Ads 468x60px

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết

(Theo gpPhanthiet.com) Nhật ký Tĩnh Tâm Linh Mục 2014

Thứ hai - 20/01/2014 21:35
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết

Thời gian: 20-24/01/2014

      Chủ đề:     TÂN PHÚC ÂM HÓA


Giảng phòng: Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo – GM Phụ Tá Giáo phận Xuân lộc.
Theo Giáo luật 1983: buộc các giáo sĩ (Phó Tế, Linh Mục, Giám Mục) tham dự các cuộc tĩnh tâm theo qui định của luật địa phương (x. điều 276 triệt 2, khoản 4). Bởi thế, hằng năm theo truyền thống, mọi thành phần trong bậc giáo sĩ của Giáo phận đều tập trung về Tòa Giám Mục để tham dự tuần tĩnh tâm năm.
Năm nay, tuần tĩnh tâm bắt đầu từ thứ hai ngày 20 đến thứ sáu ngày 24.01.2014, những ngày đầu năm mới dương lịch 2014 và cũng là những ngày cận Tết Giáp Ngọ.
Toà Giám Mục với khuôn viên thoáng rộng, yên tĩnh tạo nên bầu khí tĩnh lặng nhẹ nhàng thích hợp cho tâm hồn trầm tư cầu nguyện. Chữ “Tĩnh” ở đây là đặt nặng vấn đề thinh lặng để nhìn lại. Điều kiện tiên quyết của tĩnh tâm chính là sự im lặng. Từ thinh lặng đó mình mới có thể nuôi dưỡng những suy tưcủa mình một cách lâu dài được. Bầu khí thinh lặng của tĩnh tâm cũng giúp anh em linh mục hồi tâm xét mình mà thực thi những lần sám hối cách đúng mức. Thinh lặng cũng là bác ái đối với những anh em linh mục khác chung quanh mình. Bầu khí thinh lặng cũng là bầu khí bên ngoài giúp cho cộng đoàn cũng như giúp cho từng linh mục sống tinh thần cầu nguyện. Và đồng thời tĩnh tâm cũng là một cơ hội để anh em linh mục gặp gỡ, giải quyết những phận vụ thiêng liêng của mình.


