Ads 468x60px

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

CHÚA GIÁNG SINH (ĐTC Phanxicô, 23/12/2020)


“Anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý tuần này, lúc chúng ta sửa soạn mừng Lễ Giáng Sinh, Cha muốn đưa ra một số thức ăn để chúng ta cùng suy nghĩ và chuẩn bị cho việc cử hành Lễ Giáng Sinh. Trong phụng vụ Thánh Lễ lúc nửa đêm, lời Thiên thần loan báo cho các Mục đồng: “Đừng sợ; vì nầy, ta đem đến cho các ngươi Tin mừng, một tin vui lớn lao cho muôn dân; hôm nay trong thành vua Davít, đã sinh ra một Đấng Cứu Thế, là Đức Kitô, Chúa muôn dân.” (Lc 2, 10-12).
Bắt chước những người chăn chiên, chúng ta cũng hãy tiến về Bếtlêhem, nơi Đức Maria đã hạ sinh Hài nhi, đặt nằm trong máng cỏ, “vì không có chỗ cho họ trong quán trọ” (2: 7). Giáng sinh đã trở thành một ngày lễ phổ biến, ngay cho cả những người không tin cũng cảm nhận được cái bầu khí nhộn nhịp tưng bừng của đại lễ này. Tuy nhiên, người theo đạo Thiên Chúa cần ý thức rằng Lễ Giáng sinh là một sự kiện quyết liệt, một ngọn lửa vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã nhóm lên cho thế gian, và không được nhầm lẫn với những thứ phù vân vật chất bề ngoài. Điều quan trọng là đừng biến nó thành một lễ hội bề ngoài, chỉ thuần túy mua sắm hưởng thụ mà thôi!
Chủ nhật tuần trước, Cha có đề cập tới vấn đề này, chủ nghĩa tiêu dùng đã chiếm đoạt Giáng sinh. Không! Lễ Giáng Sinh không được giản lược vào một lễ hội bề ngoài hay tiêu xài, mua sắm quà cáp và gửi đi những lời cầu chúc tốt đẹp bề ngoài mà lại thiếu chiều sâu của niềm tin Kitô giáo, và nghèo nàn về tình người. Vì vậy, cần phải kiềm chế một tâm thức trần tục nào đó, làm suy giảm đi cái cốt lõi đức tin của chúng ta là: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta, đây là hồng ân và sự thật; chúng ta đã được chiêm ngưỡng vinh quang của Người, vinh quang của một người Con, được phát sinh từ Chúa Cha ”(Ga 1,14). Và đây là nhân tố cốt lõi của Giáng sinh; đúng hơn, đó là sự thật của Giáng sinh, không có gì khác thay thế được.
Một mặt, Lễ Giáng sinh mời gọi chúng ta nhìn lại thảm trạng của lịch sử, trong đó những người nam nữ đã bị tổn thương vì tội lỗi, không ngừng đi tìm kiếm chân lý, tìm kiếm lòng thương xót và tìm kiếm ơn cứu chuộc; và mặt khác, về lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta để truyền đạt cho chúng ta Chân lý cứu rỗi và làm cho chúng ta được chia sẻ vào tình bằng hữu và sự sống của Ngài. Và món quà cuộc sống này là hồng ân nhưng không, không phải do công đức của chúng ta.
Có một vị Cha chung đã nói: “Hãy nhìn ở đằng kia, hãy tìm kiếm điều công chính và bạn sẽ không tìm kiếm được cái gì khác ngoài ân sủng Chúa”. Mọi sự đều là hồng ân, là quà tặng của ân sủng. Và món quà ân sủng này, chúng ta nhận được thông qua sự đơn nghèo và huyền thể của Giáng sinh, và nó có thể loại trừ khỏi trái tim và tâm trí chúng ta sự bi quan yếm thế của ngày nay trước cơn đại dịch. Chúng ta có thể vượt qua cảm giác hoang mang chán chường đó, không để mình bị choáng ngợp bởi những thảm bại và thất bại, khi nhận ra và tái khám phá ra rằng Hài Nhi khiêm hạ và mỏng manh, ẩn mình nhỏ bé, là chính Thiên Chúa, đã làm người vì chúng ta...
“Vì sự nhập thể của Ngài, Con Thiên Chúa đã kết hợp chính Ngài theo một cách nào đó với mọi người. Ngài hoạt động qua bàn tay con người, Ngài suy nghĩ bằng trái tim con người, hành động bằng sự lựa chọn của con người và yêu bằng trái tim con người. Được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi ”(Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và hy Vọng (Gaudium et Spes) 22)...
Trước đây, khi trao đổi với một số nhà khoa học, chúng tôi đã nói về trí thức nhân tạo và người máy rô-bốt… có những rô-bốt được lập trình làm được các công việc như con người, làm được mọi thứ, và ngành công nghệ này đang được tiếp tục phát triển. Và Cha nói với các khoa học gia, "Những gì robot sẽ không bao giờ làm được?" Họ đã nghĩ về điều đó, và đưa ra những đề xuất, mà cuối cùng họ đều đồng ý về một điều: sự dịu dàng, lòng thương xót. Robot sẽ không bao giờ có khả năng này. Và đây là điều mà Thiên Chúa ban chúng ta, ngày nay: một niềm vui tuyệt vời mà Thiên Chúa mong muốn mang vào trong thế giới, và điều này làm sống lại sự dịu dàng, yêu thương trong chúng ta, một sự dịu dàng làm cho con người giống Thiên Chúa. Và hôm nay chúng ta đang rất cần đến sự dịu dàng, lòng thương xót, chúng ta cần tới nó trong giao tiếp con người, khi đối diện với quá nhiều đau khổ! Nếu đại dịch buộc chúng ta phải xa nhau, thì trong nôi hèn nơi Chúa sinh ra, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta cách dịu dàng thương cảm để gần nhau, sống nhân bản con người hơn. Hãy làm cho chúng ta bước đi trên con đường này. Chúc anh chị em một lễ Giáng sinh vui vẻ!” (ĐTC Phanxicô, 23/12/2020)
Đọc tiếp »

CHÚA TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO... (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)


“Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9)...
‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm - hoặc không làm - cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.)...
Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.
Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ...
Đức Giáo Hoàng, cùng với mọi mục tử trong Giáo hội, thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:
Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).
Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)
Đọc tiếp »

NGÀY 24-12



Đọc tiếp »

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

NGÀY 23-12



Đọc tiếp »

XIN VÂNG (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)


“Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Vào Chúa Nhật thứ tư và cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện Truyền Tin. “Hãy vui mừng”, sứ thần nói với Đức Maria: “Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1, 28-31). Đó dường như thuần tuý là một lời loan báo về một niềm vui, được định sẵn để làm cho Đức Trinh Nữ hạnh phúc: vì ai trong số những người phụ nữ thời đó lại không mơ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai? Nhưng, cùng với niềm vui, những lời đó báo trước một thử thách rất lớn đối với Đức Maria. Bởi vì sao? Bởi vì lúc đó Đức Maria đã “hứa hôn” (câu 27). Trong tình huống này, Luật Môisê quy định rằng không được có bất cứ quan hệ luyến ái hay chung sống. Vì thế, nếu sinh con, Đức Maria đã phạm lề luật, và những hình phạt dành cho phụ nữ phạm vào tội đó thật khủng khiếp: việc ném đá đã có thể hình dung ra trước (x. Đnl 22, 20-21). Chắc chắn sứ điệp thiêng liêng sẽ tràn ngập ánh sáng và sức mạnh trong trái tim của Đức Maria; tuy nhiên, Mẹ cũng phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: nói “Vâng” với Chúa, tức là mạo hiểm mọi thứ, kể cả mạng sống mình, hoặc từ chối lời mời này và tiếp tục con đường bình thường của mình.
Mẹ đã làm gì? Thưa: Mẹ trả lời như thế này: “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” (Lc 1, 38). Nhưng trong ngôn ngữ mà Tin Mừng được viết ra, là tiếng Hy Lạp, nó không chỉ đơn giản là “xin vâng như thế”. Biểu hiện bằng lời nói của Đức Mẹ cho thấy một mong muốn mạnh mẽ, biểu thị ý chí mong muốn một điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, Đức Maria không nói: “Nếu phải xảy ra như thế, thì đành để nó xảy ra…, nếu không thể làm khác hơn được…”. Tiếng xin vâng của Đức Mẹ không phải là một sự cam chịu. Nó không thể hiện một sự chấp nhận yếu ớt và phục tùng, nó thể hiện một khát vọng mạnh mẽ, một khát vọng sống động. Nó không bị động, nó đang chủ động. Mẹ không miễn cưỡng chịu khổ vì Chúa, Mẹ tuân theo lời Người. Mẹ là một người yêu mến Chúa, sẵn sàng phục vụ Chúa của mình trong mọi việc và ngay lập tức. Mẹ có thể xin một thời gian để suy nghĩ về điều đó, hoặc xin được giải thích thêm về những gì sắp xảy ra; và có thể đặt một số điều kiện... Nhưng thay vào đó, Mẹ không làm mất thời gian, Mẹ không khiến Chúa phải chờ đợi, Mẹ không trì hoãn.
Giờ đây, chúng ta hãy nghĩ về chính mình. Đã bao nhiêu lần, biết bao nhiêu lần, cuộc sống của chúng ta được tạo thành từ những sự trì hoãn, ngay cả trong cuộc sống tinh thần! Ví dụ: Tôi biết cầu nguyện là tốt cho tôi, nhưng hôm nay tôi không có thời gian… “ ngày mai nhé, ngày mai vậy, ngày mai, ngày mai…”. Hãy trì hoãn mọi việc: tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Tôi biết việc giúp đỡ ai đó là quan trọng, vâng, tôi nên giúp đỡ họ. Mai nhé. Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai. Đó là một chuỗi liên tục những ngày mai… những trì hoãn trong mọi thứ. Hôm nay, trước thềm Lễ Giáng Sinh, Đức Maria mời gọi chúng ta đừng trì hoãn, nhưng hãy nói “xin vâng”: “Tôi có nên cầu nguyện không?” “Vâng, nên lắm”. “Tôi có nên giúp đỡ người khác không? Vâng, nên lắm”. Làm thế nào để thực hiện những điều đó? Tôi làm ngay không chút trì hoãn. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó. Mỗi tiếng “vâng” như thế có giá phải trả của nó, chắc chắn rồi, nhưng giá phải trả ấy luôn luôn ít hơn những gì tiếng “xin vâng” dũng cảm của Đức Mẹ “tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền” phải trả. Đó là tiếng “xin vâng” mang lại cho chúng ta ơn cứu rỗi.
Và chúng ta có thể nói tiếng “xin vâng” nào? Trong thời điểm khó khăn này thay vì phàn nàn về những gì đại dịch cản trở chúng ta làm, chúng ta hãy làm điều gì đó cho những người có ít hơn chúng ta: không phải là một món quà cho chúng ta và cho bạn bè của chúng ta, mà cho một người nghèo khó mà không ai nghĩ đến! Và đây là một lời khuyên khác: để Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn: chúng ta hãy tiến bước và cầu nguyện. Chúng ta đừng để cho mình bị chủ nghĩa tiêu dùng “khiêng đi”: “Tôi phải mua những món quà này, tôi phải làm điều này, điều nọ...” Chúng ta đừng điên cuồng làm nhiều thứ vì chỉ có một điều quan trọng là Chúa Giêsu. Anh chị em thân mến, chủ nghĩa tiêu dùng đã bắt cóc Giáng Sinh của chúng ta. Chủ nghĩa tiêu dùng không có trong máng cỏ Bêlem: nhưng ở đó chỉ có nghèo đói và tình yêu. Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn như Mẹ Maria đã làm: xa lánh tội lỗi, và sẵn sàng đón Chúa.
“Tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Đó là câu cuối cùng của Đức Trinh Nữ vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng này, và đó là lời mời gọi thực hiện một bước cụ thể hướng tới Lễ Giáng Sinh. Bởi vì nếu sự ra đời của Chúa Giêsu không chạm đến cuộc sống của chúng ta - của tôi, của anh chị em, của tất cả mọi người - nếu Lễ Giáng Sinh không chạm đến cuộc sống, thì Lễ này sẽ trôi qua vô ích. Trong kinh Truyền Tin chúng ta đọc bây giờ, chúng ta cũng sẽ nói “xin lời Chúa được ứng nghiệm trong tôi”. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta nói điều đó bằng cuộc sống của mình. Bằng thái độ này trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho Lễ Giáng Sinh.” (ĐTC Phanxicô, 20/12/2020)
Đọc tiếp »

GIÁNG SINH, TIN MỪNG CHO NHÂN LOẠI (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)


“Hôm nay, chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh, tôi muốn cùng anh chị em nhớ lại sự kiện lịch sử không thể không kể đến: sự ra đời của Chúa Giêsu.
Để tuân hành sắc lệnh của Hoàng đế Cesar Augustus ra lệnh cho các ngài phải về nơi xuất xứ của mình để đăng ký, Thánh Giuse và Đức Maria đã từ Nadarét xuống Bêlem. Ngay khi đến nơi, các

ngài lập tức tìm chỗ ở vì thời điểm Đức Maria sinh con sắp diễn ra. Thật không may, họ đã không tìm thấy bất cứ điều gì. Vì vậy, Đức Maria buộc phải sinh con trong một chuồng bò (xem Lc2,1-7).
Anh chị em hãy nghĩ xem: Đấng tạo ra vũ trụ… Người không được ban cho một nơi để sinh ra! Có lẽ đây là một dự ứng về những gì thánh sử Gioan sẽ nói: “Người đã đến nhà riêng của mình, nhưng dân riêng của Người không đón nhận Người” (1,11); và những gì chính Chúa Giêsu sẽ nói: “Cáo có hang, chim trời có tổ; nhưng Con người không có nơi để đặt đầu”(Lc9,58).
Chính một thiên thần đã thông báo về sự ra đời của Chúa Giêsu, và ngài đã làm như vậy với một số người chăn chiên thấp hèn. Và chính một ngôi sao đã chỉ đường cho các đạo sĩ đến Bêlem (x. Mt2,1.9.10). Thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa. Ngôi sao nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa đã tạo ra ánh sáng (St1,3) và Hài nhi là “ánh sáng thế gian”, như chính Người đã định nghĩa (x. Ga8,12.46), là “ánh sáng đích thực soi sáng cho mọi người ”(Ga1,9), “soi sáng trong bóng tối, và bóng tối không khuất phục được ”(c. 5).
Các người chăn chiên nhân cách hóa những người nghèo của Israel, những người thấp hèn sống mà ý thức rõ các thiếu thốn của chính mình. Chính vì lý do này, họ tín thác vào Thiên Chúa hơn những người khác. Họ là những người đầu tiên được thấy Con Thiên Chúa làm người, và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi họ sâu xa. Tin Mừng ghi nhận rằng họ trở về “tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả những gì họ đã nghe và đã thấy”(Lc2,20).
Các đạo sĩ cũng ở bên cạnh Chúa Giêsu mới sinh (x. Mt2,1-12). Các sách Tin Mừng không cho chúng ta biết những vị vua này là ai, cũng không cho biết có bao nhiêu vị, cũng như tên của các vị là gì. Điều duy nhất chúng ta biết chắc chắn là các vị đến từ một quốc gia xa xôi ở phương Đông (có lẽ từ Babylonia, hoặc Ả Rập, hoặc Ba Tư thời đó), các vị bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm Vua của người Do Thái, người mà các vị đồng nhất hóa với Thiên Chúa trong lòng các vị bởi vì các vị nói các vị muốn tôn thờ Người. Các đạo sĩ đại diện cho các dân tộc ngoại giáo, đặc biệt là tất cả những người đã tìm kiếm Thiên Chúa qua các thời đại, và những người bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm Người. Họ cũng đại diện cho những người giàu có và quyền thế, nhưng chỉ những người không làm nô lệ cho của cải, những người không bị "sở hữu" bởi những thứ họ tin rằng họ sở hữu.
Thông điệp của các sách Tin Mừng rất rõ ràng: sự ra đời của Chúa Giêsu là một sự kiện phổ quát liên quan đến toàn thể nhân loại.” (ĐTC Phanxicô, 22/12/2021)
Đọc tiếp »

CANH TÂN GIÁO HỘI (Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma, 21/12/2020)


CANH TÂN GIÁO HỘI
(Khủng hoảng nhưng không xung đột)
“... Tôi (ĐTC Phanxicô) mong anh chị em đừng nhầm lẫn giữa khủng hoảng và xung đột. Chúng là hai thứ khác nhau. Khủng hoảng thường có một kết quả tích cực, trong khi xung đột luôn tạo ra bất hòa và cạnh tranh, đó là một sự đối kháng dường như không thể hòa giải, chia cách tha nhân thành bạn để yêu, và kẻ thù để chiến đấu. Trong tình huống như vậy, chỉ có một bên có thể giành được chiến thắng...
Khi Giáo Hội được nhìn nhận dưới góc độ xung đột : hữu khuynh so với tả khuynh, cấp tiến so với truyền thống, thì Giáo Hội trở nên phân tán và phân cực, bóp méo và phản bội thực chất của mình. Mặt khác, Giáo Hội là một thực thể bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội vẫn sống động. Giáo Hội không bao giờ được trở thành một thực thể đang trong tình trạng xung đột, có kẻ thắng và người thua, vì như thế, Giáo Hội sẽ gieo rắc sự sợ hãi, trở nên cứng ngắc hơn và ít hòa hợp hơn, và áp đặt một sự đồng nhất, khác xa với sự phong phú và đa dạng mà Thánh Linh đã ban cho Giáo Hội của Ngài.
Sự mới mẻ sinh ra từ khủng hoảng và theo thánh ý của Thánh Linh không bao giờ là một sự mới mẻ đối lập với cái cũ, nhưng là cái mới nảy sinh từ cái cũ và làm cho nó liên tục sinh hoa kết quả. Chúa Giêsu giải thích quá trình này bằng một hình ảnh đơn giản và rõ ràng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Sự chết của một hạt giống có tính chất mâu thuẫn nội tại: nó vừa là sự kết thúc vừa là sự khởi đầu của một cái gì đó mới. Nó có thể được gọi là cả hai vừa là “chết chóc và suy tàn” lại vừa là “sinh sôi và triển nở”, vì cả hai là một. Chúng ta thấy một sự kết thúc, nhưng đồng thời, trong cái kết thúc ấy, một khởi đầu mới đang hình thành.
Theo nghĩa này, việc chúng ta không muốn rơi vào khủng hoảng và không muốn để cho mình được Thánh Linh dẫn dắt vào những thời khắc thử thách sẽ giữ chặt chúng ta trong tình trạng vô vọng và không sinh hoa kết quả, hoặc thậm chí trong tình trạng xung đột. Khi tìm cách tránh né khủng hoảng, chúng ta cản trở công việc của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng này sẽ biểu lộ trong chúng ta và qua chúng ta. Nếu một tầm nhìn hiện thực nào đó khiến chúng ta thấy lịch sử gần đây của mình chỉ là một chuỗi những thảm họa, những tai tiếng và thất bại, những tội lỗi và mâu thuẫn, những hụt hẫng và trở ngại trong chứng tá của chúng ta, thì chúng ta không nên lo sợ. Chúng ta cũng không nên phủ nhận mọi thứ trong bản thân và trong cộng đồng của chúng ta, là những thứ rõ ràng đã bị ô nhiễm bởi cái chết, và đang đòi phải có sự hoán cải. Mọi điều xấu xa, sai trái, yếu đuối và không lành mạnh được đưa ra ánh sáng như một lời nhắc nhở mạnh mẽ về việc chúng ta cần phải chết đi đối với một lối sống, một lối suy nghĩ và hành động không phản ánh Phúc Âm. Chỉ khi chết đi đối với một não trạng nào đó, chúng ta mới có thể có chỗ cho sự mới mẻ mà Thánh Thần không ngừng đánh thức trong lòng Giáo Hội. Các Giáo phụ của Giáo Hội nhận thức rõ điều này, và họ gọi nó là “metanoia“.
Mọi cuộc khủng hoảng đều chứa đựng một nhu cầu chính đáng phải đổi mới và phải có một bước tiến về phía trước. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, chúng ta phải có can đảm để hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải ngừng xem việc cải tổ Giáo Hội như việc vá lại một chiếc áo cũ, hay chỉ đơn giản là soạn thảo ra một Hiến chế mới. Sự cải tổ của Giáo Hội là một cái gì đó khác xa như thế.
Không thể là chuyện vá chỗ này chỗ kia, vì Giáo Hội không chỉ là một y phục của Đức Kitô, mà là Nhiệm thể của Người, bao trùm cả lịch sử (x. 1 Cr 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay cải tổ Nhiệm thể Đức Kitô, “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8), nhưng chúng ta được mời gọi mặc áo mới cho Nhiệm thể ấy sao cho mọi người thấy rõ ràng rằng ân sủng mà chúng ta có không đến từ chính chúng ta nhưng đến từ Thiên Chúa. Thật vậy, “kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cr 4: 7). Giáo Hội luôn là một cái bình sành, quý giá chính vì những gì nó chứa đựng chứ không phải vì dáng vẻ bên ngoài của nó. Lát nữa đây, tôi sẽ hân hạnh được tặng cho anh chị em một cuốn sách, đó là món quà của Cha Ardura, cuốn sách cho thấy cuộc đời của một bình sành làm rạng rỡ sự vĩ đại của Thiên Chúa và những cải cách của Giáo Hội. Ngày nay, dường như rõ ràng là đất sét mà chúng ta được tạo ra bị sứt mẻ, hư hỏng và nứt nẻ. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, kẻo sự yếu đuối của chúng ta trở thành chướng ngại cho việc rao giảng Tin Mừng hơn là làm chứng cho tình yêu bao la mà Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (x. Ep 2: 4). Nếu chúng ta loại bỏ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, ra khỏi cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của chúng ta sẽ là một lời nói dối, một sự giả trá.
Trong thời kỳ khủng hoảng, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại một số nỗ lực nhằm thoát ra khỏi nó đã có thể thấy trước ngay từ đầu là sẽ thất bại. Nếu ai đó “xé áo mới lấy vải vá áo cũ”, thì kết quả có thể đoán trước được: “không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Tương tự, “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.” (Lc 5:36-38)...
Chúng ta nên làm gì trong thời kỳ khủng hoảng? Trước tiên, hãy chấp nhận đó là thời gian ân sủng được ban cho chúng ta để phân định thánh ý Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể Hội Thánh. Chúng ta cần tiến vào một khái niệm xem ra có vẻ nghịch lý là “khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12:10). Chúng ta nên ghi nhớ những lời trấn an của Thánh Phaolô đối với các tín hữu thành Côrinhtô: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng” (1 Cr 10:13)...
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy duy trì sự bình an và thanh thản tuyệt vời, với ý thức đầy đủ rằng tất cả chúng ta, bắt đầu từ chính bản thân tôi, chỉ là những “đầy tớ bất xứng” (Lc 17:10) mà Chúa đã dủ lòng thương xót. Vì lý do này, sẽ rất tốt cho chúng ta khi ngừng sống trong xung đột và một lần nữa cảm thấy rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau, sẵn sàng đối mặt với khủng hoảng. Hành trình luôn bao gồm các động từ liên quan đến chuyển động. Khủng hoảng tự nó là chuyển động, là một phần của cuộc hành trình của chúng ta. Trái lại, xung đột là một con đường mòn dẫn chúng ta lạc lối, không mục đích, không định hướng và bị mắc kẹt trong một mê cung; đó là một sự lãng phí năng lượng và là cơ hội cho ma quỷ. Điều ác đầu tiên mà xung đột dẫn chúng ta đến, và chúng ta phải cố gắng tránh, là tin đồn. Chúng ta hãy chú ý đến điều này! Tung tin đồn không phải là nỗi ám ảnh của tôi; nhưng nó là lời tố cáo cho thấy ma quỷ đã xâm nhập vào Giáo triều. Ở đây trong Điện Tông Tòa này, có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, ma quỷ đi vào và chúng ta quen với điều này. Những lời đàm tiếu khiến chúng ta rơi vào trạng thái quy hướng vào chính mình buồn bã, và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung đột. Tin Mừng cho chúng ta biết các mục đồng đã tin lời sứ thần truyền và lên đường hướng về Chúa Giêsu (x. Lc 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đã khép lòng mình lại trước câu chuyện do các đạo sĩ kể lại và biến sự khép kín ấy thành gian dối và bạo lực (x. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội, nên tự hỏi liệu chúng ta muốn theo Chúa Giêsu với sự ngoan ngoãn của những người chăn cừu, hay với thái độ phòng thủ của Hêrôđê; muốn đi theo Người giữa cuộc khủng hoảng hay muốn ngăn chặn Người trong cuộc xung đột...
Đừng ai cố ý cản trở công việc Chúa đang hoàn thành vào lúc này, và chúng ta hãy xin ơn để phục vụ trong khiêm nhường, để Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi. (x. Ga 3:30)...”
(Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Hồng Y Đoàn và Giáo triều Rôma, 21/12/2020)
Đọc tiếp »

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

NGÀY 22-12



Đọc tiếp »

LUÔN QUAN TÂM VÀ MAU MẮN GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC NHƯ ĐỨC MẸ (ĐTC Phanxicô, 19/12/2021)


“Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Vọng, kể về cuộc viếng thăm của Đức Maria với bà Isave (x. Lc 1,39-45). Sau khi nhận được sứ thần Chúa truyền tin, Đức Trinh Nữ không ở nhà, suy nghĩ về những gì đã xảy ra và xem xét các vấn đề và những hiểm nguy trước mặt, là những điều chắc chắn không thiếu: bởi vì, cô gái tội nghiệp không biết phải làm gì với tin này, với nền văn hóa trong thời đại đó… Mẹ không hiểu… Nhưng trái lại, thay vì đắm chìm trong những vấn đề của riêng mình, trước hết Mẹ nghĩ đến một ai đó đang cần; Mẹ nghĩ về ai đó đang gặp khó khăn, Mẹ nghĩ đến Isave, người thân của Mẹ, người đã cao tuổi và đang có một đứa trẻ trong bụng, việc thụ thai này một điều gì đó kỳ lạ và kỳ diệu.
Đức Maria lên đường với lòng quảng đại, không để cho mình bị ảnh hưởng bởi những khó chịu của cuộc hành trình, để đáp lại một sự thôi thúc bên trong kêu gọi Mẹ phải gần gũi và giúp đỡ. Một đoạn đường dài, hết cây số này đến cây số khác và không có một chuyến xe nào đi tới đó: Mẹ đi bộ. Mẹ đã ra ngoài để giúp đỡ. Giúp cách nào? Thưa: Bằng cách chia sẻ niềm vui của Mẹ. Mẹ Maria mang đến cho bà Isave niềm vui của Chúa Giêsu, niềm vui mà Mẹ mang trong tâm hồn và trong bụng Mẹ. Mẹ đến với bà ấy và công bố cảm xúc của mình, và lời tuyên bố cảm xúc này sau đó đã trở thành một lời cầu nguyện, là kinh Magnificat, mà tất cả chúng ta đều biết. Và bản văn nói rằng Đức Mẹ “trỗi dậy và ra đi một cách vội vã” (câu 39).
Mẹ đứng dậy và ra đi. Trong đoạn cuối cùng của hành trình Mùa Vọng, chúng ta hãy được hướng dẫn bởi hai động từ này. Trỗi dậy và vội vã ra đi: đây là hai chuyển động mà Mẹ Maria đã thực hiện và Mẹ cũng mời gọi chúng ta thực hiện khi Giáng sinh đến gần. Trước hết là trỗi dậy. Sau lời loan báo của thiên thần, một giai đoạn khó khăn đang hiện ra trước mắt Đức Trinh nữ: việc mang thai ngoài ý muốn khiến Mẹ bị hiểu lầm và có thể bị trừng phạt một cách nghiêm khắc, trong văn hóa thời đó thậm chí Mẹ có thể bị ném đá.
Hãy tưởng tượng Mẹ xiết bao băn khoăn và lo lắng! Tuy nhiên, Mẹ không nản lòng, Mẹ không thất vọng: Mẹ đã trỗi dậy. Mẹ không xem thường những vấn đề của mình, mà hướng đến Chúa. Và Mẹ không nghĩ đến việc phải nhờ ai giúp đỡ mà lại nghĩ đến ai đó đang cần đến sự giúp đỡ của mình. Mẹ luôn nghĩ về người khác: đó là tính cách của Đức Maria, luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác. Mẹ cũng sẽ làm như vậy sau đó, trong đám cưới ở Cana, khi Mẹ nhận ra rằng chủ nhà không còn rượu nữa. Đó là một vấn đề đối với người khác, nhưng Mẹ nghĩ về điều này và tìm kiếm một giải pháp. Đức Maria luôn nghĩ về người khác. Mẹ cũng nghĩ về chúng ta…”(ĐTC Phanxicô, 19/12/2021)
Đọc tiếp »

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

NGÀY 21-12



Đọc tiếp »

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

KINH LẠY CHA (10): Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI


Ý CHA THỂ HIỆN DƯỚI ĐẤT CŨNG NHƯ TRÊN TRỜI

2822
Cha chúng ta muốn "mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý"(1Tm 2,3-4). "Người kiên nhẫn đối với chúng ta, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong"(2 Pr 3,9). "Chúng ta hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta" (Ga 13,34). Đó là điều răn tóm lược mọi điều răn khác và cho chúng ta biết rõ ý Chúa.
2823
"Người cho ta được biết Thiên ý nhiệm mầu : Thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước... là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô. Cũng trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng ta đây làm cơ nghiệp riêng"(Ep1,9-11). Chúng ta khẩn xin Người cho kế hoạch yêu thương này được thực hiện trọn vẹn dười đất, như đã thực hiện trên trời.
2824
Ý Cha được thực hiện trọn vẹn và một lần dứt khoát trong Đức Ki-tô và qua ý muốn nhân loại của Người". Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài" (Dt 10,7). Chỉ mình Đức Giê-su mới có thể nói : "Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người" (Ga 8,29). Trong giờ hấp hối, Người cũng hoàn toàn vâng phục ý Cha: "Xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Lc 22,42). Vì thế, "Đức Ki-tô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa"(Gl 1,4). "Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế" (Dt 10,10).
2825
Đức Giê-su, dù là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục" (Dt 5,8); phương chi chúng ta là những thụ tạo và là tội nhân, đã được nhận làm nghĩa tử của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Chúng ta cầu xin Chúa Cha cho ý muốn của ta nên một với ý muốn của Chúa Con để chúng ta chu toàn ý Cha và thực hiện ý định cứu độ của Cha là cho thế gian được sống. Trong công việc này, chúng ta hoàn toàn bất lực, nhưng nhờ kết hiệp với Đức Giê-su và nhờ quyền năng của Thánh Thần, chúng ta có thể dâng cho Cha ý muốn của ta và quyết định chọn điều Chúa Con luôn chọn : làm điều đẹp lòng Cha (Ga 8,29).
"Khi gắn bó với Chúa Ki-tô, chúng ta có thể một lòng một ý với Người, và nhờ đó thực thi ý muốn của Người; như thế, ý Chúa sẽ được chu toàn dưới đất cũng như trên trời"(Ô-ri-ghê-nê 26 ).
Hãy xem cách Đức Giê-su Ki-tô dạy chúng ta sống khiêm tốn, khi cho ta thấy rằng đức độ của ta không tùy thuộc công sức của mình nhưng nhờ ân sủng Thiên Chúa. Ở đây Người ra lệnh cho mỗi tín hữu: khi cầu nguyện, phải cầu nguyện chung cho toàn thế giới. Vì Người không dạy: "Xin cho ý Cha thể hiện" nơi tôi hay nơi anh em, nhưng là "trên khắp địa cầu"; nghĩa là chúng ta cầu nguyện: Xin Cha xóa bỏ mọi sai lầm, cho chân lý ngự trị, nết xấu bị hủy diệt, nhân đức được nảy nở và đất không còn khác với trời nữa (T. Gio-an Kim Khẩu, Mt 19,5).
2826
Nhờ cầu nguyện, chúng ta "có thể nhận ra đâu là ý Chúa" (Rm 12,2), và có được lòng "kiên nhẫn để thi hành ý Thiên Chúa"(Dt 10,36). Đức Giê-su đã dạy : người ta vào được Nước Trời, không phải nhờ nói, nhưng nhờ việc "thi hành ý muốn của Cha trên trời" (Mt 7,21).
2827
"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì Người nhậm lời kẻ ấy" (Ga 9,31). Lời Hội Thánh cầu nguyện nhân danh Chúa có được sức mạnh ấy, nhất là trong Thánh Lễ. Lời cầu nguyện của Hội Thánh còn là một lời chuyển cầu hiệp thông với Thánh Mẫu của Thiên Chúa ( x. Lc 1, 38.49 ) và với toàn thể các thánh, những người "đẹp lòng Chúa" vì luôn thi hành thánh ý Người : "Chúng ta có thể không sợ sai khi dịch câu "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" là nguyện cho Ý Cha được thể hiện trong Hội Thánh cũng như nơi Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con, nơi Hiền Thê của Người cũng như nơi Phu Quân là Đấng đã chu toàn Ý Cha (T. Âu-tinh, bài giảng Chúa nhật 2, 6, 24).
Đọc tiếp »

KINH LẠY CHA (9): NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN


NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN

2816
Trong Tân Ước, cùng một từ Hy-lạp BASILEIA có thể dịch nhiều cách: vương quyền (danh từ trừu tượng), vương quốc (danh từ cụ thể), vương triều (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta, đã đến gần trong Ngôi Lời Nhập Thể, được loan báo trong Tin Mừng, đã đến trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô. Từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước Thiên Chúa đã đến và đang ở giữa chúng ta. Vào ngày quang lâm, Nước Thiên Chúa đến trong vinh quang và Đức Ki-tô trao lại cho Chúa Cha: "Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Ki-tô, Người là Đấng chúng ta kêu cầu mọi ngày và đang nóng lòng mong đợi Người quang lâm. Người là sự phục sinh của chúng ta, vì chúng ta được phục sinh trong Người. Cũng thế, Người là Nước Thiên Chúa, vì chúng ta được hiển trị trong Người" (T. Xýp-ri-a-nô 13).
2817
Lời nguyện này là lời "MA-RA-NA-THA", là tiếng kêu cầu của Thần Khí và Hội Thánh "Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến":
"Dù lời cầu nguyện này không đòi chúng ta cầu cho Nước Chúa trị đến, nhưng chúng ta vẫn kêu lên như thế, để sớm đạt được những gì chúng ta kỳ vọng. Sách Khải Huyền cho biết từ dưới bàn thờ, linh hồn các vị tử đạo lớn tiếng kêu cầu Chúa : "Lạy Chúa, cho đến bao giờ Ngài còn trì hoãn, không xét xử và không bắt những người sống trên mặt đất phải đền nợ máu chúng con?"(Kn 6,10). Chắc chắn các ngài sẽ được xét xử công bằng vào ngày tận thế. Lạy Cha, nguyện Nước Cha trị đến (Tertulien 5)!
2818
Khi đọc "Nước Cha trị đến", chúng ta mong đợi ngày Nước Chúa hoàn tất khi Chúa Ki-tô quang lâm. Ước mong này không làm cho Hội Thánh xao lãng sứ mạng nơi trần thế, trái lại càng thúc giục chúng ta dấn thân hơn nữa. Vì từ ngày Hiện Xuống, việc làm cho Nước Chúa trị đến là công trình của Chúa Thánh Thần, "Đấng kiện toàn sự nghiệp của Chúa Ki-tô trên trần gian và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài" (SLRM, kinh tạ ơn 4).
2819
"Nước Thiên Chúa là sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần" (Rm 14,17). Thời đại cuối cùng mà chúng ta đang sống là thời Thánh Thần được ban tràn đầy cho muôn người. Kể từ đó, cuộc chiến đấu quyết định giữa "xác thịt" và Thần Khí đã khởi đầu :
2519
Chỉ người có tâm hồn trong sạch mới có thể tin tưởng xướng lên : nguyện Nước Cha trị đến. Ai nghe lời thánh Phao-lô dạy : "Đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của chúng ta nữa" (Rm 6,12) và biết giữ tư tưởng, lời nói và hành vi của mình trong sạch, người đó mới có thể nói với Thiên Chúa : "nguyện Nước Cha trị đến" (T. Xy-ri-lô thành Giê-ru-sa-lem 5,13).
2820
Được Thánh Thần hướng dẫn, các tín hữu phải biết phân biệt giữa sự thăng tiến của Nước Thiên Chúa và sự tiến bộ văn hóa và xã hội trong môi trường họ sinh sống. Phân biệt chứ không phải tách biệt, vì ơn gọi sống đời đời không miễn trừ nhưng đòi buộc con người phải sử dụng những năng lực và phương tiện được Đấng Tạo Hóa ban tặng, để phục vụ công lý và hòa bình trên trần gian.
2821
Lời nguyện xin này được ghép vào và được Thiên Chúa nhận lời trong lời nguyện của Đức Giê-su đang hiện diện và hữu hiệu trong bí tích Thánh Thể. Lời nguyện xin này sinh hoa kết quả trong đời sống mới theo các mối phúc.
Đọc tiếp »

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)


“... Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta mở rộng chân trời: từ biển Galilê đến khắp cùng thế giới, từ các tông đồ đến chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Trong tiếng Hy Lạp, động từ eskenosen (nghĩa đen là ‘dựng lều hạ trại’), ở thì aorist, chuyển tải ý tưởng về một hành động đã hoàn thành và không thể đảo ngược được. Con Người đã xuống thế gian và Thiên Chúa không thể hư mất. Một Kitô hữu có thể mạnh dạn hơn tác giả của Thánh Vịnh để tuyên bố rằng:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46, 2-4)
“Chúa ở cùng chúng ta”, cụ thể là đứng về phía con người, như một người bạn và một đồng minh chống lại thế lực của cái ác. Chúng ta cần khám phá lại ý nghĩa nguyên thủy và đơn giản trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, vượt lên tất cả những giải thích thần học và những tín lý được xây dựng trên đó. Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta! Ngài muốn biến sự kiện này thành tên riêng của mình: Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta. Điều mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: ‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’. (Is 7, 14) đã trở thành sự thật.
Như tôi đã từng nói, chúng ta cần quay trở lại cuộc tranh cãi đầu tiên trong tất cả các cuộc tranh cãi về Kitô học hồi thế kỷ thứ năm, trước các Công đồng Êphêsô và Chancêđon, để tái khám phá nghịch lý và tai tiếng chứa đựng trong tuyên bố: ‘Ngôi Lời đã cư ngụ giữa chúng ta’. Thật đáng đọc phản ứng của một người ngoại giáo có học thức sống vào thế kỷ thứ hai, sau khi biết về tuyên bố này của các tín hữu Kitô. Nhà triết học Celsius đã kinh hoàng và kêu lên rằng: ‘Con của Chúa, mà lại là một người chỉ sống cách đây vài năm thôi à?’ Ngôi Lời hằng sống là một người chỉ mới ở đây “hôm qua hay hôm kia” thôi sao? là một người đàn ông “được sinh ra từ một người quay tơ nghèo, trong một ngôi làng của xứ Giuđêa” sao? Phản ứng ấy khá dễ hiểu: sự kết hợp hoàn hảo giữa thần tính và nhân tính trong con người của Chúa Kitô là điều mới lạ nhất có thể có, là “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh mặt trời”, như Thánh Gioan thành Đamát định nghĩa.
Trận chiến lớn đầu tiên mà đức tin nơi Chúa Kitô phải đương đầu không phải là về thần tính của Ngài, mà là về nhân tính của Ngài, và về chân lý của mầu nhiệm nhập thể. Căn nguyên của sự từ chối đó là giáo điều của Plato, nói rằng ‘không có Thiên Chúa nào lại hòa hợp với con người’. Từ kinh nghiệm cá nhân, Thánh Augustinô khám phá ra rằng căn cội của khó khăn mà thánh nhân cảm thấy để có thể tin vào mầu nhiệm nhập thể là sự thiếu khiêm nhường. Như ngài viết trong cuốn Tự Thuật của mình ‘không khiêm nhường, tôi không thể hiểu được sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa’.
...
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1962, đã nêu lên lời cầu nguyện cháy bỏng này: “Hỡi Lời Vĩnh Hằng của Cha, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, hãy đổi mới một lần nữa hôm nay, trong thẳm sâu tâm hồn chúng con, điều kỳ diệu phi thường trong sự giáng sinh của Chúa”. (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)
Đọc tiếp »

NGÀY 20-12





Đọc tiếp »

GIÁNG SINH: TÌNH YÊU TRỞ THÀNH TRẺ THƠ (ĐHY Raniero Cantalamessa, tĩnh tâm giáo triều 16/12/2022)


“…Bây giờ chúng ta hãy hướng suy nghĩ của mình đến Lễ Giáng Sinh sắp đến với chúng ta. Với sự xuất hiện của Chúa Kitô, dòng sông vĩ đại của lịch sử đã đến chỗ tận cùng và bắt đầu lại ở cấp độ cao hơn. “Cái cũ qua đi, cái mới sinh ra” (2Cr 5,17). “Khoảng trống” lớn ngăn cách Thiên Chúa với con người, Đấng Tạo Hóa với tạo vật đã được lấp đầy. Không phải vô ích mà từ đó trở đi, lịch sử
nhân

loại được chia thành “trước Chúa Kitô” và “sau Chúa Kitô”.
Có những hình ảnh Giáng Sinh ngây ngô nhưng lại mang ý nghĩa sâu sắc. Trong đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu Hài Đồng, đi chân trần, tuyết phủ quanh chân và cầm chiếc đèn lồng trên tay, vào ban đêm, sau khi gõ cửa, Ngài đang đợi trước một cánh cửa. Những người ngoại đạo tưởng tượng tình yêu như một đứa trẻ mà họ đặt tên là Eros. Đó là một đại diện mang tính biểu tượng, một thần tượng. Chúng ta biết rằng tình yêu đã thực sự trở thành một đứa trẻ; rằng bây giờ tình yêu là một thực tế, một sự kiện, thực sự là một con người. “Tình yêu của Chúa Cha đã hóa thành nhục thể”, vì thế một tác giả ở thế kỷ thứ hai đã diễn giải câu của Phúc Âm Thánh Gioan 1,14. Tình yêu thực sự trở thành một hài nhi: hài nhi Giêsu.
“Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,21). Chúng ta hãy mở cửa trái tim cho Hài Nhi đang gõ cửa. Tôi nghĩ rằng, điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể làm vào Lễ Giáng Sinh không phải là dâng một cái gì đó cho Thiên Chúa, nhưng là đón nhận với sự kinh ngạc ân sủng là Con Ngài mà Thiên Chúa Cha ban cho thế giới.
Truyền thuyết kể rằng trong số những mục đồng đến gặp Chúa Hài Đồng vào đêm Giáng Sinh, có một cậu bé chăn cừu nghèo đến nỗi không có gì để dâng Đức Mẹ, cậu xấu hổ đứng sang một bên. Mọi người tranh nhau tặng Đức Maria món quà của họ. Đức Mẹ không thể đón nhận tất cả, vì phải bồng Chúa Hài Đồng trên tay. Nhìn thấy cậu bé chăn cừu bên cạnh với hai bàn tay trắng, Mẹ liền ẵm Hài Nhi và đặt Hài nhi vào vòng tay cậu bé chăn cừu nghèo. Không có gì trong tay lại đem đến may mắn cho anh ấy. Hãy biến may mắn này thành của chúng ta nữa nhé!”
Đọc tiếp »

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

KINH LẠY CHA : "NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG"


"NGUYỆN DANH CHA CẢ SÁNG"

