Ads 468x60px

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2022

ĐỂ PHÂN ĐỊNH PHẢI BIẾT MÌNH (ĐTC Phanxicô, 05/10/2022)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!
Chúng ta hãy tiếp tục khám phá chủ đề phân định hay biện phân. Lần trước, chúng ta xem xét việc cầu nguyện, hiểu như sự thân thuộc và tin cậy với Thiên Chúa, coi nó như yếu tố không thể thiếu. Cầu nguyện, không giống như con vẹt. Không: cầu nguyện như sự thân thuộc và tin tưởng với Chúa; lời cầu nguyện của con cái Chúa Cha; cầu nguyện với một trái tim rộng mở. Chúng ta đã thấy điều này trong Bài Giáo lý vừa rồi. Hôm nay, một cách gần như bổ sung, tôi muốn nhấn mạnh điều này: sự phân định tốt cũng đòi hỏi phải biết mình. Phải biết mình. Và điều này không phải dễ dàng đâu nhé!
Thật vậy, nó liên quan đến các khả năng của con người chúng ta: trí nhớ, trí hiểu, ý chí, xúc cảm. Thông thường, chúng ta không biết cách biện phân vì chúng ta không hiểu rõ bản thân mình cho đầy đủ, và vì vậy chúng ta không biết mình thực sự muốn gì. Anh chị em đã nhiều lần nghe: “Nhưng người đó, tại sao anh ta không sắp xếp cuộc sống của mình? Anh ta chưa bao giờ biết mình muốn gì…”. Có những người… Và rồi, vâng, cuộc sống của anh ấy vẫn như vậy, bởi vì ngay cả anh ấy cũng không biết mình muốn gì. Không đến nỗi quá đáng như thế, nhưng chúng ta đôi khi cũng không biết rõ ràng chúng ta muốn gì, chúng ta không hiểu rõ bản thân mình.
Nằm bên dưới các nghi ngờ thiêng liêng và những khủng hoảng ơn gọi, thường có cuộc đối thoại không đầy đủ giữa đời sống tôn giáo và chiều kích nhân bản, nhận thức và tình cảm của chúng ta. Một nhà văn về linh đạo đã nhận xét rằng có biết bao nhiêu khó khăn về chủ đề phân định cho ta thấy nhiều vấn đề thuộc loại khác, cần được nhìn nhận và khám phá. Tác giả này viết: “Tôi tin chắc rằng trở ngại lớn nhất đối với việc biện phân đích thực (và sự trưởng thành thực sự trong cầu nguyện) không phải là bản chất vô hình của Thiên Chúa, mà là sự kiện này: chúng ta không biết mình đầy đủ, và thậm chí không muốn biết bản thân như chúng ta thực sự là. Hầu như tất cả chúng ta đều trốn sau một chiếc mặt nạ, không những trước mặt người khác, mà còn là lúc soi gương ”(Th. Green, Weeds Among the Wheat, 1992). Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ muốn đeo mặt nạ, cả trước mặt chính mình.
Việc quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta đi đôi với sự thiếu hiểu biết về bản thân, phớt lờ Thiên Chúa và phớt lờ bản thân, không biết các đặc điểm của nhân cách và những ước muốn sâu xa nhất của chúng ta…” (ĐTC Phanxicô, 05/10/2022)
Đọc tiếp »

SỐNG CAO ĐẸP, BẢO TỒN GIÁO LÝ CHÚA KITÔ


Trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê, chương 6:
11 Phần anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó (dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh,4 thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu,5 đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý);
hãy gắng trở nên người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hoà. 12 Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, dành cho được sự sống đời đời ; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng…
14 hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện. 15 Đấng sẽ cho Đức Ki-tô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi…
17 Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. 18 Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. 19 Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.
20 Anh Ti-mô-thê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh, tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu. 21 Có những kẻ, vì chủ trương cái tri thức đó, nên đã lạc mất đức tin. Chúc anh em được ân sủng.
Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI: BẢN TÓM LƯỢC TIN MỪNG (Tông thư Kinh Mân Côi)


Kinh Mân Côi, một bản tóm lược Tin Mừng:
18. Cách thức duy nhất để tiến tới việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô là lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha trong Thánh Thần, vì không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha (Mt 11,27). Tại địa hạt Xê-da-rê Phi-lip, Đức Giê-su đã đáp lại lời tuyên tín của Phê-rô bằng cách chỉ cho ông thấy nguồn gốc của trực giác rõ ràng về căn tính của Người: Không phải phàm nhân mạc khải cho anh biết điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17). Như vậy, cần có một mạc khải từ trên. Để đón nhận mặc khải ấy, nhất thiết phải chăm chú lắng nghe: Chỉ có kinh nghiệm về sự thinh lặng và cầu nguyện mới tạo ra môi trường thích hợp để cho sự hiểu biết đích thực, trung tín và vững chắc về mầu nhiệm đó được tăng trưởng và phát triển [27].
Kinh Mân Côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô. Đức Giáo hoàng Phao-lô VI mô tả điều đó bằng những lời sau đây: Vì là một lời kinh dựa theo Tin mừng, tập trung vào mầu nhiệm Nhập thể cứu độ, kinh Mân Côi là lời kinh mang chiều kích Kitô một cách rõ nét. Thật thế, yếu tố đặc trưng nhất của kinh Mân Côi – việc lặp đi lặp lại Kinh kính mừng - là một lời ca ngợi không ngừng dâng lên Đức Kitô, Đấng là đối tượng tối hậu của cả lời truyền tin của Thiên thần, lẫn lời
chúc mừng
của mẹ thánh Gio-an Tẩy Giả: Phúc thay hoa quả của lòng Bà (Lc 1,42). Chúng ta có thể đi xa hơn và nói thêm rằng chuỗi kinh Kính mừng làm thành khung cửi trên đó đan dệt việc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm. Đức Giê-su mà mỗi kinh Kính mừng gợi nhớ cũng là Đức Giê-su mà các mầu nhiệm tiếp nối nhau đề nghị cho chúng ta tuần tự như là Con Thiên Chúa, như là Con của Đức Trinh Nữ.” (Thánh Gioan Phaolô II)
Cùng lần chuỗi cầu nguyện cho nhau, để nhờ Mẹ giúp chúng ta “tìm được sức mạnh và niềm an ủi trong những thời khắc vui buồn của cuộc sống”. (ĐGM Phan Thiết, TMV10/2022, số 1)
Cù Mi, 01/10/2022
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
Đọc tiếp »

SỐNG ĐẠO: (1 Tm 5, 8 )


1 Tm 5, 8 :
Ai không chăm sóc người thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ hơn người không có đức tin.
1 Pr 3,8-9
Tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. Đừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được Thiên Chúa kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc.
Đọc tiếp »

CẦU NGUYỆN NHƯ ÊLIA (ĐTC Phanxicô, 07/10/2020)


“Chúng ta cần tinh thần của Êlia. Ngài cho chúng ta thấy không nên có sự phân đôi trong đời sống của những người cầu nguyện: một người đứng trước mặt Chúa và đi về phía các anh em mà Người đã sai chúng ta đến với họ. Cầu nguyện không phải là nhốt mình với Chúa để làm cho linh hồn mình trông đẹp đẽ: không, đấy không phải là cầu nguyện, đấy là cầu nguyện giả. Cầu nguyện là

một cuộc đối diện với Thiên Chúa và để mình được sai đi để phục vụ anh chị em mình.
Bằng chứng của cầu nguyện là tình yêu thương thực sự người lân cận của mình. Và ngược lại: các tín hữu hành động trong thế giới sau, khi trước đó đã giữ im lặng và cầu nguyện; nếu không, hành động của họ chỉ là bốc đồng, thiếu biện phân, vội vàng không có đích đến. Các tín hữu hành xử cách này, họ gây ra nhiều bất công bởi vì họ đã không đi cầu nguyện với Chúa trước, để biện phân điều họ phải làm.
Các trang Kinh thánh cho thấy đức tin của Êlia cũng có nhiều tiến bộ: ngài cũng lớn lên trong lời cầu nguyện, ngài trau chuốt nó từng chút một. Khuôn mặt của Chúa trở thành tiêu điểm đối với ngài khi ngài bước đi. Ngài đạt đến đỉnh cao trong kinh nghiệm phi thường này, khi Thiên Chúa bày tỏ chính Người cho Êlia trên núi (xem 1V 19: 9-13). Người tỏ mình ra không phải trong cơn bão, cũng không phải trong trận động đất hay ngọn lửa hỏa hào, mà là trong “một âm thanh thì thào nhè nhẹ” (câu 12). Hoặc đúng hơn, một lối diễn dịch phản ảnh tốt trải nghiệm này: trong sợi dây im lặng mà vang dội. Đó là cách Thiên Chúa tỏ chính Người cho Êlia. Chính bằng dấu hiệu khiêm nhường này mà Thiên Chúa đã thông đạt với Êlia, người vào thời điểm đó, đang là một tiên tri chạy trốn, đánh mất bình an. Chúa đã đến trước để gặp một người mệt mỏi, một người tưởng rằng mình đã thất bại trên mọi trận tuyến, và với làn gió nhẹ nhàng, với sợi dây im lặng mà vang dội đó, Người đã mang thanh tĩnh và bình an trở lại trái tim ngài...
Trong một số buổi tối nào đó, chúng ta có thể cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính lúc đó việc cầu nguyện sẽ đến và gõ cửa trái tim chúng ta... Và dù chúng ta đã làm một điều sai trái, hoặc nếu chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, khi chúng ta trở lại trước mặt Thiên Chúa với lời cầu nguyện, sự thanh thản và bình an sẽ trở lại như thể bởi phép lạ.” (ĐTC Phanxicô, 07/10/2020)
Đọc tiếp »

TÂM TÌNH NHẬN XỨ CÙ MI






Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

Thư Chung năm 2022 của Hội đồng Giám mục Việt Nam – Về Giáo hội hiệp hành


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa

VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Anh chị em thân mến,
1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.
2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt NamMặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.
3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.
4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:
Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;
Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;
Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.
5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:
a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.
b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.
c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.
Anh chị em thân mến,
6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.
7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.
8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.
Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.
Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội
Ngày 07 tháng 10 năm 2022

(đã ấn ký)
+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam


(đã ký)
+ Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Tổng Thư ký
Đọc tiếp »

ĐỪNG THEO LẠC GIÁO


TẠ ƠN VỚI “LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY”
Trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê, chương 6:
3 Nếu có ai dạy một giáo lý khác, không theo sát các lời lành mạnh, tức là các lời của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, và không theo sát giáo lý phù hợp với đạo thánh, 4 thì người ấy lên mặt kiêu căng, không biết gì cả, nhưng mắc bệnh ham tranh luận và thích cãi chữ. Do đó sinh ra ganh tị, tranh chấp, lộng ngôn, nghĩ xấu, 5 đấu khẩu liên miên giữa những người đầu óc lệch lạc, mất cả chân lý và coi việc giữ đạo là một nguồn lợi.
6 Đã hẳn, việc giữ đạo là nguồn lợi lớn đối với ai lấy cái mình có làm đủ. 7 Quả vậy, chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. 8 Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. 9 Còn những kẻ muốn làm giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại ; đó là những thứ làm cho con người chìm đắm trong cảnh huỷ diệt tiêu vong. 10 Thật thế, cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc ; vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé.
Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI: LOAN BÁO ĐỨC KITÔ CÙNG MẸ MARIA (Tông thư Kinh Mân Côi)




Loan báo Đức Kitô cùng với Đức Ma-ri-a:
17. Kinh Mân Côi cũng là một con đường loan báo và hiểu biết ngày một hơn, trong đó mầu nhiệm của Đức Kitô được trình bày đi, trình bày lại ở nhiều mức độ khác nhau của kinh nghiệm Kitô giáo. Đó là một trình bày mang tính cầu nguyện và chiêm ngưỡng, có khả năng đào tạo người Kitô hữu theo trái tim của Đức Kitô. Khi kết hợp việc đọc Kinh Mân Côi với tất cả mọi yếu tố cần thiết cho một cuộc suy niệm có hiệu quả, đặc biệt trong những cuộc cử hành chung tại giáo xứ và các đền thánh, có thể đó là một cơ hội để dạy giáo lý mà các vị mục tử phải biết cách tận dụng. Cả theo cách thức ấy nữa, Đức Bà Mân Côi tiếp tục công trình loan báo Đức Kitô.
Lịch sử Kinh Mân Côi tỏ cho biết lời kinh này đã được các cha dòng Đa Minh sử dụng như thế nào vào một thời buổi khó khăn của Giáo hội do bởi sự lan rộng của lạc giáo. Ngày hôm nay chúng ta đang đối diện với những thách đố mới. Tại sao một lần nữa chúng ta không chạy đến Kinh Mân Côi, với cùng một đức tin như những người đã đi trước chúng ta? Kinh Mân Côi vẫn giữ được sức mạnh của nó và tiếp tục là một tài nguyên mục vụ có giá trị cho mọi người loan báo tin mừng tốt.” (Thánh Gioan Phaolô II)
Đọc tiếp »

07/10-Đức Mẹ Mân Côi, lễ nhớ


Bđ1, Cv 1 :
Sau khi Đức Giê-su được rước lên trời, các Tông Đồ từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. 13 Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông : Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. 14 Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
Suy niệm :
Như các tông đồ và những tín hữu đầu tiên “chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su”, sau khi Chúa về trời; ngày nay, chúng ta cũng cùng cầu nguyện với Đức Mẹ khi lần hạt Mân Côi...
“Công đồng Va-ti-ca-nô II dạy rằng : Phụng vụ như một thi hành chức vụ tư tế của Đức Kitô và một hành vi phụng thờ chung, là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội và đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội, cũng cần nhắc lại rằng đời sống thiêng liêng không chỉ dừng lại ở việc tham dự Phụng vụ mà thôi. Người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha (x. Mt 6,6); quả thế, như lời vị Tông đồ đã dạy, họ phải cầu nguyện không ngừng (x. 1Tx 5,17). Kinh mân côi, theo cách riêng của nó, là thành phần của toàn cảnh đa dạng của việc cầu nguyện không ngừng đó. Nếu Phụng vụ, như hoạt động của Đức Kitô và của Giáo hội, là một hành động cứu độ vượt trội, thì Kinh mân côi như một suy niệm với Đức Maria về Đức Kitô, là một chiêm ngưỡng đem lại ơn cứu độ. Bằng cách nhận chìm chúng ta vào các mầu nhiệm của đời sống Đấng Cứu chuộc, nó bảo đảm rằng điều Người đã làm và điều mà Phụng vụ hiện tại hoá cũng thấm nhập sâu xa và uốn nắn đời sống chúng ta.” (Thánh Gioan Phaolô II, tông thư Kinh Mân Côi, 16/10/2002, số 13)
“Kinh Mân côi, một bản tóm lược Tin mừng” (nt, số 18)




Đọc tiếp »