1.     Khai mạc
Đúng 8h30 sáng thứ hai ngày 20.01.2014, có 118 linh mục (đang làm mục vụ và hưu dưỡng) cùng 20 phó tế thuộc Giáo phận đã có mặt tại Tòa Giám Mục để chuẩn bị bước vào Tuần Tĩnh Tâm Năm.
10h00, Cha Tổng Đại Diện GB Hoàng Văn Khanh, thay mặt linh mục đoàn chào mừng hai Đức Cha Giuse.
Kính thưa Đức Cha Giuse - Giám Mục Phan Thiết. Hôm nay toàn thể anh em linh mục và phó tế trong giáo phận hân hoan về đây dưới mái nhà chung để tham dự tuần tĩnh tâm theo luật định. Chúng con kính chào Đức Cha là mục tử tối cao của Giáo phận, vị lãnh đạo kính yêu của chúng con, người anh cả thân thương quý mến của chúng con. Xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho Đức Cha. Xin Đức Cha cùng đồng hành cầu nguyện cho anh em chúng con trong tuần phòng này.
Kính thưa Đức cha Giuse, GM phụ tá GP Xuân lộc. Chúng con hân hoan đón chào và tri ân Đức Cha. Vì yêu thương và hiệp thông nên Đức Cha đã sẵn lòng đáp lời mời của Đức Cha chúng con, dẫu lúc này Đức Cha rất bề bộn với công việc mục tại Giáo phận và tại ĐCV Xuân lộc, nhưng đã đến đây giảng huấn và chia sẻ cho chúng con những kiến thức và kinh nghiệm về Phúc Âm Hóa là đề tài ruột của Đức Cha. Chúng con xin lắng nghe và học hỏi thật nhiều nơi những gì Đức Cha trao đổi như Đức Cha đã viết trong bài chia sẻ thứ nhất “điều quan trọng là lắng nghe và vâng phục”,để chúng con có thể chu toàn cách tốt nhất sứ vụ tại giáo phận và nơi giaó xứ mình phụ trách, nhất là năm nay năm “Phúc âm hóa gia đình” theo định hướng hướng mục vụ của GHVN. Xin Chúa chúc lành cho Đức Cha,cho những dự định trong công tác mục vụ, kính chúc Đức Cha an khỏe và hạnh phúc trong những ngày sống với chúng con.
Chúng con kính chào hai Đức Cha.
Tiếp theo, Đức Cha phòng bày tỏ tâm tình tri ân Đức Cha Giuse đã  ưu ái mời ngài đến Phan thiết để chia sẽ. Rất hân hoan gặp gỡ Linh Đoàn Giáo Phận Phan Thiết, được chia sẻ những tâm tình,được tham dự những thao thức mục vụ, cùng giúp nhau gặp Chúa.Trân trọng cám ơn.
10h20: Đức Giám Mục Giáo Phận ban huấn từ khai mạc.
Hân hoan chào mừng quí Cha cùng quí Phó tế đã về đông đủ để tham dự Tuần Tĩnh Tâm Năm. Giám Mục, Linh Mục, Phó tế làm nên linh mục đoàn giáo phận. Giữ bầu khí thinh lặng, với thái độ lắng nghe, đó là hồng ân do Chúa Thánh Thần tác động.
Huấn dụ mở đầu là mục đích của Tĩnh Tâm.
1.     Mục đích thực tiễn:
Năm xưa Chúa Giêsu cùng các môn đệ rong ruổi rao giảng Tin Mừng. Chúa dạy các môn đệ lui vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi.
Ngày nay, các linh mục làm việc mục vụ suốt một năm, dịp tĩnh tâm để quy tụ lại trong mái nhà chung giáo phận để “nghỉ ngơi”. Tĩnh tâm như thế có tính “nghỉ ngơi” chung nên cần tuân theo thời khóa biểu và những quy định. Ước mong quý cha “nghỉ ngơi” đúng nghĩa.
2.     Về mặt xã hội: tính lại sổ đời.
Ngoài những giờ chung cộng đoàn, anh em có nhiều giờ riêng để tính đoán sổ đời mục vụ năm qua.
Việc gì, bởi tại, làm sao?
Ở đâu, ai biết, bao lâu, khi nào?
Xét mình về mọi phương diện: tâm linh, nhân bản, mục vụ, trí thức. Đặc biệt các` lãnh vực nhạy cảm như: tiền, tình và quyền.
Hoạch định chương trình năm mới hợp với khả năng của mình và hiệu quả cho cộng đoàn Dân Chúa. Cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, kinh phí địa phương và kinh nguyện phó dâng hàng ngày.
3.     Tình huynh đệ.
Chỉ Nam Linh Mục, số 19, gọi tình huynh đệ linh mục là linh đạo đặc thù của linh mục giáo phận.Linh đạo linh mục giáo phận vừa có tính bí tích, vừa có tính mục vụ. Tình huynh đệ này là tình huynh đệ giữa những người được thánh hiến bởi bí tích truyền chức thánh, nên mang tính bí tích của sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. 1Ga 4,7-21). Tính chất giáo phận của tình huynh đệ này không được diễn tả qua một định chế như tình huynh đệ trong các cộng đoàn dòng tu, nhưng mang tính mục vụ và hướng đến dân Chúa. Linh đạo linh mục giáo phận được tái khám phá nơi tình huynh đệ. So với hoạt động mục vụ, tình huynh đệ diễn tả sự hiệp thông trong Giáo Hội cách cơ bản hơn.
Đây là thời gian quý báu để anh em cũng cố tình huynh đệ dành cho nhau. Cầu nguyện cho nhau.
4.     Về phương diện thiêng liêng
Tĩnh tâm là thời gian gặp gỡ Thiên Chúa, cầu nguyện và suy tư. Lắng nghe tiếng Chúa trong tương quan gần gũi thân mật. Đây cũng là dịp chia sẻ bàn hỏi những vấn đề mục vụ với các anh em nhiều kinh nghiệm hơn. Dành thời gian xét mình xưng tội.
Tĩnh Tâm với phong thái lắng nghe sẽ là một hồng ân mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho tuần phòng này.

2.      Bài chia sẻ 1.

Sau giờ kinh trưa, Đức Cha giảng phòng bắt đầu bài chia sẻ 1.

