“Đêm nay có còn gì để nói với cuộc sống của chúng ta nữa không? Hai ngàn năm sau khi Chúa Giêsu Giáng Sinh, sau bao nhiêu lễ Giáng Sinh trải qua giữa những đồ trang trí và quà tặng, chủ nghĩa tiêu dùng đã gói kỹ dường nào mầu nhiệm mà chúng ta cử hành, dẫn đến một mối nguy hiểm. Chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng Sinh, nhưng chúng ta quên ý nghĩa đích thực của ngày
lễ này. Như thế, làm thế nào để chúng ta có thể tái khám phá ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh? Trước hết, chúng ta sẽ đi tìm Chúa Hài Đồng ở đâu? Phúc âm tường thuật biến cố Chúa Giáng Sinh dường như đã được viết chính xác cho mục đích này: đó là nắm lấy tay chúng ta và dẫn chúng ta đến nơi Thiên Chúa muốn chúng ta đi.
Mọi sự bắt đầu với một tình huống không khác gì tình huống của chúng ta ngày nay: mọi người đang hối hả chuẩn bị cho một sự kiện quan trọng, cuộc điều tra dân số lớn, đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều. Theo nghĩa đó, bầu không khí rất giống lễ Giáng Sinh hiện đại của chúng ta. Tuy nhiên, Tin Mừng không sa đà vào bối cảnh trần tục đó; nhưng nhanh chóng chuyển cái nhìn của chúng ta sang một điều khác quan trọng hơn. Đó là một chi tiết nhỏ và dường như không đáng kể mà Tin Mừng nhắc đến ba lần, luôn liên quan đến các nhân vật trung tâm trong câu chuyện. Đầu tiên, Mẹ Maria đặt Chúa Giêsu “trong máng cỏ” (Lc 2,7); rồi các thiên thần kể cho các mục đồng nghe về “một hài nhi bọc trong tã, nằm trong máng cỏ” (c. 12); và cuối cùng là các mục đồng, những người tìm thấy “Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c. 16). Để khám phá lại ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh, chúng ta cần nhìn vào máng cỏ. Tuy nhiên, tại sao máng cỏ lại quan trọng như vậy? Bởi vì đó là dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô đến thế gian này, chứ không phải ngẫu nhiên tình cờ. Đó là cách Ngài thông báo sự giáng trần của mình. Đó là cách Thiên Chúa sinh ra trong lịch sử, để chính lịch sử được tái sinh. Sau đó máng cỏ nói gì với chúng ta? Thưa: Ít nhất là ba điều: gần gũi, nghèo khó và cụ thể.
Sự gần gũi. Máng cỏ đóng vai trò như máng ăn, giúp thức ăn được tiêu thụ nhanh hơn. Bằng cách này, nó có thể tượng trưng cho một khía cạnh của con người chúng ta: đó là lòng tham tiêu dùng của chúng ta. Trong khi thú vật kiếm ăn trong chuồng của chúng, những người nam nữ trong thế giới của chúng ta, trong cơn thèm khát của cải và quyền lực, thậm chí ăn thịt cả những người hàng xóm, anh chị em của họ. Chúng ta đã thấy biết bao nhiêu cuộc chiến!
Và biết bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do của con người bị khinh miệt! Như mọi khi, nạn nhân chính của lòng tham con người này là những người yếu đuối và dễ bị tổn thương. Giáng Sinh này cũng vậy, như trường hợp của Chúa Giêsu, một thế giới khao khát tiền bạc, quyền lực và lạc thú không dành chỗ cho những trẻ nhỏ, cho biết bao trẻ em chưa chào đời, nghèo khổ và bị lãng quên. Trên hết, tôi nghĩ đến những trẻ em bị tàn phá bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, đó chính là những nơi mà Chúa Giêsu đến, một hài nhi nằm trong máng cỏ của sự chối bỏ và khước từ. Nơi Người, Hài Nhi Bêlem, mọi trẻ thơ đều hiện diện. Và chính chúng ta được mời nhìn cuộc sống, chính trị và lịch sử qua con mắt của trẻ thơ.
Trong máng cỏ của sự từ chối và khó chịu, Thiên Chúa hiện diện. Ngài đến đó bởi vì ở đó chúng ta nhìn thấy vấn đề của nhân loại chúng ta: sự thờ ơ được tạo ra bởi sự vội vàng tham lam để sở hữu và tiêu thụ. Ở đó, trong máng cỏ đó, Chúa Kitô đã sinh ra, và ở đó chúng ta khám phá ra sự gần gũi của Người với chúng ta. Ngài đến đó, đến một máng cỏ, để trở thành thức ăn của chúng ta. Thiên Chúa không phải là người cha nuốt chửng con cái mình, mà là Cha, nơi Chúa Giêsu, làm cho chúng ta nên con cái của Người và nuôi dưỡng chúng ta bằng tình yêu dịu dàng của Người. Ngài đến để đánh động trái tim chúng ta và nói với chúng ta rằng chỉ có tình yêu mới là sức mạnh thay đổi dòng lịch sử. Ngài không xa cách và oai phong lẫm liệt, nhưng đến gần chúng ta trong sự khiêm nhường; bỏ ngai vàng trên trời, Người hạ mình nằm trong máng cỏ…”