“Giờ đây cần nhận định rõ hơn sự hiệp thông và tham gia của giáo dân vào sinh hoạt giáo xứ. Ở đây cần nhắc cho giáo dân lưu ý đến một lời rất đúng, đầy ý nghĩa và khích lệ của Công Đồng. Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân viết : “Trong những cộng đồng giáo hội, hoạt động của giáo dân cần thiết đến nỗi nếu không có nó, chính hoạt động tông đồ của các chủ chăn thường không thể đạt được kết quả đầy đủ”. Đó là một khẳng định nền tảng, và rõ ràng phải được hiểu dưới ánh sáng của khoa “Giáo-hội-học hiệp thông” : các thừa tác
vụ và các đoàn sủng, vì khác biệt và bổ túc cho nhau, nên theo thể thức của mình, đều cần thiết cho sự tăng trưởng của Giáo Hội.
Giáo dân ngày càng phải xác tín mạnh mẽ hơn về ý nghĩa của việc dấn thân hoạt động tông đồ trong giáo xứ của mình. Công Đồng cũng có lý khi nhấn mạnh điểm đó : “Giáo xứ là một hình thức tông đồ cộng đồng kiểu mẫu, vì đó là nơi quy tụ mọi hạng người thành một cộng đoàn và đem họ vào tinh thần đại đồng của Giáo Hội. Giáo dân nên tập thói quen cộng tác chặt chẽ với các linh mục của mình trong các hoạt động của giáo xứ. Họ cũng nên tập quen trình bày với cộng đoàn giáo hội về những vấn đề riêng của cộng đoàn mình hay của cả thế giới, hoặc những vấn đề liên quan đến ơn cứu độ con người, để cùng nhau góp ý kiến, nghiên cứu và giải quyết. Họ cũng phải tùy khả năng mà trợ giúp những công cuộc tông đồ và truyền giáo của gia đình Giáo Hội địa phương”.
Công Đồng ám chỉ đến việc xem xét và giải quyết các vấn đề mục vụ “với sự tham gia của mọi người”, điều ám chỉ này phải được triển khai một cách tương xứng và có hệ thống qua việc đề cao một cách chân thành nhất, rộng rãi nhất và chắc chắn nhất, những hội đồng mục vụ giáo xứ đã được các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng nhấn mạnh rõ ràng và chính đáng. Trong tình hình hiện nay, giáo dân có thể và phải nỗ lực rất nhiều để làm cho sự hiệp thông đích thực trong Giáo Hội được tăng trưởng ngay trong lòng giáo xứ của mình và khơi dậy hứng khởi truyền giáo cho những người không tin và cho cả những tín hữu đã từ bỏ hay hời hợt với đời sống kitô-hữu.
Nếu giáo xứ là Giáo Hội được ươm trồng giữa các ngôi nhà của con người, thì giáo xứ phải sống và sinh hoạt gắn bó mật thiết với xã hội con người và liên đới sâu xa với những khát vọng cũng như thảm trạng của họ. Rất nhiều khi bối cảnh xã hội, nhất là trong một số nước và một số môi trường, bị giao động mạnh do những thế lực làm tan rã và phi nhân hóa : con người trở nên lầm lạc và mất hướng, nhưng tự thâm tâm, họ vẫn luôn luôn ước vọng được cảm nghiệm và vun đắp những tương quan huynh đệ và nhân bản hơn. Giáo xứ có thể đáp ứng được ước vọng đó nếu, nhờ sự tham gia tích cực của giáo dân, giáo xứ trung thành với ơn gọi và sứ vụ nguyên thủy của mình : giữa thế gian, là “nơi” hiệp thông các tín hữu, đồng thời là “dấu chỉ” và “khí cụ” của lời mời gọi mọi người sống hiệp thông ; nói tóm lại, giáo xứ phải là ngôi nhà rộng mở để đón nhận mọi người và phục vụ mọi người, hay như kiểu nói ưng ý của Đức Gioan XXIII, giáo xứ là giếng nước đầu làng, nơi mọi người đến giải khát."