“Thánh Phaolô Tông Đồ dạy : “Hãy làm hòa cùng Chúa” (2Cr5,20). Hãy làm hòa: cuộc hành trình này không dựa vào sức lực của chính chúng ta. Không ai có thể tự mình giao hòa với Chúa theo ý mình. Sự hoán cải chân thành, với những việc làm và thực hành thể hiện sự hoán cải ấy, chỉ có thể thực hiện được nếu nó bắt đầu với tính ưu việt của kỳ công Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta quay trở lại với Ngài không phải là khả năng hay công lao của chúng ta, mà là ân sủng Ngài ban cho chúng ta. Ân sủng cứu chúng ta; ơn cứu rỗi là ân sủng thuần khiết, ân sủng nhưng không. Chúa Giêsu nói rõ điều này trong Tin Mừng. Ngài nói rằng điều khiến chúng ta nên công chính không phải là sự công chính mà chúng ta thể hiện trước mặt người khác, mà là mối quan hệ chân thành của chúng ta với Chúa Cha. Sự khởi đầu của việc trở lại với Chúa là sự nhận biết nhu cầu của chúng ta đối với Ngài và lòng thương xót của Ngài, nhu cầu của chúng ta đối với ân sủng của Ngài. Đây là chính lộ, là con đường của sự khiêm tốn. Tôi có cảm thấy thiếu thốn không, hay tôi cảm thấy quá đủ, không còn thiếu thốn chi?
Hôm nay chúng ta cúi đầu nhận tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi đầu thấp hơn nữa để rửa chân cho anh chị em mình. Mùa Chay là một sự hạ mình khiêm tốn cả về nội tâm và đối với người khác. Đó là việc nhận ra rằng ơn cứu rỗi không phải là sự đi lên đến đỉnh vinh quang, nhưng là sự xuống dốc trong tình yêu. Đó là sự trở nên nhỏ bé. Chúng ta đừng lạc lối trên cuộc hành trình của mình, nhưng chúng ta hãy đứng trước thập giá của Chúa Giêsu: là ngai vàng thinh lặng của Thiên Chúa. Hàng ngày, chúng ta hãy chiêm ngắm những vết thương của Người, những vết thương mà Người đã lên trời và bày tỏ với Chúa Cha hàng ngày trong lời cầu bầu của Người. Chúng ta hãy hàng ngày chiêm nghiệm những vết thương đó. Nơi những vết thương này, chúng ta nhận ra sự trống rỗng, những thiếu sót của chúng ta, những vết thương tội lỗi của chúng ta và tất cả những tổn thương mà chúng ta đã trải qua. Tuy nhiên, ở đó, chúng ta thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai, mà chính là mở rộng vòng tay để ôm chúng ta. Những vết thương của Người đã phải chịu là vì thiện ích của chúng ta, và nhờ những vết thương đó mà chúng ta đã được chữa lành (x. 1 Pr 2:25; Is 53: 5). Bằng cách hôn lên những vết thương đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng ở đó, trong những vết thương đau đớn nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta với lòng thương xót vô hạn của Ngài. Bởi vì ở đó, nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy xấu hổ nhất, Ngài đã đến gặp chúng ta. Và khi đến gặp chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta quay trở lại với Ngài, để tái khám phá niềm vui được yêu thương.” (ĐTC Phanxicô, 17/02/2021)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét