“...trong Thánh Vịnh (150), đau khổ biến thành một câu hỏi. Từ đau khổ đến nghi vấn. Và trong số rất nhiều câu hỏi, có một câu vẫn lơ lửng ở đó, giống như một tiếng kêu không ngừng xuyên suốt cuốn sách từ đầu đến cuối. Một câu hỏi mà chúng ta lặp đi lặp lại nhiều lần: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa? Cho đến khi nào?" Mọi đau khổ đều kêu gọi sự giải thoát, mọi nước mắt đều kêu
gọi sự an ủi, mọi vết thương đều đang đợi được chữa lành, mọi vu khống đang đợi một phán xử ân giải. “Cho đến bao giờ, lạy Chúa, con phải chịu đựng điều này? Lạy Chúa, xin lắng nghe con! ” Biết bao lần chúng ta đã cầu nguyện như thế, với câu “Cho đến khi nào?”, Giờ đây đã đủ rồi, lạy Chúa!
...
Lời cầu nguyện của Thánh Vịnh là bằng chứng của tiếng kêu này: một tiếng kêu đa dạng, bởi vì trong cuộc sống, nỗi đau có muôn hình muôn dạng, và nó mang đủ thứ tên: bệnh tật, hận thù, chiến tranh, bách hại, ngờ vực… Cho đến “tai tiếng” tối hậu, tức cái chết. Cái chết xuất hiện trong sách Thánh Vịnh như kẻ thù phi lý nhất của con người: tội ác nào đáng bị trừng phạt tàn nhẫn như vậy, bao gồm tận diệt và kết liễu? Lời cầu nguyện của các Thánh Vịnh xin Thiên Chúa can thiệp nơi mọi cố gắng của con người đều vô ích. Đó là lý do tại sao cầu nguyện, trong và tự nó, là con đường cứu rỗi và là khởi đầu của ơn cứu rỗi.
...
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là phải chịu đựng sự bỏ rơi, không được nhớ đến. Lời cầu nguyện cứu chúng ta khỏi điều này. Vì điều có thể xảy ra, và thậm chí thường xuyên xẩy ra là chúng ta không hiểu các kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng tiếng kêu của chúng ta không bị kẹt ở dưới thế này: chúng dâng cao tới Người, Đấng có trái tim của một người Cha, và chính Người khóc cho mọi con trai và con gái đang đau khổ và chết chóc. Tôi xin nói với anh chị em một điều: trong những thời khắc khó khăn, thật tốt cho tôi khi nghĩ rằng Chúa Giêsu đang khóc; Người khóc lúc nhìn Giêrusalem, Người khóc trước mộ của Ladarô. Thiên Chúa đã khóc cho tôi, Thiên Chúa đang khóc, Người khóc vì nỗi buồn của chúng ta. Vì, như một nhà văn linh đạo hay nói, Thiên Chúa muốn làm cho chính Người trở thành con người, để có thể khóc. Nghĩ rằng Chúa Giêsu khóc với tôi trong những lúc buồn sầu là một niềm an ủi: nó giúp chúng ta tiếp tục tiến bước. Nếu chúng ta duy trì mối liên hệ của chúng ta với Người, cuộc sống không buông tha đau khổ cho chúng ta, nhưng chúng ta mở lòng ra chào đón một chân trời tốt lành rộng lớn và cố gắng vươn tới sự thành toàn của nó. Anh chị em hãy can đảm lên, kiên trì cầu nguyện. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta.” (ĐTC Phanxicô, 14/10/2020)