2807
Khi đọc "nguyện Danh Cha cả sáng", chúng ta không chúc tụng Thiên Chúa được thánh thiện hơn; nhưng nguyện xin cho nhân loại nhận biết Người là Đấng Thánh, nhận ra sự Vinh Hiển của Người. Như thế, với tâm tình thờ lạy, lời nguyện này đôi khi được hiểu như một lời ca ngợi và tạ ơn. Đức Giê-su dạy chúng ta lời nguyện này như một ước nguyện : một khẩn cầu, một khao khát và mong đợi mà Thiên Chúa và loài người cùng cam kết. Lời nguyện đầu tiên này đưa chúng ta ngay vào mầu nhiệm thâm sâu của Thiên Chúa và công trình cứu độ nhân loại. Khi "nguyện Danh Cha cả sáng" chúng ta tham dự vào "kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước","để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của người" (Ep1,9).
2808
Vào những thời điểm quyết định của nhiệm cục cứu độ, Thiên Chúa mặc khải danh thánh Người, nhưng mặc khải bằng công trình Người thực hiện. Công trình này chỉ được thực hiện nơi chúng ta và cho chúng ta, nếu danh Chúa được "cả sáng" nhờ chúng ta và nơi chúng ta.
2809
Trọng tâm của mầu nhiệm cứu rỗi nơi Thiên Chúa là sự thánh thiện không ai vươn tới được. Tất cả những gì bộc lộ sự thánh thiện này qua công trình sáng tạo và lịch sử được Thánh Kinh gọi là Vinh Quang của Thiên Chúa, là Uy Nghi cao cả của Người chiếu tỏa ra cho ta thấy. Khi tạo dựng nhân loại "theo hình ảnh Người và giống như Người", Thiên Chúa "ban cho con người vinh quang danh dự làm mũ triều thiên" (Tv 8,3). Khi phạm tội, họ bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23). Bởi vậy, Thiên Chúa sẽ bày tỏ sự Thánh Thiện bằng cách mặc khải và ban tặng Thánh Danh, để phục hồi con người "theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa" (Cl 3,10).
2810
Khi thề hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa kết ước nhưng không cho biết Thánh Danh. Với Mô-sê, Người bắt đầu mặc khải danh thánh, và cho toàn dân thấy vinh hiển của danh thánh Người, khi cứu họ khỏi tay Người Ai Cập: "Đức Chúa là Đấng cao cả uy hùng" (Xh 15,1). Kể từ Giao Ước Xi-nai, dân này là dân "của Người" và họ phải là một "dân thánh" (tiếng Híp-ri còn có nghĩa là dân được thánh hiến), vì danh thánh ở nơi họ.
2811
Thiên Chúa Chí Thánh đã ban cho dân này Lề Luật và không ngừng nhắc nhở họ. Hơn nữa, "vì danh thánh Người", Đức Chúa luôn nhẫn nại với họ. Nhưng dân Chúa đã bất trung với Đấng Thánh của Ít-ra-en và "xúc phạm đến danh thánh Người trước mắt các dân tộc"(Ed 20,14). Ý thức được những điều đó, những người công chính thời Cựu Ước, những người nghèo trở về sau cuộc lưu đày và các ngôn sứ luôn hết lòng tôn kính danh thánh Chúa.
2812
Sau cùng danh thánh Thiên Chúa được mặc khải và ban tặng cho chúng ta nơi Đức Giê-su như Đấng Cứu Độ mang xác phàm: nơi bản thân Đức Giê-su, qua lời và Hy Tế của Người. Đó cũng là trọng tâm của lời nguyện tư tế : "Lạy Cha chí thánh,... Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để họ cũng được thánh hiến nhờ sự thật" (Ga 17,19). Vì muốn Danh Cha cả sáng, Đức Giê-su đã "cho họ biết danh Cha" (Ga 17,6). Khi hoàn tất cuộc vượt qua, Đức Giê-su được Chúa Cha ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu : "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa, để tôn vinh Thiên Chúa Cha" (Pl 2,11).
2813
Trong nước Thánh Tẩy, chúng ta đã được tẩy rửa, được thánh hóa, được nên công chính nhờ danh Chúa Giê-su Ki-tô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta (1 Cr 6,11). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta sống thánh thiện (1 Th 4,7) trọn đời. "Chính nhờ Thiên Chúa mà chúng ta được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự thánh hóa cho chúng ta" (1Cr 1,30), nên vinh quang của Người và sự sống của ta tùy thuộc việc danh Chúa được cả sáng nơi chúng ta và do chúng ta. Vì thế lời nguyện đầu tiên của kinh Lạy Cha rất khẩn thiết :
Thiên Chúa là Đấng Thánh Hóa, ai có thể thánh hóa Thiên Chúa? Nhưng vì lời Chúa dạy "các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng Thánh" (Lv 20,26), nên chúng ta cầu xin để sau khi được thánh hóa nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được vững bền trong đời sống thánh thiện đã khởi đầu. Hằng ngày chúng ta phải cầu xin như thế, vì ngày nào chúng ta cũng phạm lỗi và phải thanh tẩy tội lỗi nhờ không ngừng thánh hóa bản thân...Như vậy, chúng ta phải cầu nguyện để có thể sống thánh thiện (T. Xýp-ri-a-nô 12 ).
2814
Nhờ chúng ta sống đạo và cầu nguyện mà danh thánh Cha được cả sáng giữa chư dân :
Chúng ta nguyện cho danh Cha cả sáng, vì nhờ Danh Thánh Người mà toàn thể thụ tạo sa ngã được cứu độ và thánh hóa, nhưng chúng ta nguyện cho danh thánh Chúa được cả sáng nơi chúng ta, nhờ đời sống của ta. Nếu ta sống tốt lành, mọi người sẽ chúc tụng danh Thiên Chúa, nếu ta sống tệ hại, họ sẽ xúc phạm đến danh Người. Thánh Phao lô nói : "chính vì các ngươi mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân" ( x. Rm 2,24; Ed 36,20-22 ). Do đó, chúng ta cầu xin để có được trong tâm hồn sự thánh thiện danh Cha cả sáng (T. Phê-rô Kim Ngôn, bài giảng 71).
Để thực thi lời Chúa dạy: phải cầu nguyện cho mọi người kể cả kẻ thù. Khi đọc "nguyện danh Cha cả sáng", chúng ta cầu xin cho danh Chúa được tôn vinh nơi chúng ta là những người đang sống trong Người, và cả nơi những người Thiên Chúa đang chờ đợi để ban ơn cho họ; chính vì thế, chúng ta không đọc: nguyện danh Cha cả sáng nơi chúng con, vì ta muốn Danh Thánh được cả sáng nơi mọi người (Tertuliano 3 ).
2815
Lời nguyện đầu tiên này thâu tóm cả sáu lời nguyện xin tiếp theo; tất cả đã được Thiên Chúa ưng nhận qua lời nguyện của Chúa Ki-tô. Lời kinh dâng lên Chúa Cha là lời nguyện của chúng ta nếu được dâng lên nhân danh Đức Giê-su. Trong lời nguyện tư tế, Đức Giê-su đã cầu xin : "Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những người mà Cha đã ban cho con" (Ga 17,11).
Đọc tiếp »
 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.