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

THÁNH PHAOLÔ KHUYÊN


Trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê, chương 5:
3 Anh hãy kính trọng các bà goá, những bà goá đích thực. 4 Nếu một bà goá có con có cháu, thì trước tiên con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. 5 Còn các bà goá đích thực, sống một thân một mình, thì đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa và ngày đêm kiên trì đọc kinh cầu nguyện.
6 Trái lại, bà goá ham vui thì sống cũng như chết… Đồng thời, vì ăn không ngồi rồi, họ học thói la cà hết nhà nọ đến nhà kia. Đâu phải chỉ ăn không ngồi rồi, họ còn nhiều chuyện, lăng xăng, nói năng bừa bãi. 14 Vậy tôi muốn các bà goá trẻ hãy tái giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà ; đừng để cho đối phương có dịp bới móc. 15 Thật vậy, đã có kẻ lạc đường đi theo Xa-tan…
17 Những kỳ mục thi hành chức vụ chủ toạ cách tốt đẹp, thì đáng được đãi ngộ gấp đôi, nhất là những người vất vả phục vụ lời Chúa và giảng dạy. 18 Quả vậy, Kinh Thánh có nói : Đừng bịt mõm con bò đang đạp lúa, và làm thợ thì đáng được trả công. 19 Lời tố cáo một kỳ mục, anh đừng chấp nhận, trừ phi có hai hoặc ba nhân chứng…
22 Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác. Hãy giữ mình trong sạch.
23 Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn.
24 Có những người thì tội đã rành rành, ngay trước khi xét xử ; người khác thì xét xử rồi mới thấy rõ. 25 Cũng thế, những việc tốt thì đã rành rành ; mà cả những việc không tốt cũng chẳng che giấu được.
Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI: CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC KITÔ CÙNG MẸ MARIA (Tông thư Kinh Mân Côi)


Cầu nguyện với Đức Kitô cùng với Mẹ Ma-ri-a:
16. Đức Giê-su đã mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa với lòng tin tưởng và kiên trì để được nhậm lời: Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho (Mt 7,7). Nền tảng của sức mạnh của lời cầu nguyện này là lòng nhân lành của Chúa Cha, nhưng cũng là sự trung gian của chính Đức Kitô (x. 1 Ga 2,1) và hành động của Chúa Thánh Thần Đấng khẩn cầu cho chúng ta theo như ý của Thiên Chúa (x. Rm 8,26-27). Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (Rm 8,26), và đồng thời chúng ta không được nhậm lời vì chúng ta xin sai (x. Gc 4,2-3).
Để hỗ trợ lời kinh mà Đức Kitô và Chúa Thánh Thần gợi lên trong lòng chúng ta, Đức Ma-ri-a can thiệp bằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ. Lời cầu nguyện của Giáo hội được đỡ nâng nhờ lời cầu nguyện của Đức Ma-ri-a [23]. Nếu Đức Giê-su, Đấng Trung gian duy nhất, là Con Đường cho lời cầu nguyện của chúng ta, thì Đức Ma-ri-a, phản ánh tinh tuyền và trong sáng nhất của Người, tỏ cho chúng ta Con Đường. Chính từ sự cộng tác duy nhất của Đức Ma-ri-a với công việc của Chúa Thánh Thần, mà các Giáo hội đã triểm khai lời kinh dâng lên Mẹ thánh thiện của Thiên Chúa, bằng cách tập trung vào con người Đức Kitô được biểu lộ qua các mầu nhiệm [24]. Tại tiệc cưới Ca-na, sách Tin mừng đã tỏ lộ rõ ràng quyền lực của lời chuyển cầu Đức Ma-ri-a khi ngài báo cho Đức Giê-su biết nhu cầu của người khác: Họ hết rượu rồi (Ga 2,3).
Kinh Mân Côi đồng thời là suy niệm và khẩn cầu. Lời kinh khẩn nài Mẹ Thiên Chúa được đặt nền tảng trên sự tin tưởng: tin rằng lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ có thể giành được mọi sự từ trái tim của Con ngài. Mẹ rất quyền năng bởi ân sủng, để sử dụng lối diễn tả táo bạo nhưng cần hiểu cho đúng đắn, của Chân phước Bartolo Longo trong bài Lời Khẩn cầu Đức Bà [25]. Đó là một xác tín, phát xuất từ Tin mừng, đã tăng trưởng càng ngày càng vững chắc trong kinh nghiệm của Dân Kitô giáo. Thi sĩ thượng thặng Dante diễn tả cách tuyệt diệu qua các vần thơ được thánh Bê-na-đô hát lên: Lạy Đức Bà, Bà thật vĩ đại và đầy quyền năng, ai ước muốn có ân huệ mà không đến với ngài, thì người ấy muốn ước vọng của mình bay lên mà không có đôi cánh [26].
Trong Kinh Mân Côi, khi chúng ta van nài Đức Ma-ri-a, đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,35), ngài chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, Đấng tuôn đổ hồng ân xuống trên ngài, và trước mặt người Con sinh ra từ cung lòng ngài, bằng cách cầu nguyện với chúng ta và cho chúng ta.” (Tháng Gioan Phaolô II)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2022

HỌP LỚP LẦN 22: Có 38 cha dự được, 2 anh làm Giám Mục bận họp ở Hà Nội, tạ ơn Chúa gìn giữ và chúc lành cho chúng con…








Đọc tiếp »

ĐỪNG TIN GIÁO HUẤN CỦA MA QUỶ…HÃY TẬP NHÂN ĐỨC VÀ ĐỌC KINH THÁNH…


Trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê, chương 4:
1 Thần Khí phán rõ ràng : vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ ; 2 đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung. 3 Họ cấm không được kết hôn và bắt phải kiêng một số thức ăn ; thật ra, những thức ăn này là những thứ Thiên Chúa đã tạo dựng để các tín hữu, những kẻ đã nhận biết chân lý, được dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ. 4 Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, 5 vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hoá những thứ đó. 6 Nếu anh trình bày cho anh em những điều ấy, thì anh sẽ là một người phục vụ tốt của Đức Ki-tô Giê-su, một người thấm nhuần lời đức tin và giáo lý cao đẹp mà anh đã trung thành noi theo. 7 Còn những chuyện hoang đường nhảm nhí của bà già, thì hãy loại bỏ.
Hãy luyện tập sống đạo đức ; 8 vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. 9 Đó là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận. 10 Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Đấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu. 11 Anh hãy truyền, hãy dạy những điều đó.
12 Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại, anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về cách cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch. 13 Trong khi chờ tôi đến, hãy chuyên cần đọc Sách Thánh trong các buổi họp, chuyên cần khuyên nhủ và dạy dỗ. 14 Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh. 15 Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh. 16 Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.
5 1 Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha ; hãy coi các thanh niên như anh em, 2 các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch.
Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI: ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI ĐỨC KITÔ CÙNG ĐỨC MẸ (Tông thư Kinh Mân Côi)


