Ads 468x60px

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

CHÚA GIÊSU KITÔ (ĐHY Cantalamessa, giảng cho giáo triều, 05/03/2021)


“Trong những bài suy niệm này, chúng tôi đề xuất, với sự giúp đỡ của Chúa, hãy quay ‘cận cảnh cực độ’ để tập chú vào con người của Chúa Giêsu Kitô.

Mục đích của chúng ta không phải là hộ giáo, nhưng là linh đạo. Nói cách khác, chúng ta không nói để thuyết phục những người khác, những người không tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Chúa, nhưng để làm cho Ngài có thể trở nên ngày càng thực sự là Chúa của cuộc đời chúng ta, là điểm quy chiếu toàn diện của chúng ta, đến độ cảm nhận được, giống như người Tông đồ, ‘được Chúa Kitô chiếm hữu’ (Pl 3:12) và có thể nói với Người, ít nhất là như một ước muốn, ‘đối với tôi sự sống là Đức Kitô’ (Pl 1:21). Vì vậy, câu hỏi đi kèm với chúng ta sẽ không phải là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong thế giới và trong Giáo hội?’, mà là: ‘Chúa Giêsu có vị trí nào trong cuộc đời tôi?’ Hơn nữa, đây sẽ là cách tốt nhất để khơi dậy sự quan tâm của người khác đối với Chúa Kitô, đó là cách truyền giáo hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ một điều. Chúng ta muốn nói đến Chúa Kitô nào? Thực sự có nhiều ‘Chúa Kitô’ khác nhau: có Chúa Kitô của các sử gia, của các nhà thần học, của các nhà thơ, và thậm chí là Chúa Kitô của những người vô thần. Chúng ta muốn nói về Chúa Kitô của các Phúc âm và của Giáo hội, chính xác hơn là về Chúa Kitô của tín điều Công Giáo được xác định bởi Công đồng Chalcedon năm 451. Thỉnh thoảng chúng ta nên nghe lại định nghĩa đó, ít nhất là trong một phần của văn bản gốc:
Theo gương các Giáo phụ thánh, chúng ta đồng tâm nhất trí dạy bảo và tuyên xưng một và cùng một Chúa Con: Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất...
Quan sát các sách Tin Mừng cho chúng ta thấy rằng sự thánh thiện của Chúa Giêsu không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, hay một suy diễn siêu hình, nhưng đó là sự thánh thiện đích thực, được sống qua từng khoảnh khắc và trong những tình huống cụ thể nhất trong cuộc sống. Để nêu một ví dụ, các Mối Phúc không chỉ là một kế hoạch sống đẹp đẽ mà Chúa Giêsu phác thảo cho người khác; đó là chính cuộc sống của Người và kinh nghiệm của Người khi được mạc khải cho các môn đệ, bằng cách kêu gọi họ tiếp cận với cùng một bầu khí thánh thiện. Các Mối Phúc là bức chân dung tự họa của Chúa Giêsu.
Ngài dạy những gì chính Ngài thực thi; đó là lý do tại sao Người có thể nói: ‘Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường’ (Mt 11:29). Người nói rằng người ta phải tha thứ cho kẻ thù của họ, nhưng chính Người còn đi xa hơn khi tha thứ cho những kẻ đang đóng đinh Người bằng câu ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm’ (Lc 23:34). Trên thực tế, không phải một tình tiết này hay một chi tiết nọ giúp nêu lên sự thánh thiện của Chúa Giêsu, mà là mọi việc làm, và mọi lời do miệng Ngài phán ra.
Bên cạnh yếu tố tích cực của sự vâng phục trọn vẹn và liên tục theo thánh ý Chúa Cha, sự thánh khiết của Chúa Kitô cũng cho thấy một yếu tố ‘tiêu cực’, đó là sự thiếu sót tuyệt đối của bất kỳ tội lỗi nào, ‘Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội?’ Chúa Giêsu chất vấn các đối thủ của Người (Ga 8:46). Về điểm này, tất cả các chứng tá của các Tông đồ đều đồng thanh khẳng định: Ngài ‘không biết đến tội lỗi’ (2 Cr 5:21); ‘Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối’(1 Pt 2:22); ‘Người đã chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội’ (Dt 4:15); ‘Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân’(Dt 7:26). Thánh Gioan, trong bức thư đầu tiên của mình, không mệt mỏi khi tuyên bố rằng ‘Người trong sáng... trong Người không có tội lỗi..; Người là Đấng công chính’ (1 Ga 3: 3-7).
Lương tâm của Chúa Giêsu là một viên pha lê trong suốt. Ở đó tuyệt đối không chấp nhận tội lỗi, cũng không có nỗi hối tiếc phải cầu xin sự tha thứ trước mặt Chúa hay con người. Ở đó luôn luôn ngự trị sự xác tín thanh thản của chân lý, công chính, và đức hạnh, là điều không giống như giả định của con người về công bình. Không một nhân vật nào khác trong lịch sử dám nói điều tương tự như thế về họ...
Không liên quan quá nhiều đến thực tại Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, hay chúng ta cũng được tiền định để trở nên thánh khiết và vô nhiễm. Không, điều bất ngờ hạnh phúc là Chúa Giêsu thông truyền, ban cho, trao tặng cho chúng ta sự thánh thiện của Ngài cách nhưng không! Nghĩa là sự thánh thiện của ngài cũng là của chúng ta. Thậm chí hơn thế nữa: rằng chính Ngài là sự thánh thiện của chúng ta...”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.