Ads 468x60px

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

CHÚA NHẬT IV PS B - LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH

CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH - LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
nguồn: loichuahangtuan@gmail.com

Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan
(Ga 10, 11 – 18)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mác. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta là Ta thí mạng sống, để rồi sẽ lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Đó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta.”

Đó là lời Chúa.
Mục lục:

         SUY NIỆM
Mục Tử Nhân Lành
   ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trg 3
Vẫn Còn Đó Những Mục Tử Tốt Lành
   Pm. Cao Huy Hoàng
Trg 5
Tâm Tình Sâu Rộng Của Mục Tử Nhân Lành
   Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB
Trg 8
Tình Người Mục Tử
   Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Trg 10
Chân Dung Mục Tử Giêsu
   Lm. Inhaxiô Trần Ngà
Trg 12
Vị Mục Tử Nhân Lành
   JKN
Trg 14
Chủ Chăn Nhân Lành
   AM. Trần Bình An
Trg 17
Gã Chăn Bò Của Thế Kỷ 21
  Piô X Lê Hồng Bảo
Trg 19
      THƠ TIN MỪNG
Mục Tử Nhân Lành
     Hạt Nắng
Trg 21
Tình Mục Tử
    Bâng Khuâng Chiều Tím
Trg 22
Mục Tử Nhân Lành
    Lm. Khuất Dũng sss
Trg 23
Mục Tử Vì Đàn Chiên
    Mic. Cao Danh Viện
Trg 24
Chúa Chiên Lành
    Thế Kiên Dominic
Trg 25
Chúa Là Mục Tử
    Nguyễn Sông Núi
Trg 25
Mẫu Gương Mục Tử
    Đỗ Văn
Trg 26
Mục Tử Nhân Lành
    Vincent Khánh Trần
Trg 27
Người Chăn Chiên
    Song Lam
Trg 28
Trái Tim Mục Tử
    Thanh Hương
Trg 29
Chúa Chiên Lành
    Giuse Nguyễn Văn Sướng
Trg 30
Tình Dâng Hiến
    Scholastica
Trg 31
Mục Tử Giêsu
    Nt Bích Ngọc
Trg 32
Chúa Là Mục Tử
    Cát Vàng
Trg 33
Ngợi Ca Mục Tử Nhân Lành
    Nắng Sài Gòn
Trg 34
Tình Ca Mục Tử
    AP. Mặc Trầm Cung
Trg 35

 

MỤC TỬ NHÂN LÀNH

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt


Dân Do Thái là dân du mục. Cuộc đời họ gắn liền với đoàn vật và những đồng cỏ. Nên khi Đức Giêsu đưa ra hình ảnh người mục tử và đoàn chiên, người Do Thái hiểu ngay tức khắc. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh quen thuộc ấy để nói lên mối liên hệ của ta với Người và của Người với ta. Người là Mục tử nhân lành. Ta là đoàn chiên của Người. Người lãnh đạo đoàn chiên không phải bằng uy quyền áp chế, bằng kỷ luật khắc nghiệt, nhưng bằng tình yêu tha thiết. Tình yêu của Người được biểu lộ qua ba khía cạnh: hiểu biết, quan tâm chăm sóc và hy sinh cho đoàn chiên.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hiểu biết. Sự hiểu biết này không phát xuất từ lý trí, do học hỏi, nhưng phát xuất từ trái tim, do tình yêu. Khi yêu, trái tim trở nên vô cùng nhậy bén đến độ hiểu được hết những âm thanh của tâm hồn và tai người thường không nghe thấy, nhìn thấy hết những gì ẩn kín trong tâm hồn mà mắt thường không nhìn thấy, cảm nhận được hết những chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn mà không một nhà tâm lý học nào có thể cảm được. Khi Đức Giêsu nói: “Ta biết chiên Ta” có nghĩa là Người hiểu biết từng người trong chúng ta. Người không chỉ hiểu rõ hoàn cảnh sinh sống của chúng ta, mà còn thấu rõ tâm tư tình cảm của ta. Người biết những gánh nặng mà ta đang phải gánh. Người thông cảm với những đau đớn mà ta đang phải chịu. Người đau những nỗi đau trong tâm hồn ta. Người khổ những nỗi khổ đang dày vò ta. Người nhức nhối trong vết thương của tâm hồn ta.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu quan tâm chăm sóc. Sự hiểu biết sâu xa đến từ sự quan tâm chăm sóc. Sự quan tâm chăm sóc cũng phát xuất từ tình yêu. Có yêu mới quan tâm. Có quan tâm mới hiểu biết nhu cầu. Có hiểu biết nhu cầu mới biết đường chăm sóc. Đức Giêsu yêu thương ta nên Người quan tâm đến ta. Người biết rõ những nhu cầu của ta. Người chăm sóc ta. Có những tình yêu muốn chiếm hữu. Đó là thứ tình yêu ích kỷ. Có những chăm sóc khiến ta trở nên ấu trĩ, yếu ớt, không lớn lên được. Đó là thứ chăm sóc độc đoán ràng buộc. Đức Giêsu chăm sóc không phải để ràng buộc ta nhưng để giúp ta sống trong tự do. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên ấu trĩ, nhưng là để giúp ta trưởng thành. Người chăm sóc ta không phải để ta trở nên yếu ớt nhút nhát, nhưng là để giúp ta mạnh mẽ, tự tin. Vì thế, Nguơì cung cấp cho ta những lương thực lành mạnh. Người đưa ta đến những đồng cỏ non, đến những giòng suối trong. Lương thực Người mang đến, đó là Lời Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa, là Thánh ý Chúa Cha. Những lương thực ấy sẽ cho ta được sống và sống dồi dào.

Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu hy sinh. Đây chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu mến nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Yêu đến sẵn sàng hy sinh mạng sống là một tình yêu cao cả không có gì sánh được. Đức Giêsu đã xác nhận điều ấy khi Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Người đã thực hiện điều ấy. Người là Mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng, một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Người đã tự hiến mạng sống vì ta. Người đã chấp nhận chết đi để ta được sống.

Hạnh phúc cho ta được là đoàn chiên của Người. Ta được an ủi vì Người hiểu ta. Ta an tâm vì Người hằng quan tâm chăm sóc ta. Ta sung sướng vì Người yêu thương đến nỗi chết vì ta.

Người muốn ta chia sẻ hạnh phúc ấy cho mọi người. Người muốn ta lớn mạnh để đến lượt ta, chính ta trở thành mục tử nhân lành theo gương Người. Cha mẹ là mục tử của con cái. Thày cô giáo là mục tử của học sinh. Giám đốc là mục tử của công nhân. Y bác sĩ là mục tử của bệnh nhân. Anh chị lớn là mục tử của các em nhỏ.

Nhưng đặc biệt hơn hết, Người muốn có những người tiếp tục công việc của Người, chăm sóc đời sống tâm linh nhân loại. Chính vì thế, Giáo Hội dành ngày hôm nay để cầu nguyện cho ơn kêu gọi làm linh mục. Nhìn tình hình chung trên toàn thế giới, và riêng trong Giáo phận, ta thấy còn thiếu rất nhiều linh mục. Giáo dân cần linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ. Giáo dân cần linh mục như học sinh cần thầy cô giáo. Giáo dân cần linh mục như một người bạn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ vui buồn trong đời sống và như một người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho có nhiều thanh niên sẵn sàng hiến thân làm linh mục. Hãy khuyến khích con cháu dâng mình cho Chúa, làm linh mục để phục vụ anh em. Nhất là hãy cầu nguyện cho các linh mục được trở nên những mục tử như Đức Giêsu, vị Mục Tử nhân lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đoàn chiên.

Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành trong gia đình, trong khu phố, trong xã hội. Amen.


KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1-    Đức Giêsu hướng dẫn đoàn chiên bằng cách nào? Bằng quyền lực hay bằng tình yêu thương?
2-    Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Đức Kitô.
3-    Bạn có cảm thấy trách nhiệm là mục tử của mình không? Bạn đã đối xử với đoàn chiên của mình thế nào?
4-    Bạn nghĩ gì về đời sống tu trì? Bạn có cầu nguyện cho cha Xứ của bạn không?

ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt



VẪN CÒN ĐÓ NHỮNG MỤC TỬ TỐT LÀNH
PM. Cao Huy Hoàng

Mừng Lễ Chúa Chiên Lành, thiết tưởng, mỗi chúng ta được quyền vui mừng tạ ơn Chúa vì Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang có, nếu không tất cả, thì cũng rất nhiều Linh Mục đã và đang sống theo kiểu mẫu của Chúa Giêsu, Linh Mục, Mục Tử Tốt Lành:
“Ta là Mục Tử tốt lành… thí mạng sống vì chiên… Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta…”
“Ta còn những chiên khác không thuộc đoàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đoàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một chủ chiên…”
Tôi vẫn không quên hình ảnh cha Phanxicô Xaviê cựu Chánh Xứ Giáo Xứ tôi. Ngài từ trại cải tạo về nhận xứ cuối tháng 8 năm 1982 nên được “quản thúc” 6 tháng tại chỗ: không được làm Lễ, đi đâu cũng phải trình báo để “được bảo vệ” chu đáo. Thế mà, 9 tháng sau ngày nhận xứ, một ngày nọ, có anh công an đến hỏi thăm sức khỏe của Ngài, và hỏi về con số Giáo Dân trong Giáo Xứ. Ngài trả lời:
- Tính đến sáng hôm nay, con chiên trong đoàn là 2.131. Ngoài đoàn là hơn 19.000”.
- Ông nói trong đoàn là sao ?”
- Là những người đã được rửa tội. Hôm qua số con chiên là 2.125. Sáng nay mới rửa tội thêm một gia đình 6 người nữa”.
- Vậy ông nói còn có ngoài đoàn nữa là làm sao ?”
- À, thì những người chưa được rửa tội cũng thuộc trách nhiệm của tôi”.
Anh công an có vẻ ngẩn ngơ không hiểu, nhưng không hỏi về chuyện đó nữa. Anh ta chuyển đề tài:
- Ông nhớ nhắc nhở cho bà con nghĩa vụ nộp thuế, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ đặt vòng…
Chỉ trong vòng 3 tháng sau thời gian quản thúc, cha đã thăm không sót một “nhà con chiên” nào, kể cả những “chuồng chiên” bên kia sông, kể cả những “chòi chiên” trong núi. Chuyện đi thăm cũng đặc biệt: sáng từ 9g đến 13g chiều. Chiều từ 16g đến 20 giờ tối. Nhờ chọn giờ thăm này mà cha có thể gặp được hầu như cả nhà người ta trong bữa ăn trưa hay bữa ăn tối. Cha chứng kiến tận mắt những bữa ăn kham khổ. Có người thấy cha đến vội cất ngay nồi khoai lang lát xuống bếp. Về đến nhà, cha ghi vào cuốn sổ tay, chẳng hạn:
- Đường vào sông Đợt.
- Nhà ông A: bà A bệnh gan, 4 đứa con: Hoàng, Mai, Trúc Liễu. Hoàng điếc, Trúc kinh phong, 2 sào ruộng, lúa không giáp hạt, có xe đạp…
- Nhà chị B: chồng cụt giò chiến tranh, 3 con, Linh, Ly, Long, đốt than, gánh than mướn, qua ngày, không xe đạp, ăn gạo đong…
- Nhà Ông C ( cho ông A đất làm chòi ), Phật giáo, có bàn thiên, có bàn thờ Phật, 5 con, ngay thẳng, lòng tốt… quên… có cái lu và gáo nước…
Có lần tôi vô tình đọc được câu này trong sổ tay của cha: “Chúa ơi ! Đa số bà con nghèo khổ quá, “chuồng chiên”, “chòi chiên” nhiều gấp mười lần “nhà chiên”!

18 năm hết mình với Giáo Xứ, cha biết từng nhà, từng chuồng, từng chòi, từng con dốc vào núi, từng khe suối vào sông, biết từng người, hiểu từng nỗi khổ niềm vui, và nhất là tận tụy phục vụ mọi người lương giáo. Ấy vậy, con số ngày cha nhận xứ là gần 2.000 và con số khi giao xứ là 5.285 giáo dân, với ba Giáo Họ lớn 4 Chi Họ nhỏ. Một Giáo Họ đã có Nhà Thờ nay đã nâng lên thành Giáo Xứ. Hai Giáo Họ kia cũng chuẩn bị tách Giáo Xứ mẹ. Rồi cha được thuyên chuyển về Giáo Xứ khác. Cho đến nay, xa cha đã 12 năm rồi, cha sắp về hưu, thế mà nếu có dịp gặp lại người nào, ngài gọi đúng tên, kể đúng chuyện và thăm hỏi đúng người, đúng địa chỉ.
Thiết tưởng đây là một trong nhiều tấm gương “mục tử tốt lành” trên khắp cả nước những ngày sau 1975 gian khổ. Còn rất nhiều tấm gương tốt lành đáng kính phục mà mỗi con chiên luôn tự hào về những Mục Tử của mình: có vị đã cùng gắn bó với con chiên trên đồng sâu ruộng cạn, trên nương lúa rẫy ngô, có vị cùng con chiên chia nhau những củ khoai sùng trong những ngày cạn kiệt, trong tháng đợi lúa kết đòng đòng, có vị cùng con chiên đến tận nơi xa xôi dạy Giáo Lý, Rửa Tội cho người trong những hang cùng ngõ hẻm…
Thiết tưởng, mỗi chúng ta đều có quyền, và có bổn phận vinh danh những vị Mục Tử đã chết đời mình đi cho đoàn chiên được sống, đã nêu gương đời sống hiến thân phục vụ vì Nước Chúa. Không chỉ con chiên trong đoàn, nhưng còn biết bao con chiên ngoài đoàn cũng được các vị luôn đặt lòng, để tâm để trí đến và có hướng truyền giáo rất rõ rệt bằng đời sống chứng nhân anh dũng của chính mình và của đoàn chiên mình chăm lo trong cuộc chung đụng với những nghịch cảnh khốn khổ gian nan.
- Chỉ mới hơn ba mươi năm dưới chế độ Chủ Nghĩa Xã Hội mà các cha ngày nay khác xưa quá !
- Muôn đời vẫn là chức linh mục của Chúa Giêsu mà, có gì khác đâu ?
- Có chứ ! Thì vẫn cứ là Mục Tử đấy chứ, nhưng hai chữ tốt lành chẳng biết từ bao giờ đã bị mờ đi, hoặc thiếu, hoặc… không còn nữa ! Chúa chẳng bao giờ lại bảo như thế này: “Con chiên Ta thì buộc phải nghe tiếng Ta. Ta không cần biết chúng, nhưng chúng cần phải biết Ta. Ta không cần đến với chúng, chúng cần thì cứ việc tìm đến với Ta !?!”
Theo tôi thì Mục Tử của chúng ta ở bất kỳ thời nào cũng luôn bị Satan tấn công từ mọi phía. Mục đích của Satan và bè lũ của nó là làm cho các Mục Tử mất đi tính “tốt lành”, mất đi tính “thí mạng vì đoàn chiên”, hoặc làm cho Mục Tử thêm tính lệch lạc trong cái nhìn, cái nhận, cái biết về con chiên, thêm tính lệch lạc trong tinh thần yêu thương phục vụ…
Phải nhìn nhận sự thật rằng: đã có một ít Mục Tử của chúng ta bị vướng bẫy của chúng: người lâm bệnh vô cảm, kẻ vướng lòng tham tiền, tham quyền, tham chức, người vướng tiếng sét ái tình, kẻ nhiễm bệnh quan liêu, nhưng đáng sợ nhất là có cả những người bị mắc bệnh “vâng lời kẻ gian dối”.  Bởi Satan biết rõ: “Cứ đánh kẻ chăn chiên thì đoàn chiên tan tác” ( Mt 26, 31 ). Nhưng nên nhớ rằng đó chỉ là một số rất ít, không phải là tất cả, không đáng làm cho chúng ta bận tâm, thất vọng, hay tuyên bố cẩu thả về một hàng Giáo Sĩ bị tục hóa đến mức báo động. Ngược lại, chúng ta còn phải cầu nguyện tha thiết hơn, liên lỉ hơn cho các Linh Mục, các Mục Tử của chúng ta luôn là những người chiến thắng trong cuộc chiến với Satan có đầy vũ khí tinh vi thời đại này.

Bởi thế, xin đừng lầm tưởng rằng những tấm gương “Mục Tử Tốt Lành” thời nay đã trở nên quý hiếm. Xin đừng ngồi một chỗ, hoặc ở một nơi mà kết luận vội vàng. Hãy đến khắp mọi nơi xa xôi hơn một tí để thấy sức sống Hội Thánh đang vươn lên nhờ những “Mục Tử Tốt Lành” như thế.
Tôi lại có chuyện để kể là nhờ các chị Lý, An, Mai, anh Mạnh ở Gò Vấp, hôm 23.4.2012, muốn thăm và tặng chút quà Phục Sinh nho nhỏ cho người nghèo, không kể lương giáo, nên đã nhờ tôi tìm một số địa chỉ. Tôi đề nghị về Xã Suối Kiết, Bình Thuận. Nơi đây chúng tôi đã gặp một cha trẻ DCCT ở Giáo Họ An Phong, và nhờ cha, các anh chị đã trao 100 phần quà tận tay người nghèo. Bà con giáo lương nhận quà với những nụ cười và niềm vui tròn trịa.

Sau khi tặng quà, cha cho một số ông đưa xe máy đến chở chúng tôi thăm một điểm dạy Giáo Lý và một số gia đình trong Giáo Họ. “Đi đường này phải là tài xế chuyên nghiệp anh em à”. Đường vào rừng xa, lồi lõm, dốc đứng, qua suối, qua mương, nắng bụi mù trời, mưa nhòe lầy lội….

Đến điểm dạy Giáo Lý cũng là nơi dạy học chữ cho các em người Kinh lẫn người Dân Tộc là một mái nhà trống trước trống sau, có bàn thờ Lòng Chúa Thương Xót, có ba cái bàn học, anh em tôi được dừng chân nghỉ một tí, đọc kinh và trò chuyện. Nhìn con đường, chị Mai đã đề cập ngay đến chuyện cha đi xức dầu cho bệnh nhân. Một anh Giáo Dân tài xế nói: “Có lần 1 giờ khuya, em chở cha đi xức dầu rồi đó”.

Đi tiếp năm bảy cây số nữa vào rừng, đường càng khó đi hơn, thỉnh thoảng lên bắt gặp một “chòi chiên” nho nhỏ. Vào chòi, dăm đứa con nít đen đủi ở truồng chạy nhông nhông, bố mẹ đều đi làm vắng nhà.“Ơ, cái chòi rách nát trống trước trống sau mà cũng có bàn thờ, có Chúa !” Đến nhà ông bà Năm, hình như ai đó đã nhắn “người ta vô nhà ông đông lắm kìa”, nên khoảng 15 phút sau, ông bà về. Mặt mũi lấm lem mồ hôi nhễ nhại, tay chân than bụi đen sì: “Chào cha, cha vào mà không nói con trước ? Con nhớp quá nè, làm sao đây cha ?”

Trưa nắng rồi, anh chị em còn phải về lại Sàigòn, chúng tôi trở lại Nhà Thờ, viếng Chúa, nghỉ ngơi, rồi ra xe về. Mỗi người một suy nghĩ miên man về người “Mục Tử Tốt Lành” còn trẻ lắm của thời đại hôm nay.

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa, chúng con còn có thể tin được Chúa Giêsu Linh Mục vẫn luôn hoạt động trong các Mục Tử nhỏ bé của chúng con. Xin cho chúng con thêm nhiều nữa, những Mục Tử Tốt Lành như lòng Chúa mong ước. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 24.4.2012



TÂM TÌNH SÂU RỘNG CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB

          Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó, nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ… Vậy đức Giê-su lại nói… Tôi có cảm tưởng khi tự đồng hóa mình với hình ảnh người mục tử tốt lành, đức Giê-su đã không chỉ muốn khảng định một khái niệm, một so sánh; đúng hơn Người đang muốn diễn đạt một tâm tình. Chính cái tâm tình ấy là điều mà những người Pha-ri-sêu thủ lãnh thẳng thừng chối bỏ. Tâm tình mục tử độc đáo này gồm hai yếu tố không thể tìm thấy nơi bất cứ một ai khác:
-         Yếu tố chiều sâu: Anh gọi tên từng con… biết chiên của mình… và hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”.
-         Yếu tố chiều rộng: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về”.

Chiều sâu: Chiên nhận biết và nghe tiếng của mục tử… đó là điều xảy ra hết sức tự nhiên, như phản ứng tất yếu trước tâm tình của người mục tử chân chính được biểu lộ bằng hành động. Anh gọi tên từng con… Người Do Thái thừa hiểu ‘gọi tên’ có nghĩa là gì (xem St 2,20; Lc 1, 59-63). Khi khảng định người mục tử ‘gọi tên từng con’, đức Giê-su chắc chắn muốn khảng định sự trân trọng của mục tử đối với từng con chiên, bất luận chúng thế nào. ‘Gọi tên’ hàm ý giữa mục tử và chiên có một mối liên hệ nhân vị, vừa mang nội dung thuộc về nhau, vừa nói lên trách nhiệm chăm sóc phát huy, lại vừa trân trọng giá trị riêng của mỗi con chiên trong hiện hữu cũng như sứ mệnh. Và còn hơn thế nữa, Tôi biết chiên của tôi”. Cũng như ‘gọi tên’, người Do Thái hiểu ý nghĩa sâu sắc của từ ‘biết’ (xem St 4,1; Lc 1,34). ‘Biết’ chính là kết hiệp bền chặt, là thấm nhập vào nhau, là truyền cho nhau sức sống trong yêu thương và quí chuộng. Nếu mục tử nhân lành quả là như thế, thì đúng là không còn gì bình thường nữa, mà là điên khùng. Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi, nghe ông ấy làm gì (c.20). Nhưng đối với bất kỳ con chiên Ki-tô hữu nào, thì đi sâu vào tâm tình đó quả thật là cả một khám phá, giúp ‘nghe và thấu hiểu được’ tiếng yêu thương, nhân ái khôn lường của Mục Tử Giê-su.

Chiều rộng: Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về”. Có lẽ không mục tử nào lại có tâm tình khùng điên và phi lý đến thế: đã không thuộc ràn mình thì tại sao lại cất công đưa về, họa chăng lả kẻ tham lam? Phải, Người quả là mục tử vô cùng tham lam, chỉ vì cõi lòng Người không chút hạn hẹp. Tình yêu dâng hiến đối với từng con chiên không ngăn cản Người tiếp nhận hết mọi con, không loại trừ bất cứ con nào. Không chỉ chiên tốt lành khỏe mạnh, mà cả những con ốm đau ghẻ lở; không chỉ các chiên ngoan ngoãn trong ràn, mà cả những con tinh nghịch trốn chạy khỏi ràn; thậm chí cả các chiên thuộc các ràn tranh giành, đối kháng hoặc thù nghịch. Con tim của Mục Tử này - và duy nhất chỉ có vị này trên trần - muốn ôm lấy tất cả, để… hy sinh mạng sốngcho tất cả. Các chiên, một khi đã thuộc về ràn của Người, chắc chắn sẽ không thể hẹp hòi khư khư bảo vệ những quyền lợi riêng tư. Tâm tình chiều rộng của vị Mục Tử phải trở thành tâm tình của từng con chiên trong ràn, để có thể vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chin mươi chin người công chính không cần sám hối ăn năn”; đồng thời chấp nhận cả những thiệt thòi, nếu đôi khi có cảm thấy vị mục tử của mình nhẫn tâm để chin mươi chin con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất (Lc 15, 4-7).

Chỉ trong tư cách chiên, tôi đã phải thấm nhập được vào cái tâm tình sâu rộng như thế, huống hồ là người mà đôi khi vẫn thường được nhắc nhở trở nênmục tử như lòng Chúa mong ước’. Nếu không liên tục chiêm ngắm vị Mục Tử Giê-su tự hiến trên thập giá, nếu không liên tục kết hiệp với Người, hỏi liệu tới khi nào tôi mới đáng mang danh là linh mục của Chúa. Sốt sáng cử hành Thánh Lễ hàng ngày, đối với bất cứ linh mục nào, cũng có tầm quan trọng sống còn. Cầu nguyện cho có linh mục không phải điều khó, cái khó là có được nhiều mục tử trong tâm tình rộng sâu của Mục Tử Giê-su.

Ôi Mục Tử nhân lành, xin cho mọi linh mục của Chúa hiểu được tâm tình Chúa có đối với chiên là chính bản thân họ. Trong tư cách là chiên được Chúa chăn nuôi, chính con phải là người đầu tiên hiểu ra rằng Chúa đã đích danh ‘gọi tên’ con, và ‘biết’ con. Mỗi khi có ai kêu con là linh mục, xin hãy gợi nhớ cho con biết tiến sâu hơn một bước nữa vào tâm tình rộng sâu của Mục Tử Giê-su duy nhất. Amen

Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB


TÌNH NGƯỜI MỤC TỬ
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

·        Có một thai nhi sắp được chào đời. Nó mới hỏi Thượng đế rằng: “Thưa Ngài, có phải ngày mai Ngài sẽ đưa con vào đời không?”
·        Thượng đế trả lời: Đúng đó con ạ!
·         Đứa bé đáp: “Nhưng làm sao con sống nổi ở đó khi mà con quá nhỏ bé và bất lực như thế này?”.
·        Thượng đế đáp: “Hãy yên tâm, trong số những thiên thần, ta đã chọn cho con một người. Thiên thần của con sẽ ở bên con và chăm sóc con chu đáo”.
·        Đứa bé lại hỏi: “Và làm sao con có thể hiểu được khi họ nói chuyện với con bằng ngôn ngữ mà con chưa hề biết đến?”
·        Thượng đế trả lời: “Thiên thần của con sẽ nói với con bằng những lời ngọt  ngào và đẹp đẽ nhất mà con chưa từng được nghe, đồng thời với sự nhẫn nại và cẩn trọng, thiên thần của con sẽ dậy con biết nói những điều hay lẽ phải”.
·        - Con nghe nói chốn trần gian lắm kẻ xấu xa. Vậy, ai sẽ bảo vệ con?
·        - Thiên thần của con sẽ hộ trì con ngay cả khi điều đó đe dọa đến tính mạng của mình.
·        - Nhưng con sẽ rất buồn vì không còn được thấy ngài nữa.
·        - Thiên thần của con sẽ luôn nói với con về Ta, và dạy con cách thức quay về với Ta mỗi khi lạc lối.
·        - Vậy thưa Ngài, nếu con phải đi ngay bây giờ, xin hãy cho con biết tên thiên thần hộ mạng của con là gì?
·        Tên của người không quan trọng, con chỉ giản đơn gọi người là Mẹ.

Nếu người mẹ cần thiết cho con cái thế nào, thì người mục tử cũng cần thiết cho đàn chiên như vậy. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục từ luôn sống vì lợi ích đàn chiên, luôn sống cho và vì đàn chiên. Người mục tử  gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ  gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Ngài yêu thương con người nên đã mang lấy thân phận con người để cùng đồng hành với con người. Ngài đã cùng chia vui sẻ buồn với con người qua những thăng trầm của cuộc sống. Ngài đã sống một cuộc đời yêu thương và phục vụ như một người đầy tớ phục vụ chủ nhân. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho đàn chiên được sống. Ngài còn hiến mình thành lương thực nuôi dưỡng đàn chiên qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Hình ảnh người mục tử còn là hình ảnh của những người cha, người mẹ đang ngày đêm lo lắng bảo vệ con con cái. Các ngài đã hy sinh cuộc đời vì hạnh phúc các con. Các ngài đã trải qua những mưa nắng khắc nghiệt của dòng đời để mang lại cơm no áo ấm cho đàn con. Các ngài đã chấp nhận chịu tiêu hao như hạt lúa chịu mục nát đời mình cho con cái lớn khôn.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta hãy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử hết lòng vì đàn chiên. Cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta có cha, có mẹ luôn hết mình hy sinh cho chúng ta. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta bằng muôn nghìn cách. Cám ơn Chúa vẫn nuôi dưỡng chúng ta trên đồng cỏ xanh tươi là bàn tiệc Thánh thể, nhờ đó mà ta được no thoả ân tình của Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta biết siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể. Xin đừng bao giờ để tâm hồn mình bị chết đói, chết khát ngay bên nguồn nước trong lành với đồng cỏ xanh tươi là Bàn tiệc Thánh Thể mà Chúa Giêsu với tình mục tử đã dọn sẵn cho chúng ta. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền




CHÂN DUNG MỤC TỬ GIÊSU
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Hình ảnh mục tử sống giữa đàn chiên là hình ảnh rất thân quen đối với dân Do-Thái ngày xưa chuyên sống đời du mục. Hình ảnh nầy được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng nhiều lần để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân Người.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng lại hình ảnh nầy như một biểu tượng cao đẹp để diễn tả tình thương cao vời Người dành cho nhân loại với những nét lớn sau đây:

1. Mục tử Giê-su sống hoà mình thân mật với đoàn chiên.
Thiên Chúa Ngôi Hai là Đấng quyền năng cao cả, còn loài người chỉ là tạo vật thấp hèn. Cách biệt giữa đôi bên thật là quá lớn. 
Thế nhưng Ngôi Hai Thiên Chúa đã vượt qua mọi cách biệt để sống hoà đồng với con người. Người không muốn duy trì quan hệ đẳng cấp kiểu vua-tôi, chủ-tớ với con người nhưng muốn sống hài hoà thân mật với hết thảy chúng ta.
Qua biểu tượng mục tử với đàn chiên, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Người vui sống chan hoà với mọi người và tương quan giữa đôi bên hết sức thân mật không còn khoảng cách.
Người đã từng hoà mình với dòng người tội lỗi chờ được thanh tẩy bên bờ sông Gio-đan (Mát-thêu 3, 13-16). Người cùng ăn uống đồng bàn và trọ nhà những người tội lỗi. (Lc 19,7). Người nâng li rượu chúc mừng đôi tân hôn trong tiệc cưới Ca-na (Ga 2, 1-11). Người khóc thương La-da-rô bạc mệnh (Ga 11,35). Người cứu chữa kẻ bệnh tật, vui đùa với các trẻ thơ…  Nói tóm lại, tất cả mọi người đều có chỗ đứng đặc biệt trong trái tim Mục tử Giê-su.

2. Mục tử Giê-su cho chiên được sống dồi dào.
Thánh vịnh 23 phác hoạ chân dung Chúa Giê-su như Vị Mục Tử nhân lành tận tình nuôi dưỡng đoàn chiên cách chu đáo, chẳng để chiên phải thiếu thốn điều gì.
“Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi” (Tv 23, 1-3)

Các mục tử trên đời nầy nuôi chiên nhằm khai thác chiên: xén lông, xẻ thịt hoặc bán chiên lấy tiền, còn Mục Tử Giê-su thay vì khai thác trục lợi đoàn chiên thì lại hiến thân mình làm lương thực để chiên được dồi dào sức sống: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào” (Gioan 10, 10)
Người chấp nhận trao ban chính mình làm lương thực nuôi sống đoàn chiên đang lầm than đói khát: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Gioan 6, 35),

3. Mục tử Giê-su chăm sóc từng con chiên một, không bỏ rơi bất cứ con chiên nào.
Lời tiên báo của ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã được ứng nghiệm từng chữ nơi Mục tử Giê-su: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh” (Edekien 34, 15-16)
Qua dụ ngôn mục tử bỏ 99 con chiên nơi hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa Giê-su tỏ cho thấy Người chăm sóc chi li từng người một, không muốn bất kỳ một ai phải hư vong. (Luca 15, 4-7)

4. Mục Tử Giê-su hiến thân mình cho chiên được sống.  
Khác xa người chăn thuê cao chạy xa bay khi thấy đàn sói hung tàn xông tới vồ xé bầy chiên, Mục tử Giê-su chấp nhận hy sinh mạng sống mình để bảo vệ đến cùng: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành... tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Gioan 10, 11-15)

Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Mục tử có một không hai trên đời:
Chúa sống hoà mình thân mật với chiên, nuôi chiên sống dồi dào, chăm lo cho từng con một, không bỏ rơi bất cứ con nào và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Xin cho gương sống tuyệt vời nầy sẽ mãi mãi là lời mời gọi và là động cơ thúc đẩy chúng con trở nên mục tử nhân lành như Chúa.

Xin thương giúp cho các bậc cha mẹ trở thành mục tử tốt trong gia đình, các linh mục trở thành mục tử nhân lành trong giáo xứ, Thầy Cô trở thành mục tử cao quý ở trường học… để mỗi người chúng con tuỳ theo chức phận mình, biết tận tình nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên Chúa trao cho chúng con theo gương người Mục Tử nhân lành là chính Chúa. Amen.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

JKN

Câu hỏi gợi ý:
1.     Mục tử là gì? Xét về phẩm chất, có mấy loại mục tử? Mỗi loại có những tính chất gì? Làm sao phân biệt được loại nào với loại nào?
2.     Đức Giêsu là mục tử nhân lành: đặc điểm cao quí nhất của Ngài là gì? Ngài có thể hy sinh cho đàn chiên tới mức độ nào?
3.     Những bậc cha mẹ trong gia đình, những tổ trưởng trong khu phố hay trong các xí nghiệp, những thầy giáo trong các trường học, những giám đốc công ty... có thể hiểu là những mục tử không? Bài Tin Mừng này có áp dụng cho họ được không?

Chia sẻ
1. Mục tử - tốt và xấu - trong xã hội và Giáo Hội
Xã hội nào cũng đều có tổ chức, cơ cấu, trong đó luôn luôn có những người lãnh đạo, điều khiển. Trong các tôn giáo cũng thế. Trong lịch sử Do-thái, những người lãnh đạo dân chúng được gọi là mục tử (x. Gr 10,21; Ed 37,23-24): chẳng hạn như vua Sa-un, vua Đavít. Kitô giáo, vốn tiếp nối truyền thống Do-thái, cũng gọi những người lãnh đạo trong Giáo Hội (như linh mục, mục sư, giám mục, hồng y, giáo hoàng) là mục tử. Những mục tử hay những người lãnh đạo ấy thường được xã hội hay tôn giáo tạo cho những điều kiện thuận lợi và trao cho những phương tiện hữu hiệu để có thể thi hành hữu hiệu công việc lãnh đạo đó: chẳng hạn địa vị, chức vụ, quyền bính, tiền bạc, tiếng nói... Những điều kiện và phương tiện này là một thứ dao hai lưỡi. Nó có thể giúp các mục tử hay các nhà lãnh đạo phục vụ dân chúng hay các tín hữu hữu hiệu hơn. Nhưng nó có thể làm tha hóa, biến chất các mục tử khi sử dụng nó. Và nó cũng có thể bị những kẻ lắm tham vọng tìm cách đạt tới để lợi dụng nó, để phục vụ cho những tham vọng hay lợi ích cá nhân của mình, của gia đình hay phe nhóm mình.

Như vậy, chiếu theo thái độ đối với những điều kiện và phương tiện mà xã hội hay tôn giáo dành cho những người lãnh đạo hay mục tử, ta có thể có 2 loại mục tử tương ứng:
- Mục tử tốt: là những người lãnh đạo thật sự có ý hướng phục vụ dân chúng hay các tín hữu, chứ không nhằm lợi ích cho riêng mình. Họ sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã hội hay Giáo Hội trao cho hoàn toàn để phục vụ tha nhân và công ích.
- Mục tử xấu: là những người lãnh đạo không nhắm phục vụ dân chúng, mà nhắm đạt được những điều kiện và phương tiện thuận lợi kia để hưởng thụ hoặc chỉ để thăng tiến bản thân, thỏa mãn những tham vọng riêng tư.
Loại sau này còn bao gồm những mục tử bị tha hóa, là những người lãnh đạo khởi đầu có ý hướng tốt, nhưng khi tiếp xúc hay sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã hội trao cho, thì bị chúng hấp dẫn, mê hoặc và làm cho biến chất, để cuối cùng trở thành những mục tử xấu.

2. Mục tử tốt và xấu trong bài Tin Mừng và trong Thánh Kinh
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10,11-18), Đức Giêsu mô tả và đối chiếu hai loại mục tử ấy: một loại được gọi là mục tử nhân lành, còn loại kia là kẻ chăn chiên thuê.

- Mục tử nhân lành thì: “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên”, “tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi... chúng sẽ nghe tiếng tôi”. Ngài tự nhận mình chính là mục tử loại này. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những mục tử nhân lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:
- yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: “Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11).
- yêu quí từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: “Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc” (Mt 18,12-13).
- lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ” (Ed 34,14).
- làm chiên sống no ấm, hạnh phúc: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì” (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: “Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (23,4).
- tinh thần trách nhiệm rất cao: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng” (Ed 34,16).
- cứu thoát, giải phóng đàn chiên: “Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên” (Dc 9,16).

Tóm lại, người mục tử tốt thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Thậm chí như Đức Giêsu, người mục tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của đàn chiên quý hơn cả sự sống mình.

- Kẻ chăn chiên thuê hay mục tử xấu thì: “không thiết gì đến chiên”, “khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn”. Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả hạng mục tử này với những đặc tính:
- vô trách nhiệm: “Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc, nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng dưỡng nuôi” (Dc 11,16a); “Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm” (Ed 34,4)
- chỉ nghĩ tới hưởng thụ, sẵn sàng bóc lột: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Ed 34,3). Thậm chí bóc lột đến tận xương tủy: “Con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc luôn cả móng” (Dc 11,16b)
- ích kỷ, vụ lợi, đầy tham vọng: “Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng lại là mục tử! Cả bọn - chẳng trừ ai - chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình” (Is 56,11).
- tàn bạo, độc ác: “Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34,3); “Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng” (Gr 23,2b).
- tác hại vô cùng đến đàn chiên: “Các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác” (Gr 23,2).

Tóm lại, mục tử xấu coi đàn chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, không một chút tình thương đối với chúng. Nhưng kết cục của hạng mục tử này rất bi thảm: “Khốn cho mục tử vô tích sự đã bỏ mặc đàn chiên. Gươm sẽ chặt đứt tay nó, sẽ chọc mắt phải của nó. Cánh tay của nó sẽ khô đét, và mắt phải của nó sẽ mù loà” (Dc 11,17); “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác (…) các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 23,1-2).

3. Hãy trở nên những mục tử nhân lành
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu tự xưng mình là “mục tử nhân lành”, luôn yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Khi tự xưng như thế không phải để chúng ta nể phục cho bằng để chúng ta bắt chước, noi gương Ngài trong công việc “mục tử” của chúng ta. Chúng ta thường giới hạn ý nghĩa của từ “mục tử” này, đến nỗi chỉ áp dụng nó cho những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả những ai đảm trách việc lãnh đạo, từ một gia đình đến một phường, một tỉnh, hay một quốc gia, từ một hội đoàn, một xứ đạo, đến một giáo phận, một giáo hội địa phương hay Giáo Hội toàn cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi là mục tử. Ước chi mọi mục tử đều biết thật sự yêu thương đàn chiên của mình và lãnh đạo chúng một cách sáng suốt! Ước chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi cha xứ đều sẵn sàng hy sinh phục vụ giáo dân, mọi giám mục đều hết lòng chăm sóc các linh mục và giáo dân dưới quyền mình! Ước chi mọi vị lãnh đạo xã hội và đất nước biết quên những quyền lợi riêng tư để nghĩ đến lợi ích chung của dân chúng!

Mọi quốc gia, mọi giáo hội, đều rất cần những vị minh quân, những mục tử nhân lành. Cần hơn cả việc có thật đông những cá nhân tài giỏi, xuất sắc. Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.

Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau: - “Tôi rất khâm phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều anh hùng”. – “Thế đất nước anh có nhiều anh hùng không?” – “Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm!” – “Lạ nhỉ, đất nước tôi nhiều anh hùng thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất nước anh không có anh hùng mà sao lại phát triển và giàu có như vậy?” “À, đất nước tôi thì bù lại, được khá nhiều vị minh quân!” Thì ra chỉ một vị minh quân - hay mục tử nhân lành - cũng đủ quí giá và ích lợi cho đất nước và Giáo Hội hơn nhiều anh hùng hay cá nhân xuất sắc hợp lại! Cầu mong cho đất nước và Giáo Hội Việt Nam có được những minh quân!

Cầu nguyện
Lạy Cha, xin Cha hãy ban cho Giáo Hội và đất nước con nhiều vị mục tử nhân lành hơn! Xin cho các nhà lãnh đạo đất nước và Giáo Hội con biết thật sự yêu thương người dân cũng như các tín đồ của mình hết lòng và sẵn sàng hy sinh phục vụ họ. Có như thế, đất nước và Giáo Hội con mới tiến bộ lên được. Amen.
JKN

CHỦ CHĂN NHÂN LÀNH
AM Trần Bình An

Trong đàn, thường có chiên chưa ngoan, nghịch ngợm, hay dại dột ham vui, mải mê đuổi theo những cánh bướm lả lướt, sặc sỡ, quyến rũ, hoặc thích lân la tìm kiếm hoa thơm cỏ lạ. Rồi lang thang vui chân lạc bầy, vô tình sa vào vòng vây sói dữ. Chủ Chăn Nhân Lành liền vội vã chạy đến che chở, giải thoát, cất tiếng an ủi, vỗ về đừng sợ, ngọt ngào gọi chiên trở về. Chẳng hề chần chừ, phân vân, bối rối, hay giả đui giả điếc, giả dại làm ngây, lưỡng lự lên tiếng hay không lên tiếng?

1.     Chủ Chăn luôn âu yếm gọi tên và chăm sóc từng con chiên.
          Người không thích chạy theo đám đông, không hoa mắt với những dãy số dài ngoằng, không hề mặn mà chạy theo thành tích tập hợp số đông xô bồ, mà mỗi cá thể chỉ được hiển thị bằng một con số lạnh lùng. Trái lại, Người quan tâm đến từng thân phận nhỏ nhoi, hèn mọn, chăm lo, gần gũi và thân mật gọi tên từng con, rổi dẫn chúng ra (Ga 10, 3)
                   Thậm chí, khi thấy một chiên bị lạc, Người không nỡ bỏ rơi, mà vội vàng tìm về cho bằng được. Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. (Lc 15, 4 – 6)
2.     Chủ Chăn luôn bảo vệ và dưỡng nuôi chiên.
          Người luôn yêu thương, chu đáo bảo vệ và dẫn dắt chiên khỏi lạc lối, khỏi nguy hiểm đồi cao, vực thẳm, khỏi lang sói hung tàn, khỏi dã thú đe dọa, khỏi cạm bẫy ác nhân thù địch. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau. (Ga 10, 4) Chiên muốn được an toàn, khỏe mạnh, hồi sinh, phải cậy nhờ Người nuôi dưỡng, bằng những thảo dược thần linh. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. (Ga 10, 9)
3.     Chủ Chăn luôn luôn thấu hiểu và chiên luôn trông cậy Chủ.
          Người luôn đồng hành, đồng cảm với chiên. Biết rõ những nhu cầu cấp bách của chiên, biết rành rẽ sức khỏe, sinh lực, lẫn năng lực, đồng thời biết cả những nhược điểm, yếu đuối, đam mê, dục vọng của chiên, để chăm sóc, giúp đỡ, vỗ về, hay bắt mạch kê toa chữa chạy. Ngược lại, nếu muốn tồn tại, sống còn, chiên cũng chỉ biết cậy trông vào Chủ Chăn Nhân Lành.
                    Chiên xa lánh chủ chăn giả mạo, kẻ chăn thuê, hoặc kẻ lạ nói tiếng lạ, bẻo mép, xảo ngôn, ngụy biện, nham hiểm đầu độc chiên bằng những tà thuyết, tà đạo phản nghịch với Tin Mừng. Vì thế, ngôn sứ Êdêkien đã phải nhắc lại cơn cuồng nộ của Thiên Chúa: “Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các người làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các người không làm cho mạnh. Chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành. Chiên bị thương các ngươi không băng bó. Chiên đi lạc các ngươi không đưa về. Chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi thú dữ …”
Vì thế, hỡi các mục tử, hãy nghe lời Đức Chúa. Ta lấy mạng sống Ta mà thề.- sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng-, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình, mà không chăn dắt đàn chiên cũa Ta, nên các mục tử hãy nghe Lời Đức Chúa, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Đây Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta; Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên…Ta sẽ giải thoát các chiên khỏi miệng chúng, để chiên Ta không còn làm mồi cho chúng nữa. (Ed 34, 2-10)
                   Chiên hiểu tấm lòng từ bi nhân ái của Chủ Chăn, cũng như đặt hết niềm trông cậy, phó thác vào Chủ Chăn. Chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì không nhận biết tiếng người lạ. (Ga 10, 5)  Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy. ( Ga 10, 10) Người làm thuê, vì không phải là Mục Tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, không thiết gì đến chiên.(Ga 10, 12-13)  Tôi biết Chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi. (Ga 10, 14)
4.     Chủ Chăn luôn tìm các chiên khác đem về chung một đàn.
          Người không chỉ hài lòng với chiên ngoan đang chăn dắt, mà còn sẵn lòng tìm kiếm những chiên khác còn bơ vơ, lạc loài, đem về chung đàn. Sứ vụ muôn thuở của Chủ Chăn Nhân Lành, là quy tụ lại muôn chiên tứ phương, hầu chúng đều được no thỏa trong đồng cỏ xanh tươi, được sống viên mãn. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ ghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đòan chiên và một mục tử. (Ga 10, 16)
5.     Chủ Chăn hy sinh để cứu rỗi chiên.
          Người chẳng tiếc mạng sống, mà sẵn lòng chịu hy sinh, chịu khổ nạn, chịu chết đi, để cứu vớt chiên được sống, thoát khỏi kiếp trầm luân vĩnh viễn. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10, 10) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10, 15)
         
          Lạy Chúa Giê su, xin cho con biết lắng nghe tiếng Chúa gọi, mỗi khi con lỡ bước lạc bầy, để con tỉnh ngộ, nhận biết và đi theo Chúa luôn mãi.
          Lạy Mẹ xin cho nhiều người mở lòng đón nhận tiếng Chúa mời gọi, để dâng hiến phục vụ tích cực Nước Chúa, cũng như nhắc nhở con luôn cộng tác vào việc chăm sóc Ơn Gọi. Amen
AM Trần Bình An

GÃ CHĂN BÒ CỦA THẾ KỶ 21
Pio X Lê Hồng Bảo

Có lẽ hình ảnh “người chăn chiên” hơi xa lạ với dân Việt nam. Trưởng thành từ nền văn minh lúa nước, hình ảnh những chú mục đồng nằm trên lưng trâu hay cưỡi trên lưng bò với ống sáo vi vu giai điệu nom gần gũi và thân thương hơn. Cho dù thuộc tầng lớp nào hay làm nghề nghiệp gì, cũng có người hiền kẻ dữ: Từ vua chúa, quan quyền, địa chủ, phú hào cho đến thương nhân, sĩ tử, công nhân hay nông dân… Nhưng trong tâm khảm tôi, hình ảnh các chú mục đồng luôn luôn… hiền! Không chỉ là những chú bé trong tranh Đông Hồ mà cả những “gã chăn bò” tôi gặp trong cuộc đời bươn chải. Những gã chăn bò luôn tìm những bãi cỏ tốt nhất cho đàn của mình, những gã chăn bò cuối ngày luôn kiểm tra xem bò của mình đã no chưa, những gã chăn bò đi ngang đám mía mới chặt tranh thủ xin một bó ngọn mía cho những con bò cái đẻ, những gã chăn bò mùa lạnh đi xin rơm để thả vào chuồng cho ấm đàn bò…
Có lẽ vì yêu thương loài vật nên họ luôn… hiền!