I.        Dẫn vào tuần Tĩnh Tâm

1.     Tĩnh tâm: ý nghĩa, mục đích và điều kiện
Trong đời sống linh mục có 3 sinh hoạt thiêng liêng, tuy liên hệ và gần gũi nhau, nhưng là ba sinh hoạt khác nhau, với những đặc tính và mục đích riêng của mỗi sinh hoạt.
-         Khóa học hỏi thần học, tu đức, mục vụ: nhắm cập nhật các tư tưởng thần học, tu đức, mục vụ, nhất là trong bối cảnh của xã hội nơi các linh mục phục vụ.
-         Buổi chia sẻ mục vụ: nhắm trao đổi các kinh nghiệm mục vụ để nhờ đó, mỗi người có thể rút ra những bài học áp dụng để công việc mục vụ của mình được kết quả tốt đẹp hơn
-         Tĩnh tâm: nhắm giúp mỗi linh mục đi vào chiều sâu của lòng mình để lắng nghe Lời Chúa và lấy Lời Chúa chiếu soi, thanh luyện, biến đổi đời sống của mình trong ơn gọi và trong sứ vụ linh mục.
Cả ba sinh hoạt đều có tính cách thiêng liêng, nhưng trong khi đối với Khóa học hỏi thần học, tu đức và Buổi chia sẻ mục vụ, đối tượng là công việc làm và những người hưởng nhờ công việc làm của linh mục, đối tượng của Tĩnh tâm là chính con người linh mục. Đây là điểm khó khăn của Tĩnh tâm, vì một đàng, nhịp sinh hoạtvà nếp sống của xã hội hôm nay làm cho lòng người dễ hướng ngoạivà dao động; đàng khác, tự nhiên người ta rất ngại trở về lòng mình để nhận diện con người thực của mình và để thay đổi. Điều này lại càng là một cám dỗ cho linh mục vì linh mục thường đứng vào vị thế của người giảng dạy, hướng dẫn người khác, hoặc là người điều hành, chỉ đạo thực hiện các chương trình lớn nhỏ. Tâm lý tự nhiên của linh mục chẳng muốn nghe ai, nhất là nếu người đó lại nói cho mình về những điều mình cần coi lại và có khi cần phải sửa đổi. Do đó, người ta chỉ tìm kiếm những ý tưởng mới, nhưng toàn là những tư tưởng thần học, tu đức hay mục vụ, hoặc những nhận xét về việc làm hay vấn đề và hoàn cảnh của người khác chứ không phải là những vấn đề của lòng mình.
Hai yếu tố tâm linh quyết định để tuần Tĩnh Tâm đem lại kết quả, làm mới cuộc đời là LẮNG NGHE VÀ SẴN SÀNG VÂNG PHỤC. Hai yếu tố này lại cần có hai yếu tố khác chuẩn bị: Thinh lặng và tự do nội tâm, thanh thoát trước tất cả những gì không phải là Chúa. Nếu được như vậy thì chúng ta sẽ cảm nhận được bầu khí thánh thiện, trầm lắng trong sự hiện diện của Chúa.

