CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
NGÀY 1/7/2012
PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43 {hoặc 21-24. 35-43}
"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".}
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn. Đó là lời Chúa.
Lời Chúa: Kn
1,13-15;2,23-24; 2Cr 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43
1. Đừng sợ.
Sợ
hãi có lẽ là tâm trạng chung của con người, ngày xưa cũng như hôm nay. Qua đoạn
Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy: Trong khi các môn đệ và Chúa Giêsu vượt biển,
thì bỗng dưng cuồng phong nổi lên, sóng gió ập vào đến nỗi thuyền đầy nước và
sắp chìm. Các môn đệ ra sức chèo chống và tát nước, còn Chúa Giêsu vẫn đang ngủ
say. Các ông sợ hãi đánh thức Ngài dậy. Chỉ với một lời đầy quyền năng: Hãy im
đi, hãy lặng đi. Lập tức sóng liền yên, biển liền lặng và các ông đem thuyền
vào bến bình an.
Với
chúng ta cũng vậy, cuộc đời người Kitô hữu nói riêng, hay Giáo Hội nói chung,
vẫn không thiếu những sóng to và gió lớn. Nó làm cho con thuyền cuộc đời chúng
ta bị chao đảo và dường như muốn chìm xuống đáy nước. Trong những giờ phút đen
tối, chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu: Đừng sợ.
Đây
cũng là lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đấng kế vị thánh Phêrô, đã lặp lại
để động viên chúng ta, ngay từ những ngày đầu lãnh nhận sứ vụ thay mặt Chúa ở
trần gian. Và từ đó, Đức Thánh Cha đã không mệt mỏi lặp lại lời này. Nó có giá
trị trấn an thế giới đang sẵn sàng bước vào ngàn năm thứ ba.
Tại
sao lại đừng sợ? Vì bên trên chiến tranh, tàn khốc, bên trên những xung khắc
kinh tế và xã hội, bên trên tính bất khoan dung và sự nghèo đói mà nhân loại
đang phải gánh chịu, còn có Tin Mừng mang lại sự sống và sự bình an. Đó chính
là nguồn hy vọng cho thế giới ngày mai. Tuy nhiên bản thân chúng ta cần phải
làm gì để không còn sợ hãi?
Trước hết
chúng ta phải biết làm chủ cảm xúc của mình. Thực vậy, cây cỏ tuỳ vào thời tiết để sinh trưởng,
nhưng chúng ta thì khác, chúng ta phải tạo ra thời tiết chung quanh chúng ta.
Trong giao tiếp hằng ngày, nếu chúng ta chỉ đem đến mưa bão, gió lạnh và bóng
tối, thì những người chung quanh chúng ta cũng sẽ đáp trả lại bằng những mưa
bão, gió lạnh và bóng tối. Trái lại, nếu chúng ta đem đến cho họ niềm vui,
tiếng cười, lòng hăng say và ánh nắng rực rỡ, thì sọ sẽ phản ứng với niềm vui
mừng và hy vọng chan chứa. Cái thời tiết chúng ta đã tạo ra sẽ mang đến cho
chúng ta một mùa gặt sung mãn. Gieo gì thì gặt nấy. Nếu chúng ta gieo rắc sự
bình an, thì chúng ta cũng sẽ gặt lấy được sự bình an và chúng ta sẽ không còn
phải sợ hãi.
Tiếp
đến, chúng
ta phải xây dựng cuộc đời chúng ta trên nền tảng đức tin. Bởi vì đức
tin luôn chiến thắng sợ hãi, đức tin là một sức mạnh mà nỗi sợ hãi không thể
nào chống đỡ được. Nếu cõi lòng chúng ta chất đầy niềm tin, thì chắc chắn sẽ
không còn chỗ cho sợ hãi nữa. Và như thế, chúng ta chỉ còn một nỗi lo sợ duy
nhất đó là lo sợ không mến Chúa và yêu người cho đủ mà thôi.
2. Đụng
đến áo.
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Giữa
đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Ngài. Nhưng
chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của một
người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy
thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị coi là ô nhơ: không được đụng đến người
khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ.
Người
phụ nữ đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà
mạnh mẽ. "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi." Cái đụng
của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong
đời sống Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. Đụng đến Lời Ngài, đụng
đến Mình Máu Thánh Ngài. Đụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái
tim.
Có
những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không
đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi. Hay nói đúng hơn, vì biết
mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài. Đụng vào Đấng Thánh để được nên
trong sạch.
Chúng
ta cần đụng đến Đức Giêsu mỗi ngày và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông
trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình. Ngài đã cầm tay cô bé để kéo
cô ra khỏi cái chết. Như con gái của ông trưởng hội đường, chúng ta cần được
Chúa cầm tay và bảo: "Hãy chỗi dậy."
Chỗi
dậy khỏi bệnh tật và cái chết. Chỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình
thường. Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai
phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin. Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người
phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con" (c.34).
Ngài
nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi"
(c.36). Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. Cần nhạy cảm để nhận ra cái
đụng nhẹ của Ngài.
Khi
đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ
của anh em, là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi
đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa
nơi mọi biến cố. Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, đời bạn sẽ hoàn
toàn đổi mới.
Gợi Ý Chia Sẻ
·
Có khi nào bạn
được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang
lâu dài trong đời bạn?
·
Việc rước lễ có
giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào
cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?
Cầu Nguyện
Lạy
Chúa Giêsu,
Dân
làng Nazareth
đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin
Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên
Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.
Cũng
có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh
mục yếu đuối trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.
Dường
như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra
Ngài bằng con mắt đức tin.
Xin
thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa
lòng cuộc sống.
3. Lời
kêu xin.
Đoạn
Tin mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy các tông đồ đang ở vào một tình thế
tuyệt vọng. Lời van xin của họ dường như bị sóng biển vùi lấp:
-
Lạy Thầy, xin
cứu chúng con.
Chúa
Giêsu rất có thể lên tiếng trách cứ các ông:
-
Bộ các con không
hiểu rằng bao lâu Thầy còn ở với các con, thì không một tai ương hoạn nạn nào
có thể xảy ra.
Thế
nhưng lời van xin ấy lại rất bình thường và gần gũi với bản tính của chúng ta.
Lời van xin xuất phát từ trái tim của một tạo vật nhỏ bé, như muốn xác quyết
rằng: Vấn đề thật vô phương cứu chữa, chỉ mình Chúa mới có thể giúp đỡ.
Thế
nhưng ngày hôm nay, liệu chúng ta có còn tìm thấy những lời van xin đầy tin
tưởng và hy vọng như thế hay không? Nếu chúng ta hỏi những người lính chiến
rằng: Vào những lúc nguy hiểm có bao giờ các bạn đã nghĩ tới Chúa và xin Ngài
giúp đỡ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.
Nếu chúng ta hỏi những người lái xe rằng khi xảy ra
tai nạn có bao giờ các bạn nghĩ tới đời sau và xin Chúa phù trợ hay không. Hầu
như tất cả đều trả lời rằng không. Chiếc tàu Dora với một ngàn bảy trăm hành
khách, chẳng may gặp nạn và chìm dần xuống biển, người ta đã ghi nhận được một
cảnh tượng thật trái ngược trong thời điểm hoảng hốt đó. Các cô thì lo giữ lấy
đôi giày của mình. Các bà thì lo giữ lấy những bộ áo của mình. Các ông thì lo
giữ lấy ví tiền của mình. Chỉ có một em bé năm tuổi là đã quỳ gối cầu nguyện.
Ngay
cả bản thân chúng ta cũng thế. Mỗi khi gặp phải tai ương hoạn nạn, chúng ta
vùng vẫy, chúng ta kêu gào, chúng ta làm mọi cách để thoát khỏi tai ương hoạn
nạn ấy, nhưng lại không biết mở miệng kêu xin: Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp con kẻo con chết mất. Chỉ mình Chúa mới có
thể bảo đảm cho con được an toàn.
Chúng
ta cũng giống như dân ngoại. Chẳng tìm thấy hướng đi cũng như ánh sáng cho cuộc
đời chúng ta. Ngày xưa mỗi khi mất mùa đói kém giặc giã xảy ra, người ta kêu
cầu Chúa: Lạy Chúa xin giúp đỡ con.
Người
ta tổ chức những cuộc rước kiệu, những cuộc hành hương để kêu cầu Chúa. Còn
chúng ta ngày hôm nay thì sao? Ngày hôm nay, người ta có rất nhiều phương tiện,
chẳng hạn như thuốc trụ sinh, công ty bảo bảo hiểm, và người ta cảm thấy không
còn cần đến sự trợ giúp của Chúa nữa. Và tệ hơn nữa, người ta muốn trục xuất
Thiên Chúa ra khỏi những sinh hoạt cá nhân và xã hội. Người ta muốn thay trời
vắt đất làm mưa. Người ta sống như không còn sự hiện diện của Ngài nữa.
Từ
những điều vừa trình bày chúng ta đi tới kết luận: Bao lâu Chúa Giêsu còn ở
trong chúng ta thì không một tai nạn nào có thể xảy ra. Tuy nhiên con người
thời nay lại không hiểu là như thế. Do đó, vấn đề cần phải đặt ra cho mỗi
người, đó là Chúa Giêsu có thực ở trong thuyền đời chúng ta hay không. Tôi đã
phản ứng và hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đen tối. Tôi có biết
hướng tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người
chúng ta phải tự tìm lấy lời giải đáp.
4. Cảm
nghiệm về Chúa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt.
Hai
người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.
-
Người đàn bà
bị bệnh băng huyết lén lút sờ
vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển:
bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy
chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.
-
Em bé không
đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa
đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác
khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị
trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về
với thế giới sự sống.
Nhưng
những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi
người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng
hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm
hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối
xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ,
chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị
trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên
được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã
đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại
sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm
nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người
cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền.
Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân
cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát
khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu
thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về
Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người.
Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.
Người
phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng
quí.
·
Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến
tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống
đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu
Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo
ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người,
nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen
ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế
đã xứng đáng được Chúa thưởng công.
·
Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường
thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu
lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà
còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân
Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và
tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.
Hằng
ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng
chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình
Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm
đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo
túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào
trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa.
Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu
lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi
gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa
bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự
khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu
Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu,
khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương
của Chúa.
Lạy
Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm
sâu. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa
không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?
2. Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm
không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng
vào bạn và bạn đụng vào Chúa?
3. Có lần nào bạn đã cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào
bạn chưa?
5. Tin và sờ – Guy Morin.
“Đừng sờ!” đó là điều cấm đoán đầu tiên trong thời
thơ ấu của chúng ta. Những món đồ chưng bày mảnh mai, những đồ vật nguy hiểm bị
cấm đụng tới, và người lớn đàn áp chúng ta, không muốn chúng ta tiếp xúc với
chúng. Trái lại họ tìm cách dụ dỗ chúng ta khi bắt chúng ta sờ con chó khiến
chúng ta sợ hãi. Trong cuộc sống, chúng ta có kinh nghiệm là xúc giác hủy bỏ
khoảng cách giữa những con người. Người ta có thể nhìn và nghe thấy từ xa nhưng
người ta chỉ sờ khi ở gần mà thôi, sờ tức là gần ai đó, thân mật với họ.
Chúa
Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, rất thường dùng đến việc tiếp xúc thể lý. Ngài dùng
tay sờ mắt, lưỡi, lỗ tai, da thịt bệnh nhân. Ngài ôm hôn trẻ con. Hơn nữa Ngài
để cho những người bệnh đụng tới mình và bảo thánh Tôma thọc bàn tay vào cạnh
sườn Ngài. Để diễn tả sự thật không chối cãi được của nhân tính Ngài, thánh
Gioan viết: “Những gì tay chúng tôi đã sờ nơi Ngôi Lời sự sống… chúng tôi đã
loan báo cho anh em” (Ga 1,1). Trong Tin Mừng hôm nay, có hai trường hợp sờ:
Một phụ nữ sờ gấu áo Chúa Giêsu; Ngài nắm tay một cô bé đã chết để làm cho cô
được sống lại. Lúc ban đầu, người phụ nữ này cũng như ông Giairô không muốn trở
nên thân thiện với Chúa Giêsu; họ chỉ muốn được Ngài chữa lành thôi. Tuy nhiên
đối với Chúa Giêsu những việc tiếp xúc này không chỉ là hành động thể lý mà
thôi; chúng phải dẫn đến một mối tương quan cá vị, mối tương quan của đức tin.
Từ tiếp xúc đến đức tin.
Trong
đám đông có một phụ nữ băng huyết. Thất vọng về các y sĩ, bà đã nghe nói về
Chúa Giêsu và thấy Ngài là cơ hội cuối cùng để bà được chữa lành. Bà táo bạo vì
bệnh của bà hay lây và làm cho bà trở nên ô uế (Lv 15,25). Không sao! Bà vẫn
len lỏi tới, sờ vào gấu áo Chúa Giêsu và bà được chữa lành. Chúa Giêsu là ai
đối với bà? Bà xem Ngài như thế nào? Bà không nghĩ đến việc này nhưng cử chỉ
của bà cho thấy Ngài là ai. Ngài là người chữa lành; còn bà là bệnh nhân. Ngài
có thể thỏa mãn nhu cầu về sức khỏe của bà; nơi Ngài có những năng lực chữa
lành. Bà muốn được đón nhận năng lực này. Hoàn toàn chỉ quan tâm đến bệnh tật
của mình, bà không tìm kiếm tương quan cá vị với Chúa Giêsu. Sờ được vào gấu áo
của Ngài là đủ cho bà rồi. Đối với bà, Chúa Giêsu trước hết là một phương tiện
để được chữa lành.
Chúa
Giêsu sẽ dẫn đưa bà đến một mối tương quan cá vị. Bà muốn lẩn trốn; Ngài kéo bà
ra khỏi sự vô danh của bà khi đưa mắt tìm bà. Và này đây bà run rẩy sụp lạy
dưới chân Ngài. Lúc này, Ngài chữa lành bệnh cho bà, bây giờ, là Ngài làm cho
bà run sợ. Chúa Giêsu không để bà phải sợ hãi, Ngài bảo: “Hãy đi về bằng an.
Đức tin của bà đã cứu bà”. Ngài trả lại sức khỏe cho bà nhân danh đức tin của
bà. Bà được chữa lành không vì đã đụng tới áo Chúa Giêsu như bà tưởng, nhưng vì
bà đã tin nơi Ngài. Từ nay, bà biết rằng chính đức tin đã cứu thoát bà. Chúa
Giêsu đã dẫn đưa bà từ một tin tưởng ma thuật đến đức tin vào bản thân Ngài.
Trường
hợp ông Giairô lại khác hẳn. Với niềm tin tưởng, ông xin Chúa Giêsu đến đặt tay
lên con gái ông đang hấp hối để nó được sống. Dọc đường có người đến báo cho
ông hay rằng cô bé đã chết và khuyên ông đừng làm phiền Chúa nữa: “…Phiền Thầy
làm gì nữa?”. Tức khắc Chúa Giêsu đã hỗ trợ đức tin của ông Giairô, duy trì mối
liên hệ của ông với Ngài và đồng hành với ông, giúp ông vượt qua nỗi sợ hãi:
“Đừng sợ chỉ cần tin mà thôi”. Cứ tiếp tục tin, dù sao cũng cứ tin! Khi đến nhà
ông, Chúa Giêsu nắm tay cô bé đã chết và cho cô sống lại như Ngài đã làm sống
lại đức tin đang tàn lụi của ông Giairô để giúp ông niềm tin vào quyền năng của
Ngài, quyền năng làm cho kẻ chết sống lại.
Tin, tức là gặp gỡ.
Người
phụ nữ bênh hoạn và ông Giairô đã tin vì họ đã gặp Chúa Giêsu. Từ đó họ có
những lý do riêng biệt để tin: Người phụ nữ tin vì bà được chữa lành, nhưng
nhất là vì cách mà Chúa Giêsu đã dùng để làm cho đức tin của bà biến chuyển:
Ông Giairô tin, vì việc con gái ông được sống lại, nhưng nhất là vì cách mà
Chúa Giêsu đã dùng để nâng đỡ niềm tin của ông và giúp ông thắng vượt nỗi sợ
hãi.
Bài
tường thuật của thánh Marcô hôm nay cũng có liên quan đến Kitô hữu chúng ta:
Đức tin của chúng ta có được nuôi dưỡng bằng việc gặp gỡ Chúa Kitô Phục Sinh
hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Đó là luật của Tin Mừng: Chúng ta tin tùy
theo mức độ chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Ta hãy nghiêm túc tự đặt câu hỏi
này: Tôi đã gặp Chúa Giêsu khi nào? Tin Mừng sẽ chúng ta trả lời. Mỗi lần chúng
ta xem Chúa Giêsu như Đấng Cứu Độ chứ không phải như kẻ chữa lành hoặc giúp đỡ
điều nọ điều kia, mỗi khi lâm cảnh đau buồn hoặc nguy nan, chúng ta vẫn tiếp
tục tin, đó là những khi chúng ta gặp gỡ Ngài.
6. Suy niệm của Charles E. Miller.
CHÚA GIÊSU DÀNH THỜI GIAN
VÀ SỰ QUAN TÂM CHO CHÚNG TA
(Trích trong ‘Mở Ra Những
Kho Tàng’)
Mỗi
tác giả Phúc Âm đều nhấn mạnh những điểm khác biệt riêng trong Phúc Âm của
mình. Thánh Marco mà Phúc Âm của ngài đang được đọc suốt trong năm nay, nhấn
mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu. Tác giả Phúc Âm đã nhấn mạnh đến những chân
lý tiết lộ rằng, Con Thiên Chúa thực sự là con của Mẹ Maria, và ngôi vị thần
linh đến với chúng ta trong vẻ đơn sơ của bản tính con người. Thánh Marco sung
sướng trình bày Chúa Giêsu như một con người, một người hiểu chúng ta, thông
cảm với chúng ta.
Trong
bài Phúc Âm ngày hôm nay, lúc Ngài sửa soạn rao giảng Phúc Âm cho đám đông,
Giairô, một viên trưởng hội đuờng đã yêu cầu Ngài đi với ông ta, đến nhà ông
chữa bệnh cho đứa con gái đang bị ốm nặng. Đã để cho chúng ta tưởng tượng ra sự
thất vọng của Chúa Giêsu khi bị gọi ra khỏi sứ vụ rao giảng của Người, nhưng
thánh nhân trình bày Chúa Giêsu đã đáp trả với lòng thương xót khi nghe lời nài
xin của viên trưởng hội đuờng. Tiếp đó, một người đàn bà trong đám đông đã đụng
đến áo choàng của Ngài. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh là Ngài biết ai đang đụng đến
Mình nhưng không hề khinh bỉ người đàn bà, Ngài nhìn thẳng vào người đàn bà một
cách dịu dàng và nói: “Hỡi bà, đức tin của bà đã cứu chữa bà”.
Tiếp
theo đó, Chúa Giêsu đã tiếp tục cuộc hành trình để đến chữa bệnh cho cô gái
nhỏ, nhưng có người đến nói cô bé đã chết, không hề bối rối, Chúa Giêsu bước
vào căn phòng nơi cô bé đang nằm, cầm tay cô bé và nói những lời sự sống: “Hỡi
cô bé hãy chỗi dậy”. Cô bé liền chỗi dậy. Hãy tưởng tượng xem cảnh này, cha mẹ
vừa khóc vừa cười cùng một lúc, họ ôm choàng lấy đứa con gái nhỏ và khiêu vũ
chung quanh cùng với cô ta. Chúa Giêsu luôn luôn chú ý và ý thức đến những nhu
cầu của con người, và trở nên rất thực tế. Ngài nói với cha mẹ của đứa bé: “Hãy
cho đứa bé ăn cái gì”.
Trong
đoạn Phúc Âm thời thơ ấu kể lại cho chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã dành
thời gian cho dân chúng, những người có địa vị quan trọng giống như
Giairô là người trường hội đuờng cũng như người đàn bà nghèo khổ vô danh trước
mọi người và hầu như thánh Marcô cũng không biết tên. Ngài đã trình bày cho
chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã quan tâm cách sâu xa đến nỗi đau của người cha và
người mẹ có đứa con nhỏ. Nhưng Ngài cũng muốn chúng ta biết Chúa Giêsu không hề
xao nhãng việc người đàn bà đang bị ốm, cơn ốm không phải là do số mệnh. Ngài
cũng biết sự đau buồn vô vọng nơi người cha người mẹ, Ngài cũng nhận biết người
đàn bà, và đã chia sẻ những nỗi khốn khổ của người đàn bà ấy nữa.
Thánh
Marcô đã trình bày cho chúng ta rằng, Chúa Giêsu đã yêu mến với trái tim của con
người. Thánh nhân nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu, làm cho chúng
ta nhận thấy chân lý quan trọng nữa, đó là Chúa Giêsu đã hành động xuyên qua
nhân tính của Người trong sứ vụ công khai của Người và bây giờ Ngài hành động
qua các thừa tác viên của Giáo Hội và đặc biệt là qua các ý nghĩa của các bí
tích của Giáo Hội. Trong bí tích thanh tẩy, Chúa Giêsu đã cầm chúng ta bằng đôi
tay của Ngài, gọi tên chúng ta và Phục Sinh chúng ta từ sự chết của tội lỗi và
phục hồi cho chúng ta trở nên con cái của Chúa Cha. Chúa Giêsu đã nói với Giáo
Hội hãy cho chúng ta một điều gì đó để ăn. Một điều gì đó là bí tích cao vời,
Mình và Máu thánh Chúa.
Chúng
ta sẽ nhớ rằng, Chúa Giêsu qua thừa tác của Giáo Hội đã dành thời gian cho tất
cả chúng ta, dù chúng ta có địa vị quan trọng trong xã hội như Giairô là trưởng
hội đuờng, hay làm một người nghèo khó vô danh chẳng ai biết đến tên như người
đàn bà bị loạn huyết. Tất cả chúng ta đều quan trọng đối với Chúa Giêsu và tất
cả nhu cầu của chúng ta được Ngài quan tâm đến. Chúng ta có một Thiên Chúa,
Đấng dành thời gian cho tất cả chúng ta.
7. Giữa
lòng dân Chúa – Achille Degeest.
(Trích trong ‘Lương Thực
Ngày Chúa Nhật’)
Đoạn
sách thánh hôm nay cho ta thấy một lần nữa rằng các phép lạ của Đức Kitô là những dấu chỉ tình thương. Đức Kitô là
tình thương của Thiên Chúa đi vào trong nỗi khốn cùng và đau khổ của nhân loại
để mặc cho chúng niềm tin và hy vọng. Đức Giêsu không phải là một nhà thuyết
giáo xa xôi về một lý tưởng cứu rỗi mà con người phải một mình ra sức thực hiện
nhờ các ý thức hệ và cách mạng cơ cấu. Ngài chính là Thiên Chúa dấn thân vào
đời sống nhân loại để cứu lấy nó. Đám đông dân chúng theo Đức Giêsu và chen lấn
Ngài tứ phía. Ngài bị ngụp lặn trong đám đông. Nhưng về phía Ngài, đó không
phải chỉ là một lúc, sau đó Ngài trở về lại với sự đơn độc của mình. Ngài luôn
là Thiên Chúa hiện diện với quần chúng đông đảo nhân loại.
Một
nữ bệnh nhân muốn lợi dụng cơ hội Đức Giêsu đi ngang qua để được chữa lành bà
nghĩ chỉ cần chạm đến y phục Đức Giêsu để được lành, và bà đã không làm. Bà biết
là Đức Giêsu có thể chữa lành bà bằng một lời nói, nhưng muốn thế phải kêu xin.
Và giống bệnh của bà làm bà mắc cỡ. Bà không dám trình bày trường hợp của bà.
Nhưng bà nghĩ là Chúa có thể chấp nhận lơi cầu xin của bà một cách khác. Chạm
vào y phục của Chúa là một loại ngôn ngữ và cầu xin mà Ngài có thể hiểu được.
Bà liền chạm vào gấu áo Đức Giêsu và bà được lành.
Người
ta cho rằng bà này đã vâng theo sự thúc đẩy của niềm tin ma thuật. Nói thế có
lẽ hơi nông cạn. Về vấn đề này, xin mở một ngoặc đơn thuộc phạm vi tổng quát.
Dĩ nhiên nhà chú giải có thể có một thứ lo lắng là chỉ chấp nhận điều không thể
chối cãi được trong các phép lạ Phúc Âm. Nhưng vô phúc thay, sự lo lắng này đôi
khi lại được tiếp nhận do những đầu óc hấp tấp, hơi ngây ngô, lại quá chắc chắn
về mảnh vụn kiến thức của mình, mà nội dung chỉ là sự thoả mãn để chiếu lên
những Phúc Âm những khẩu hiệu và hình mẫu sẵn có nơi các “khoa học nhân văn”.
Nói lên điều này, để nhắc nhở độc giả Phúc Âm đừng để cho mình bị lay động bởi
một số quảng cáo trong thời gian sau này là muốn giản lược con người cao cả cuả
Đức Giêsu vào chiều kích con người chúng ta. Người ta đến với Phúc Âm bằng cách
để mình lôi kéo lên cao nhờ việc chiêm ngắm Con Thiên Chúa, chứ không phải bằng
cách uốn nắn các văn bản để làm cho chúng phù hợp với các dữ kiện chưa tiêu hoá
đựợc của việc phân tích ngôn ngữ…
1) Đoạn văn cuả thánh Marcô: ‘Đức Giêsu nhận biết có
sức mạnh đã xuất phát tự mình’. Từ
lâu các nhà thần học đã đề ra những lời giải thích cho phúc hợp với điều họ
tưởng có thể đoán được về tâm lý của Đức Giêsu. Về phần chúng ta, chỉ nên nhớ
rằng Đức Giêsu luôn phản ứng với một lương tâm thấm nhuần sức mạnh của tình yêu
Thiên Chúa, đối với mọi biểu lộ niềm tin nơi ngài.
2) “Hỡi bà, đức tin bà đã chữa bà”. Niềm tin của bà này như thế nào? Chắc hẳn là không
cùng một niềm tin như niềm tin của chúng ta. Nhưng cũng đã là một khởi đầu niềm
tin, một niềm tin đang khai mào. Đàng khác, nếu chúng ta khiêm tốn, chẳng phải,
chúng ta cũng nhìn nhận rằng niềm tin của chúng ta hôm nay cũng chỉ là một niềm
tin khai mào sau? Nhưng ngay cả niềm tin này, nếu có thành thật, cũng có thể
lôi keó được một lời nói cứu độ. Và đó là điều tốt rồi.
8. Đức
tin cứu sống.
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia
Sẻ’)
Văn
hào Tu-ghê-nít của Nga có kể lại một giai thoại sau:
Thời chiến tranh ông bị cảm nặng. Người ta mang ông
vào một quân y viện để chữa trị. Khi tỉnh dậy, ông thấy nhà thương đầy người,
không có một chiếc giường trống nào, mà bệnh nhân mỗi ngày một thêm đông. Bác
sĩ trực phòng của ông đi một vòng đến các giường. Đến bên cạnh ông, bác sĩ dừng
lại và hỏi người y tế:
-
Hắn vẫn còn sống ư?
Người y tế trả lời:
-
Tôi chưa kiểm lại. Nhưng sáng nay thì hắn vẫn còn
sống.
Bác sĩ cúi xuống và đặt ống nghe trên ngực ông. Nghe
biết tất cả mọi sự, cho nên ông cố gắng thở thật mạnh. Sau khi nhấc ống nghe
lên, bác sĩ thở dài và nói:
-
Thiên nhiên thật ngu đần, lẽ ra người này phải chết,
nhưng không hiểu sao hắn vẫn còn thở và như vậy là hắn chiếm mất chỗ của người
khác
Tu-ghê-nít lắng nghe được tất cả những lời ấy. Ông
tưởng số phận của ông đã được quyết định, nhưng không ngờ sau đó ông đã được
khỏi bệnh một cách lạ lùng trước sự ngạc nhiên của viên bác sĩ trực và nhiều y
tá khác trong quân y viện.
Những
bệnh nhân biết được những gì người ta làm cho mình và còn sống sót để kể lại
kinh nghiệm của mình như văn hào Nga trên đây không phải là hiếm. Một viên
thuốc ngủ, một mũi thuốc mê cực mạnh, nhiều người đã bị cướp mất mạng sống dễ
dàng. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu goị con người ngày nay hãy xây dựng
một nền văn minh của sự sống chứ không phải của sự chết. Tin Mừng hôm nay có
thể được coi như một câu trả lời của lòng tin cho một vấn đề từng gây thắc mắc
nơi con người thuộc mọi thời đại: vấn đề sự sống. Hai phép lạ: chữa lành bệnh
người phụ nữ băng huyết và cho một bé gái 12 tuổi sống lại, đều minh chứng Đức
Giêsu là chủ sự sống, là nguồn cội sự sống, vì Ngài là Đấng đã làm cho kẻ chết
sống lại.
Theo
quan niệm của người Do Thái xưa, thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người
phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao đi, nên
coi như chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của chị, đau khổ không
chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang, mà còn khổ về mặt tinh thần, vì tập
quán tôn giáo xã hội coi những người mắc chứng bệnh này, cũng như bệnh cùi,
bệnh hủi, khinh khi. Phải nói là người phụ nữ bị băng huyết này coi như đã chết
hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Phép lạ Chúa
Giêsu làm đã cứu thoát chị, đã đem lại cho chị một cuộc sống dồi dào, cả trong
ý nghĩa được sát nhập lại vào trong lòng cộng đồng tôn giáo.
