“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ, chống qua : sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào, với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.
Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.
Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!”
Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11, 6). (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 11/12/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét