Ads 468x60px

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

CHÚNG TA CẦN HÒA BÌNH (ĐTC Phanxicô, 20/10/2020)


“... Chúng ta cần hòa bình! Cần nhiều hòa bình hơn nữa! “Chúng ta không thể thờ ơ. Ngày nay thế giới có một khát khao hòa bình sâu sắc. Ở nhiều quốc gia, con người đang phải chịu đựng những đau khổ do chiến tranh, mặc dù chiến tranh thường bị lãng quên, nhưng nó luôn là nguyên nhân của đau khổ và nghèo đói” (Diễn văn với những người tham gia Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Hòa bình, Assisi, 20 tháng 1 năm 2016). Thế giới, đời sống chính trị và dư luận xã hội đều có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự ác độc của chiến tranh, đến mức xem nó đơn giản là một phần tất yếu của lịch sử nhân loại. “Chúng ta đừng sa lầy vào các cuộc thảo luận lý thuyết, mà hãy chạm vào da thịt bị thương của các nạn nhân… Chúng ta hãy nghĩ đến những người tị nạn và di tản, những người chịu ảnh hưởng của bức xạ nguyên tử và các cuộc tấn công hóa học, những bà mẹ mất con và những cậu bé và các trẻ em gái bị đày đọa hoặc bị tước đoạt tuổi thơ” (Fratelli Tutti, 261). Ngày nay, những đau khổ của chiến tranh càng trở nên trầm trọng hơn bởi những đau khổ do coronavirus gây ra và ở nhiều quốc gia, việc tiếp cận với sự chăm sóc cần thiết là điều không thể...

Những lời Chúa Giêsu nói với Thánh Phêrô thật sâu sắc và đầy khôn ngoan: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52). Những người dùng gươm, có thể tin rằng vũ khí sẽ giải quyết các tình huống khó khăn một cách nhanh chóng, nhưng họ sẽ thấy nơi cuộc sống của chính họ, nơi cuộc sống của những người thân và cuộc sống của đất nước họ, những cái chết do gươm giáo mang lại. “Đủ rồi!” Chúa Giêsu nói (Lc 22,38) khi các môn đệ rút ra hai thanh gươm trước cuộc Khổ nạn của Người. “Đủ rồi!” Đó là phản ứng rõ ràng của Chúa đối với bất kỳ hình thức bạo lực nào. Lời duy nhất đó của Chúa Giêsu vang vọng qua nhiều thế kỷ và đến với chúng ta một cách mạnh mẽ trong thời đại này: gươm giáo, vũ khí, bạo lực và chiến tranh, đã quá đủ rồi!

Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã lặp lại lời đó trong lời kêu gọi của ngài trước Liên Hiệp Quốc vào năm 1965: “Đừng chiến tranh nữa!” Đây là lời cầu xin của chúng ta và của tất cả những người nam nữ có thiện chí. Đó là ước mơ của tất cả những ai nỗ lực vì hòa bình khi nhận ra rằng “mỗi cuộc chiến đều khiến thế giới của chúng ta tồi tệ hơn trước đó” (Fratelli Tutti, 261).
...
Tình huynh đệ, nảy sinh ra từ nhận thức rằng chúng ta là một gia đình nhân loại, phải thâm nhập vào đời sống của các dân tộc, các cộng đồng, các nhà lãnh đạo chính phủ và các cơ cấu quốc tế. Điều này sẽ giúp tất cả mọi người hiểu rằng chúng ta chỉ có thể được cứu cùng nhau thông qua gặp gỡ và thương lượng, gạt xung đột sang một bên và theo đuổi hòa giải, tiết chế ngôn ngữ chính trị và tuyên truyền, và phát triển các nẻo đường hòa bình đích thực (xem Fratelli Tutti, 231)...” (ĐTC Phanxicô, 20/10/2020)




0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.