Còn
trong phép lạ Chúa Giêsu làm cho em bé sống lại, thì chúng ta thấy hành động
của Chúa Giêsu vượt xa điều mà gia đình ông Giairô, trưởng hội đường, mong đợi:
khi con gái duy nhất của ông hấp hối, ông đã chạy đi cầu cứu với Chúa Giêsu, vì
ông tin rằng Ngài có thể cứu con ông khỏi cái chết. Nhưng khi hay tin con đã
chết rồi, thì ông không còn hy vọng nào nữa, không còn muốn làm phiền Chúa
Giêsu đến nhà làm gì nữa. Chúa Giêsu phải nâng đỡ tinh thần và niềm tin của
ông: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Và phép lạ đã được thực hiện, trước nỗi
kinh ngạc và hạnh phúc của gia đình ông. Trưởng hội đường, kinh ngạc và sung
sướng đến nỗi ông và gia đình quên cả việc chăm sóc đến con gái của mình, khiến
Chúa Giêsu phải nhắc khéo: “Hãy lo cho cô bé ăn đi!”.
Trong
tất cả hai phép lạ, chúng ta đều thây nổi bật lên một yếu tố nối liền giữa Chúa
Giêsu và người được phép lạ: đó là lòng
tin. Người phụ nữ bị băng huyết, sau khi chạy thầy chạy thuốc không khỏi,
mà lại nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu, thì dần dần trong lòng chị hình
thành một niềm tin mạnh mẽ: “Tôi mà sờ được áo Ngài thôi, là sẽ được khỏi
bệnh”. Chính lòng tin mạnh mẽ đó đã giúp chị vượt qua moị tập quán, mọi nếp suy
nghĩ và quan niệm tôn giáo có tính trói buộc và cản trở con người, để mạnh dạn
đến gần Chúa Giêsu. Chinh lòng tin mạnh mẽ đó đã như khiến quyền năng của Chúa
Giêsu không thể từ chối được: “Chúa Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát
ra”.
Lòng
tin của ông Giairô cũng là yếu tố quan trong để Chúa Giêsu là cho con ông sống
lại. Chắc chắn lòng tin của ông đã được hỗ trợ bằng chính câu chuyện người phụ
nữ lành bệnh, cũng như đã được nâng đỡ bởi lời khuyên chủ của chính Chúa Giêsu:
“Đừng sợ, ông ạ, cứ vững tin đi!”.
Qua
hai phép lạ trên, Chúa Giêsu còn bộc lộ cho thấy thế nào là Thiên Chúa, thế nào
là Đấng Kitô của Thiên Chúa và loan báo
một thời đại mới, thời đại cứu độ mà các Ngôn Sứ đã loan báo. Trước hết,
Thiên Chúa là chủ sự sống, ban phát sự sống cho con người và muôn loài vật.
Riêng đối với con người, thì không chỉ là đời sống vật chất, tinh thần mà còn
cả đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Thiên Chúa. Để thực hiện chương trình
sáng tạo và cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người
Con yêu dấu, Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Đức
Giêsu có sứ mạng bộc lộ về Thiên Chúa, thực hiện chương trình của Thiên Chúa là
ban sự sống, là cứu chữa những gì đã hư mất, là tìm đến với người đau ốm cần
thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm đến mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài cúi mình
ghé mắt nhì xem nhu cầu cụ thể của con người Ngài gặp: anh què, anh mù, chị phụ
nữ bị băng huyết cũng như chị phụ nữ ngoại tình, người bị quỷ ám, con trai bà
goá thành Naim, cũng như con gái ông Giairô. Tất cả những khổ đau, tật nguyền
đều có âm hưởng mạnh mẽ trong tâm hồn Chúa Giêsu Kitô. Chính vì mang trong mình
trái tim của Thiên Chúa, nguồn sống của Thiên Chúa, nên Chúa Giêsu đã cứu chữa
người này, bình phục người kia, hồi sinh người khác, đem lại phẩm giá và sự tôn
trọng cho những ai đang bị loại trừ, coi rẻ. Đối với Chúa Giêsu, không hề có
một tiêu chuẩn nào để lại bỏ, vì tất cả thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy
nhất ngài đòi hỏi là lòng tin của chúng ta nơi quyền năng và lòng thương của
Ngài.
Lòng
tin của chúng ta đối với Thiên Chúa là nguồn gốc, là chủ sự sống sẽ dẫn chúng
ta đến một thái độ tất yếu này là: chúng ta phải biết tôn trọng sự sống, bảo vệ
và phát triển sự sống. Không phải chỉ sự sống thể xác mà cả sự sống tinh thần
và sự sống tâm linh nữa. Không chỉ sự sống nơi mình, mà còn sự sống nơi người
khác, nơi dân tộc khác nữa.
Thế
nhưng, chung quanh chúng ta không biết bao nhiêu sự sống con người đang bị xâm
phạm, chà đạp, cách này hay cách khác. Bao nhiêu trẻ em không được quyền sinh
ra, không có được những điều kiện thiết yếu nhất về vật chất, tinh thần, để
sống một cuộc sống cho ra người.
Chúa
Giêsu đã sinh ra làm người là để cho con người được sống và sống một cách dồi
dào. Nhưng sự sống của chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn, nếu
chúng ta chưa thực sự chia sẻ sự sống ấy cho những người chung quanh. Bao lâu
nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng với phẩm giá con
người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như những con người vẫn còn bị khước
từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta, thì có lẽ chính chúng ta cũng
không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho
chúng ta.
9. Thầy
thuốc tối cao – Arthur Tone.
Bác sĩ George Lewell đã nhiều năm làm nhà truyền giáo
y khoa cho phái Tin lành Southern Baptist ở Trung Quốc. Truyền giáo y khoa là
một bác sĩ, tá viên hay một người nào đó được huấn luyện để đầu tư thời giờ,
tài năng vào việc chữa trị đau đớn thể xác như một phương thế để đem linh hồn
người ta về cho Đức Kitô.
Bác sĩ Lewell nói về một bà lớn tuổi, bà được đem vào
bịnh viện Stout Memorial ở Quảng Đông, mà ông là bác sĩ giải phẫu trưởng. Một
ai đó đã nói với bà bệnh nhân rằng Đức Giêsu là bác sĩ sẽ chữa lành bà, nên khi
bà thấy bác sĩ trong bộ đồ trắng cúi xuống trên bà, bà nhìn lên bác sĩ và hỏi:
“Ông là Giêsu?”.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Marcô kể rằng: “Một người đàn bà bị băng huyết, đã
12 năm. Nàng đã chạy chữa nhiều thầy thuốc, và tốn kém hết tiền bạc mà không
giảm bớt, nhưng còn trầm trọng hơn. Mặc dù đám đông chen lấn nhau quanh Chúa
Giêsu, nàng cũng ráng chen vào gần, với tay đụng tới gấu áo của Chúa, với hy
vọng được chữa khỏi. Đức Giêsu biết có sức mạnh từ người phát xuất. Người quay
về phía người đàn bà mắc bệnh và nói: “Hỡi con, đức tin của con đã làm cho con
tất cả. Con về bình an và khỏi bệnh”.
Người
đàn bà này tượng trưng cho chúng ta, những người đã một vài lần phải đi bác sĩ,
hay ít nhất chúng ta cũng dẫn một người thân thương đi bác sĩ. Như những người
theo Chúa Kitô, bạn và tôi có lợi và sự nâng đỡ đặc biệt khi phải cầu cứu bác
sĩ hay thầy thuốc. Khi bạn hay một người thân yêu, hoặc người bạn phải đến bác
sĩ, bạn hãy tín nhiệm, cộng tác và tin cậy họ như một dụng cụ của Chúa. Một bác
sĩ giỏi, tài ba, cũng chỉ có giới hạn. Vì lý do đó, khi bạn phải tìm một bác
sĩ, bạn phải đến với Chúa trước. Hơn nữa, trên mọi khả năng, tài khéo của một
bác sĩ giỏi nhất, Đức Kitô vẫn còn chữa lành một cách mầu nhiệm.
Khi
bạn phải đi bác sĩ, bạn nhớ dâng lời cầu nguyện lên Đức Kitô, Đấng chữa lành để
bạn chọn đúng một bác sĩ. Để nhờ ơn Chúa. bác sĩ định bệnh và cho bạn liều
thuốc hiệu nghiệm. Ngay cả trước khi bạn phải đi bác sĩ, bạn nhớ cám ơn Chúa về
sức khỏe hằng ngày của bạn. Thường thường, người ta chỉ thấy sức khỏe là quý
giá sau khi đã mất nó.
Không
như người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay. Bà đến với các thầy thuốc trước,
chỉ sau cùng, thất vọng, bà buộc phải tìm đến và đụng tới Đức Kitô. Bạn và tôi
sẽ đến với Đức Kitô trước và trong khi được bác sĩ chữa trị.
Chúng
ta tiếp xúc với Đức Kitô trong mỗi phép bí tích, nhất là trong Thánh Lễ và Rước
Lễ. Chúng ta không như những người tin càn dở, họ chối bỏ mọi phương pháp trị
liệu y khoa. Trái lại chúng ta dùng mọi phương pháp y học nhưng không quên chạy
đến Đấng có thể chữa lành mọi bệnh tật là Đức Giêsu Kitô, Chúa mọi thiện hảo,
nhất là Chúa mọi sức khỏe linh hồn và thể xác.
Ước
gì chúng ta có được niềm tin của người phụ nữ trong bài Tin Mừng. Ước gì Đức
Giêsu khen thưởng niềm tin của chúng ta bằng ơn trợ giúp nhân từ và quyền năng
của Người. Xin Chúa chúc lành bạn.
10.
Lòng tin của con đã cứu con.
Có chuyện kể rằng Đức Giêsu và một thanh niên đồng
hành trên bãi biển. Bốn dấu chân in hằn trên cát. Nhưng lúc gặp chuyện khó
khăn, chàng thanh niên nhìn xuống chỉ còn thấy có hai dấu chân thôi. Anh kinh
ngạc kêu lên:
-
Thưa Thầy, nãy giờ Thầy đi đâu mà để con bước một
mình? Đức Giêsu nhỏ nhẹ bảo anh:
-
Con nhìn kỹ xem đó là dấu chân của ai nào?
Nhìn kỹ lại, chàng thanh niên mới thấy đó là dấu chân
của Chúa.
Anh la lên:
-
Vậy thưa thầy, nãy giờ con ở đâu?
Đức Giêsu trả lời:
-
Này con, những lúc gặp khó khăn, Thầy biết con không
đủ sức chịu đựng, vì thế Thầy đã vác con trên vai đó.
Thực
sự, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi kẻ tin cậy Người, nhất là khi thấy niềm tin
của ta bị thử thách quá sức, Chúa liền tạo điều kiện để chúng ta vượt qua.
Người vác ta trên vai, có nghĩa là triệt để nâng đỡ ta, ngoài sức tưởng tượng
của ta.
Người
phụ nữ bị hoại huyết trong Tin Mừng hôm nay được chữa lành hoàn toàn do lòng
thương của Chúa. Dĩ nhiên, muốn được chữa lành, người ta phải biểu lộ lòng tin.
Mà bệnh nhân này theo luật Môisê, là một người ô uế, không được ra trước công
chúng, làm sao dám đến xin Chúa chữa bệnh cho mình. Chúa đã soi sáng cho bà, và
bà hiểu chỉ cần biểu lộ lòng tin một cách nào đó, cũng hy vọng được ơn lạ. Nghĩ
thế, bà đã len lỏi phía sau Chúa, lén chạm vào áo Chúa, và sự lạ đã xảy ra: bà
được khỏi bệnh.
Người
bệnh chạm vào Chúa là đã vi phạm luật cấm. Nhưng bà nghĩ rằng giữa đám đông
chen lấn như thế ai mà biết được. Chính các môn đệ cũng ngạc nhiên khi nghe
Chúa hỏi xem đã có ai đụng chạm vào Ngài. Còn Chúa, Ngài biết rõ mọi chuyện.
Thay vì lặng thinh để khỏi bị tai tiếng vì đã chạm tới một phụ nữ ô uế, Chúa
lại muốn đưa sự thật ra ánh sáng, để mọi người thấy lòng tin của bệnh nhân và
thấy rằng Chúa hài lòng với một lòng tin như thế. Nhờ lòng tin, người bệnh chẳng
những được chữa lành, lại còn được ơn cứu độ, đó là ơn cao quí hơn được lành
bệnh thể lý, và đó là điều Chúa quan tâm hàng đầu. Nhân dịp này, Chúa đã dạy
các môn đệ một bài học mà sau này Thánh Phaolô đã khai thác và viết thư khuyên
dạy các Giáo đoàn: Nhờ đức tin mà có ơn cứu độ.
Khi
Chúa đòi hỏi phải có lòng tin, Người không đòi hỏi quá đáng. Chỉ cần ta thực
tâm và cố gắng rồi Chúa sẽ tạo điều kiện cho chúng ta biểu lộ lòng tin và ban
thưởng cho lòng kiên trì của ta, dù đó là những phấn đấu nội tâm thầm kín.
Lạy
Chúa, xin giúp con biết tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, biết âm thầm cố gắng biểu
lộ lòng tin trong cuộc sống, mặc dầu chỉ mình Chúa biết mà thôi.
11.
Sống lại.
Tôi trông đợi kẻ chết sống lại.
Đó
là lời tuyên xưng cuối cùng của bản kinh Tin Kính, đó cũng là điều chúng ta
cùng nhau chia sẻ giờ đây.
Qua
hình ảnh người đàn bà mắc bệnh loạn huyết được chữa lành và hình ảnh đứa con
gái của ông Giairô được sống lại, Giáo hội như muốn nói với chúng ta rằng:
-
Người đàn bà chỉ
cần đụng tới gấu áo của Ngài là đã được Ngài chữa lành, thì vào ngày sau hết
mọi bệnh tật, mọi đau khổ của chúng ta cũng sẽ biến mất. Hơn thế nữa Chúa chỉ
cần phán một lời, đứa con gái đã chết liền sống lại. Cũng vậy, trong ngày sau
cùng, mọi kẻ chết trong mồ sẽ được chỗi dậy và mang lấy một bộ mặt mới.
Nếu
một ngày nào đó ra viếng nghĩa địa, chúng ta có thể nghĩ rằng:
-
Phải chăng cái
chết chỉ là một giấc ngủ dài. Tới một lúc nào đó họ sẽ chỗi dậy.
Thế
nhưng chúng ta sẽ sống lại như thế nào? Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại, đã
hé mở cho chúng ta thấy điều ấy. Thánh nhân viết như sau:
-
Tất cả chúng ta,
những Kitô hữu, chúng ta không thuộc về thế gian, nhưng chúng ta là những người
công dân nước trời, và nước trời mới đích thực là quê hương của chúng ta.
Mặc
dầu chân chúng ta đạp đất, nhưng đầu chúng ta phải đội trời. Hiện thời chúng ta
đang mang lấy một thân xác đau thương, làm mục tiêu cho bệnh tật, đau khổ, tội
lỗi và chết chóc. Nhưng tất cả những sự ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Chúng ta
đang trông chờ ngày Chúa trở lại để biến đổi thân xác tầm thường của chúng ta
trở nên một thân xác quang vinh, giống như thân xác Phục sinh của Chúa, không
còn đau khổ, không còn đổi thay, không còn chết chóc, nhưng sẽ trở nên thánh
thiện vẹn toàn. Để được như vậy, thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải ra sức hành
động.
Người
ta thường nói:
-
Sống sao thì
chết vậy.
Niềm
vinh quang mai hậu lệ thuộc vào cuộc sống hiện tại của chúng ta. Nghĩa là cái
tiến trình phục sinh, cái tiến trình vinh quang hóa thân xác phàm trần của
chúng ta phải được bắt đầu ngay từ bây giờ. Như một con ngài phải dần dần cắn
chiếc kén thì mới có thể hóa kiếp thành một con bướm xinh đẹp.
Nếu
như đời sau, chúng ta không còn đau khổ, thì ngay từ giờ, chúng ta phải biết
làm chủ những đòi hỏi của giác quan và biết thánh hóa những khổ đau gặp phải.
Nếu
như đời sau, chúng ta không còn lệ thuộc vào vật chất, thì ngay từ giờ chúng ta
phải biết siêu thoát với tiền bạc, gắn bó nhiệt thành với điều thiện.
Nếu
như đời sau, chúng ta tỏa sẽ chiếu sáng bằng một vẻ đẹp tươi trẻ và thánh thiện,
thì ngay từ giờ chúng ta phải biết trang điểm cho tâm hồn bằng những nhân đức.
Nói
tóm lại, ngay từ giờ chúng ta phải biết uốn nắn sửa đổi lại những sai lỗi
khuyết điểm và tẩy trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống, đồng thời chất đầy trên đôi
tay chúng ta những công nghiệp là những hành động bác ái yêu thương.
Một
trong những phương tiện giúp chúng ta có đủ nghị lực thực hiện những điều ấy,
đó là Bí tích Thánh Thể, bởi vì khi rước lễ chúng ta không phải chỉ đụng tới
gấu áo Chúa mà còn được tiếp xúc với chính thân xác vinh quang của Ngài.
Hơn
nữa, chính Chúa cũng đã phán hứa với chúng ta:
-
Ai ăn Thịt Ta và
uống Máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại ngày sau hết.
Có
sống như thế và có chuẩn bị như thế, thì giờ chết mới là giờ chúng ta được sinh
ra cho hạnh phúc vĩnh cửu, mới là giờ chúng ta được Thiên Chúa đón nhận vào quê
hương nước trời trong vòng tay yêu thương của Ngài.
12. Đức
tin.
Trong
một trình thuật dài, đôi khi thánh Marcô xen vào một đoạn ngắn, theo lối hành
văn riêng của ngài, để nhấn mạnh đến một điểm chung, Chúa Giêsu là Đấng chữa
lành.
Chúa
Giêsu hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi”. Nhưng người phụ nữ khốn khổ vẫn im lặng, bà
đang bối rối. Căn bệnh của bà làm bà trở nên nhơ uế, không được phép đụng đến
bất cứ ai. Phải chăng Chúa Giêsu muốn tố giác bà đã chạm đến áo của Ngài? Dù sợ
hãi, bà tin quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu đã ban cho bà một sức sống mới.
Bà cảm thấy trong thân xác mình quyền năng chữa lành của Chúa, và sự nhơ uế của
bà theo luật trong sách Lêvi 15: 25 không còn nữa. Đức tin của bà vào Chúa
Giêsu đã làm cho luật trở nên lỗi thời. Chúa Giêsu khẳng định điều này khi
Người nói: “Này con, đức tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và
khỏi hẳn bệnh”.
Trung
thành với lối hành văn của mình, thánh Marcô trở lại lời cầu xin của ông
Giairô, một vị trưởng hội đường, để nhấn mạnh đến “đức tin vào quyền năng chữa
lành của Chúa”. Ông trưởng hội đường cầu xin Chúa cứu giúp. Ông muốn con gái
được Chúa chữa lành.
Nhưng
trước hết Chúa Giêsu đã chữa lành cho ông trưởng hội đường. Người bảo ông: “Ông
đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Rồi Người đến với đứa bé, cầm lấy tay nó và nói:
“Này bé, Thầy truyền cho con trỗi dậy đi”. Lập tức, con bé đứng dậy và đi lại
được. Nó đã được sống lại nhờ bàn tay của Chúa Giêsu, Đấng cứu chữa.
Rõ
ràng Chúa Giêsu cho thấy “nỗi sợ” là một chướng ngại ngăn cản con người đến với
Chúa. Nhưng chúng ta vượt thắng nỗi sợ nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu, Đấng chữa
lành. Một khi nỗi sợ được thay thế bằng lòng tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ
cảm nghiệm được sự chữa lành của Chúa, và sẽ được sống trong bình an.
Lạy
Chúa, xin Chúa hãy nói với con một lần nữa: “Lòng tin của con đã cứu chữa con.
Con hãy đi bình an”.
13.
Mạnh mẽ.
Bài
Tin Mừng là hai phép lạ Chúa Giêsu đã làm gần nhau: phép lạ cho một phụ nữ được
khỏi bệnh băng huyết, và phép lạ cho con gái ông trưởng hội đường Gia-ia được
sống lại. Chúng ta thấy hai phép lạ như có một số điểm tương đồng: người phụ nữ
mắc bệnh đã 12 năm, bằng với số tuổi của em bé kia, vì Tin Mừng cho biết khi em
chết em được 12 tuổi. Cả hai phép lạ xảy ra đều do hành động thể lý là chạm tay
vào tua áo Chúa và Chúa cầm tay em bé đã chết. Chủ đề của hai phép lạ này là ơn
Chúa ban qua lòng tin.
Trước
hết, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhận lời kêu xin của ông Gia-ia đi chữa bệnh cho
con gái ông. Dân chúng đông đảo đi theo có vẻ háo hức và chen lấn, các môn đệ
cùng đi bên Chúa. Giữa lúc ấy các môn đệ nhận ra một người đến quì trước Thầy
mình, nhưng lúc ấy phép lạ đã xảy ra rồi, đó là một phụ nữ đầy lòng tin đã được
Chúa cho khỏi bệnh. Thực vậy, giữa đám đông dân chúng dày đặc, phụ nữ này nhận
ra một vị Thiên Chúa ẩn dật nhưng đầy quyền năng, bà không dám công khai trực
tiếp xin Chúa trước mặt mọi người, có thể là vì xấu hổ hoặc ngại ngùng. Ngoài
ra, bà cũng biết luật Lêvi cấm ngặt về loại bệnh này. Đối với người Do Thái,
băng huyết là một bệnh được liệt vào số các chứng bệnh nan y và ô nhục, làm cho
người bệnh ra dơ bẩn trước mặt Chúa và cộng đồng. Hơn nữa, chứng bệnh này còn
làm cho người khác lây sự dơ bẩn của bệnh nhân, tức là họ đụng chạm đến ai hay
ai đụng chạm đến họ đều trở thành dơ bẩn và phải dâng lễ tẩy uế mới được sạch.
Vì
thế, bà thẹn thùng, e lệ không dám đến trước mặt Chúa xin Chúa chữa, nhưng bà
có một lòng tin chắc chắn vào sức mạnh uy quyền toàn năng của Chúa. Bà tự nhủ:
“Không cần phải ra mặt, chỉ cần đụng chạm vào tua áo khoác ngoài của Ngài thôi
thì chắc chắn sẽ được khỏi”. Chúng ta thấy bà thật khiêm tốn, có thể so sánh
với người đàn bà xứ Canaan , hoặc như người
trộm lành. Vì thế, bất chấp tất cả những luật lệ phiền phức và nghiêm ngặt, bà
lén đến sau lưng Chúa, để thực hiện ý định rút ơn Chúa, và kết quả bà đã được
toại nguyện. Bà đã thể hiện đức tin một cách sâu sắc, như chính Chúa đã xác
nhận và thưởng công cho lòng tin của bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Phép
lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm là nơi nhà ông trưởng hội đường Gia-ia. Ông có đứa
con gái mắc bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông đến xin Chúa cứu chữa con ông.
Lòng tin mạnh mẽ của ông được bộc lộ ra qua tất cả con người ông, nghĩa là qua
các cử chỉ cũng như lời yêu cầu của ông. Thực vậy, khi đến trước mặt Chúa, ông
quì sụp dưới chân Chúa, đây là một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Giavê trong
Cựu ước, cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Cử chỉ
thứ hai là ông xin Chúa đến đặt tay trên con ông, cử chỉ này về sau được Giáo
hội dùng vào bí tích Thêm sức. Rồi trong lời kêu xin, chúng ta cũng thấy bộc lộ
lòng tin vững chắc của ông. Ông tin chắc chắn chứ không hồ nghi như người cha
có đứa con bị quỷ ám từ lúc còn nhỏ. Người cha này thưa với Chúa một cách ngập
ngừng: “Nếu Thầy có thể làm gì được thì xin Thầy giúp đỡ chúng tôi”. Nghe thế
Chúa kêu lên: “Sao lại nói nếu có thể, tất cả mọi sự đều có thể đối với người
tin tưởng”. Còn ông Gia-ia thưa Chúa: “Thưa Thầy, con bé nhà tôi gần chết rồi.
Xin Ngài đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”. Chúng ta
thấy ông không hồ nghi gì, ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu
Chúa muốn, vì Ngài là Chúa sự sống và sự sống lại. Ngài động đến đâu thì sức
mạnh và sự sống lan tràn tới đó. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi
tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.
Niềm
tin, lòng tin hay đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật
chất, nó là một cái gì có thật, nhưng thuộc về tinh thần. Người ta không thể
thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động
bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Gia-ia và của người đàn
bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin
của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy
chúng ta đi lễ, thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết
được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận
là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài
nữa.
Vì
thế, chúng ta cần phải có một đức tin mạnh mẽ như ông Gia-ia, hiên ngang mà
không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi. Đàng khác, chúng ta cũng cần có một
đức tin kín đáo nhưng dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ trên đây, bà không
cần kêu xin nài nẵng như ông Gia-ia, bà chỉ có một thái độ khẩn khoản khiêm
nhường và đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa cũng đang chờ đợi ở
chúng ta những tâm tình như thế.
14.
Sống đức tin.
Khi
chúng ta muốn xin ai hay thỉnh cầu ai điều gì, thì hoặc là chúng ta ưa thích
điều đó, hoặc là chúng ta cảm thấy cần thiết điều đó, và chúng ta tin tưởng người kia sẽ đáp ứng được nhu
cầu của chúng ta. Người đàn bà mắc bệnh băng huyết và người cha có đứa con gái
bị bệnh nặng gần chết đã làm như thế. Cả hai đã tin Chúa Giêsu nên đến xin Chúa
cứu chữa. Chính vì có lòng tin mạnh mẽ mà cả hai đã được hưởng phép lạ của Chúa
Giêsu. Nhưng làm sao chúng ta thấy được hay biết được lòng tin của họ? Vì nó đã
được biểu lộ ra qua thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của họ.
Chúng
ta thấy người đàn bà này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho
bà trước mặt mọi người. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người
thôi, là sẽ được cứu chữa”. Thế là bất chấp tất cả những luật lệ cấm đoán phiền
phức và khắt khe, bà lén lút chen tới sau lưng Chúa, để thực hiện ý định rút ơn
Chúa, và kết quả bà đã được toại nguyện. Đó, chúng ta thấy được, biết được đức
tin của bà qua việc làm đầy tin tưởng của bà. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận và
ban thưởng cho lòng tin ấy: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.
Trường
hợp của ông trưởng hội đường Giaia cũng thế. Lòng tin của ông được biểu lộ qua
tất cả con người của ông, nghĩa là qua cử chỉ, thái độ và lời nói của ông: Khi
đến trước mặt Chúa Giêsu, ông đã quì sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van
xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được
cứu chữa và được sống”. Phải tin Chúa Giêsu là ai, phải tin Chúa có quyền phép
thế nào ông ta mới có cử chỉ, thái độ và lời kêu xin như thế. Nhận thấy lòng
tin mạnh mẽ của ông, Chúa Giêsu đã nhận lời đến nhà ông và làm phép lạ cho con
gái ông sống lại.
Chúng
ta hôm nay đã có đức tin, chúng ta đã tin Chúa Giêsu. Chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải sống niềm tin đó. Sống
niềm tin có nghĩa là chúng ta phải thể hiện niềm tin ấy trong đời sống hằng
ngày. Đó là cách thẩm định đức tin của chúng ta. Niềm tin ấy, như Mẹ Têrêxa
Calcutta đã nói: “Phải được biểu lộ và nuôi dưỡng, dù chỉ bằng một nụ cười hay
một ánh mắt cảm thông”.
Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình,
Mẹ Têrêxa phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo
Hội. Mẹ Têrêxa nói với ông: “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người phóng
viên hỏi: “Tôi phải làm gì để có đức tin?”. Mẹ Têrêxa đáp: “Ông hãy cầu
nguyện”. Ông chống chế: “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Mẹ Têrêxa dịu
dàng nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm
cười với những người chung quanh ông. Một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn
người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện
diện trong cuộc sống chúng ta”.
Đúng
thế, những hành động cụ thể thường hùng hồn hơn, có khả năng thuyết phục hơn
những lời nói suông. Những thực hiện trước mắt có giá trị hơn những dự án viễn
vông. Đó là cách thẩm định thông thường trong cuộc sống của chúng ta. Những
người chung quanh có lẽ cũng đánh giá niềm tin của chúng ta khi nhìn vào cách
sống đạo của chúng ta, nghĩa là niềm tin của chúng ta chỉ đáng tin cậy khi được
thể hiện bằng những việc làm cụ thể.
Vì
thế, chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô, tin vào bản thân Ngài. Niềm tin ấy
không chỉ là một hạt giống gieo trong lòng chúng ta rồi nằm yên đấy. Một niềm
tin như thế có lẽ chẳng ích lợi gì cho chính mình hay cho bất cứ ai. Đức tin
của chúng ta phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm, để mọi người có thể nhận ra
khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.
15. Bí
quyết thần diệu để đạt được điều mong ước.