Hồi còn bé, tôi cũng từng bị chinh phục bởi hình ảnh những gã chăn bò khác qua nghệ thuật thứ bảy: những chàng cao-bồi (cowboy) trong loạt phim western vào thập niên 50 – 60. Đó là những gã chăn bò trông giang hồ và phong trần hơn với hai tay hai súng, giày da cao cổ, tấm áo khoác tròng đầu cũng là tấm chăn đắp lúc đêm về giữa trảng cỏ mênh mông. Những gã chăn bò cưỡi ngựa như làm xiếc, bắn súng nhanh như điện và nhiều kỹ năng khác để đối phó và tồn tại giữa môi trường hoang sơ nhưng rất nhiều tranh chấp. Nhưng những nét chính mà tôi nhận thấy ở họ là: gan lì và hiệp nghĩa! Bấy nhiêu kỹ năng và đức tính ấy chỉ để bảo vệ đàn gia súc mà họ chăn dắt.

Nhưng chung quy, chăn bò Việt nam hay chăn bò Mỹ đều… ít được ăn học! Thật khó để đồng hóa hình ảnh người mục tử mà Chúa dùng với các linh mục được học hành nghiêm túc hiện nay.

Những năm sau này, tôi cũng có dịp được gặp gỡ và sinh hoạt với một số linh mục có nhiều kỹ năng: có vị đàn hay hát giỏi, có vị biết ảo thuật hay làm xiếc, có vị vừa đọc rap vừa nhảy hip-hop điệu nghệ như chàng cao-bồi vừa phi ngựa vừa quăng dây lasso bắt chú ngựa bất kham… Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy hơi bất kính khi so sánh các ngài với những “gã chăn bò” mà tôi vừa đề cập.

Trước giờ tôi vẫn một mực kính trọng các vị mục tử thay mặt Chúa ở giữa trần gian này. Không chỉ vì chiếc áo chùng đen nghiêm trang đạo mạo hay vẻ linh thánh toát ra khi các ngài nâng cao tấm bánh đọc lời truyền, tôi còn kính phục các ngài vì sự tinh thông uyên bác trong nhiều lĩnh vực. Hẳn là các ngài đã được học hành nhiều lắm, rèn luyện dữ lắm! Để trở thành một Alter Christus hẳn không phải là một điều dễ dàng. Tôi từng khâm phục một vị rất nghiêm túc trong giờ giấc và công việc, chúng tôi thường gọi ngài là “reglo” – mẫu người mực thước. Câu nói cửa miệng của ngài là “giờ nào việc ấy”. Khi ngài nói 7 giờ dâng lễ thì nghĩa là đúng 6g60’ ngài bước ra cung thánh trong phẩm phục và ca đoàn phải hát Ca nhập lễ. Tôi thầm nhủ, với cung cách ấy, ngài mà ra đời làm giám đốc doanh nghiệp hẳn cũng rất thành công.

Rồi có lần, tôi chứng kiến cảnh mấy bà Legio thuyết phục đám “con trời” đi xưng tội mùa Phục sinh. Thật ra, đám “con trời” rất dễ thương, chỉ phải cái tội “nhác” và “nhát”. Bê trễ lâu ngày đâm ra lười nhác. Đến với ông cha nghiêm nghị cũng cảm thấy nhát sợ. Thế là, sau nhiều lần hẹn tới hẹn lui, cả bọn tập trung tại nhà một chú, “chích” mỗi chú một ly để lấy can đảm rồi dắt nhau vô Cha. Không biết có phải vì bấy nhiêu “thủ tục” khề khà ấy mà các chú vô Cha hơi trễ hay không? Vào nhà thờ không thấy Cha, cả bọn kéo vào nhà xứ:
-         Thưa Cha, tụi con xin xưng tội…
-         Tụi bay có đọc bảng thông báo dán ở đằng trước không? 14 giờ đến 16 giờ. Giờ nào việc ấy! Bây giờ, Cha mắc đi ăn cơm…
-         Thưa Cha, hôm nay là ngày cuối cùng ạ!
-         Vậy sao bữa giờ không lo? Cha cũng đã thông báo giữa nhà thờ mấy Chúa nhật liền, có đi lễ đâu mà nghe!
Cả bọn tiu nghỉu kéo về và rất lâu sau đó, tôi không gặp họ ở nhà thờ…

Rồi cơ duyên cũng cho tôi được cộng tác với một vị mục tử khác: Vị này khéo tay và lắm tài! Trong tam nhật thánh, tôi phải túc trực luôn trong nhà xứ để làm công việc trang trí vì ba ngày này mang 3 ý nghĩa khác nhau. Ngài luôn cùng làm với tôi vì trang trí cũng là sở trường của ngài. Cứ giải tội hết một tốp là ngài lại vào nhà xứ cởi áo dòng khoác lên ghế rồi xắn tay áo cùng làm. Có người đến xưng tội, ngài lại ra. Khoảng 11g30 trưa, hai cha con vừa làm dấu ăn cơm, nhác thấy bóng một anh thanh niên ngoài nhà thờ, ngài khoác vội áo dòng bước ra. Tôi can:
-         Đợi có vài người rồi Cha ra giải tội luôn thể, ăn cho xong bữa cơm đã?
-         À, trách nhiệm của mình là đến tận nhà năn nỉ hắn đi xưng tội, nay hắn đã tự động đến mà mình không ra ngay, rủi hắn đổi ý đi về thì mình… lãnh đủ! - Ngài vừa nói vừa cười thật hồn nhiên.
Khi đã giải tội cho chàng trai xong, trở vào bàn ăn, ngài tâm sự thêm với tôi:
-         Mình tự thấy không “học”* nổi các thánh, mình chỉ “học” anh chăn bò. Cuối ngày, lùa bò về chuồng đếm thiếu mất một con nghé (lũ nghé ưa nhảy lăng quăng lắm!) Anh vào ăn vội chén cơm để có sức vào rừng tìm ngay chứ không may chú nghé gặp tụi dắt trộm là… xong đời. Vừa bưng chén cơm lên, nghe tiếng chú nghé lạc “nghé… ọ…” bên ngoài, anh chăn bò có đợi ăn hết bữa cơm hay vội vàng bỏ chén  cơm đang ăn để ra dắt chú nghé lạc vào chuồng?
Tôi nghẹn, chan vội muỗng canh…
Từ đó, tôi gọi ngài là “gã chăn bò của thế kỷ 21”.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không yêu cầu các môn đệ Chúa phải trở nên những vị quan thanh liêm, những ông tướng thao lược, những giám đốc tài ba, những chính trị gia kinh bang tế thế. Vì vậy, xin cho chúng con chỉ biết cầu xin và kỳ vọng ở các ngài vai trò mục tử thiện hảo giữa thế kỷ 21 đầy nhiễu nhương này. Amen. 

  • “học”: tiếng Quảng trị có nghĩa là “bắt chước”.
Pio X Lê Hồng Bảo


MỤC TỬ NHÂN LÀNH
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)


Mục Tử Nhân Lành sáng chữ Tâm,

yêu chiên, bảo vệ, dẫu thăng trầm.

Cỏ xanh tươi tốt, nuôi bồi dưỡng,

suối mát trong lành, nghỉ bóng râm.

Chăm sóc chiên ngoan, đường chính nghĩa,

kiếm tìm chiên lạc, bước sai lầm.

Liều mình thí mạng, loài lang sói,

Thịt – Máu thần lương, sáng Phúc Âm.

27/04/2012
Hạt Nắng




TÌNH MỤC TỬ
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)


Nỗi ray rứt, dày vò sâu thẳm,
vết thương lòng gậm nhấm đau thương.
Xót xa lâm cảnh đoạn trường,
đam mê trần thế lạc đường tâm linh.

Mang gánh nặng, niềm tin u tối,
như chiên hoang lạc lối quay về.
Cảm thông nỗi khổ ê chề,
Chúa tìm con giữa sơn khê đại ngàn.

Tình Mục Tử nồng nàn, ấp ủ,
giải thoát con, sóng dữ cuồng phong.
Đương đầu lang sói tấn công,
đưa con về tắm suối trong ân tình.

Hồn nên sạch, tâm linh mạnh sức,
dưỡng nuôi con, lương thực thần linh.
Rượu nồng – giọt máu hy sinh,
Bánh thơm – chính thịt thân mình hiến dâng.

Tình Mục Tử, “Xin Vâng” cạn chén,
trái tim nồng, dâng hiến vì yêu.
Dâng mình hy lễ toàn thiêu,
tình nào khôn sánh, huyền siêu hơn Ngài.

Đời chiên hạnh phúc, thái lai,
nhờ người mục tử miệt mài dấn thân.
Phúc thay hai tiếng “nhân lành” …

27/04/2012
Bâng Khuâng Chiều Tím


MỤC TỬ NHÂN LÀNH
CN IV PS B - Ga 10, 11-18

Người Mục Tử đạt cao đỉnh mến
Thành muối men tận hiến trao ban
Toàn thiêu  hy lễ  nát tan
Qúy tình bạn hữu xả thân không màng

Nên giống Chúa hiên ngang gương mẫu
Yêu đoàn chiên chiến đấu đến cùng
Sai đi  nhân chứng hào hùng
Đức tin tỏa sáng kiên trung tuân hành

Hồn thanh khiết tốt lành nhuần thấm
Đức mến yêu sâu đậm vô ngần
Vui mừng chan tưới hồng ân
Vỗ về thông cảm ủi an nhân hiền

Người Mục Tử với chiên lầm lạc
Biết thứ tha vướng mắc tội vương
Chúa Chân Thiện Mỹ hướng đường
Hiến dâng phục vụ yêu thương nhiệt tình

Lòng tận tụy hy sinh bền mãi
Trái tim yêu quảng đại thênh thang
Chúa nguồn hạnh phúc Thiên Đàng
Mong nhiều Mục Tử sẵn sàng vì yêu

Lm. Khuất Dũng sss



MỤC TỬ VÌ ĐÀN CHIÊN

Hỡi Người Mục Tử tốt lành
Vì đoàn chiên nhỏ trở thành lễ dâng
Bỏ ngai trời xuống phàm nhân
Tế sinh Thập Giá chuộc thân tội đồ

Yêu từ trong thuở hư vô
Dẫu thân tôi chỉ bụi tro phàm hèn
Đem về tháp nhập ràn chiên
Ân tình no thỏa trên miền cỏ xanh

Ăn cùng đĩa ngọc thơm lành
Uống say dòng nước ngọt thanh ơn trời
Đi theo can trượng của Người
Miệng môi hát khúc ngàn đời khong khen

Một Mục Tử, một ràn chiên
Người đi dẫn lối về miền trường sinh
Lữ hành chan chứa thánh tình
Nhịp nhàng hành khúc an bình hoan ca

Cố hương linh hiển bóng Cha
Đầu tôi Dầu Thánh Ngôi Ba giữ gìn
Yêu thương Mình Máu trọn tình
Lương thần no thỏa hiến mình nuôi tôi

Tạ ơn Mục Tử cao vời
Vì đàn chiên nhỏ, Ơn Trời mưa sa
Mẹ Hội Thánh tấu trường ca
Kính dâng Mục Tử hiền hòa khoan nhân

25-4-2012
Mic. Cao Danh Viện


CHÚA CHIÊN LÀNH
(Ga 10, 16-18)

Nghe tiếng Chúa:

Tôi còn có nhiều con chiên xa lạc.
Tôi phải tìm, và đưa hết chúng về.
Tiếng tôi êm dịu, chúng sẵn lòng nghe.
Sẽ chỉ một đoàn chiên, một mục tử.
Cha thương xót, tôi vâng theo Thánh Ý.
Tôi hy sinh để cứu độ chúng sinh.
Tôi có quyền lấy lại mạng sống mình
Vì mạng sống tôi không ai cướp được.
***
Quyền năng Chúa, trí khôn nào suy thấu?
Lòng xót thương của Ngài thật vô cùng…
Chúa cứu chiên lạc về hưởng phúc chung
Cùng các Thánh muôn đời trong nước Chúa.

Thế Kiên Dominic



  
CHÚA LÀ MỤC TỬ
"Ta là Mục Tử tốt lành.
 Mục Tử tốt lành thí mạng sống vì chiên." (Gio-an 10:11)

Chúa là Mục Tử tốt lành
Yêu thương chăm sóc Ngài dành cho chiên
Tình Ngài bát ngát vô biên
Hải hà huyền nhiệm thiêng liêng cao vời
Chiên nào lạc lối xa rời
Ngài đi tìm kiếm triệu mời hợp hoan
Những chiên bỏ bạn đi hoang
Chúa Chiên không quản lo toan vuông tròn
Ngài ôm âu yếm vào lòng
Cho chiên được sống trong vòng ràn chiên
An vui hạnh phúc triền miên
Chúa Chiên chăn dắt cách riêng an toàn!

Nguyễn Sông Núi - Apr. 26, 2012


MẪU GƯƠNG MỤC TỬ
(Ga 10, 11 – 18)

Mấy ai hiểu được điều này
Chủ chăn phải có lòng ngay ý lành
Đêm ngày tỉnh thức giữ canh
Hy sinh mạng sống để dành bình yên
Chúa là mục tử nhân hiền
Vòng tay ôm vỗ về chiên lạc đàn.
Kiếm tìm đưa chúng về ràn
Mừng vui, ca hát hân hoan mọi bề
Còn nhiều chiên vẫn mải mê
Chông gai, hầm hố, ngã lê, lạc loài.
Chưa phân biệt được đúng sai
Chiên tôi, tôi hiểu hơn ai trên đời
Lại đây nào , các con ơi
Đồng xanh, nước mát gọi mời từng giây
Chiên Thầy thì nghe tiếng Thầy
Khắp nơi họp lại một bầy bên nhau.
Như Cha ở chốn cao sâu
Thầy làm theo ý nhiệm mầu : xin vâng!
Cha bên Con luôn đỡ nâng
Quên đi mạng sống chọn phần phúc vinh.
Không giống chủ chăn giả hình
Làm thuê- sao dám tận tình vì chiên
Thấy sói sợ hãi trốn lièn
Mặc cho ác thú nhai nghiền , xé thây!
Chiên Thầy luôn nghe lời Thầy
Đường ngay nẻo chính ... Về đây an bình.
Cho dù đêm tối u minh
Hoặc khi bão tố trời kinh đất sầu.
Thầy không bỏ các con đâu
Cỏ xanh no thỏa ...tình sâu ý nồng.

Đỗ Văn




MỤC TỬ NHÂN LÀNH


Là mục tử Chúa thương trần thế
Vì đàn chiên bất kể thân mình
Đêm đông giá lạnh hạ sinh
Nghèo hèn máng cỏ trọn tình vì yêu

Chúa diù dắt bao điều dậy bảo
Cho đàn chiên rảo bước an toàn
Máu rơi thập giá hàm oan
Vì đàn chiên lạc bào toàn yêu thương

Chúa là cửa là đường chiên đến
Lòng nhân từ bờ bến bình an
Ai người khốn khổ lầm than
Lòng Thương Xót Chúa ủi an soi đường

Hỡi bao kẻ trót vương tội lỗi
Hãy trở về thống hối ăn năn
Trần gian sỏi đá khô cằn
Tình đời hoang tưởng băn khoăn nỗi lòng

Ơn Thên Triệu xin mong đổ xuống
Trên những người kính Chúa trên cao
Đàn chiên mong ước đón chào
Khát mong mục tử dồi dào trần gian

Để dẫn dắt đàn chiên đúng hướng
Mọi nẻo đường chướng ngại vượt qua
Mùc tử có trái tim ngà
Trái tim của Chúa đậm dà yêu thương.

Tận hiến đi hết con đường

Vincent Khánh Trần


NGƯỜI CHĂN CHIÊN
Ánh chiều xuống chân trời
Vội vàng cánh chim côi
Bay về nơi tổ ấm
Chiều hoàng hôn mây trôi.

Đàn chiên hỡi, về thôi!
Đường về còn xa lắm
Phải qua bao sườn núi
Vượt ngang những sườn đồi

Bước xuống vời thung lũng
Chập chùng đêm chơi vơi.
Đàn chiên hỡi, về thôi!
Đường dài đầy hiểm nguy

Rập rình quanh lối đi
Đừng sa chân lạc hướng
Quanh bóng đêm phủ đầy.
Đàn chiên hỡi, ta này!

Hãy cùng ta tiến bước
Đừng ngại đường phía trước
Ta thuộc từng lối đi
Cứ bước đừng sợ chi!

Đàn chiên hỡi, nhìn đi!
Ánh sáng ở kia rồi
Tổ ấm đang gọi mời
Ta tiến bước nhanh thôi!

…Hãy ngủ đi chiên ơi!
Đêm dài còn lắm mộng
Ta đây vẫn ngồi trông
Giấc điệp nồng chiên hỡi!

Ngày mai đời sẽ tới
Ta lại cùng chiên đi
Tìm suối mát cỏ tươi
Trên đường đời trăm lối

Hãy ngủ đi chiên ơi!
Hãy ngủ đi chiên ngoan!
                
 27/4/2012 - Song Lam



TRÁI TIM MỤC TỬ
CN 4 Phục Sinh B

Trái tim con mang theo bao hệ lụy
Của ưu phiền thao thức biết về đâu!
Người có chín mươi chín chiên sáng mầu
Còn con, một nẻo lạc loài tăm tối

Trái tim mang nhiều khát vọng thay đổi
Chẳng bằng lòng với nếp sống nhạt trôi
Giữa dòng đời con lỡ nhịp, sai rồi
Tựa vách buồn, cửa đồng xanh đã khép

Quay gót đơn côi một chiều nắng đẹp
Chợt thoảng như róc rách suối nhạc chờ
Tiếng ai xưa gọi lạc giọng xác xơ?
Giữa thảo nguyên mướt xanh ngày mùa cũ

Con chần chờ đi giữa niềm ấp ủ
Nhớ nhung hoài trái ngọt thuở bình an
Người gieo, để con gặt trĩu mùa vàng
Thấu sao cùng nỗi lòng người Mục Tử

Để lại chín mươi chín chiên ưu tú
Người khắc khoải rảo muôn lối tìm con
Tận tâm chăm sóc phận mỏng bất toàn
Cho trở về trong trái tim Mục Tử.

27-4-2012
Thanh Hương



CHÚA CHIÊN LÀNH

Ta là Mục Tử nhân lành
Ta hy sinh mạng sống dành cho chiên
Kẻ làm thuê thấy sói điên
Bỏ chiên mà chạy mặc chiên nguy nàn
Ta, Mục Tử của bình an
Chiên Ta, Ta biết, cả đàn biết Ta
Cũng như Cha biết về Ta
Và Ta hằng biết Chúa Cha cao vời
Ta còn chiên khác trên đời
Những chiên thất lạc xa rời đàn đây
Ta mang chúng về hợp bầy
Chúng nghe biết tiếng Ta đây mà về
Sẽ là đàn chiên một bề
Và một Mục Tử vỗ về thương yêu
Cha Ta yêu Ta rất nhiều
Bởi Ta tự thí mạng liều vì chiên
Tự quyền Ta thí mạng hiền
Tự quyền Ta lấy lại liền mạng Ta
Đấy là mệnh lệnh của Cha”.
Hỡi lòng Mục Tử bao la nhân lành
Chúa chiên của cõi cao xanh
Đấng liều cả mạng sống dành cho con
Thử xem cõi đời héo hon
Có ai thủ lãnh sắt son như Ngài
Ai yêu thuộc hạ chẳng phai
Thần Minh có một không hai tuyệt vời
Giê-su chính Con-Chúa-Trời
Chúa Chiên Lành, Đấng cứu đời, từ nhân.

Giuse Nguyễn Văn Sướng


TÌNH DÂNG HIẾN
(CN IV PS/B – 2012)

Người là Mục Tử nhân lành
Nuôi chiên đồng cỏ thơm xanh ngọt ngào
Giữ canh kẻ lạ lẻn vào
Kẻo gây tổn hại lao xao chiên ràn
Người là Mục Tử sẵn sàng
Hiến dâng mạng sống cho đàn chiên yêu
Can-vê Người chết một chiều
Cứu nhân loại khỏi phong nhiêu luân trầm.
Con xin đáp trả tình thâm
Theo Người dâng hiến trọn tâm thân này
Con đây xin Chúa đổi thay
Để nên khí cụ trong tay của Người
Ra đi gieo rắc nụ cười
An bình hạnh phúc cho người bốn phương
Hy sinh bác ái yêu thương
Sống Lời Chúa dạy theo đường Chúa đi
Khó khăn thử thách ngại chi
Vì luôn có Chúa còn gì băn khoăn
Đẹp thay nước mắt ăn năn
Quyết tâm hoán cải siêu thăng tâm hồn
Một lòng thờ Chúa kính tôn
Trọn đời dâng hiến nên môn đệ Thầy.

Scholastica.


  
MỤC TỬ GIÊSU

Chúc tụng Chúa Giêsu Mục Tử
Đấng Nhân Lành canh giữ đời con
Bên bờ suối mát cỏ non
Người cho con uống thoả lòng khát mong

Chúa hiện diện trên dòng cuộc sống
Đem máu hồng trải rộng tình yêu
Ôm con chiên lạc đăm chiêu
Vết thương băng bó sớm chiều ủi an

Đây Bánh các thiên thần Chúa tặng
Bổ dưỡng ai gánh nặng đa đoan
Lời Người sức sống chứa chan
Cho con hạnh phúc bình an tâm hồn

Hoàng hôn xuống như còn lưu luyến
Giục hồn con xao xuyến ăn năn
Tội con Chúa xóa bao lần
Khi nhìn thương tích hồng ân của Người

Nay con muốn trọn đời theo Chúa
Chân reo vui chan chứa niềm tin
Cho con sức mạnh tinh tuyền
Để con canh giữ đàn chiên của Người

Trên đồng cỏ xanh tươi Hội Thánh
Nắng chiều tà lóng lánh hồng ân
Kết liên trong một Thánh Thần
Đàn chiên duy nhất chứng nhân Nước Trời

Tiếp bước Chúa sống đời Mục Tử
Con lao mình phục vụ tha nhân
Để cho muôn nước xa gần
Hân hoan hiệp nhất trong Dân Thánh Người.

Nt. Bích Ngọc


  
CHÚA LÀ MỤC TỬ
(Ga 10, 11- 18)

Chúa là mục tử nhân hiền
Yêu thương nuôi dưỡng đàn chiên an lành
Thỏa nguồn suối mát cỏ xanh
Nắng hồng lông mượt mây thanh xoải mình.
Cửa chiên phòng sói chực rình
Tên từng con một khắc in trí lòng
Đêm tìm chiên lạc long đong
Chín mươi chín để một mong hợp đàn.
Xa xăm chiên có nhiều ràn
Xốn xang hiệp nhất nên đàn chiên ngoan
Chiên đau chăm sóc thuốc thang
Chiên lành tăng sức sống tràn an vui.
Chăn thuê thấy sói chạy lui
Chủ chiên chiến đấu dập vùi mộ sâu
Giê-su vinh thắng nhiệm mầu
Phục sinh Hội Thánh hát câu ân tình.
Lắng nghe mục tử thuyết trình
Bóng râm gặm cỏ lặng thinh gẫm Lời
Hồng ân Thánh Thể cơ ngơi
An bình con hưởng diệu vời tình yêu.
Chúa là mục tử huyền siêu
Cánh đồng thế giới phong nhiêu phúc lành
Muôn ràn chiên Chúa tác thành
Nguyện cầu hiệp nhất sáng danh Chúa Trời.

Cát Vàng- 11-4-2012



NGỢI CA MỤC TỬ NHÂN LÀNH
CN IV PS-B – (Ga 10, 11 – 18)

 Lang thang đồng hoang, tái tê tiếng chiên lạc đàn,
đam mê phu du, sa lầy, tâm hồn mù quáng.
Lạc loài bơ vơ, giữa giòng đời, chiên biết về đâu,
nỗi đau dày vò, nhức nhối, vết thương hằn sâu.

Hy sinh vì chiên, dấn thân kiếm chiên về ràn,
ra đi tìm chiên, sẵn sàng, đương đầu lang sói.
Liều mình vì chiên, hiến thân mình, tuôn máu lệ rơi,
chết treo trên đồi, hy lễ mới, mãi còn ngân vang.

Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành,
gọi tên từng con, đưa về đồng xanh, suối mát.
Cỏ non thơm ngát, bên giòng nước trong,
trái tim ấm nồng, cho chiên nguồn hạnh phúc.

Chúa chính là Mục Tử Nhân Lành,
rượu ngon nồng say, nên nguồn hồng ân Máu Thánh.
Bánh thơm trinh trắng, lương thực Đức Tin,
thánh ân dồi dào, Lời Chúa, sức mạnh thần linh.

Hoan ca tình yêu, tín trung bước chân vào đời,
loan tin mọi nơi, Chúa Chiên Lành, cứu chuộc thế giới.
Hòa bình yêu thương, sống chan hòa, hạnh phúc yên vui,
bước theo chân Người, làm mục tử, xây đời thắm tươi.

26/04/2012
Nắng Sài Gòn


TÌNH CA MỤC TỬ
 CN IV PS – Chúa Chiên Lành  – (Ga 10, 11 - 18)

Tình yêu Chúa cao vời khôn ví,
đã hiến thân thí mạng vì con.
Hy sinh cam chịu roi đòn,
chết treo thập giá sắt son bền lòng.

Là Mục Tử - máu hồng minh chứng,
bảo vệ chiên chịu đựng gian nguy.
Hiểm nghèo trên bước đường đi,
chống loài sói sữ, kiên trì liều thân.

Đời chiên lạc muôn phần khốn khó,
sống lang thang, gian khổ, bơ vơ.
Trái tim Mục Tử mong chờ,
khắc khoải tìm kiếm bụi bờ trần gian.

Tình Mục Tử ngút ngàn nồng thắm,
thấu hiểu chiên sâu thẳm tâm tư.
Tình yêu ấp ủ nhân từ,
đưa về đoàn tụ an cư một nhà.

Chăm sóc chiên chan hòa suối mát,
đồng cỏ non xanh ngát nghỉ ngơi.
Thần lương bồi dưỡng tuyệt vời,
Mình Máu Thánh Chúa cùng Lời Ngài trao.

Chiên được sống dồi dào, mạnh khỏe,
hạnh phúc reo, vui vẻ hân hoan.
Tình yêu chiên được kiện toàn,
sống đời chia sẻ theo đàng Ngài đi.
Lòng chiên hát khúc tình si,
Bài ca Nhân Chứng bước đi oai hùng.
bước theo Mục Tử  kiên trung.

AP. Mặc Trầm Cung



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.