2.     Đề tài
Đề tài được Đức Cha Giuse, Giám mục Giáo phận chỉ định cho tuần Tĩnh tâm này là “TÂN-PHÚC-ÂM-HÓA”. Đây là đề tài của thời đại. Trước tiên phải nói đến việc ĐTC Bênêdicttô XVI cho thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng lo việc cổ võ Tân-phúc-âm-hóa vào ngày 21.9.2010. Tiếp theo là Thượng Hội Đồng Giám Mục XII tại Roma từ 7 - 28 /10/2012 với đề tài “Tân-phúc-âm-hóa để thông truyền đức tin kitô”. Tại Á châu, đề tài Tân-phúc-âm-hóa đã được nói đến trong Tông huấn “Hội Thánh tại Á Châu” (Ecclesias in Asia) và nhất là qua suy tư của Tổng Đại Hội lần X của FABC nhóm họp tại TGM Xuân Lộc 10-16/12/2012 cũng lấy Tân-phúc-âm-hóa làm đề tài chính yếu. Sau cùng, Thư chung của HĐGM Việt Nam ngày 10/10/2013 vừa qua cũng xoay vần chung quanh việc Tân phúc âm hóa với đề tài “Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và công cuộc Tân-phúc-âm-hóa”.
Các văn kiện nói trên là những suy tư quảng diễn và áp dụng cho hoàn cảnh của Châu Á và Việt Nam những giáo huấn của ĐTC Chân Phước Gioan Phaolô II, của ĐTC Bênêdictô XVI và Thương Hội Đồng Giám Mục lần XII, theo đó, từ “Tân phúc âm hóa” nói đến việc canh tân theo hai chiều hướng:
-     Chiều hướng thần học - mục vụ: thế giới đang trải qua những cuộc biến chuyển sâu rộng làm thay đổi não trạng con người, làm rúng động các cơ cấu văn hóa, xã hội và cả tôn giáo vì ảnh hưởng đến các giáo hữu, ngay chính trong Đức Tin của họ. Do đó, cần phải “Tân-phúc-âm-hóa”. Tân là mới: mới trong phương pháp, mới trong cách diễn tả (ĐTC Gioan Phaolô II) để người thời đại có thể hiểu được Tin Mừng của Chúa.
-     Chiều hướng tu đức: cuộc chuyển mình của thế giới ảnh hướng đến cả giới linh mục, tu sĩ, làm cho nhiều vị bị dao động trong tinh thần, lung lay trong lòng tin, biến chất trong cuộc sống, mất nhuệ khí và lòng nhiệt thành trong nhiệm vụ. Do đó, công tác Tân-phúc-âm-hóa nhắm đến việc khơi dậy lòng hăng say, nhiệt thành tông đồ nhờ vào lòng say mến Chúa Giêsu.
Theo đặc tính của tuần Tĩnh tâm, đề tài Tân-phúc-âm-hóa sẽ được trình bày trong chiều hướng Tu đức. Điều này xem ra còn cần thiết, ngay tại Châu Á này. ĐTGM Socrates Villegas, Chủ Tịch HĐGM Phi luật Tân mới có một lời phát biểu mà nhiều cơ quan truyền thông nhắc đi nhắc lại. Ngài nói: “Anh em linh mục thân mến, chúng ta đã trở thành thứ mục tử giữ nhà, chỉ lo “bảo trì” Giáo Hội, chạy theo chương trình hằng ngày. Chúng ta phải ra ngoài, đi thăm các khu ổ chuột, các nhà thương, chúng ta phải dạy giáo lý, thăm viếng các gia đinh...Vấn đề không phải là thiếu linh mục, nhưng thiếu lòng nhiệt thành”.
Nhu cầu tối quan trọng và khẩn cấp của đời sống linh mục hôm nay là tìm lại sự xác tín và niềm vui của ơn gọi linh mục. Giáo Hội không chỉ đơn giản cần có thêm nhiều linh mục, nhưng cần có những linh mục hạnh phúc và hăng say nhiệt thànhdám sống chết cho Chúa như thánh Phaolô (2Co 5,14:Charitas Christi urget nos), sẵn sàng chịu thiệt thòi vì Chúa Giêsu.Giáo Hội cần một thế hệ linh mục thấm nhuần tinh thần của Chúa đến độ trở thành hiện thân của Ngài. Tất cả con người của linh mục mang chất Giêsu và do đó, nhìn thấy người linh mục là người ta phải liên tưởng đến Chúa Giêsu. Trong viễn tượng nói trên, hành trình theo Chúa trong Tin Mừng thánh Marcô có thể rất hữu ích cho chúng ta trong cố gắng khơi lên ngọn lửa nhiệt thành trong tâm hồn.

II.    Tin mừng theo thánh Marcô

1.      “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.  Như đã chép trong sách ngôn sứ Isaia: Này đây, ta sai sứ giả của ta đi trước con để dọn đường cho con...” (Mc 1,1-2). Với mấy lời đơn sơ đó, thánh Marcô đã loan báo cho chúng ta một mẩu tin  chất chứa hy vọng vì đó là mẩu tin  cả nhân loại đã chờ đợi từ ngàn đời và là một mẩu tin gây ngạc nhiên ngoài sự tưởng tượng.
Danh từ “Khởi đầu” dịch từ nguyên vănHy Lạp “Arche” (ἀρχή)và danh từ này có thể dịch bằng nhiều từ, nhưng đa số các tác giả đều dịch là “khởi đầu” hay “nguyên thủy” vì từ này gợi lại các lời đầu tiên của Sách Khởi Nguyên (Genesis): “Tự khởi đầu (nguyên thủy) Thiên Chúa đã dựng nên Trời và Đất...” (St 1,1tt) và tiếp theo là lời tường thuật tố tiên loài người phạm tội với lời hứa ơn cứu độ (St 3,15).
Lồng vào bối cảnh Sáng thế,  nguồn tin loan báo của Sách Tin Mừng có một tầm mức quan trọng đặc biệt vì động chạm đến căn nguyên gốc rễ của lịch sử loài người và mối ước muốn thâm sâu nhất của con người muốn tìm kiếm Thiên Chúa là ơn cứu độ và là nguồn sống. Sự thật này đã được thánh Agostinô diễn tả cách tuyệt vời trong cuốn “tự thú” của ngài.
Ước muốn thứ hai là ước muốn của thiên Chúa. “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Danh từ “Kitô” (hy lạp: Χριστς) dịch từ danh từ Do Thái “Messia” là Đấng Cứu Độ Thiên Chúa đã hứa ngay từ thời sáng tạo thế gian, ngay sau khi tổ tông loài người phạm tội.

2.     “Con là con yêu dấu của Cha và Cha vẫn được hài lòng về con” (Mc 1,11).
Trong Tin Mừng thánh Marcô, lời của Chúa Cha xem ra là lời nói với Chúa Con, nhưng trong Tin Mừng thánh Mathêô, câu nói trên là lời Chúa Cha nói với dân chúng để giới thiệu Chúa Con với họ (x. Mt 3,16-17). Ý nghĩa này sẽ trở lên rõ ràng hơn trong câu Chúa Cha nói với ba môn đệ trên núi Tabor được thuật lại trong sách Tin Mừng thánh Marcô. Thiên Chúa hiến tặng cho chúng ta chính Con yêu dấu của Ngài; Ngài giới thiệu  với chúng ta và mời gọi chúng ta lắng nghe Con yêu dấu của Ngài: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Các con hãy nghe lời Ngài” (Mc 9,7).
Và từ giây phút đó, đám đông dân chúng từ trước vẫn lũ lượt kéo nhau đến nghe Gioan, giờ đây bắt đầu để ý đến Chúa Giêsu và từ từ bỏ Gioan để đến với Ngài. Để thấy rõ hình ảnh dân chúng đang chuyển hướng về Chúa Giêsu, chúng ta có thể đọc mấy câu sau đây: Mc 1,21-28; Mc 1,32-33; Mc 1,36-37; Mc 1,45.

3.     Một cuộc giằng co trong tâm hồn

Thế nhưng, thực thế đâu có đơn giản. Ước muốn tìm kiếm Chúa, tuy thâm sâu trong lòng người và tuy Chúa không ngưng mời gọi, ước muốn đó vẫn có thể bị làm cho nhạt nhòa, che lấp, thậm chí bị từ khước và chống đối. Vấn đề này, thực ra, đã xảy ra ngay từ thuở ban đầu như được diễn tả trong sách Sáng Thế, chương III. Loài người khao khát Chúa, nhưng đồng thời sợ Chúa, nên chạy trốn, giả điếc làm ngơ hay có khi còn từ khước và chống đối Chúa, tạo. Chính trong thực tại này anh em linh mục chúng ta phải thực hiện sứ mệnh linh mục của mình. Sứ mệnh này trở thành thách đố hai chiều:  chính mình và những người khác như đối tượng của sứ mệnh linh mục của mình. Trong bối cảnh này, hình ảnh thánh Gioan Tẩy Giả hiện lên như một mẫu gương: “Gioan Tẩy Giả đã tới và làm phép rửa trong sa mạc, rao giảng phép rửa ăn năn thống hối để được tha thứ tội lỗi” (Mc 1,4).

4.     Đề nghị gợi ý cho giây phút cầu nguyện và suy niệm.

a)     Tạo cho mình một khoảng trống chung quanh và trong lòng để lắng nghe lời loan báođầy vui mừng và ngạc nhiên đã từ lâu trông chờ: “Đây là con Ta yếu dấu. Hãy nghe lời Ngài”.
b)    Thử hỏi lòng mình xem trong các hoạt động tông đồ, mình thực sự muốn thực hiện điều gì? Có phải nhắm tạo điều kiện, trợ giúp cho dân chúng gặp Chúa không? Có băn khoăn, lo lắng khi thấy giới trẻ hôm nay lơ là đời sống đạo đức không, hay “sống chết mặc bay”?
Sau khi nghe giảng, các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
5giờ40: Kinh chiều chung tại nhà nguyện.
6giờ: Cơm tối.
7g30: Cha Hạt trưởng Hạt hàm Thuận Nam chủ sự Giờ Chầu Thánh Thể.
Ngày tĩnh tâm thứ nhất được kết thúc bằng tâm tình tạ ơn và kinh tối.
Xin kính dâng Tuần Tĩnh Tâm cùng toàn thể Giáo Phận Phan Thiết lên Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành.
Xuân Giáp Ngọ đang về trên mọi miền đất nước. Xuân tâm hồn đang đến với linh mục đoàn. Ước mong mọi thành phần Dân Chúa hiệp thông cầu nguyện.
Ban thư ký

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.