(Suy niệm của Lm. Trần Ngà)
Có một ông vua rất đỗi giàu sang và vô cùng quảng
đại. Nhà vua có một kho tàng đầy ắp những báu vật mọi người hằng mơ ước. Nhà
vua tuyên bố với thần dân rằng bất cứ ai muốn lấy bất cứ thứ gì trong kho tàng
vô tận của vua thì cứ lấy, miễn là phải dùng một loại chìa khoá rất đặc biệt
mới mở được kho tàng. Chìa khoá ấy, vua cũng chỉ cho biết là đang nằm trong tầm
tay mọi người. Tiếc thay, người ta không biết đó là chìa khoá thần kỳ và chưa
mấy ai đem ra sử dụng.
Khi nghe tin nầy, nhiều người nao nức hỏi: Vị vua đại
lượng đó là ai? Kho tàng nằm ở đâu? Chìa khoá nào mở được kho tàng, xin mau mau
cho biết.
Ðức vua đó chính là Thiên Chúa quyền năng. Kho tàng
của Người là vô vàn phúc lộc không bao giờ vơi cạn. Chìa khoá để mở kho tàng ấy
là lòng tin. Ai có lòng tin mạnh mẽ, người đó có thể mở được cửa kho tàng và
chiếm lấy những gì mình muốn. Ai không có lòng tin, thì đành bó tay và chẳng
thu lượm được gì.
Hai
sự kiện thánh sử Mác-cô thuật lại trong Tin Mừng hôm nay minh chứng cho chân lý
nầy:
] Trường hợp người phụ nữ bị bệnh băng huyết
Một
người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm, đã lắm phen tìm thầy chạy thuốc
nhưng bệnh của bà vẫn vô phương cứu chữa. Nay gặp Chúa Giêsu, bà mừng như người
sắp chết đuối vớ được tấm phao.
Vì
luật cấm những người mang thứ bệnh nhơ uế như bà tiếp cận với người khác (Lv
15, 25) nên bà không dám công khai gặp Chúa Giêsu, chỉ len lén tiến lại phía
sau lưng Người, tự nhủ lòng rằng: "mình chỉ cần sờ được vào áo Người thôi
là sẽ được cứu". Và điều nhiệm mầu đã xảy ra: bà vừa đụng vào áo Chúa
Giêsu thì tức khắc huyết cầm lại và bà được chữa lành.
Chúa
Giêsu biết có một năng lượng từ mình xuất ra nên quay lại tìm hiểu và khi người
phụ nữ thú nhận việc bà vừa làm, Chúa Giêsu bảo: "Này con, lòng tin của
con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."
Chính
Chúa Giêsu xác nhận lòng tin là chìa khoá thần kỳ mở ra cho người đàn bà kho
tàng chứa đựng điều mà bà khao khát: được chữa lành chứng bệnh nan y.
] Trường hợp ông trưởng hội đường
Ðang
cùng Chúa Giêsu tiến vội về nhà để nhờ Chúa cứu chữa đứa con gái đang hấp hối,
thì người nhà của ông trưởng hội đường chạy đến báo cho ông biết rằng con gái
ông chết rồi, đừng phiền Chúa đến nhà làm gì mất công.
Nghe vậy, Chúa Giêsu động
viên ông ta: "ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Tin là được. Thế rồi,
nhờ lòng tin, con gái ông đã được cứu sống.
Một lần nữa, Tin Mừng chứng
tỏ cho thấy lòng tin là chìa khoá đem lại ân sủng nhiệm mầu: đứa con gái thân
yêu chết rồi nay được cứu sống!
Còn
nhiều sự kiện khác được ghi lại trong Tin Mừng chứng tỏ cho thấy phải có lòng
tin thì mới đạt được điều mong muốn và không có lòng tin thì chẳng được gì (Mt
13, 58). Lòng tin có thể chuyển núi dời non. Với lòng tin, người ta làm được
tất cả như lời Chúa Giêsu dạy: "Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải
thôi, thì dù anh em có bảo núi nầy: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó
cũng sẽ chuyển qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" (xem thêm:
Mt 17, 19-20; Mt 15, 28; Mt 21, 21-22)
Quả
vậy, điểm lại những khuôn mặt đạt được thành công lớn lao trên thế giới, ta
thấy rằng nguyên nhân chính giúp họ thành đạt là nhờ mạnh tin. Vững tin rằng
mình sẽ làm được thì sẽ được như ý.
Như
thế, lòng tin là bí quyết để thành
công trên đường đời, và cũng là chìa khoá mở vào kho tàng ân sủng của Thiên
Chúa.
Lạy
Chúa, lòng tin của chúng con còn yếu kém nên chẳng thu hoạch được gì. Xin ban
thêm lòng tin để chúng con có thể mở được kho tàng ân sủng của Chúa.
16. Sờ
vào áo.
Người
đàn bà đến với Đức Giêsu đã tuyệt vọng, vì mười hai năm nay, bà chịu đau khổ vì
một chứng bệnh và những lần chữa trị đau đớn và vô hiệu trong đôi tay của nhiều
bác sĩ. Bà cũng đã trả tiền chữa trị cho đến những đồng bạc sau cùng. Bà đã tận
dụng hết mọi khả năng chữa trị của con người.
Rồi
bà nghe nói về Đức Giêsu. Bà tin rằng chỉ cần sờ vào áo của Người, bà sẽ khỏi
bệnh (thời đó, người ta tin rằng chỉ cần sờ vào áo của một người thánh thiện sẽ
được chữa lành). Bà tỏ quyết tâm khi chen qua đám đông. Tuy nhiên, bà không tìm
cách gặp gỡ Đức Giêsu. Điều bà tìm là một sự “sờ lén”, “sờ vội”.
Thường
thì, chúng ta cũng chọn cách “sờ lén” cho dù chúng ta biết rằng điều đó không
làm chúng ta thỏa mãn và chúng ta bị đánh lừa. Chúng ta đi lễ vội vàng và xưng
tội vội vàng (kể tội, đọc kinh ăn năn tội, nhận ơn tha thứ và chuồn!) Cũng thế
khi đi khám bệnh – nhận toa thuốc và chuồn.
Vả
lại, chúng ta không thích bị đối xử một cách hấp tấp và vô danh. Vậy tại sao
chúng ta lại chọn cách “sờ vội”? Bởi vì trong chúng ta, phần nào có sự e thẹn
muốn tránh một sự gặp gỡ riêng tư. Tại sao lại thế? Bởi vì chúng ta biết rằng
điều đó là đòi hỏi hơi nhiều. Chúng ta muốn đạt được điều đó một cách mau lẹ và
phiền toái vất vả càng ít càng tốt.
Niềm
tin của người đàn bà được tưởng thưởng. Bà mau chóng được chữa lành. Tuy nhiên
ngay khi bà định lẩn vào đám đông vô danh. Đức Giêsu đã tìm thấy bà. Người
không ưa chuộng cách chữa bệnh ấy. Một vài người chữa bệnh giản lược đến mức
tối thiểu sự tiếp xúc nhân bản. Nhưng Đức Giêsu thì không. Người luôn luôn đối
xử với con người trên một bình diện cá nhân. Mặt khác, Đức Giêsu biết có năng
lực từ Người phát ra, chứng tỏ có người sờ vào áo Người để được chữa bệnh và
lấy năng lực đó từ Người.
Người
khẳng định sự gặp gỡ mặt đối mặt với bà. Người không nghĩ đến mình nhưng nghĩ
đến người đàn bà. Người biết sau đó bà sẽ lành bệnh; Người biết bà không những
cần được chữa lành về thể chất và cả về mặt tâm lý và tinh thần. Sau bấy nhiêu
năm bệnh tật bà cảm thấy mình xấu xa và Thiên Chúa cũng xa lánh bà.
Vì
thế Người
đã gặp bà. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng ta thấy sự nhạy cảm và nhã nhặn
của Đức Giêsu. Một người đàn bà bị băng huyết bị coi là ô uế về mặt nghi thức.
Bà không được phép ở trong đám đông và khi sờ vào Đức Giêsu, bà đã làm cho
Người cũng trở nên ô uế về mặt nghi thức, những người khác sẽ cho là thế. Đức
Giêsu không quở trách bà về thái độ “đáng trách” ấy. Trái lại, Người khen ngợi
đức tin của bà. Và đầy lòng yêu thương Người nói với bà: “Này con, lòng tin của
con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
Nếu
chỉ sờ vào Người không, chưa đủ. Những người khác cũng sờ vào Người. Bà sờ vào
Người với đức tin, đức tin làm cho một người đàn bà nghèo nàn, nhút nhát, bệnh
tật, hạ tiện có khả năng nhận ra quyền năng của Đức Giêsu, và làm cho quyền
năng ấy tỏ hiện với một cái sờ.
Đức
Giêsu muốn bà hiểu rằng Người hạnh phúc cho bà. Khi nói với bà “Lòng tin của
con đã cứu chữa con”, Người muốn bà hiểu rằng bà có góp phần vào việc chữa lành
cho mình. Người xác nhận sự kiện bà được chữa khỏi. Điều này đem đến cho bà sự
an ủi và bảo đảm.
Điều
ấy làm cho bà cảm thấy tốt đẹp biết bao. Điều ấy tốt đẹp hơn biết bao so với sự
chữa lành, vô danh, hối hả và lén lút. Đức Giêsu làm cho bà cảm thấy như bà là
người duy nhất trên thế gian này.
Trong
việc trị liệu và chữa bệnh, vấn đề luôn luôn là con người toàn diện, chứ không bao
giờ chỉ là triệu chứng. Người ta phải đặt ra những câu hỏi thách thức nhân cách
toàn diện không phải chỉ có cái chân, hoặc cái tay được điều trị mà là một con
người. Đức Giêsu không bao giờ chỉ chữa lành một bệnh, Người chữa lành một
người bệnh. Lời Người chữa lành tinh thần: sự đặt tay của Người chữa lành thân
xác.
17.
Chữa lành.
Để
thực hiện thành công một điều gì, chúng ta phải đặt vào đó một phần của chúng
ta hoặc là đời sống hoặc là tâm hồn đến nỗi sau đó, chúng ta cảm thấy kiệt quệ.
Điều này đặc biệt đúng đối với việc chữa trị.
Chữa
trị có thể làm cho người chữa bệnh kiệt sức và đau đớn. Hành động chữa trị tự
nó thường là một dịp để đau khổ. Chúng ta không thể cất đi sự đau đớn của một
người mà không đi vào nỗi đau ấy một cách nào đó và ở một mức độ nào đó, dù chỉ
là nỗ lực để hiểu người bệnh và làm cho người bệnh cởi mở với mình. Một cách
nào đó, người chữa bệnh phải chịu đau khổ.
Một
đôi khi, điều khiến người ta trở thành người chữa bệnh là một kinh nghiệm chính
mình đã bị đau và đã được chữa lành. Người chữa bệnh cần ý thức về sự dễ bị tổn
thương của mình. Chính họ dễ bị tổn thương và đó là một phần lý do khiến họ
chữa bệnh. Đức Giêsu hoàn toàn dễ cảm thương cho người khác. Người nhận đau khổ
của người khác cho mình: Người chịu đau khổ với mỗi người.
Dù
khi ở giữa đám đông, nếu có người nào chạm vào Người và được chữa lành, Người
biết ngay. Tại sao lại như thế? Bởi vì mỗi sự chữa lành đều lấy đi của Người
một điều gì đó. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng: “năng lực từ Người thoát ra. Và
Người cảm thấy năng lực ấy thoát ra”. Chính năng lực ấy và đức tin của người
bệnh tạo ra sự chữa lành.
Thỉnh
thoảng Đức Giêsu chữa lành một người và để người ấy lấy đi bớt năng lực của
Người. Sự cao cả của Người là Người sẵn sàng trả giá cho việc chữa lành những
người khác. Chúng ta theo bước chân của Người khi chúng ta hiến dâng chính mình
để giúp đỡ những người khác.
Mỗi
người chúng ta có thể làm công việc chữa lành nào đó nếu chúng ta cho phép mình
trở nên công cụ của Người. Chúng ta có thể không có khả năng chữa trị, nhưng có
khả năng chăm sóc. Và chăm sóc cũng thuộc phần việc chữa trị. Chúng ta băng bó
vết thương, nhưng chính Thiên Chúa làm vết thương lành.
Tuy
nhiên, mỗi hành động chăm sóc cũng đòi chúng ta phải trả giá. Năng lực thoát ra
khỏi chúng ta. Nhưng chúng ta chớ để mình kiệt sức. Nếu chúng ta luôn tiếp xúc
với Chúa năng lực trong chúng ta được phục hồi liên tục.
Có
những người luôn giữ được niềm tự tin và tính lạc quan. Tính cách này trở thành
một thứ thuốc bổ cho người bệnh. Năng lực thoát ra từ họ và đi vào những người
khác. Họ sung sướng khi giúp đỡ những người khác, và giúp đỡ những người khác
là chữa lành.
Ở
một mức độ nào đó, chúng ta đều bệnh tật. Nhưng chúng ta có xu hướng che giấu
bệnh tật và thương tích của chúng ta. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu mang bệnh
nặng và trong trường hợp của bà, bệnh tật quá rõ ràng. Nhưng người ta có thể bị
bệnh tật mà không xuất hiện ra bên ngoài. Họ mang những thương tật vô hình –
cảm giác mình bị bỏ rơi, thất bại, không có phẩm giá, cô đơn, cay đắng, hờn giận…
Vì thế, tất cả chúng ta cần được chữa lành.
Và
tất cả chúng ta có thể là những người chữa trị. Đời sống chúng ta luôn luôn xúc
phạm đến đời sống của những người khác. Với một chút thiện cảm, chúng ta có thể
chữa lành những tâm hồn mang thương tích. Với một chút chăm sóc, chúng ta có
thể làm cho một tâm trí, bối rối được nhẹ nhõm. Với một chút thời gian, chúng
ta có thể làm vơi nhẹ nỗi đau của một người cô độc. Thỉnh thoảng mỗi người
chúng ta nên dừng lại và tự hỏi: “Điều gì thoát ra từ tôi qua công việc, hành
vi, và những mối quan hệ – điều gây tổn thương hay điều giúp chữa lành?”.
Chữa
lành không chỉ là nhiệm vụ dành cho cá nhân. Nếu chúng ta có thể tạo ra những
cộng đoàn ở đó mọi người có thể qui tụ, cùng làm việc và nâng đỡ nhau, lúc đó
sự chữa lành trở thành một phần của đời sống hàng ngày.
18. Đức
tin.
Giả
sử như chúng ta đã đi hết nửa đoạn đường, sắp bước chân qua cầu để sang bờ bên
kia đi tiếp đoạn đường còn lại, thì bỗng chiếc cầu sụp đổ rơi tòm xuống sông.
Khi đó chúng ta làm thế nào? Chắc là muốn quay trở về đoạn đường cũ.
Người
đàn bà mắc bệnh loạn huyết và ông Giairô cũng lâm vào một tình cảnh khó xử như
vậy:
] Loạn huyết là một chứng bệnh dơ dáy.
