CHÚA NHẬT 33 TNA
KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
(2Mcb 7, 1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26)
Trong bầu khí của tháng 11 hướng về Các Đẳng Linh Hồn, hôm nay chúa nhật 33 Thường niên, Giáo hội Việt Nam long trọng mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Những người con ưu tú của Giáo Hội, những chiến sĩ kiên trung noi gương Đức Giêsu Kitô minh chứng niềm tin bằng chính mạng sống mình, đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tuyên phong bậc hiển thánh vào ngày 19.6.1988. Chúng ta cùng chiêm ngắm những tấm gương hiên ngang bất khuất ấy qua lăng kính của ba bài đọc Lời Chúa hôm nay.
Bài đọc 1, sách 2Mcb tường thuật lại một chứng tá đức tin kiên cường, một tấm gương quả cảm và khí phách của người mẹ có bảy người con tử vì đạo. Bà khuyên các con: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con Thần khí và sự sống…. Chính Đấng Tạo Hóa Càn Khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con Thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật lệ hơn bản thân”.
Bài đọc 2, trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô xác tín một cách kiên định: “… không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta”.
Bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi một cách khẩn thiết: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Như thế, ba bài đọc phụng vụ mời gọi mỗi người chúng ta sống lời mời gọi của Chúa Giêsu được tỏa sáng nơi các thánh, nhất là các thánh Tử Đạo Việt Nam, đó là: hân hoan vác Thánh giá mình mỗi ngày để theo Chúa.
Trong những ngày này, nếu có dịp lần giở những trang sử về Các Thánh Tử Đạo Viêt Nam, hay đọc những tác phẩm viết về công cuộc truyền giáo tại Việt Nam (như cuốn Les Sauvages Bahnars - Dân Làng Hồ, của thừa sai Pière Dourisboure, Nxb. Đà Nẵng, 2008) thì ắt hẳn chúng ta sẽ cảm thấy cay cay đôi mắt, buốt buốt sóng lưng, thẹn thẹn cõi lòng khi đọc những dòng chữ mô tả về hành trình truyền giáo, những biến cố thương đau đổ máu đào minh chứng niềm tin của các thánh Tử Đạo Việt Nam, của các Thừa sai, của bao đấng bậc cha ông chúng ta trong những thời kì gian khổ bách hại đạo.
Xin được nêu ra một tấm gương có lẽ ít cực hình, ít máu me, nhưng không kém sự quả cảm hiên ngang bất khuất kiên trung đến cùng chẳng thua kém hình tượng người mẹ tử đạo trong bài đọc 1 sách 2Mcb, đó là tấm gương hân hoan vác thánh giá theo Chúa của thánh trùm cả Anrê Kim Thông (Năm Thuông).
Thánh nhân sinh ra trong một gia đình khá giả, có nhiều ruộng đất. Là người cha có 9 người con, trong đó 2 người đi tu (1 linh mục và một nữ tu). Là người có địa vị, từng làm xã trưởng nhiều năm, đồng thời cũng là ông trùm xứ và được Đức Cha đặt làm trùm cả của tỉnh Bình Định. Là người cống hiến nhiều đất đai tài sản cho Giáo phận, và cũng là ân nhân giúp đỡ các Cô Nhi Viện. Một người cháu nuôi của ông trùm cả tên là Út vốn tính ngang tàng, phóng đãng nên hay bị ông quở mắng. Để trả đũa, y viết một lá thư nặc danh lên quan tỉnh, tố cáo ông về tội chứa chấp giáo sĩ. Thế là quan quân liền đến vây bắt ông cùng với bốn giáo sĩ khác, rồi giam vào ngục thất ở Bình Định.
Quan tỉnh vốn quen biết từ hồi ông là xã trưởng, và trước đây được ông đãi ngộ rất hậu, nên tỏ ra rộng rãi với ông. Nhờ đó, ông trùm cả không bị đánh đập, và thỉnh thoảng lại được phép về thăm nhà. Ông lợi dụng cơ hội này khuyên nhủ con cháu trung kiên với Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ông nói: “Tôi đã già, cũng chẳng ham sống lâu nữa. Tôi sẵn sàng chịu tù đày và chịu chết vì danh Đức Kitô, nhất định tôi không vận động xin tha”. Rồi ông lại tình nguyện vào ngục trình diện.
Nhiều lần quan tỉnh gọi ông Trùm cả ra công đường, nhỏ nhẹ khuyên ông bỏ đạo. Quan nói : “Ông giẫm chân lên thập giá đi! Chỉ tôi và ông biết thôi, rồi về xưng tội là xong chứ có chi đâu”. Ông trả lời: “Không được, thập giá tôi tôn kính mà giẫm lên sao được”. Và ông khẳng định với quan: “Thà tôi bị lưu đày và chết vì Chúa chớ tôi không chối đạo”. Sau ba tháng tù, ông nhận được án phát lưu vào Mỹ Tho thuộc miền Lục tỉnh, Nam Kỳ. Các con ông dự định bỏ tiền vận động xin giảm án, nhưng ông cản: “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.
Mang gông trên vai, chân tay bị xiềng xích, Ông Trùm Anrê Năm Thuông và bốn đồng bạn khác bị toán lính áp tải đi lưu đày. Những người bị phát lưu, phải đi bộ qua các tỉnh Phú yên, Khánh hòa, Bình thuận. Quãng đường dài và cực nhọc, khi thì quanh co theo bờ biển, lúc thì len lỏi qua núi non cheo leo hiểm trở, khi thì chui vào rừng sâu nước độc, lúc thì băng qua những đầm lầy, những đoạn đường đầy sỏi đá, những bãi cát nóng bỏng chân, có lúc phải đi qua những chiếc cầu tre lắc lẻo, lúc phải lội qua sông. Một ngày họ phải đi bộ từ bảy đến tám dặm đường gian khó, tối thì ngủ trong nhà tù thuộc các tỉnh hoặc tại công quán trong các làng xã. Họ cầu nguyện, chuyện trò với các lính gác, vui lòng chấp nhận những gian nan khốn khó của cuộc hành trình dai dẳng kéo dài. Chẳng bao lâu sức khỏe của Ông Trùm cả Năm Thuông sa sút trông thấy.
Sau hành trình gian khổ suốt 1 năm 6 tháng, sức khỏe của ông Trùm Cả Năm Thuông cạn kiệt, nhưng đức tin của ông thì vẫn mạnh mẽ cháy sáng. Cha chính địa phận Tây Đàng Trong ghi lại như sau: “Gần giờ hấp hối … Ông Trùm xin những người đứng xung quanh cầu nguyện thay cho Ông Trùm. Thấy Ông Trùm kiệt sức, họ muốn tháo bỏ xiềng xích cho Ông Trùm, để đỡ nguy kịch hơn trong cơn hấp hối, nhưng Ông Trùm từ chối và dùng sức lực héo tàn của mình đọc Thánh vịnh sám hối và thêm một vài kinh kính Đức Trinh Nữ Maria. Đó cũng là Thánh danh được mấp máy trên môi, lúc Ông Trùm trút hơi thở cuối cùng”. Thánh nhân đã trung kiên hân hoan vác Thánh giá mỗi ngày cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15.7.1855.
Qua mẫu gương của người mẹ trong sách 2 Mcb, của thánh trùm cả Anrê Năm Thuông, niềm xác tín của thánh Phaolô trong thư Rm (bài đọc 2) và nhất là con đường Thánh giá của Chúa Giêsu và lời mời gọi của Ngài trong bài Tin Mừng như giục giã mỗi người chúng ta lên đường hân hoan vác Thánh giá để theo Chúa ngay hôm nay.
“Thập giá” là dụng cụ hành khổ cho kẻ tử tội. Bởi thế thập giá biểu tượng cho gian nan khốn khổ và cả cái chết. Thập giá chỉ trở thành Thánh giá mang giá trị cứu độ khi có Chúa Giêsu nằm trên ấy. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không ít thì nhiều đều phải chứng diện trước những gian truân thử thách bệnh tật khổ đau. Bởi thế, đón nhận và vác lấy thập giá là sự thật không ai tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu chúng ta vác thập giá mà không nhằm mục đích theo Chúa, không hướng về Ngài, tức không có Chúa hiện diện và đồng hành, không sống theo thánh ý Thiên Chúa thì công cuộc vác thập giá của chúng ta chẳng có giá trị gì. Xem chừng chính chúng ta là nguyên nhân tạo ra thập giá cho chính mình, cho gia đình, cho xứ đạo và bao người khác. Khi chúng ta sống buông thả, sống theo ý riêng, chiều theo những cám dỗ đam mê … để rồi tạo ra những hậu quả tai hại, nghèo đói, bệnh tật, tiếng xấu … cho mình và cho người khác. Đó là hệ quả chúng ta tự chuốc lấy do hành vi xấu của mình. Chúng ta phải mang lấy và kéo lê đời mình thật nặng nề một cách ê chề trong vô vọng. Khi ấy chúng ta chỉ là kẻ vác thập giá chứ không phải vác Thánh giá.
Nhưng nếu chúng ta hướng tất cả lên Thiên Chúa, sống theo ý Ngài, tức có Chúa hiện diện và đồng hành trong cuộc sống hằng ngày, thì những khốn khó khổ đau chúng ta gặp phải chính là Thánh giá Chúa gởi đến để thanh luyện chúng ta. Chúng ta đi vào cuộc thương khó với Chúa để được phục sinh với Ngài. Chúng ta hãy hãnh diện, mạnh mẽ hân hoan vác lấy Thánh giá theo Chúa như người mẹ của bảy người con tử đạo trong sách 2Mcb, như thánh trùm cả Anrê, như thánh Phaolô. Chúa sẽ đồng hành và bổ sức cho chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ được nhận lãnh triều thiên vinh quang trên trời như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Amen.
Thomas Nguyễn Văn Hiệp
CHÚA NHẬT 33 TN A
(Cn 31, 10-13. 19-20. 30-31; 1Tx 5,1-6; Mt 25, 14-30)
NÉN BẠC CHÚA TRAO CÒN KHÔNG ?
NÉN BẠC CHÚA TRAO CÒN KHÔNG ?
Khi đọc bài Tin Mừng chúa nhật 33 TN A bỗng dưng người viết nhớ lại một lần tĩnh tâm cách đây hơn 10 năm. Hôm ấy vị giảng phòng nói về cuốn sách “Vui Sống Vui Tin Yêu” của linh mục dòng Tên Francois Varillon. Ngài nhấn mạnh: cái cốt yếu của mọi cốt yếu niềm tin Kitô giáo là Thiên Chúa Tình Yêu. Bởi thế, Thiên Chúa là Đấng quyền năng trong tình yêu, tốt lành trong tình yêu, công bằng trong tình yêu …. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên chúng ta có khả năng yêu thương. Ngài liên hệ đến bài Tin Mừng hôm nay và hỏi cử tọa rằng: Chúa trao cho các bạn những nén bạc, các bạn đã làm lợi, đem chôn hay xài hết rồi? Trong bài Tin Mừng Chúa lên án kẻ đem chôn 1 nén bạc. Còn bản thân các bạn và tôi, xem chừng chúng ta đã xài hết những nén bạc Chúa trao. Hãy tự vấn lương tâm xem: nén bạc Chúa trao còn không ?
Quả thật, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Mọi nén bạc Chúa trao cho chúng ta: sự sống, sức khỏe, trí khôn, tài năng, thời gian, sắc đẹp, vật chất, danh vọng, địa vị … đều nhằm diễn tả bản chất tinh ròng của “Thiên Chúa là tình yêu”.
Nếu chúng ta dùng những nén bạc Chúa trao để phát triển “tình yêu” với Thiên Chúa và với tha nhân thì chúng ta đang làm lợi những nén bạc Chúa trao. Chúng ta trở nên giống Thiên Chúa tình yêu hơn mỗi ngày, như những đầy tớ lãnh 10 nén, 5 nén, 2 nén trong Tin Mừng.
Nếu chúng dùng những nén bạc Chúa trao sống theo ý chúng ta, phục vụ lợi ích chúng ta, sống một cách “tự nhiên” mà không làm triển nở tình yêu là “hình ảnh” Thiên Chúa nơi bản thân, thì chúng ta chính là tên đầy tớ đi chôn 1 nén bạc trong bài Tin Mừng, bị ông chủ lên án.
Nếu ta dùng những nén bạc là những gì chúng ta sở hữu (đều do Chúa ban) để thỏa mãn những đam mê tội lỗi, sống buông thả phóng túng nghịch lại với tình yêu, đánh mất hình ảnh “Thiên Chúa là tình yêu” trong chúng ta, là khi ấy chúng ta đã tiêu xài phung phí hết những nén bạc Chúa trao. Có khung hình phạt nào cho chúng ta ?
Ước mong Lời Chúa trong chúa nhật áp cuối của năm phụng vụ thức tỉnh mỗi người chúng ta. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu. Do đó, hãy sử dụng những gì Chúa ban để triển nở tình yêu, để trở nên giống Chúa hơn trong mỗi ngày sống. Amen
0 nhận xét:
Đăng nhận xét