cuốn cẩm nang mang tựa đề “LỜI CHÚA TRONG GIỜ KINH GIA ĐÌNH” đã góp phần đáng kể vào việc đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện. Quyển cẩm nang này đã trở nên bạn đồng hành của các gia đình trong giờ kinh tối.
Cụ thể là, sau khi đã chu toàn phần I (tức là làm dấu Thánh giá, đọc kinh Chúa Thánh Thần, thinh lặng và đọc một số kinh), một thành viên trong gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh hay một đoạn Tin Mừng.
Về việc đọc Lời Chúa, xin được đề nghị như sau:
Cha mẹ có thể chia cho mỗi người con đọc Kinh Thánh suốt một tuần.
Người đọc Kinh Thánh phải có chố đứng thích hợp, thái độ kính cẩn. Bài sách Nêhêmia sau đây là một mô hình cho các cuộc cử hành Lời Chúa : “Bấy giờ, muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. họ xin ông Esdras là kinh sư đem sách luật Môsê ra. Đó là luật Đức Chúa đã truyền cho Israel. Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Esdras cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn… Ông đọc từ sáng tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật. Kinh sư Esdras đứng trên bục gỗ…khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ Esdras chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen Amen! rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa…Ông Esdras và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc”(Nh 8,1-8).
Trong cuộc cử hành phụng vụ này, các thừa tác viên đứng ở một vị trí riêng để chu toàn phận vụ, dân Chúa đứng tại chổ của mình mà tham dự tích cực bằng thái độ kính cẩn và bằng lời tung hô. Khi thi hành như thế, mọi người đều đã phục vụ Lời Chúa theo chức năng của mình, đề cao Lời Chúa, đón lấy Lời Chúa vào tâm hồn và để cho Lời Chúa tác động. Dĩ nhiên đây là mô hình dành cho các buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa trong các cộng đoàn. Nhưng mô hình ấy cũng có thể áp dụng cho gia đình. Khi nghe Lời Chúa, mỗi người cảm nghiệm một cách cụ thể những ơn lành Chúa đã ban cho gia đình mình hay cho một phần tử nào đó của gia đình.
Ngoài ra, đoạn Kinh Thánh này cũng gợi ý rằng: “Khi Lời Chúa được tuyên đọc, thì không phải Lời Chúa được gợi nhớ qua một thừa tác viên, một trung gian, nhưng là chính Thiên Chúa hiện diện thiết thực trong Lời của Người và vì chính Người nói khi người ta đọc Kinh Thánh trong Giáo hội”. (Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7). Như vậy, thái độ của người công bố cũng như người lắng nghe lại càng phải kính cẩn biết bao!
2. Sau khi nghe bài Kinh Thánh
- Mỗi người hãy hồi tâm nhìn lại những gì đã xảy ra trong gia đình, trong lối xóm, trong cách cư xử của mình đối với người khác. Đối chiếu với Lời Chúa vừa nghe, mỗi người xét mình đã phản ứng như thế nào, đã sống ra sao trước những sự việc ấy.
- Tiếp đến, trong sự tin tưởng lẫn nhau, cha mẹ con cái, mỗi người đều có thể trình bày một ngày sống của mình, trong đó mình đã phản ứng, đã cư xử với Chúa và tha nhân có thực sự phù hợp với Lời Chúa mà mình vừa nghe chưa? Đây là điều mà chúng ta gọi là chia sẻ kinh nghiệm sống.
Vào thời gian đầu mới thực tập, ai cũng cảm thấy ngượng ngùng, vì cha mẹ mà nói lên những khuyết điểm, những thiếu sót của mình trước mặt con cái, xem ra rất ngại ngần. Nhưng những ai đã can đảm vượt qua được cái tâm lý e dè, ngượng ngập ban đầu ấy đều nói rằng chính sự cởi mở, khiêm tốn của cha mẹ sẽ giúp gia đình thăng tiến hơn cả trăm lần những bài học luân lý, đạo đức.
- Lắng nghe Lời Chúa qua bản văn Kinh Thánh, mỗi người sẽ được thôi thúc để lắng nghe những mơ ước, mong đợi, những nhu cầu của mọi thành viên khác trong gia đình. Cuộc sống chung trong gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, giữa anh chị em với nhau, tuy rất gần gũi nhưng không vì thế mà đã có thể đi vào nội tâm của nhau, hiểu rõ những mơ ước cũng như những uẩn khúc của nhau. Biết bao người con đã phải thốt lên: “Cha mẹ chẳng hiểu con gì hết!”. Cho nên Lời Chúa vừa nghe phải gợi lên cho mọi người trong gia đình những gì mình có thể làm cho nhau.
- Không ai có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi không muốn gặp gỡ anh em. Mọi người trong gia đình không thể đến gặp gỡ Chúa qua Lời của Người mà lòng còn mang nặng oán ghét, buồn phiền. Không ai có thể đọc kinh hoặc nghe Chúa nói mà lòng còn chất chứa ưu phiền. Nếu đã có những xích mích, hiểu lầm giữa nhau, thì đây là giây phút để xin lỗi nhau và tha thứ cho nhau: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4, 26).
- Lắng nghe Lời Chúa trong gia đình không chỉ là rà xét lại cách hành xử của mình đối với Chúa, không chỉ là lắng nghe tâm sự, mơ ước của mọi người trong gia đình để đáp ứng, cũng không chỉ là hoà giải giữa các thành viên trong gia đình, mà còn là thời gian để rà xét lại mối tương quan của gia đình đối với người ngoài gia đình, đối với làng xóm.
Nhìn lại cuộc sống dưới ánh sáng của Lời Chúa, gia đình không thể không duyệt lại mối tương quan của mình đối với các gia đình trong làng xóm. Do đó, nếu gia đình mình có điều gì sứt mẻ với những người lối xóm, thì đây là lúc mọi người trong gia đình nên tìm ra một giải pháp cụ thể để làm hoà với mọi người.
Lắng nghe Chúa rồi lắng nghe những nhu cầu của mọi người trong gia đình mà thôi, chưa đủ, mà còn phải lắng nghe những tiếng lòng của những người bên cạnh nhà mình. Nếu trong xóm có gia đình gặp khó khăn, gặp tai nạn hay một điều bất ưng, thì đây là lúc mọi người trong gia đình nên tìm ra một phương án cụ thể để giúp đỡ, để an ủi, để khích lệ. Họ là hiện thân của Đức Kitô đang vác thập giá, và họ đang cần những Simon Cyrênê vác đỡ một tay. Lắng nghe Lời Chúa chỉ trở nên trọn vẹn khi mọi người trong gia đình biết hướng tới tha nhân.
- Lắng nghe Lời Chúa, do đó, là một quyết tâm. Nói đến quyết tâm là nói đến cải thiện, canh tân. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong “Phần lắng nghe Lời Chúa” của gia đình. Nếu gia đình không trở nên lành mạnh hơn, thì đọc kinh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa chỉ là chiếu lệ, máy móc, vô hồn, là thiếu thực tế. Trong khi đó, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa đúng nghĩa phải dẫn đến hành động thực tế, là phải giúp con người sống với thực tế để canh tân đi đến hoàn thiện từng ngày.
Trên đây là một trong nhiều mô hình của buổi cầu nguyện ban tối trong gia đình, trong đó thể hiện sự nối kết hài hoà hai phần: nói với Chúa và nghe Chúa nói. Và đây cũng là một cách thức “Đưa Lời Chúa vào trong gia đình”.
Mô hình này mong muốn đáp ứng niềm thao thức của nhiều bậc phụ huynh tha thiết với sự nghiệp giáo dục đức tin cho con cái. Đã có một số gia đình thực hiện mô hình này và đã đem lại hiệu quả thiết thực, gia đình trở thành mái ấm thánh thiện và hạnh phúc.
V. Kết luận.
Đưa Lời Chúa vào giờ kinh chung sẽ giúp “gia đình trở nên cộng đoàn tham gia vào sứ vụ Phúc-âm-hóa, bằng lời cầu nguyện cũng như bằng hành động cụ thể. Chính đời sống yêu thương hiệp nhất trong gia đình công giáo, ngay giữa những khó khăn và thử thách của cuộc đời, tự nó đã là lời chứng âm thầm nhưng có sức thuyết phục của Tin Mừng. Ngoài ra, theo truyền thống tốt đẹp, gia đình công giáo còn là nơi vun trồng ơn gọi linh mục và tu sĩ”. (Thư chung, số 7).Gia đình thật quan trọng. Chính gia đình quyết định tương lai của trẻ thơ. Gia đình là vườn ươm. Hạt giống tuổi thơ lớn mạnh được là nhờ vườm ươm có đầy đủ nước, phân bón và sự ân cần chăm sóc.Gia đình là bầu khí quyển. Bầu khí có trong lành thì trẻ thơ mới phát triển được mọi mặt. Gia đình là con đường. Đường có ngay thẳng có định hướng thì tương lai trẻ mới tươi sáng không đi vào ngõ cụt cuộc đời.
Gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh sẽ trở nên như Chủng viện sơ khởi. Hạt giống ơn thiên triệu gặp được điều kiện thuận lợi nơi mãnh đất tốt gia đình sẽ nảy mầm và lớn lên. Ơn gọi dễ nảy sinh trong một tâm hồn có một môi trường sống tốt.
Thánh Gia là một gia đính lý tưởng, đạo đức, yêu thương, hạnh phúc ngập tràn.
Nguyện xin Thánh Gia luôn nâng đỡ và gìn giữ gia đình chúng con.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Đọc tiếp »

Chúa Nhật Tuần XXXII Mùa Thường Niên Năm C

10/11/2013
PHÚC ÂM:   Lc 20, 27-38 
"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: Nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ goá đó, để cho anh mình có kẻ nối giòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào; sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy? vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ".

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Con cái đời này cưới vợ, lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng. Họ sẽ không thể chết nữa: vì họ giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê đã cho biết điều ấy trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Nhưng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Vì mọi người đều sống cho Chúa".  Đó là lời Chúa.

........................................................................

Suy Niệm Lời Chúa

CHUYỆN DƯỚI ĐẤT, CHUYỆN TRÊN TRỜI

“Con cái ở đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng được hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết... họ không chết nữa và được ngang hàng với các thiên thần.” (Lc 20,34-36)

Suy niệm: Cuộc sống con người phần đông tất bật với những lo toan cho “chuyện dưới đất”: làm ăn sinh sống, cưới vợ gả chồng, sinh con cái để nối tiếp câu “chuyện dưới đất” đó từ thế hệ này sang thế hệ kia. Đó là chuyện đời, “chuyện dưới đất.” Chúa Giêsu cho biết bên cạnh đó, còn có “chuyện trên trời,” đó là sự sống lại ở đời sau. Bởi thế, chúng ta không được mải lo “chuyện đời này” như thể mình sẽ sống mãi ở thế gian này, mà quên rằng chúng ta phải sống đời này sao cho đạt được “chuyện trên trời” là nơi chúng ta sẽ sống mãi ở đó “như các thiên thần”.

Mời Bạn: Hình ảnh một người khí phách hào hùng được Nguyễn Du mô tả qua nhân vật Từ Hải “đội trời đạp đất ở đời” cũng nói lên vị trí và phẩm giá con người đích thực: sống ở đời này, chúng ta tuy chân còn đạp đất, nghĩa là bị chi phối bởi những yếu tố trần gian, nhưng đầu chúng ta đã hướng về trời, quê hương đích thực vĩnh hằng. Thời gian ở đời này là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau. Những ngày cuối năm phụng vụ này, chúng ta được mời gọi hướng về cùng đích của cuộc đời mình để sống xứng đáng ở đời này, ngõ hầu đạt tới cuộc sống hạnh phúc đời sau.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày tự nhắc mình hướng về cuộc sống mai sau để thánh hoá những việc trong hiện tại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn khao khát hướng về trời để lời nói và hành động của chúng con chuẩn bị cho cuộc sống viên mãn sau này bên Chúa Cha và các thiên thần.
(Thanhlinh.net)

Đọc tiếp »

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Tap 15: Phat Am Tieng Anh: I've, You've, He's, She's...



Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.