Người Do thái không chỉ thấy nó dơ dáy về mặt thể lý mà còn coi nó là một thứ ô
uế luân lý. Cho nên có luật cấm những kẻ mắc bệnh đó không được đụng chạm tới
người khác, chạm tới ai thì người ấy kể như bị lây ô uế đó. Người phụ nữ bị
bệnh loạn huyết này cũng không dám cất tiếng kêu xin Đức Giêsu vì sợ người ta
biết mình bệnh và xua đuổi mình. Bà định im lặng rờ vào mình Đức Giêsu. Nhưng
vậy là phạm luật thánh, là có tội: thật là khó xử.
] Còn ông Giairô thì xin Chúa đến chữa trị cho con gái
mình đang bệnh nặng. Đức Giêsu đã chấp thuận, nhưng khi hai người đang trên
đường về nhà ông thì ông được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu
chữa nữa!
Cả
bà loạn huyết và ông Giairô đều như sắp bước qua cầu thì chiếc cầu sụp gãy. Thế
nhưng họ không quay trở lại bỏ dở đoạn đường. Họ vẫn cố gắng tiến bước:
-
Bà loạn huyết
không dám rờ vào mình Đức Giêsu thì rờ vào cái tua áo của Ngài vậy.
-
Còn ông Giairô
thì trong lúc chới với đó đã nghe Đức Giêsu an ủi “Đừng sợ, cứ tin”. Và kết quả
là bà kia dứt bệnh, con gái ông Giairô sống lại. Đức tin của họ đã nối lại nhịp
cầu gãy.
Trên
đây là hai trường hợp giúp chúng ta hiểu
bản chất của đức tin và sức mạnh của đức tin.
-
Tin vào những
chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin,
đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi.
-
Đức tin, một
nhân đức căn bản của đạo, phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá
sức loài người, vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như
vậy có thể làm nên những phép lạ, bởi vì trước một hoàn cảnh quá khó khăn,
trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức
riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa thì có thể là được hết mọi
sự.
Như
Abraham đã 90 tuổi mới có được một đứa con trai, nhưng vâng lệnh Chúa ông đưa
con lên núi sát tế và lòng đau như cắt mà vẫn tin rằng Chúa sẽ thực hiện lời
hứa làm cho ông thành tổ phụ một dân đông đảo. Ông vẫn tin và quả thực Chúa đã
làm ông thành tổ phụ những người tin. - Như Phêrô dám bước đi trên mặt nước
biển, và ông đã đi được bao lâu ông còn tin vào Chúa. Nhưng khi ông bắt đầu
hoài nghi thì cũng là lúc ông bắt đầu chìm xuống.
Chúng
ta là những tín hữu, nghĩa là những kẻ tin Chúa. Bấy lâu nay chúng ta vẫn tin
Chúa. Nhưng có lẽ bấy lâu nay tin Chúa là điều dễ dàng đối với ta, tin Chúa ta
được bình an, tin Chúa đời ta thoải mái, gia đình ta yên vui, việc làm của ta xuôi
chảy. - Có một người mẹ kia có một đứa
con nhỏ rất dễ thương, vừa biết nói chuyện đã học đọc kinh, hát thánh ca. Rồi
nó lâm bệnh, người mẹ cầu nguyện hết sức, nhưng nó vẫn chết. Từ đó người mẹ
không còn cầu nguyện nữa, hình như chị đã hết tin.
Chúng
ta cũng đã từng dự những đám táng: khi chiếc quan tài được hạ huyệt, người ta
khởi sự lấp đất lại và trong lúc đó cũng khởi sự đọc kinh Tin Kính “Tôi tin xác
loài người ngày sau sống lại”. Biết bao người đã vừa đọc câu đó mà nước mắt
ròng ròng.
Cũng
có một ông kia từ ngày gia đình làm ăn sa sút đã đem tượng Chúa quăng ra ngoài
sân và từ đó không còn giữ đạo.
Và
biết bao người đã thành thật thú nhận cùng cha giải tội: “Con đã ngã lòng rồi!”
Cũng như có biết bao người những khi buồn khổ đời không cầu nguyện.
Chúng
ta hãy cầu xin Chúa thật nhiều cho những người đáng thương kể trên. Và cầu xin
cho chính chúng ta được một đức tin vững chắc để không phải chỉ tin Chúa ngày
hôm nay khi đời ta còn bình an, vui vẻ. Nhưng vẫn còn đủ sức để tin nếu mai
ngày chúng ta rơi vào một hoàn cảnh khó khăn thử thách. Xin Chúa giúp chúng con
vẫn cứ tin luôn, tin rằng Chúa luôn thương yêu chúng con. Xin Chúa giúp chúng
con vẫn cứ tin luôn cho dù gặp bao gian nguy.
19. Đức
Giêsu chữa lành bà bị băng huyết.
(Lm. FX. Vũ Phan Long)
1.- Ngữ cảnh
Đoạn
văn này tổng hợp hai truyện về chữa lành (con gái ông Gia-ia [Mc 5,21-24.35-43]
và bà băng huyết [Mc 5,25-43]). Đây là một ví dụ nữa về cấu trúc “tháp ghép
[sandwich construction]” của tác giả (x. 1,21-28; 2,1-12; 3,21-35; 6,7-33;
11,11-21; 14,1-11). Hai truyện này có nhiều điểm chung: những người đau khổ là
những người nữ; con số 12 (5,25.42); và từ vựng (“lòng tin”, “sự sợ hãi”,
“khỏi/lành mạnh”, “con [gái]…”). Tuy nhiên, giọng văn của hai truyện này không
giống nhau, khiến phải cho rằng đây là hai truyện lúc đầu độc lập với nhau:
Truyện con gái ông Gia-ia được kể bằng những câu ngắn, với ít phân từ
(participles) và các động từ ở thì hiện tại lịch sử (historic present); còn
truyện bà băng huyết được kể bằng những câu dài, dùng nhiều phân từ và ở thì
quá khứ aorist và vị hoàn (imperfect).
2.- Bố cục
Bản văn này có thể chia
thành ba phần:
1) Mở: Khung cảnh, các nhân
vật (5,21);
2) Hai truyện về chữa lành
(5,22-42a):
a-
Chữa con gái ông Gia-ia (cc. 22-24.35-42a),
b-
Chữa bà băng huyết (cc. 25-34);
3) Kết: Phản ứng của dân
chúng và lệnh của Đức Giêsu (5,42b-43).
3.- Vài điểm chú giải
- lại trở sang bờ bên kia
(21): Đức Giêsu trở lại bờ biển phía tây (x. 4,35).
- một ông trưởng hội đường
tên là Gia-ia (22): Ít ra ta biết Gia-ia là một thành viên vị vọng của hội
đường Do Thái, thuộc hàng kỳ mục có nhiệm vụ quan tâm đến những vấn đề tôn giáo
và xã hội của cộng đồng. Tên Híp-riYa’ir (x. Ds 32,41; Tl 10,3-5; HL. Iaðros)
có nghĩa là “ước gì Ngài (= Thiên Chúa) soi sáng”.
- sụp xuống… khẩn khoản nài
xin (22-23): “Sụp xuống”(HL. piptei, x. 3,11; 5,33; 7,25) tương tự động từ
proskyneô (“quỳcxuống”; x. 5,6; 15,19), là thái độ vâng phục bày tỏ với một
người trên, và trong ngữ cảnh khác, là sự tôn kính bày tỏ ra với Thiên Chúa.
Tác giả dùng hai động từ trên để giới thiệu Gia-ia như là một người cầu xin: vì
ở trong một hoàn cảnh bế tắc, một bậc vị vọng Do Thái đã xin Đức Giêsu giúp đỡ.
- con bé: “con gái nhỏ” (HL.
thygatrion, từ giảm nhẹ của thygater, “con gái”). Từ giảm nhẹ này nói lên tình
âu yếm của người cha đối với con mình.
- gần chết rồi: Mt nói “vừa
mới chết” (Mt 9,18), còn Lc thì nói “đã gần chết (đang hấp hối)” (NTT; Lc
8,42). Mc thì viết “đã gần lâm chung” (NTT) (HL. eschatôs echei).
- bà băng huyết (25): Chứng
bệnh này làm cho người phụ nữ bị ô uế về phương diện tế tự (x. Lv 15,19.25), và
do đó, tất cả những gì bà động chạm đến cũng trở nên ô uế.
- khổ sở vì chạy thầy chạy
thuốc (26): Lời kết án các thầy thuốc đây thuộc nguồn riêng của Mc. Tác giả Lc
sẽ nói nhẹ nhàng hơn (x. Lc 8,43).
- sợ phát run lên (33): Bà
sợ có lẽ vì thấy mình đã làm cho Đức Giêsu bị luỵ vào tình trạng ô uế theo
luật. Nhưng cũng có thể bà sợ vì thấy điều vừa xảy ra cho mình. Sợ và run cũng
là một phản ứng của con người khi Thiên Chúa tỏ mình ra (x. Xh 15,16; Đnl 2,25;
11,25; Gđt 15,2).
- lòng tin (34): Đây không
phải chỉ là một cuộc chữa lành thể lý nhờ tiếp xúc bên ngoài với bản thân Đức
Giêsu, nhưng là ơn cứu độ mà lời Người loan báo và ban cho tất cả những ai tin
tưởng đến với Người. Vì thế động từ sesôken có thể dịch là “đã chữa con lành”
hoặc “đã cứu con”.
- đến đặt tay lên cháu, để
nó được cứu thoát và được sống: Việc đặt tay trên người đau ốm là một cử chỉ
thường có trong các nghi thức chữa bệnh ngày xưa, dựa trên ý tưởng người chữa
bệnh là một người đầy quyền lực (x. 5,27-30: một kiểu tiến hành ngược lại).
Những từ ông Gia-ia nói ra (“được cứu thoát”, “được sống”) là những từ chuyên
môn được các nhóm Kitô hữu tiên khởi sử dụng để nói về sự cứu độ và sự sống
được phục hồi (sống lại). Như vậy, rất có thể các Kitô hữu tiên khởi đã coi câu
truyện phục hồi sự sống cho con gái Gia-ia là một lời tiên báo hoặc một sự tiền
dự vào sự sống lại của Đức Giêsu và của
những ai tin vào Người.
- con gái ông chết rồi (35):
Gia-ia chìm đi một lúc trong đám đông đang đi theo Đức Giêsu. Trong khoảng thời
gian này, bà băng huyết được chữa lành. Đến lúc ấy, Gia-ia nhận được tin chẳng
lành: con gái ông đã chết! Vậy thì “làm phiền Thầy chi nữa?”. Dưới mắt những
người đưa tin, người cha đã đến gặp Đức Giêsu quá muộn. Chính họ vừa mới nói ra
sự không tin của họ; chính thái độ này vừa như muốn giới hạn quyền năng Đức
Giêsu lại vừa muốn lung lạc lòng tin của Gia-ia.
- Ông đừng sợ, chỉ cần tin
thôi (36): Đức Giêsu đã trấn an ông, bởi vì ông cần phải thắng vượt được nỗi sợ
hãi của ông, để sẵn sàng chứng kiến quyền lực thần linh của Đức Giêsu hiển lộ
ra. Công thức “Đừng sợ” ở những chỗ khác thường được dành cho các hoạt cảnh mạc
khải (x. 6,50; Mt 28,5; Lc 1,13.30); ở đây công thức này cũng đang chuẩn bị một
cảnh thuộc loại đó. Tác giả Mc thường nhấn mạnh đến nỗi sợ hãi, kinh ngạc hoặc
kinh hoàng nơi những người đã chứng kiến các phép lạ (x. 1,27; 2,12; 4,41;
5,15; …), nhưng những phản ứng này không đưa tới đức tin. Đức Giêsu khuyến
khích Gia-ia đừng chao đảo trong đức tin, bởi vì, như Đức Giêsu sẽ nói với
người cha của đứa bé động kinh, “cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin”
(9,23).
- người ta khóc lóc, kêu la
ầm ĩ (38): Tình trạng ồn ào, với sự hiện diện của những người khóc mướn, dường
như chứng tỏ đứa bé đã chết thật rồi.
- nó ngủ đấy (39): Trong
ngôn ngữ Kinh Thánh, cái chết thường được tượng trưng bằng giấc ngủ (Đn 12,2;
Ga 11,13; 1 Cr 15,20.51; Ep 5,14; 1 Tx 5,6.10). Bản LXX cũng thường dùng động
từ “ngủ” để nói về cái chết. Bản văn Mt 9,18 và Lc 8,53.55 cũng theo ý nghĩa
ấy. Nhưng động từ ấy, trong bản văn Mc thì còn
có vẻ hàm hồ, lý do là ngay ở
đầu, tác giả ghi nhận là đứa bé chưa chết. Dù câu truyện có vẻ là cuộc phục
sinh một em bé, biết đâu chừng nó chưa chết, chỉ rơi vào tình trạng hôn mê
thôi; và Đức Giêsu với cái nhìn thấu
suốt, đã nhận ra tình trạng ấy của đứa bé, nên đã nói như thế? (x. Mann; NJBC).
Khi đó, câu truyện này sẽ là truyện về một cuộc chữa lành ngược lại mọi hy vọng
và ngược lại sự lượng định khôn ngoan của những người có mặt (x. 5,43).
- Họ chế nhạo Người (40):
Phản ứng mạnh mẽ của đám đông được nhắc tới bằng câu này vừa cho thấy họ không
tin vừa càng nêu bật tính cách phi thường của những gì Đức Giêsu sắp làm. Cha
mẹ em bé ở vào vị trí chứng nhân cùng với Phêrô, Giacôbê và Gioan. Dường như
mọi người đều đồng ý là đứa bé đã chết.
- nơi nó đang nằm: Đây là
chi tiết của riêng Mc. Câu này chứng tỏ Đức Giêsu vào phòng lần đầu tiên.
- Talitha koum (41): (Aram tơlitha’
qum). Chi tiết này rất có thể chứng tỏ câu truyện đang được một người đã chứng
kiến tận mắt kể lại.
- đứng dậy và đi lại được
(42): Hai động từ này được dừng ở hai thì khác nhau. “Đứng dậy”, anestê, ở thì
quá khứ aorist, diễn tả một hành vi vừa làm xong, còn “đi lại”, periepatei, ở
thì vị-hoàn (imperfect), diễn tả một hành vi còn kéo dài.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Mở: Khung cảnh, các nhân
vật ( 21)
Chúng
ta gặp lại những yếu tố quen thuộc trong câu mở đầu này: đám đông qui tụ ở bờ
Biển Hồ (x. 4,1), con thuyền (x. 4,1.36), vượt hồ (x. 5,1t) .
* Hai truyện
về chữa lành (22-42a)
Đức
Giêsu đào tạo các môn đệ không những bằng lời nói mà còn bằng các hành động
nữa. Một vài hành động nổi bật hẳn, bởi vì Người chỉ cho Phêrô, Giacôbê và Anrê
tham dự thôi (5,35-43; 9,2-9; 14,32-42). Trong truyện cho con gái Gia-ia sống
lại, tác giả nói hai lần là Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ ấy theo thôi (cc.
37.40). Họ không có nhiệm vụ nào cả; họ chỉ phải có mặt mà trực tiếp chứng kiến
một hoàn cảnh bế tắc về phương diện con người, nhưng cũng thấy sự tin tưởng
người ta đăt vào Đức Giêsu và thấy quyền lực siêu phàm của Người.
Trong
sự cố bà băng huyết được lành, họ đã thấy: bà hoàn toàn không mong dựa vào sức
lực con người nữa, nhưng bà vẫn không mất hy vọng, bà đặt tin tưởng nơi Đức
Giêsu (c. 28). Gia-ia thì hy vọng là nhận được sự trợ giúp cho con gái ông đang
hấp hối (c. 23). Nhưng trên đường về có Đức Giêsu cùng đi, ông đã được tin
chẳng lành. Đây là điểm gay cấn. Có tương quan nào giữa Đức Giêsu và cái chết?
Phải chăng Đức Giêsu có là thầy thuốc tài giỏi nhất, cũng phải bó tay trước cái
chết? Người đã kêu mời Gia-ia đừng sợ hãi và thất vọng, nhưng hãy đứng vững
trong niềm tin (c. 36). Giữa lời khuyên của các sứ giả (c. 35) và lời khuyến
khích của Đức Giêsu, ông đã nghe theo Đức Giêsu và đi với Người đến với đứa con
gái vừa tắt thở. Đức Giêsu không rút lại sự giúp đỡ đã hứa và tiếp tục tiến
bước, dù bây giờ là tiến bước đến với một người đã chết.
Đến
đây, Đức Giêsu muốn ba môn đệ chọn lọc có măt, không phải để họ tích cực làm
việc gì, nhưng để họ tham dự vào sự cố thật gần gũi. Khi Đức Giêsu nói rằng em
bé chỉ “ngủ” thôi, mọi người đều chế nhạo Người, bởi vì họ chắc chắn em đã
chết. Bây giờ, Người lại làm một cuộc phân rẽ nữa: chỉ cha mẹ em bé và ba môn
đệ được đi với Người vào gặp em bé đã hết. Họ đã chứng kiến hành động hết sức
đơn giản của Người: Người chỉ cầm lấy tay em và gọi em dậy. Thế là chuyện không
thể tin nổi đã xảy ra: em đứng dậy và đi lại được. Tác giả còn ghi lại một chi
tiết cho thấy Đức Giêsu rất tinh tế: Người bảo họ “cho con bé ăn”.
Kết:
Phản ứng của dân chúng và lệnh của Đức Giêsu (42b-43)
Hành
vi của Đức Giêsu đã làm nổ tung các giới hạn của mọi niềm hy vọng, và cả những
giới hạn của kinh nghiệm của các môn đệ. Họ phải nhìn nhận: Đức Giêsu mạnh hơn
sự chết. Các môn đệ không còn như trước nữa; một thực tại mới vừa xuất hiện ở
chân trời kinh nghiệm của họ. Đứng trước cái chết, các môn đệ có thể trả lời
với nó không chỉ bằng các tiếng than van rỗng tuếch, nhưng bằng niềm tin tưởng
vào quyền lực của Đức Giêsu. Họ không mạnh, nhưng họ biết rằng Đức Giêsu rất
mạnh.
+
Kết luận
Nơi
ông Gia-ia và bà băng huyết, tác giả Mc cho chúng ta thấy hai ví dụ tương tự về
bước đi của người tín hữu và câu trả lời họ nhận được từ Đức Kitô. Bên kia phép
lạ thể lý, tác giả muốn giúp chúng ta cảm nhận được sự sống viên mãn Đấng Cứu
Thế ban cho người tín hữu, lúc này, khi Người đã được tôn vinh bởi cuộc Khổ Nạn
và Phục Sinh.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Người Kitô hữu cũng là người được Đức Giêsu tách riêng ra để trải nghiệm quyền
lực của Người trên những hoàn cảnh gay go. Chắc chắn Đức Giêsu không muốn chúng
ta nhắm mắt khi đứng trước các giới hạn của khả năng con người, hoặc chao đảo
giữa ảo tưởng và thất vọng. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào? Là chứng nhân của
Đấng là Chúa tể, chúng ta biết mời gọi người ta bình tĩnh giữ vững niềm tin?
Hay là chỉ hùa theo số đông, buông xuôi theo hoàn cảnh khó khăn như một định
mệnh khắc nghiệt?
2.
Ông Gia-ia đã chứng tỏ một đức tin đáng phục. Bà băng huyết cũng có những suy
nghĩ và chọn lựa nói lên lòng tín thác. Bởi vì Đức Giêsu có đó để khuyến khích,
trấn an, mời gọi họ vững vàng đi tới. Niềm tin vào Đức Giêsu hôm nay có giúp
các môn đệ của Người hiên ngang tiến đi và làm điểm tựa cho người khác trong
hành trình đức tin của họ?
3.
Cũng cần phải hiểu Đức Giêsu có uy quyền như thế, nhưng vì sao Người đã không
cho mọi người chết sống lại, tức là hiểu ý nghĩa của việc Đức Giêsu cho em bé
này sống lại, dù sau đó em sẽ lại chết. Bên kia phép lạ, Đức Giêsu mời gọi
chúng ta khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Bên kia cái chết thể lý, Người
mời chúng ta hướng tới sự sống viên mãn.
4.
Trong hành trình phục vụ, nếu tin tưởng tuyệt đối vào Đức Giêsu, chúng ta sẽ
tiếp tục tiến bước, dù con đường trước mắt có vẻ đã khép lại. Trong trăm công
nghìn việc nhằm phục vụ hạnh phúc của con người, chúng ta vẫn được mời học lấy
cái nhìn tinh tế và ân cần của Đức Giêsu: “cho con bé ăn”. Đức Giêsu thấy nhu
cầu nhỏ bé của từng con người, dù bé nhỏ. Người không bao giờ vì số đông mà
quên từng cá nhân và coi thường nhu cầu của từng cá nhân.
20. Chú
giải mục vụ của Jacques Hervieux.
CON GÁI ÔNG GIAIRÔ VÀ
NGƯỜI ĐÀN BÀ MẮC CHỨNG BỆNH BẤT TRỊ
Giống
như Matthêu (9,18-26) và Luca (8,40-56) ở đây Maccô cũng gói ghém hai mẩu
chuyện vào chung một trình thuật. Ngoài ra người ta cũng tìm thấy ở đây cách mô
tả Maccô vẫn thường dùng (x.3,20-35). Trình thuật diễn tiến như sau: Giairô van
nài (c.21-24); chữa lành người đàn bà mắc bệnh bất trị (c.25-34) Phục Sinh con
gái ông Giairô (c.35-43).
Sở
dĩ các trình thuật được nối với nhau như thế là vì chúng có những điểm chung
với nhau. Trước hết hai khuôn mặt chính trong trình thuật này là phái nữ: một
người đàn bà và một bé gái. Và ở cả hai trường hợp, đức tin vẫn đóng vai trò
trọng tâm trong tiến trình đến gặp Chúa Giêsu.
Vậy
là Chúa Giêsu và các môn đệ đã về lại bờ hồ ở mạn tây thuộc vùng đất Israel . Một lần
nữa, đám đông đã chờ sẵn ở đó (c.21). Họ tụ lại để xem Chúa Giêsu biểu diễn
quyền năng cứu độ của Ngài. “Một ông trưởng hội đường tên là Giairô tiến đến”
(c.22a). viên chức sắc Do Thái này tỏ ra rất kính trọng và tin cậy Chúa Giêsu
(c.22b). lời cầu xin của ông ta biểu lộ một lòng tin sâu xa. Con gái nhỏ của
ông đang trong cơn thập tử nhất sinh (c.23). Chẳng cần thốt một lời, Chúa Giêsu
đủ nhạy cảm trước nỗi đau của một con người mang trong lòng niềm tin vào Ngài
lớn lao như thế. Ngài liền đi theo ông ta, đàng sau là đám đông chen lần nhau
tò mò sấn tới…
Và
trong đoàn người chen chúc này xuất hiện một người phụ nữ. Bà ta bị rong huyết
mạn tính từ mười hai năm rồi (c.25). trong các tác giả Tin Mừng, chỉ mỗi Maccô
nêu rõ tình trạng vô vọng của bệnh nhân, các y sĩ thời đại tiền khoa học ấy chỉ
tổ làm cho bệnh của bà ta tệ hơn mà thôi (c.26). Tuy nhiên, điều cần chú ý hơn
hết ở đây là theo luật Do Thái, người phụ nữ này bị rơi vào tình trạng ô uế xét
về mặt luật pháp, và tuyệt đối cấm không ai được đụng chạm với chị (Lv
15,19-27). Thế mà niềm tin mạnh mẽ đã thôi thúc bà ta rán lấn tới đụng cho được
vào áo Chúa Giêsu từ phía sau lưng Ngài, dù chỉ là trong chớp nhoáng (c.27).
Đối với chúng ta ngày hôm nay, cử chỉ này xem ra có vẻ khôi hài, nhưng Maccô đã
cho chúng ta rõ lý do tại sao bà ta lại làm thế (c.28).
Ở
phương Đông thời xưa, y phục là biểu tượng của nhân cách. Chạm vào y phục ai
tức là đụng vào chính kẻ ấy. Và thời xưa ấy thường thấy có sự đụng chạm giữa
người bệnh và thân thể người điều trị. Ở đây sự đụng chạm này đã có kết quả, bệnh
rong huyết của người phụ nữ này dừng lại lập tức. Chi ta cảm thấy mình đã được
bình phục (c.29). Về phía Chúa Giêsu, Ngài nhận thức ngay quyền năng nơi Ngài
hoàn toàn hữu hiệu (c.30a). Ở đây khía cạnh sinh lý của việc lành bệnh được
nhấn mạnh, tuy nhiên màn kế tiếp lại lôi kéo người ta chú ý đến vấn đề tôn giáo
có liên quan. Chúa Giêsu hỏi ai đã chạm vào Ngài (c.30b). Âm giọng và câu hỏi
Ngài thốt ra nghe như có vẻ trách cứ. Các môn đệ xem ra chẳng chú tâm đến câu
Ngài hỏi bởi vì giữa một đám đông đang chen lấn xô đẩy tứ phía như thế mà Thầy
lại hỏi: “Ai đã chạm đến Ngài?” thì quả là tức cười! Tuy nhiên, như thường lệ,
Chúa Giêsu đảo mắt dò xét đám đông. Ngài muốn biết chủ nhân của hành vi táo bạo
ấy (c.32). Bấy giờ người phụ nữ run sợ, thú nhận với Ngài lý do bà ta được chữa
lành (c.33). Bà ta cảm thấy ái ngại, chờ đón lời quở trách của vị Tôn Sư thượng
tôn luật lệ. Thế mà Chúa Giêsu lại trao cho bà sứ điệp giải phóng: “Lòng tin
của con đã chữa con, hãy đi về bình an” (c.34). Lời nói của Chúa Giêsu làm nổi
bật ý nghĩa sự cố này, đức tin mang lại ơn cứu rỗi mới là điều quan trọng, còn
hơn cả việc lành bệnh về mặt thể lý. Không phải tình cờ mà Chúa Giêsu lập lại
thành ngữ người phụ nữ đã sử dụng khi bà ta cầu mong: “Tôi sẽ được chữa khỏi”
(c.28b). Và toàn bản văn trên nhằm cho thấy rõ đức tin vào Chúa Giêsu có thể
mang lại kết quả là được Ngài ban cho một phép lạ hoàn toàn bất ngờ. Kể từ đó,
dù cho người phụ nữ vô danh này không bao giờ được nhắc tới nữa thì Maccô cũng
vẫn đã thành công trong công việc chứng tỏ Chúa Giêsu là Đấng giải thoát khỏi
mọi sự dữ. Bởi vì ở đây gồm hai chiều kích vừa là căn bệnh bất trị vào thời đó,
và còn hơn thế nữa, vừa hầu như bị khai trừ “ra khỏi lề luật” của cộng đoàn tôn
giáo khởi nguồn từ các tổ phụ.
Tiếp
nối việc chữa lành cho người phụ nữ bị xuất huyết là câu chuyện dang dở về đứa
con gái của ông Giairô (c.21-23), Chúa Giêsu đang theo ông ta để tới chữa trị
cho con gái của ông đang hấp hối (c,24), thì người nhà chạy tới báo cho ông ta
hay đứa bé đã qua đời. Thế thì “làm phiền Thầy chi nữa” (c.35). Lời họ cho thấy
rõ họ thiếu đức tin. Chúa Giêsu đâu chịu đầu hàng trước trở ngại mới xảy đến
này. Ngài nói với người cha đang chịu thử thách: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin
thôi” (c.36). Trong trường hợp thực sự bi đát này, đây quả là lời kêu gọi hãy
cẩn trọng một cách thật phi thường. Và không chần chờ thêm, Chúa Giêsu đã bắt
tay vào hành động (c.37). Bên cạnh Ngài là bộ ba môn đệ được Ngài mến chuộng,
ba vị này sẽ được Ngài cho tham dự vào cuộc biến hình (9,2) và cơn hấp hối của
Ngài (14,33). Điều này đủ nói lên tầm quan trọng của sự kiện Chúa Giêsu sắp
làm. Sau khi tới nhà ông Giairô, Chúa Giêsu đụng ngay đám người đang than khóc
(c.38). Ở phương Đông tang chế thường om sòm huyên náo như thế muốn khỏa lấp đi
sự bất lực của con người trước cái chết. Chúa Giêsu bước vào và muốn thuyết
phục đám người than khóc nín đi. Theo Ngài thì đứa bé không chết, nó chỉ ngủ
thôi (c,39b). Nghe thế người ta liền chế nhạo Ngài (c.40a). Maccô cẩn thận ghi
rõ sự “không tin” của đám người này. Thế rồi Chúa Giêsu đuổi họ ra (c.40b). Và
Ngài bước vào trong căn phòng đứa bé đã chết, chỉ bố mẹ đứa bé và ba môn đệ
đươc phép theo vào (c.40c). Ở đây, trong bầu khí đức tin thân mật, Ngài thực
hiện một cử chỉ đơn giản và thốt ra một lời cứu độ (c.41). Maccô đã cẩn thận
bảo tồn những lời chính Chúa Giêsu thốt ra bằng tiếng mẹ đẻ của Chúa, tức tiếng
Aram
đồng thời dịch lời đó ra cho các độc giả của ông. Nên nhớ kỹ thuật dụng ngữ
“hãy chỗi dậy” – nghĩa văn chương là hãy thức dậy – chính là dụng ngữ sẽ được
dùng để chỉ cuộc Phục Sinh của Chúa Giêsu (16,6). Em bé lập tức được hồi sinh
(c.42). Em đứng dậy bước đi. Sau đó các nhân chứng ra về nhưng như thường lệ
Chúa Giêsu yêu cầu họ phải giữ im lặng tuyệt đối (c.43a). Sở dĩ Chúa Giêsu
thường đòi buộc các người thân của Ngài giữ bí mật về Đấng Mêsia là vì đám quần
chúng không đủ khả năng nhận biết Chúa Giêsu có quyền năng siêu việt trên sự
chết. Quyền năng ấy chỉ có thể được nhận biết và được loan báo cho mọi người
sau khi Chúa Phục Sinh. Và Maccô đã kết thúc bức tranh đầy màu sắc này bằng một
chi tiết thi vị nói lên được nhiều ý nghĩa (c.43b). Toàn thể gia đình Giairô
sau khi xáo động về sự cố đứa bé vừa sống lại, có thể trở về cuộc sinh hoạt
bình thường và chính cô bé (12 tuổi) nữa cũng thế, như thể không có việc gì xảy
ra.
