“Các bậc cha mẹ càng ngày càng cảm thấy khó mà theo dõi cuộc sống của các con cái khi chúng tăng trưởng đến tuổi trưởng thành. Trong một xã hội với nền kỹ thuật tân tiến, các phương tiện truyền thông xã hội và toàn cầu hoá, mọi sự đều trở nên hối hả, và sự cách biệt văn hoá giữa các thế hệ đang gia tăng ngày càng lớn hơn. Những thông tin khác biệt nhất và những kinh nghiệm không thể đoán trước được nhanh chóng thâm nhập vào cuộc sống của các trẻ nhỏ và thiếu niên, và các bậc cha mẹ có thể rất lo âu về những nguy hiểm mà con cái đương đầu. Đôi khi các bậc cha mẹ rơi vào thất vọng não nề khi con cái thất bại trong việc chống trả những quyến rũ của nền văn hoá ma túy, sự lôi cuốn của chủ nghĩa khoái lạc vô độ, cám dỗ giải quyết bằng bạo lực, và những biểu lộ muôn mặt của vô nghĩa và thất vọng.
Cầu nguyện bằng Kinh mân côi cho con cái, và hơn thế nữa, với các con cái, dạy dỗ chúng từ thuở ấu nhi biết ngừng lại mỗi ngày để cầu nguyện với gia đình, phải thú nhận rằng đó không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng đó là một trợ giúp thiêng liêng mà ta không thể hạ giá. Người ta có thể phản đối là Kinh mân côi dường như khó mà phù hợp với sở thích của các trẻ nhỏ và người trẻ của ngày hôm nay. Nhưng có lẽ sự phản đối nhắm đến một cách thức nghèo nàn của việc đọc kinh Mân côi. Hơn thế nữa, nếu không có thành kiến với cơ cấu nền tảng của Kinh mân côi, thì không có điều gì ngăn cản các trẻ nhỏ và người trẻ cầu nguyện với Kinh mân côi – hoặc trong gia đình hoặc trong nhóm – với những trợ giúp có tính biểu tượng và thiết thực tương xứng để hiểu biết và quý trọng. Tại sao ta không thử? Với ơn Chúa giúp, một lối tiếp cận với người trẻ mà tích cực, sôi nổi và sáng tạo – như đã tỏ cho thấy qua các ngày Quốc tế Giới trẻ ! – có khả năng đem lại nhiều kết quả đáng kể. Nếu Kinh mân côi được trình bày rõ ràng, tôi tin chắc rằng người trẻ sẽ lại một lần nữa làm cho người lớn ngạc nhiên vì cách họ làm cho lời kinh trở thành của riêng họ và đọc kinh với sự nhiệt tình đặc trưng của lứa tuổi họ.”(Thánh Gioan Phaolô II, tông thư Kinh Mân Côi, số 42-16/10/2002)