Ads 468x60px

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

Trích Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 54 sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24/5/2020:


Trích Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 54 sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24/5/2020:
“Tôi muốn dành trọn sứ điệp năm nay để nói về chủ đề kể chuyện, bởi vì tôi tin rằng, để không bị mất phương hướng, chúng ta cần phải biểu lộ được chân lý trong những câu chuyện tốt lành: Những câu chuyện xây dựng, chứ không phá hoại; những câu chuyện giúp khám phá lại cội nguồn và sức mạnh cần thiết để cùng nhau tiến lên.
Giữa bao nhiêu tạp âm của các giọng nói và sứ điệp quanh ta, chúng ta cần có một câu chuyện nhân linh có thể kể cho ta biết về bản thân của ta và vẻ đẹp xung quanh ta. Một câu chuyện có cái nhìn dịu dàng về thế giới và những diễn biến của nó; câu chuyện ấy có thể kể cho chúng ta biết rằng chúng ta là thành phần của một tấm thảm sống động; nó cho thấy sự đan dệt của các sợi chỉ kết nối chúng ta lại với nhau...
Có bao nhiêu câu chuyện dụ dỗ chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng, để hạnh phúc, chúng ta cần liên tục chiếm lấy, sở hữu và tiêu thụ. Chúng ta thậm chí có thể không nhận ra mình đang ham hố trò chuyện tán gẫu, hoặc đang tàn ác giả dối đến mức nào. Thông thường trên các diễn đàn truyền thông, thay vì những câu chuyện mang tính xây dựng nhằm củng cố mối quan hệ xã hội và kết cấu văn hóa, chúng ta lại tìm thấy những câu chuyện mang tính hủy diệt và khiêu khích làm sờn đi và cắt đứt những sợi chỉ mong manh gắn kết chúng ta với nhau. Khi chắp vá các thông tin chưa được kiểm chứng, lặp lại các lập luận vô nghĩa và thiếu thuyết phục, gây tổn thương với các lời nói hận thù, người ta không kết dệt lịch sử nhân loại, mà chỉ hủy hoại phẩm giá con người...
Trong thời đại mà sự giả mạo ngày càng tinh vi, đạt đến cấp số nhân (như trong deepfake - tin giả thâm hiểm), chúng ta cần khôn ngoan để có thể đón nhận và tạo ra những câu chuyện tươi đẹp, chân thực và tốt lành. Chúng ta cần can đảm loại bỏ những câu chuyện sai lạc và xấu xa. Chúng ta cần kiên nhẫn và suy xét để tái khám phá những câu chuyện giúp ta không lạc lối giữa bao nhiêu rắc rối của ngày hôm nay. Chúng ta cần những câu chuyện soi sáng cho chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, ngay cả trong những nỗ lực anh hùng âm thầm của cuộc sống hằng ngày...
Kinh thánh là chuyện kể về các câu chuyện. Biết bao nhiêu là biến cố, dân tộc và cá nhân đã được Kinh Thánh kể cho chúng ta! Kinh Thánh cho ta thấy ngay từ đầu có một vị Thiên Chúa vừa là Đấng sáng tạo vừa là Đấng kể chuyện...
Cũng vậy, không phải ngẫu nhiên mà các Tin Mừng cũng là những câu chuyện. Khi nói với chúng ta về Chúa Giêsu, các Tin Mừng thể hiện về Chúa Giêsu; làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu. Tin Mừng đòi hỏi người đọc chia sẻ cùng một đức tin để chia sẻ cùng một sự sống...
Khi chúng ta đọc Kinh thánh, đọc chuyện các thánh, đọc những bản văn làm sáng tỏ trái tim con người và vẻ đẹp của nó, Chúa Thánh Thần có thể tự do viết vào lòng chúng ta, làm sống lại ký ức của chúng ta về căn tính của chúng ta trong cái nhìn của Chúa.
Khi chúng ta nhớ đến tình yêu đã tạo dựng và cứu độ chúng ta, khi chúng ta làm cho một phần câu chuyện hằng ngày của mình thành tình yêu, khi chúng ta lấy lòng thương xót để dệt tấm thảm của đời ta, chúng ta đang lật sang một trang khác. Chúng ta không còn bị ràng buộc với những hối tiếc và buồn bã, không bị buộc chặt vào một ký ức không lành mạnh đè nặng trái tim ta; thay vào đó, bằng cách mở lòng mình cho người khác, chúng ta tự mở ra với tầm nhìn của Đấng kể chuyện tuyệt vời...
Kể cho Chúa nghe chuyện đời ta, đó là điều không hề vô ích bao giờ: ngay cả khi các diễn biến vẫn như cũ, ý nghĩa và viễn ảnh luôn thay đổi. Kể chuyện đời ta cho Chúa nghe là đi vào cái nhìn thương xót của Ngài dành cho ta và cho người khác. Chúng ta kể lại cho Ngài nghe những câu chuyện đời mình, mang đến cho Ngài những con người và những tình huống tràn đầy trong cuộc sống của ta. Với Ngài, ta có thể dệt lại mảnh vải đời ta, vá lại những vết rách đời mình. Chúng ta cần làm điều này biết bao!
Với cái nhìn của Đấng kể chuyện tuyệt vời – Đấng duy nhất có cái nhìn tối thượng – chúng ta có thể tiếp cận các nhân vật khác, là anh chị em của chúng ta, những người là diễn viên cùng với chúng ta trong câu chuyện của ngày hôm nay. Vâng, vì không ai là vai phụ trên sân khấu thế giới, và tất cả mọi người đều có thể thay đổi câu chuyện. Ngay cả khi kể về điều ác, chúng ta cũng cần học cách dành chỗ để nói về ơn cứu độ; ở giữa cái ác, chúng ta vẫn có thể thấy sự thiện đang hoạt động và hãy dành chỗ để nói về điều này.
Vì vậy, không phải chỉ đơn giản là kể chuyện suông, hay quảng cáo cho bản thân, mà là nhớ rằng ta là ai và là gì trong mắt Chúa, để làm chứng cho những gì Thánh Linh viết trong lòng chúng ta và tỏ lộ cho mọi người rằng câu chuyện của người ấy chứa đựng những điều kỳ diệu...
Vì Đức Trinh Nữ Maria “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,19). Chúng ta hãy xin Mẹ trợ giúp, vì Mẹ là Đấng biết cách tháo gỡ những nút thắt của cuộc sống bằng sức mạnh nhẹ nhàng của tình yêu:
Ôi Maria, là phụ nữ và là người mẹ, Mẹ đã dệt Lời Chúa trong cung lòng Mẹ; bằng cả đời mình, Mẹ kể lại những công trình tuyệt vời của Thiên Chúa. Xin lắng nghe chúng con kể chuyện đời mình; xin ghi nhớ chúng trong tim Mẹ và biến thành câu chuyện của chính Mẹ - những câu chuyện mà chẳng ai muốn nghe ấy. Xin dạy chúng con nhận ra ‘sợi chỉ tốt đẹp’ đang chạy xuyên suốt lịch sử. Xin nhìn vào những nút thắt rối ren trong cuộc sống đang làm tê liệt trí nhớ của chúng con. Với bàn tay dịu dàng của Mẹ, mọi nút thắt đều có thể được tháo gỡ. Ôi người Phụ nữ của Thánh Linh, người Mẹ của niềm phó thác, xin truyền cảm hứng cho chúng con. Xin giúp chúng con xây dựng những câu chuyện hòa bình, những câu chuyện hướng đến tương lai. Và xin chỉ cho chúng con cách chung sống hòa bình với nhau.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.