Dù
vẫn mang nét rung động trước hành vi nhân đạo của Chúa Giêsu, trình thuật trên
vẫn để lộ ra đặc tính truyền đạt giáo lý. Maccô đang ngỏ lời với các Kitô hữu
Rôma khá lâu sau biến cố Phục Sinh. Được đọc lại dưới ánh sáng Phục Sinh của
Chúa Giêsu, trình thuật trên giống như một dự báo về những sự cố sẽ đến. Người
ta có thể hiểu câu nói “Họ chế nhạo Ngài” là câu ám chỉ đến những giễu cợt,
nhạo báng mà sau này Chúa Giêsu sẽ chịu trước mặt các trưởng tế và luật sĩ khi
Ngài bị treo trên thập giá (15,31). Và đồng thời người ta cũng nhận ra cuộc
Phục Sinh của Chúa Giêsu đã được đề cập tới qua việc Chúa làm cho cô bé đứng
dậy (c.41).
Trình
thuật này kết thúc một chuỗi bốn hành vi quyền phép của Chúa Giêsu (4,35-5,43).
Dẹp yên bão tố, chữa lành kẻ bị quỷ ám ở Giêrasa, chữa lành người phụ nữ vô
danh và bé gái con ông Giairô là những bằng chứng về quyền năng tối thượng của
Chúa Giêsu trên sự sống lẫn sự chết. Người ta có thể đặt đề tựa cho toàn bộ các
hành vi quyền phép này bằng câu tuyên bố trong thư thứ nhất thánh Phaolô gởi
Kitô hữu Côrintô: “Hỡi thần chết, chiến thắng ngươi ở đâu” (15,55).
Và
sau lời giảng dạy dựa trên dụ ngôn (4,1-34), tiến trình trên đây đã trình bày
cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là một vị tiên tri quyền năng không chỉ trong lời
nói mà còn trong cả hành động. Ngài hoàn toàn chiến thắng sức mạnh Thần dữ và
Thần chết. Qua đó các môn đệ hẳn phải suy nghĩ về nhân cách kỳ lạ của Thầy
mình!
21. Chú
giải của Noel Quesson.
Đông đảo dân
chúng tụ lại quanh Người. Lúc đó Người đang ở trên bờ biển hồ. Có một ông
trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta phủ phục dưới
chân Người, và năn nỉ: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đặt tay lên
cháu, để nó qua khỏi và được sống". Đức Giêsu liền ra đi với ông. Đông đảo
dân chúng đi theo và chen lấn Người.
Tôi
bắt đầu đọc lại đoạn này, tả một cảnh rất sinh động. Thánh Maccô ghi lại những
lời rao giảng của Thánh Phêrô, một con người thực tế và có óc quan sát đúng
đắn. Tôi tưởng tượng khung cảnh; tôi nhìn ngắm con người, tôi ghi nhận những sự
kiện như trong một phim xi nê, hay hơn nữa tôi tưởng tượng tôi là một trong
những người tham dự, đang ở giữa đám đông.
Có
hai chi tiết đáng lưu ý: ông Giairô "khẩn khoản nài xin, khá lâu. Đức
Giêsu bề ngoài không đáp tiếng nào, nhưng liền ra đi với ông ấy" và chúng
ta thấy hai người cùng sánh vai lên đường với đám đông.
Trong
tiếng Hêbdrơ tên Giairô (Yair) có nghĩa là "người soi sáng" hay là
"người đánh thức".
Có một bà
kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao năm khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã
nhiều, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về
Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của
Người.
Thánh
Maccô nhấn mạnh đến tình trạng tuyệt vọng của người đàn bà này: Bà đã đau đớn
“rất nhiều”, chữa trị "lâu rồi", hao tổn "cả tài sản" mà
"không thuyên giảm chút nào"; bệnh tình lại có phần "tệ
hơn". Điều này muốn nhấn mạnh cho chúng ta rằng, Đức Giêsu có một quyền
lực mà không một phương thế nhân loại nào có thế vượt qua được. Lạy Chúa, xin
ban cho chúng con một đức tin sâu xa, ngõ hầu chúng con không bao giờ tuyệt
vọng!
Vì bà tự
nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ khỏi". Theo tâm thức người Do Thái thời đó, người đàn bà này
bị coi như "ô nhơ" theo luật Môisen (Lv 15,25) và bà có thể làm cho
những người khác cũng bị nhơ chỉ vì tiếp xúc với bà. Tôi cố hình dung ra thái
độ của người đàn bà đáng thương này, vừa xấu hổ vừa e sợ: Bà sờ vào áo choàng
của Đức Giêsu và cảm nghĩ như mình đang làm một việc bị cấm. Người có thể khước
từ sự đụng chạm nhơ bẩn này. Và nếu đám đông biết điều này, mọi người sẽ gớm
giếc tránh xa bà.
Và
tôi ngắm nhìn Đức Giêsu, Đấng "đã đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì bị
hư mất". Người đón tiếp những kẻ nghèo nhất. Không có một sự khốn khổ nào,
dù dấu kín, xấu hổ đến đâu mà bị Đức Giêsu xua đuổi. Không có một luật nào đứng
vững trước Đức Giêsu, khi cần phải cứu một người.
Lạy
Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi thói quen câu nệ lề luật, khỏi mọi sợ hãi
và xấu hổ.
Tức khắc máu
cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu
thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra. Người liền quay lại đám đông mà hỏi:
"Ai sờ vào áo tôi vậy?" Các môn đệ thưa: Thầy coi dân chúng chen lấn
Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: "Ai đụng vào tôi?" Đức Giêsu ngó quanh
để xem người phụ nữ nào đã làm điều đó".
Chúa
không muốn chỉ tiếp xúc với đám đông vô danh. Người muốn có một sự tiếp xúc cá
biệt, Người cũng muốn cho người đàn bà vượt lên trên sự tin tưởng mang tính ma
thuật dị đoan ("nếu tôi sờ được áo Người, tôi sẽ được lành mạnh"), để
bước vào một đức tin đích thực là phải nhận biết con người Đức Giêsu - Chúng ta
nên nhớ rằng, Đức Giêsu là một nhà sư phạm thật tài ba: Người lưu ý đến đức tin
chưa hoàn hảo và hồn nhiên, nhưng Người cũng muốn chúng ta đạt đến một đục tin
trưởng thành và hữu lý hơn.
Lạy
Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa thương yêu con với thực trạng của con. Xin Chúa
giúp chúng con trở nên như Chúa muốn.
Bà này sợ
phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt
Người, và trình bày hết sự thật. Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin
của con đã cứu chữa con. Con hãy đi về bình an và khỏi hẳn bệnh".
Hai
chữ "khỏi bệnh", "được cứu rỗi". Những phép lạ của Đức
Giêsu, dưới cái nhìn của người Kitô hữu "Sau biến cố Phục sinh", là
những điềm loan báo "sự cứu rỗi do đức tin" mà chúng ta được hưởng
nếu ta nhận biết Người.
Vâng,
đối với Đức Giêsu, điều cốt yếu không phải là điều "huyền diệu”, phép lạ,
nhưng là sự cứu rỗi. Vậy tôi cầu xin Chúa những gì?
Đức Giêsu
còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo ông:
"Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?". Tình cờ nghe được
câu nói đó, Đức Giêsu bảo ông trưởng hội đường: "ông đừng sợ, chỉ cần tin
thôi".
Đối
với Đức Giêsu, chính đức tin mới quan trọng: ông Giai-rô đã chứng kiến sự hiện diện
trước đó. Thánh Maccô kể lại cho chúng ta hai phép lạ này, như lồng vào nhau để
cho chúng ta một cảm tướng về sự tăng trưởng trong đức tin: Tin rằng Đức Giêsu
có thể chữa lành bệnh tật, tin rằng Người có thể làm cho kẻ chết sống lại.
“Ông
còn phiền Thầy làm gì?". Đối với người đồng thời với Đức Giêsu. Họ không
thể nghĩ rằng, xin Chúa làm cho người chết sống lại là một việc có thể được.
Chữa bệnh thì được, nhưng hồi sinh kẻ chết thì không phiền Thầy làm gì vì điều
đó không thể làm được. Điều này nhấn mạnh đến sự nghịch lý trong đức tin.
Rồi Người
không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông
Gioan. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường.
Một
lần nữa, Đức Giêsu không muốn làm điều gì bề ngoài dễ gây kích động. Mỗi lần có
thể được, Người kín đáo làm phép lạ. Hôm nay, Người chỉ dẫn theo ba nhân chứng
có đủ tư cách nhất. Ba vị này cũng sẽ là nhân chứng lúc Người biến hình (Mc
9,12) và lúc Người hấp hối (Mc 14,33). Chúa không muốn quyền lực của Chúa trở
thành một quyền lực ma thuật: Chính Người cũng sẽ có kinh nghiệm đau thương về
cơn hấp hối và cái chết. Nhưng điều này đã xảy ra cho cô bé gái. Sự cứu rỗi duy
nhất và vĩnh viễn đó là cuộc vượt qua cuối cùng, để bước vào cuộc sống vĩnh
cửu.
Đức Giêsu
thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao
lại khóc lóc om sòm như vậy? Con bé có chết đâu nó ngủ đấy?". Họ chế nhạo
Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết.
Đức
tin của ông Giai-rô và của ba Tông đồ bị thử thách nặng nề do thái độ không tin
của đám đông chung quanh, và việc họ nhạo báng Đức Giêsu.
Rồi dẫn cha
mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người vào nơi nó đang nằm, Người cầm lấy tay
nó.
Ôi
bàn tay của Đức Giêsu đang làm những điều kỳ diệu! Bàn tay Người đang nắm một
bàn tay đã chết. Sự tiếp xúc với thân thể Chúa cũng thế. Khi chúng ta rước
Chúa, mầu nhiệm sống động này được tái thực hiện.
Và Người
nói: "Talitha Kum".
Chỉ
mình Maccô ghi lại lời này bằng tiếng Aramên, tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu. Maccô
biết được chuyện này do Thánh Phêrô, người hiện diện ở đó thuật lại. Chính
những chi tiết nhỏ ấy cho thấy Phêrô là người đã mục kích. Những kỷ niệm này
được một nhân chứng đã nghe, đã xúc cảm ghi giữ. Thực vậy, suốt đời Thánh Phêrô
luôn nhớ hai chữ "Talitha Kum".
Nghĩa là
"Này con, Thầy truyền cho con chỗi dậy đi!".
Thực
ra, hai chữ tiếng Aramên này có thể dịch ngắn hơn nhiều: "Bé gái, đứng
dậy". Nhưng Thánh sử Maccô đã muốn diễn dịch dài hơn và đã dùng một từ chủ
yếu của những Kitô hữu đầu tiên. Sau “Phục sinh": "Hãy chỗi
dậy", tiếng Hy Lạp là "egeiré", có nghĩa là “thức dậy". Đó
là từ đã được dùng để nói về sự Phục sinh của Đức Giêsu. Chữ này có một ý vị
Phục sinh. Đó là chữ đối nghĩa với "ngủ” mà Đức Giêsu đã dùng trước đây để
nói về cái chết. Vâng, đối với Đức Giêsu, cái chết không còn thật sự là chết
nữa, đó là một giấc ngủ.
Một
bài Thánh ca rất xưa của những người Kitô hữu đầu tiên được hát trong nghi lễ
rửa tội như sau: "Hỡi người đang ngủ thức dậy đi, ngày đã sáng lên rồi. Từ
cõi chết hãy đứng lên. Chúa sẽ chiếu sáng trên ngươi". (Chúng ta đã nói là
chữ faire, có nghĩa là "người soi sáng", "người đánh thức",
đấy là biểu tượng của phép rửa tội) (Ep 5,14).
Đó
là Phép rửa của tôi. Đó là sự sống của tôi, người đã được rửa tội. Tôi có tin
thực rằng tôi đã nhận được cùng một ơn lành như cô bé này không? Qua phép rửa
tội của tôi tôi đã đi từ cái chết đến sự sống. Cuộc sống vĩnh cửu của tôi đã
bắt đầu. Phải chăng tôi là một người không ngừng "chỗi dậy",
"thức dậy"? Tôi có nghe Đức Giêsu cũng nói lại với tôi: "Đứng
lên", "chỗi dậy", "thức dậy", "sống lại"
không? Nói những tình trạng chết chóc mà đức tin giải thoát cho tôi là gì?
Con bé liền
đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười tuổi. Vừa thấy thế, người ta kinh ngạc
sững sờ. Đức Giêsu căn dặn họ đừng cho ai biết việc ấy, và bảo họ cho đứa trẻ
ăn.
Sự
sống chiến thắng cái chết, đặt những người chứng kiến cảnh này vào trung tâm
của huyền nhiệm: Họ bị “xuất hồn" kinh ngạc tột độ. Lệnh Chúa truyền phải
im lặng lại càng nhấn mạnh cảm tưởng bí mật mà chúng ta đã có: Mầu nhiệm đích
thực của Đức Giêsu không thể hiểu được đối với những người không có đức tin.
Cho người ta thấy "phép lạ" bề ngoài là vô ích, người ta sẽ cho đó là
"trò ma thuật", và Đức Giêsu không muốn người ta coi Người như một
nhà phù thủy. “Người bảo cho cô bé ăn". Đó không chỉ là một sự chăm sóc ưu
ái và cảm động. Trong biểu tượng của phép rửa, người "đi từ cõi chết đến
cõi sống nhờ phép rửa, được đưa vào bàn Tiệc Thánh Thể: Một người sống thì phải
ăn, một người đã được rửa tội phải ăn "Bánh hằng sống", Thánh Thể và
Phép rửa tội liên kết mật thiết với nhau. Đó là Mầu nhiệm Đức Tin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét