Để sống thoát cơn đại dịch, chúng ta cần quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Phải chăm sóc và quan tâm lẫn nhau. Và chúng ta phải hỗ trợ những người chăm sóc những người yếu nhất, bệnh tật và già cả. Ôi, hiện có xu hướng gạt người già sang một bên, bỏ rơi họ. Và điều này thật tệ. Những người này - được định nghĩa rõ ràng bằng thuật ngữ Tây Ban Nha “cuidadores” (người chăm sóc), những người chăm sóc người bệnh - đóng một vai trò thiết yếu trong xã hội ngày nay, ngay cả khi họ thường không nhận được sự công nhận và đền đáp xứng đáng. Quan tâm là quy tắc vàng của bản chất con người chúng ta và mang theo nó sức khỏe và niềm hy vọng (xem Thông điệp Laudato Si ’[LS], 70). Chăm sóc những người bệnh tật, những người khốn khó, những người bị gạt sang một bên: đó là sự phong phú nhân bản, và cũng có tính Kitô giáo.
Chúng ta cũng phải mở rộng việc chăm sóc này cho ngôi nhà chung của chúng ta: cho trái đất và cho mọi tạo vật. Mọi hình thức sống đều có mối liên hệ qua lại với nhau (xem đd, 137-138), và sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào hệ sinh thái mà Thiên Chúa đã tạo ra và giao phó cho chúng ta chăm sóc (xem St 2:15). Ngược lại, lạm dụng chúng là một tội trọng phá hoại chúng ta, làm hại chúng ta và làm cho chúng ta bệnh hoạn (x. LS, 8; 66). Thuốc giải độc tốt nhất chống lại việc lạm dụng ngôi nhà chung của chúng ta là chiêm niệm (xem đd, 85, 214). Nhưng bằng cách nào? Há không có vắc-xin nào cho việc này, để chăm sóc ngôi nhà chung, để không gạt nó sang một bên hay sao? Đâu là liều thuốc giải độc chống căn bệnh không chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta? Nó là sự chiêm niệm. “Nếu ai đó đã không học cách dừng lại và chiêm ngưỡng một điều gì đó đẹp đẽ, chúng ta không nên ngạc nhiên nếu người đó đối xử với mọi sự như một đồ vật để sử dụng và lạm dụng một cách không quan tâm” (ibid., 215). Cả trong cách sử dụng sự vật rồi vứt bỏ chúng đi nữa. Tuy nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, tức công trình sáng tạo không chỉ là một “tài nguyên”. Các tạo vật đều có giá trị ngay trong chúng và từ trong chúng và mỗi tạo vật “phản chiếu theo cách riêng tia sáng khôn ngoan và tốt lành vô tận của Thiên Chúa” (Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 339). Giá trị này và tia sáng thần thiêng này phải được khám phá, và để khám phá ra nó, chúng ta cần im lặng, chúng ta cần lắng nghe và chúng ta cần chiêm niệm. Sự chiêm niệm cũng chữa lành linh hồn ta.” (ĐTC Phanxicô, 16/09/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét