Ads 468x60px

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Nhật ký Tĩnh Tâm Linh Mục ngày 4

(Theo gpPhanthiet.com) Nhật ký Tĩnh Tâm Linh Mục ngày 4

Thứ năm - 23/01/2014 19:33
Nhật Ký Tĩnh Tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết
Ngày thứ tư: 23-1-2014.
1.Buổi Sáng


-     5giờ: Khởi đầu ngày mới với ý chỉ: cầu nguyện cho các Linh mục đã qua đời (37 vị).
Kinh Sáng – Nguyện gẫm.
Cha Tổng Đại Diện nguyện gẫm.
Lạy Chúa Giêsu, sáng nay chúng con tiếp tục suy gẫm về việc Tân phúc âm hóa bản thân linh mục, cùng suy nghĩ về Đức Ái Mục Tử như là nguyên lý và nền tảng của con người và sứ vụ linh mục.
Đọc Tin mừng: Ga 13,1-11 –Yêu đến cùng.
Để trở nên người mục tử theo gương Đức Kitô, đức ái mục tử vẫn là điểm quy chiếu cũng là nguyên tắc. Trang Tin mừng giúp khám phá ra tình yêu đến cùng của Đức Giêsu.
-     Rửa chân
Tin mừng thuật lại trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đứng dậy cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, rồi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là bước thứ nhất của yêu thương đến cùng, yêu đến nỗi tự hạ mình xuống để phục vụ tận tình, khiêm tốn như người tôi tớ đối với ông chủ. Cởi áo diễn tả sự từ bỏ cương vị của Ngài là Thầy và là Chúa. Phêrô kinh hoàng trước cử chỉ đó. Nhưng Chúa Giêsu dạy cho biết để ông được tham dự hiến tế của Thầy. Đồng thời Chúa Giêsu dạy phải noi gương mà làm như thế cho anh em. Không thẻ phục vụ, không thể đem lại cứu độ, nếu không đổ máu ra, không tự hạ thẳm sâu, không chấp nhận nhục nhã trong cuộc đời mình.
-     Yêu kẻ phản bội
Chúa Giêsu trao miếng bánh cho Giuđa. Chúa biết Giuđa phản bội, nhưng Ngài vẫn yêu và không rút lại tình yêu đó, đúng như Ngài đã dạy phải yêu thương cả những địch thù, tha thứ, làm ơn, cầu nguyện cho họ.
-     Các con hãy yêu nhau
Giới luật yêu thương phát xuất từ Chúa Cha: Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Các con hãy yêu mến nhau (Ga 13,34). Đây chính là agapê, là từ bỏ tất cả, trao ban tất cả cho người mình yêu (eros: tình yêu xác thịt mang tính chiếm đoạt; storgê là tình yêu huyết thống gia đình; philia là tình bạn hữu). Chúa Cha yêu Con nên trao ban tất cả cho Con. Chúa Giêsu yêu các môn đệ nên trao tất cả cho họ. Và cácmôn đệ được mời yêu thương chia sẻ, trao ban cho nhau, để nhờ đó mà thiên hạ nhận ra là môn đệ của Thầy. Yêu là từ bỏ, là trao ban, là hiến thân vì hạnh phúc của kẻ mình yêu.
-     Trao ban Đức Mẹ và Thần Khí
Yêu đến cùng qua việc trao ban Đức Mẹ và Thần Khí
Khi bị treo lên thập giá, Chúa Giêsu mạc khải Ngài là “Ta Là”. Đấng Ta Là ấy trao cho người môn đệ yêu mến, tức cho tất cả chúng ta người mẹ yêu quý của Ngài. Từ đó Đức Maria là Eva mới của Dân mới được thiết lập qua giao ước mới, là mẹ của toàn nhân loại, và của mỗi người. Tại tiệc cưới Cana, dù Giờ chưa đến, nhưng qua sự can thiệp của Đức Maria, Chúa Giêsu vẫn làm cho nước hóa thành rượu ngon dư tràn; nay Giờ đã đến, chắc chắn qua sự chuyển cầu của người mẹ mà Người đã mạc khải và trăn trối, Người ban cho ta thứ rượu mới ân tình, là tình yêu, là ân sủng tràn đầy cho chính cuộc tử nạn và phục sinh mang lại.
Chúa Giêsu gục đầu trao Thần Khí. Từ cảnh sườn đâm thâu, máu và nước chảy ra. Nước chỉ nguồn ân sủng dồi dào. Máu chỉ sự hiến tế đem lại hiểu quả là ơn thánh hóa thể hiện nơi nước. Các nhà chú giải hiểu là bí tích Rửa tội và Thánh Thể như nguồn sống của Giáo hội. Chúa Giêsu gục đầu biểu lộ sự vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha, và từ cái chết ấy Người trao ban Thần Khí cho Hội Thánh. Hồng ân Thần khí này được trình bày nơi máu và nước chảy ra. Trong cuộc dạ đàm với Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã mạc khải cho Nicôđêmô: nếu không tái sinh bởi trên, tức bởi nước và Thánh Thần thì không được vào Nước Trời. Nước và ThánhThần giờ đây được trao ban cho Hội Thánh nhờ sự tử nạn của Ngài.
-     Sống yêu thương và phục vụ theo gương Đức Kitô
Chúa chọn gọi ai là để trao ban sứ mệnh: Abraham được gọi để thành tổ phụ dân riêng của Chúa, Môisê trở nên người lãnh đạo giải phóng dân Chúa khỏi nô lệ Aicập, các ngôn sứ để công bố Lờicủa Chúa cho dân. Khi chọn gọi các Tông đồ, Chúa Giêsu đã trao sứ mệnh mà chính Người đã nhận từ nơi Cha: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em… Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng, thâu nạp các môn đệ, rửa tội cho họ nhân dnah Cha và Con và ThánhThần”. Cũng thế, linh mục được chọn gọi để thực thi cùng một sứ mệnh của Đấng đã chọn gọi mình, và theo cùng cung cách của Ngài, Ngài là vị mục tử tốt lành hăàng quan tâm yêu thương đoàn chiên, biết và gọi tên từng con chiên, đi trước dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh suối nước trong, bảo vệ đoàn chiên khỏi sói dữ hoặc kẻ cướp, lặn lội tìm chiên lạc, băng bó chiên thương tích, tập họp chiên tản mác… Ngài mãi mê rao giảng Tin mừng không biết mệt mỏi. Ngì chữa lành các bệnh nhân, cúi xuống trên tội nhân để ban ơn tha thứ, đối thoại với mọi hạng người để tạo cho họ niềm vui và hy vọng cuuộc sống mới. Ngài làm bánh ra nhiều nuôi đoàn dân đông đảo trong hoang địa. đối với các môn đệ, Ngài nhẫn nại dạy dỗ, rút ruột tâm sự với họ trước khi vào khổ nạn, coi họ như bạn, rửa chân để làm gương khiêm tốn phục vụ. Cuối cùng, Ngài đã yêu đến cùng, đến hiến mình chịu chết để ban sự sống.
Tóm lại, linh mục được chọn gọi để được sai đi phục vụ theo gương Đức Kitô, “Đấng đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và thí hiến mạng sống”. Ngài đã từng dạy các Tông đồ phải khiêm tốn phục vụ và phục vụ cách vô vị lợi vì đã được nhận lãnh nhưng không phải ban phát nhưng không: “Ai muốn làm lớn thì phải trở nên kẻ rốt hết, ai muốn cầm đầu thì phải làm tôi tớ anh em”. Chính qua việc yêu thương phục vụ này mà linh mục mới thực sự mang lấy chiều kích hiến tế của Đức Giêsu Kitô, Mục tử tối cao. Chỉ qua cánh cửa hy tế ấy mà linh mục mới thật sự là Alter Christus, vị mục tử như lòng Chúa mong ước, và cũng chỉ qua cánh cửa hy tế ấy mà linh mục với có thể dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh của an vui vô tận. 
-     5giờ 45: Thánh lễ. Đức Cha Giuse chủ tế và suy niệm Tin mừng (Mc 3,7-12).
Khác với bầu khí Phúc Âm của hai ngày trước vốn nặng nề với ánh mắt rình rập của mấy ông biệt phái, trích đoạn Tin mừng hôm nay được xem như một thoảng gió mát với đoàn người lũ lượt tìm đến với Chúa Giêsu, gặp Người để tìm đụng chạm đến Người, và cũng tìm tuyên xưng vào Người. Bỏ qua những chi tiết mang tính tường thuật, người ta có thể khái quát để nhận ra đây là những cách thế khác nhau trên lộ trình đức tin.
-     Trước hết là tìm gặp Chúa Giêsu
Dân chúng từ nhiều vùng địa lý khác nhau, kẻ ở Galilê tận miền Bắc, người ở Giuđea miền cực Nam, một số đến từ giáo đô Giêrusalem, thậm chí có cả những người cư ngụ nơi vùng dân ngoại. Họ nghe tiếng Chúa Giêsu và tuôn đến với Người rất đông, đông đến nỗi dẫm đạp lên nhau. Mỗi người có tâm tư riêng, nhưng chắc chắn có chung một nguyện vọng là được đến gần Đấng mà mình trông ngóng. Có thể hình dung đây là bước cơ bản của người thao thức kiếm tìm chân lý, và một khi nhận được chân lý rồi thì nhiệt thành tìm gặp. Chúa Giêsu đã chiều lòng họ bằng cách lên thuyền cho tất cả họ có cơ hội đồng đều. Ai tìm Người cũng gặp được Người. Ai mong ước cũng sẽ nhìn thấy Người.
-     Kế đến là tìm đụng chạm đến Chúa Giêsu.
Tìm chạm đến Chúa Giêsu. Niềm tin sớm muộn sẽ dẫn tới một bước xa hơn, có thể gọi là một bước nâng cao, là tìm chạm đến Đấng mà mình mong đợi. Cảnh tượng đủ loại những bệnh nhân vươn tay chạm đến Chúa Giêsu để được chữa lành là một hình ảnh thật cảm động về mặt nhân sinh nhưng cũng giàu gợi ý về mặt tin tưởng. Nếu như tin là một tiếp xúc thật sự với Chúa Giêsu thì tìm chạm đến Chúa để cuộc sống được thay đổi. Bệnh thể lý được chữa lành, tật tâm hồn được tha thứ chính là cách diễn tả cụ thể của lòng tin.
Ngày nay, khi mà con người khó có cơ hội để trình diện, để đụng chạm đến nhau, thì lòng mong ước đụng chạm, chạm đến, rờ đến Chúa Giêsu phải là một gợi ý mời gọi mỗi người chúng ta cũng biết gần gũi với dân chúng của mình.
-     Tuyên xưng vào Chúa Giêsu.
Cách thế cao hơn trên hành trình đức tin được thấy trong bài Tin mừng hôm nay là việc tuyên xưng ra ngoài miệng như những thần dữ phủ phục kêu lên “Ngài là Con Thiên Chúa”. Không biết việc đặt trên môi thần dữ lời tuyên xưng này có ý nghĩa gì, xin dành cho những nhà chú giải, nhưng việc đặt lời tuyên xưng ở cuối trình thuật Phúc Âm hôm nay lại cho thấy điểm đến của việc tìm Chúa Giêsu chính là cuộc gặp gỡ vượt trên những ghi nhận của giác quan, được đọng lại trong tấm lòng, được xưng ra bằng lời tuyên tín. Lời tuyên xưng này sẽ có âm vang trong suốt cả cuộc đời không chỉ như là một kỷ niệm hồng ân mà còn mở rộng ra hướng sống, thoát tỏa ra ngoài bằng những việc thiện hảo.
Thưa anh em.
Trong tuần tĩnh tâm linh mục với chủ đề Tân phúc âm hóa, chúng ta cũng đến với Chúa Giêsu qua những chặng đường,chặng đường ấy là gặp gỡ, là chạm đến, là tuyên xưng để rồi cùng sống mầu nhiệm thánh giá với Chúa Giêsu, như những bài suy niệm, như những bài giảng được nêu lên trong tuần này.
Xin cho anh em linh mục chúng ta biết canh tân khi đã gặp được Chúa trong Kinh Thánh cũng như trong tình huynh đệ với nhau. Chúng ta tiếp nhận sức sống mới khi chạm đến Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể thì cũng biết truyền thông đức tin cho mọi người. Có lẽ lời nguyện của chúng ta trong ngày áp chót tuần tĩnh tâm là xin Chúa hoàn tất những gì người đã khởi sự trong cuộc đời của mỗi linh mục chúng ta. Amen.


-     8giờ: Đức Cha giảng phòng.
Bài chia sẻ 6
           CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA KITÔ PHỤC SINH
1.Cơ cấu của chương XVI
Chúng ta tới chặng III và cũng là chặng sau cùng của hành trình theo Chúa theo Tin Mừng thánh Marcô khi người môn đệ trở thành người tông đồ.Chặng chót này được cắt nghĩa trong chương XVI của Tin Mừng thánh Marcô. Chương này rất ngắn, chỉ có 20 câu. Chỉ có thế mà các nhà chú giải thánh kinh cũng còn bàn cãi nữa. Họ nói là chỉ có 8 câu đầu là của thánh Marcô viết, còn lại là thêm vào sau. Chúng ta không cần để ý nhiều đến cuộc bàn cãi này, mà cứ nhận bản văn đã được Giáo Hội công nhận và truyền lại từ trước đến nay để suy niệm và tìm hiểu sứ điệp thiêng liêng cho cuộc đời theo Chúa.
Câu hỏi cần phải đặt ra để suy niệm là: Các môn đệ có thái độ nào khi nghe tin Chúa sống lại và việc Chúa sống lại có ảnh hưởng gì đến đời sống của người môn đệ muốn chân thành theo Chúa?
2.    Thái độ của các môn đệ: không tin
Đọc chương cuối của Tin Mừng thánh Marcô chúng ta không thể không ngạc nhiên thấy các môn đệ không tin là Chúa sống lại và thánh Marcô nhấn mạnh về thái độ này và có thể nói là không những các môn đệ không tin, mà còn cứng lòng và ương ngạnh. Khi thánh nữ Maria Madalena đã gặp được Chúa sống lại và về thuật lại cho các môn đệ của Chúa, nhưng “Họ (nhóm Mười Một) … không tin” (c.11). Ngay sau đó, cc.12-13 lại lặp lại thái độ không tin của các  môn đệ lần nữa: “Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.” Và tiếp theo ngay đó, c. 14, thánh Marcô kể: “Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người đã sống lại”.
3.  Thái độ của Chúa
Các yếu tố xảy ra cách hết sức dồn dâp. Như chúng ta đã thấy, những cc. 11 và 13 nói đến thái độ hoài nghi của các môn đệ, rồi c. 14 thì thuật lại việc Chúa trách các môn đệ là đã cứng lòng không chịu tin những người đã được gặp Chúa sau khi Chúa đã sống lại, ngay c. 15-16,  thánh Marcô viết: Người nói với các ông: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.”
Thái độ của Chúa thật là kỳ diệu. Cho dù các môn đệ yếu đuối, tội lỗi, hoài nghi và hơn nữa, còn cứng lòng và tâm tư còn xa cách Chúa rất nhiều, Chúa vẫn tin tưởng các ông và phó thác sứ mệnh của mình trong tay các ông.
4.  Những hệ luận cho cuộc đời và sứ mệnh của nguời linh mục

c)Tương quan thân tình với Chúa là nến tảng của cuộc đời và sứ mệnh của người linh mục.
Như chúng ta đã nói trên đây, trong chương XVI, thánh Marcô cho thấy rõ ràng là các môn đệ không tin là Chúa đã sống lại. Như vậy, chúng ta gặp lại vấn đề đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong chương IV. Đó là sự ngu dốt của các môn đệ; họ không có khả năng hiểu các hành động của Chúa và những điều Chúa nói  (Is 55,8-9).
Tuy nhiên, có một sự khác biệt về viễn tượng và bối cảnh của vấn đề trong chương IV và chương XVI. Ở chương IV vấn đề không hiểu Chúa được đặt trong bối cảnh của các phép lạ Chúa làm và những lời Chúa giảng dạy, còn ở chương XVI thì vấn đề được đặt trong bối cảnh của các chứng tá về Chúa Sống Lại. Do đó, vấn đề không phải chỉ là hiểu giáo lý của Chúa, nhưng là nhận biết Người trong cách thức hiện diện mới sau khi Người sống lại để kết hiệp với Người trong mối tương quan thân thiết và để Người thực sự trở thành trung tâm cuộc sống của người môn đệ để làm chứng về Đấng mình biết, như thánh Phaolô nói với người môn đệ yếu quí Timôthêô: “Tôi biết tôi tin vào ai” (2Tim 1,12).
Những chứng tá của các Tông đồ đều là những chứng tá trực tiếp của một liên hệ thân tình với Chúa (1 Ga 1,3-4; Cv 10,39-42). Trong thời đại chúng ta, ĐTC Phaolô VI diễn tả một cách tương tự trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” (Evangelii Nuntiandi) như sau: “Thế giới kêu nài những người rao giảng Tin Mừng hãy nói về một Thiên Chúa mà họ đã biết và tiếp xúc như thể thấy Đấng Vô hình” (x. Dt 11, 21); (EN 76).
d)Khả năng chấp nhận và cộng tác với những con người bất toàn. Thái độ của Chúa khi tin tưởng phó thác sứ mệnh của mình cho các môn phải là nền tảng và nguồn gợi hứng cho thái độ của các môn đệ với nhau. Mặc dù họ là những người bất toàn và còn cứng lòng mà vẫn được Chúa chấp nhận và tin tưởng, có lý nào họ không biết tin tưởng lẫn nhau?
e)Công việc tông đồ là lời đáp trả lòng mong ước của Chúa. Để thấy rõ hơn đặc tính căn bản của việc tông đồ là sự đáp trả lòng mong ước của Chúa, chúng ta có thể nhận xét cơ cấu của những câu tường thuật liên quan đến việc này: Mc 16,15-20. Trong phần này, hai câu chính là c. 15 và c. 20, còn các câu 16-19 là những câu bổ túc cho c. 15. Vì vậy, để thấy rõ ý tưởng, chúng ta cần đọc c. 20 ngay sau c. 15:  “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo… Do đó, các Tông Đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.”
Do đó, sứ mệnh của các linh mục có một số đặc tính:
- Chiều kích truyền giáo là thiết yếu cho sứ vụ của các linh mục: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Tuy phải dấn thân cụ thể tại một nơi chốn, nhưng lòng rộng mở để ôm ấp tất cả nhân loại. Hai yếu tố “cụ thể” và “phổ quát” hay nói theo ngôn từ thường dùng thì hoạt động mục vụ, lo cho giáo dân và hoạt động truyền giáo, hướng tới anh chị em lương dân phải trộn lẫn với nhau trong tâm hồn và hoạt động của mỗi linh mục. Nhưng thử hỏi yếu tố truyền giáo đã có được bao nhiêu trong tâm hồn và sinh hoạt của các linh mục? Nhiều ý kiến cho là yếu tố truyền giáo còn rất lu mờ trong sinh hoạt của các giáo xứ. Nhiều khi anh chị em lương dân sống ngay trong giáo xứ mà cha xứ cũng không biết, hay có biết cũng chẳng bao giờ nghĩ đến một tác động tông đồ nào đối với họ, nói chi đến những anh chị em lương dân ở xa? Năm Đức Tin đòi phải có một cuộc canh tân rộng lớn và sâu đậm để ra đi truyền giáo, vì “tình yêu Chúa Kitô chúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14).
-          Lý do căn bản của việc phục vụ không phải vì mình thích hay vì dân chúng cần mình, nhưng vì Chúa sai đi. Dân chúng mong chờ và đón nhận người linh mục không phải như một nhân vật quan trọng, tài giỏi, nhưng như sứ giả của Chúa. Kinh nhgiệm cho thấy khi một linh mục đi chung với người khác, cho dù người đó có nhiều tuổi hơn, dân chúng vẫn chào linh mục trước, vì họ nhìn đó là người của Chúa. Vì vậy, trong suốt cuộc hành trình dấn thân tông đồ, phải làm sao giữ được mối giây liên kết mật thiết với Chúa.
-          Nếu muốn nói cho tới tận căn nguyên ngọn nguồn của đời linh mục thì phải nói là không mơ ước làm tốt, làm đẹp cho thế giới, nhưng mơ ước được trở thành máng thông để Thiên Chúa có thể làm tốt, làm đẹp cho thế giới và để Thiên Chúa có thể chúc phúc cho dân chúng. Cốt tủy của cuộc đời linh mục không hệ tại ở chỗ mình có thể làm tốt làm đẹp cho thế giới, nhưng là trở thành dụng cụ để Thiên Chúa có thể chúc phúc cho nhân loại.
-          Vấn đề căn bản của việc tông đồ truyền giáo
Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là các linh mục phải bỏ tất cả các hoạt động và công việc phục vụ rồi vào nhà thờ ngồi đọc kinh suốt ngày, nhưng là cần phải làm thế nào để Chúa Giêsu có thể phục vụ được dân chúng qua các hoạt động và sự  phục vụ giúp đỡ của mình. Đây thực là khía cạnh căn bản của đời sống linh mục.  Nhiều người bề ngoài xem ra chẳng làm được gì hữu ích cho dân chúng, xã hội, nhưng trong thực tế, có khi họ lại làm tốt, làm đẹp cho tha nhân hơn cả những người hỳ hục hoạt động và đổ nhiều mồ hôi nước mắt.  Vấn đề căn bản không phải là công việc làm, nhưng là tinh thần hướng dẫn cuộc sống và công việc làm. Và với tinh thần đó, mỗi người phải sống và hành động theo khả năng, sức lực và hoàn cảnh của riêng mình theo chương trình của Chúa Quan Phòng.
f)  Hành trình thiêng liêng của linh mục, tông đồ truyền giáo
Trong Tin Mừng thánh Marcô, khi sai các môn đệ đi làm việc tông đồ, Chúa đã căn dặn một số điều kiện căn bản: “Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; chỉ đi dép, nhưng không được mặc hai áo choàng.” (Mc 6,7-9).
Bỏ tất cả để không còn gì bám víu ngoài Thiên Chúa và để Chúa có thể là trung tâm cuộc đời và công việc phục vụ của người linh mục. Theo nghĩa này thì cuộc hành trình thiêng liêng của đời linh mục dấn thân trong nhiệm vụ tông đồ và truyền giáo là cuộc thanh luyện để có được sự Tự Do Nội Tâm. Nếu không có tự do nội tâm, người ta sẽ không nghe thấy tiếng Chúa, mà chỉ nghe thấy lộn xộn muôn tiếng ồn ào chen lấn. Cần phải thanh luyện cho lòng mình được tự do thanh thản trước tất cả thụ tạo: danh vọng, tiền bạc, chức vụ, gia đình, làng nước, thành công, thất bại... (Mt 10,37-39). Nói cho cùng thì vấn đề không phải do các thực tại gây lên, nhưng tại con tim của người linh mục làm chúng thành méo mó. Nhiều thực tại không xấu, nhưng con tim của con người sa đọa l2m cho chúng ra xấu.
Chính vì vậy mà đời sống thiêng liêng tông đồ thường được ví von như cuộc hành trình vào sa mạc: vất tất cả, chỉ giữ lại một vật duy nhất. Đó là NƯỚC. Có thể thiếu tất cả, nhưng nếu thiếu nước thì sẽ chết khô trong sa mạc.
Nếu người linh mục không giữ được tự do nội tâm và coi tất cả là tương đối: gia đình, xứ sở, chức vị, quyền lợi, của cải, các dự tính, các chương trình, cả chương trình mục vụ, thì chúng sẽ trở thành ngẫu tượng trong con tim, làm mờ ám tâm trí. Kết quả là người đó sẽ không nhìn thấy gì khác hơn là mấy ngẫu tượng. Nếu không có tự do nội tâm, người ta sẽ không nghe thấy tiếng Chúa. Bí quyết nằm ở chỗ theo Chúa với tất tâm hồn để Chúa là trung tâm cuộc đời và lúc đó mới có thể trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa và là hiện thân của Chúa trong môi trường sống và hoạt động.
Tới đây, chúng ta cũng có thể dùng một biểu đồ để cắt nghĩa những điểm căn bản trong cuộc hành trình theo Chúa:





-          9giờ:Cha Tổng Đại Diện thay mặt linh mục đoàn cám ơn Đức cha giảng phòng.
Trọng kính Đức Cha giảng phòng.
Qua 6 bài giảng thật sâu sắc, Đức Cha đã chia sẻ cho chúng con những kiến thức, kinh nghiệm, những tâm tư về việc Tân Phúc Âm Hóa Linh Mục, nhằm khơi gợi lại cho chúng con lòng nhiệt thành yêu mến Chúa, yêu mến Hội Thánh và các linh hồn. Vì không thiếu linh mục, nhưng thiếu các linh mục nhiệt thành. Từ những suy niệm Tin mừng Marcô, Đức Cha đã giúp chúng con rà soát và canh tân lại ơn gọi linh mục và hành trình theo Chúa của mình, do tình thương nhưng không của Thiên Chúa để chúng con biết đến những người tội lỗi và những người đang quằn quại đau thương giữa biết bao hoành hànhcủa sự dữ, hầu loan báo cho họ sứ điệp đầu tiên của Chúa Giêsu: “Thời giờ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã đến gần, hãy sám hối và tin vào Tin mừng” và thực hành lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời “Hãy đi loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Trong hành trình theo Chúa và khi thi hành sứ vụ linh mục, đã có những lúc chúng con rơi vào tình trạng hời hợt, do không đi vào tâm tư của Chúa mà chỉ hành động theo ý riêng tư. Cũng đã có những lần chúng con rơi vào khủng hoảng do thiếu niềm xác tín vào quyền uy của Chúa, chỉ biết tìm cậy dựa nơi trần thế. Tuy nhiên, Chúa vẫn yêu thương, vẫn tin nơi chúng con. Người vẫn đồng hành, thúc giục chúng con dấn thân để tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người, để cuối cùng chúng con được can đảm và nhiệt thành với sứ vụ phúc âm hóa nhân loại mà Chúa Giêsu Phục sinh đã trao phó.
Nghe mà thích, càng nghe và càng muốn nghe mãi. Tuy nhiên, như Đức Cha Giuse của giáo phận chúng con đã nhắc nhở trong huấn từ khai mạc. Lắng nghe là một hồng ân, nghe là để cho Chúa Thánh Thần tác động mà ra sức thực hành, chúng con cố gắng thực hành những gì đã được Đức Cha hướng dẫn để có thể tân phúc âm hóa chính mình mà thực hiện việc tân phúc âm hóa những người đã trao phó. Nhưng trước hết và trên hết, vẫn luôn là việc nối kết mật thiết với Chúa Giêsu. Chúng con hết lòng cảm ơn Đức Cha thật nhiều. Cảm ơn về tất cả: về những lời giảng dạy, về sự hiện diện, về sự đồng hành, về sự hiệp thông cầu nguyện, và về những tâm tình tha thiết mà Đức Cha dành cho chúng con. Xin Chúa trả công bội hậu cho Đức Cha và tuôn tràn phúc lành cho Đức Cha, chúc lành cho mọi công việc mục vụ của Đức Cha trong tư cách là Giám Mục Phụ Tá Xuân Lộc, Giám Đốc Đại Chủng Viện, và Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
Xuân Giáp Ngọ đã đến gần, chúng con thành tâm kính chúc Đức Cha một năm mới tràn đầy ơn Chúa, được luôn an khang thánh đức và gặt hái được nhiều thành quả trong công tác tông đồ mục tử của Đức Cha. Cũng qua Đức Cha, xin cho phép chúng con kính chúc mừng năm mới Đức Cha Đaminh, Đức Ông Tổng Đại Diện và toàn thể quý cha tronggiáo phận, quý đại chủng sinh trong đại chủng viện.
Một lần nữa chúng con xin thành tâm cảm ơn Đức Cha và bày tỏ lòng cảm mến sâu sắc của chúng con.
Kính chúc minh niên Đức Cha cùng với những lời cảm ơn và tất cả những tâm tình yêu mến ấy, chúng con chỉ biết dâng lên Đức Cha bó hoa tươi thắm gói ghém tất cả tâm tình biết ơn và yêu mến của chúng con.
Chia tay trong bầu khí lưu luyến, các linh mục phó tế học trò hàn huyên mãi với cha giáo kính yêu. Đức Cha giảng phòng trở về Xuân lộc với nhiều công việc bề bộn cuối năm.




Các linh mục và phó tế thinh lặng, xét gẫm, cầu nguyện và viếng Thánh Thể.
-     10giờ 45: Kinh Sách, Lần Chuỗi.
-     11giờ 30:Cơm trưa.
1.  Buổi chiều
-     Hội thảo mục vụ
Ngày tĩnh tâm thứ tư được kết thúc bằng kinh tối và tâm tình tạ ơn. Nguyện xin cho các Linh Mục đã qua đời được hưởng nhan thánh Chúa.
Ban thư ký

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.