“Được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cùng với Mẹ Ma-ri-a:
15. Linh đạo Kitô giáo được phân biệt bởi sự dấn thân của người môn đệ để trở nên đồng hình đồng dạng ngày càng hoàn hảo hơn với Thầy của mình (x. Rm 8,29; Pl 3,10.12). Việc tuôn đổ Thánh Thần trong bí tích Thánh tẩy tháp nhập người tín hữu như một cành nho vào thân nho là Đức Kitô (x. Ga 15,5) và biến họ thành chi thể của Thân mình mầu nhiệm Đức Kitô (x. 1Cr 12,12; Rm 12,5). Tuy nhiên, sự hiệp nhất khởi đầu này mời gọi ngày càng nên đồng hình đồng dạng, sự đồng dạng sẽ dần dần uốn nắn hành vi cử chỉ của người môn đệ cho phù hợp với tâm tình của Đức Kitô: Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. (Pl 2,5). Nói như thánh Tông đồ, chúng ta được mời gọi mặc lấy Chúa Giê-su Kitô (x. Rm 13,14; Gl 3,27).
Trong cuộc hành trình thiêng liêng của Kinh Mân Côi, đặt nền tảng trên sự chiêm ngưỡng liên lỉ dung nhan Đức Kitô, cùng với Đức Ma-ri-a-, lý tưởng rất đòi hỏi này là nên đồng hình đồng dạng với Người, được theo đuổi nhờ sự kết giao mà ta có thể diễn tả bằng từ bằng hữu. Bằng cách ấy, chúng ta có khả năng dễ dàng đi vào đời sống của Đức Kitô và có thể nói là chia sẻ những cảm xúc sâu xa của Người. Về điểm này, Chân phước Bartolo Longo đã viết: Giống như hai người bạn, nhờ gặp gỡ nhau thường xuyên, có khuynh hướng phát triển những tập quán giống nhau, cũng vậy, nhờ giao tiếp thân mật với Đức Giê-su và Đức Trinh Nữ, bằng cách suy niệm các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi và bằng cách kết hiệp trong cùng một cuộc sống nhờ rước lễ, chúng ta có thể trở nên giống các Ngài, trong mức độ mà giới hạn của ta cho phép, và có thể học hỏi từ những gương mẫu tối cao đó một cuộc sống khiêm nhường, nghèo khó, ẩn dật, kiên nhẫn và hoàn hảo [18].
Trong tiến trình nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong Kinh Mân Côi, chúng ta giao phó chính mình một cách đặc biệt cho mối quan tâm từ mẫu của Đức Trinh Nữ. Ngài vừa là Mẹ của Đức Kitô vừa là thành viên Giáo hội, quả vậy một thành viên trổi vượt và độc nhất vô nhị [19], ngài cũng đồng thời là Mẹ của Giáo hội. Như thế, ngài tiếp tục sinh hạ những người con cho Thân thể mầu nhiệm của Con ngài. Ngài thực hiện như thế bằng lời chuyển cầu, khi khẩn cầu Thiên Chúa tuôn đổ vô hạn Thần Khí trên họ. Đức Ma-ri-a là hình tượng hoàn hảo của tư cách hiền mẫu của Giáo hội.
Kinh Mân Côi chuyển đưa chúng ta cách huyền diệu đến bên cạnh Đức Ma-ri-a khi Mẹ đang bận tâm đến sự tăng trưởng nhân bản của Đức Kitô trong ngôi nhà ở Nazareth. Điều đó giúp Mẹ có khả năng dạy dỗ chúng ta và uốn nắn chúng ta với cùng một sự chăm sóc, cho tới khi Đức Kitô được thành hình trọn vẹn trong chúng ta (x. Gl 4,19).
Vai trò này của Đức Ma-ri-a, hoàn toàn dựa trên vai trò của Đức Kitô và phụ thuộc cách triệt để vào đó, không làm lu mờ hay giảm bớt vai trò trung gian của Đức Kitô, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian ấy [20]. Đó là nguyên tắc rõ ràng đã được Công dồng Va-ti-ca-nô II diễn tả mà tôi đã kinh nghiệm hết sức mãnh liệt trong cuộc đời tôi và đã làm nên cơ sở cho khẩu hiệu giám mục của tôi: Totus Tuus [21]. Lẽ dĩ nhên khẩu hiệu được gợi hứng từ lời dạy của thánh Louis Marie Grignion de Montfort, ngài đã giải thích bằng những lời sau đây về vai trò của Đức Ma-ri-a trong tiến trình đồng hình đồng dạng của chúng ta với Đức Kitô: Tất cả sự hoàn thiện của chúng ta hệ tại ở việc nên đồng hình đồng dạng, kết hiệp và hiến thánh cho Đức Giê-su Kitô.
Vì thế tính cách hoàn hảo nhất của mọi việc đạo đức không nghi ngờ gì nữa là biến đổi, kết hiệp và hiến thánh chúng ta cách hoàn hảo nhất cho Đức Giê-su Kitô. Vậy, bởi vì Đức Ma-ri-a là một trong các tạo vật nên đồng hình đồng dạng nhất với Đức Giê-su Kitô, hệ quả là trong số các việc đạo đức, lòng sùng kính Đức Ma-ri-a, Mẹ thánh thiện của Người, là việc đạo đức có khả năng hiến thánh và làm cho một linh hồn nên đồng hình đồng dạng với Chúa hơn cả, và một linh hồn càng hiến thánh cho Mẹ sẽ càng được hiến thánh cho Đức Giê-su Kitô [22]. Không nơi nào bằng Kinh Mân Côi, cuộc sống của Đức Giê-su và của Đức Ma-ri-a xuất hiện liên kết sâu xa như thế. Đức Ma-ri-a chỉ sống trong Đức Kitô và cho Đức Kitô!” (Thánh Gioan Phaolô II)
Đọc tiếp »

Thứ tư, Tuần XXVII- Mùa TN



Đọc tiếp »

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

Siêng dâng lễ cùng tôn thờ Thiên Chúa, Năng lần hạt cũng suy niệm Tin Mừng



Đọc tiếp »

KINH MÂN CÔI BẢO VỆ GIA ĐÌNH (Thánh Gioan Phaolô II, tông thư Kinh Mân Côi, 16/10/2002)


“Một nhu cầu dấn thân và cầu nguyện tương tự nảy sinh từ một vấn đề nguy kịch của thời hiện đại: gia đình, tế bào nguyên thủy của xã hội, càng ngày càng bị đe doạ bởi những sức mạnh hủy diệt, ở bình diện ý thức hệ lẫn thực hành, làm ta lo sợ cho tương lai của cơ chế nền tảng và không thể thiếu được này và, cùng với nó, cho tương lai của toàn thể xã hội. Làm sống lại Kinh mân côi trong các gia đình Kitô hữu, trong bối cảnh của một thừa tác vụ mục vụ rộng lớn hơn cho gia đình, sẽ là một trợ giúp hữu hiệu chống lại những tác động hủy hoại của cơn khủng hoảng đặc trưng này của thời đại chúng ta. (6)
Gia đình mà cầu nguyện chung thì ở chung với nhau. Kinh rất thánh Mân côi, với truyền thống lâu đời, đã tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc lôi kéo các gia đình lại gần nhau. Các thành viên trong gia đình, khi hướng mắt nhìn về Đức Kitô, thì cũng có được khả năng nhìn thẳng vào mắt nhau, thông hiệp, tỏ tình liên đới, tha thứ lẫn cho nhau và nhìn thấy giao ước tình yêu của họ được đổi mới trong Thần Khí của Thiên Chúa.
Nhiều vấn đề mà các gia đình đang đối diện, đặc biệt trong các xã hội kinh tế phát triển, phát xuất từ sự khó khăn càng ngày càng gia tăng trong mối tương giao. Các gia đình ít khi thu xếp để gặp gỡ nhau, và những cơ hội hiếm hoi gặp gỡ là để xem truyền hình. Trở về với việc đọc Kinh mân côi trong gia đình có nghĩa là lấp đầy cuộc sống hằng ngày bằng những hình ảnh rất khác nhau, những hình ảnh của mầu nhiệm cứu độ, hình ảnh của Mẹ rất thánh. Gia đình mà đọc chung Kinh mân côi tạo nên được điều gì đó của bầu khí gia đình Na-da-rét: các thành viên gia đình đặt Đức Giêsu ở trung tâm, họ chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của Người, họ đặt những nhu cầu và dự tính của họ trong tay Người, họ kín múc từ Người niềm hi vọng và sức mạnh để tiến bước. (41)”
(Thánh Gioan Phaolô II, tông thư Kinh Mân Côi, 16/10/2002)
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.