“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Năm Phục Sinh (Ga 15,1-8), Chúa tự giới thiệu mình là cây nho đích thực, và đề cập đến chúng ta như những cành không thể sống được nếu không kết hợp với Ngài. Và vì thế, Ngài nói: “Thầy là cây nho, các con là cành” (câu 5). Không có cây nho nào mà không có cành, và ngược lại. Các cành nho không tự cung tự cấp mà phụ thuộc hoàn toàn vào cây nho, là nguồn gốc cho sự tồn tại của chúng.
Chúa Giêsu nhấn mạnh vào động từ “ở lại”. Ngài lặp lại điều đó bảy lần trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Trước khi rời thế gian này để về cùng Chúa Cha, Chúa Giêsu muốn trấn an các môn đệ rằng các vị vẫn có thể tiếp tục kết hiệp với Ngài. Chúa nói, “Hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (câu 4). Việc ở lại này không có nghĩa thụ động, không phải là “ngủ yên” trong Chúa, để chính mình bị cuộc đời ru ngủ: không, không phải như thế! Ở lại trong Chúa không phải là như vậy. Việc ở lại trong Ngài, mà Chúa Giêsu đề nghị với chúng ta là một sự lưu lại tích cực, và cũng có qua có lại. Tại sao? Thưa: Bởi vì những cành không tháp nhập vào cây nho thì không thể sống được, chúng cần nhựa sống để lớn lên và kết trái; nhưng cây nho cũng cần cành, vì quả không mọc trên thân cây. Đó là một nhu cầu có qua có lại, đó là việc lưu lại để sinh hoa kết trái. Chúng ta ở trong Chúa Giêsu và Chúa Giêsu ở trong chúng ta.
Trước hết, chúng ta cần Ngài. Chúa muốn nói với chúng ta rằng trước khi tuân giữ các điều răn của Ngài, trước các mối phúc, trước các công việc của lòng thương xót, chúng ta cần phải kết hợp với Chúa, cần phải ở lại trong Ngài. Chúng ta không thể là Kitô hữu tốt nếu chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu. Thay vào đó, với Ngài, chúng ta có thể làm mọi việc (xem Phi-líp 4:13). Với Ngài, chúng ta có thể làm mọi thứ.
Nhưng Chúa Giêsu cũng cần chúng ta, như cây nho với cành. Điều này có vẻ táo bạo đối với chúng ta, và khiến chúng ta tự hỏi: Chúa Giêsu cần chúng ta theo nghĩa nào? Ngài cần chứng tá của chúng ta. Như những cành nho, hoa trái mà chúng ta trao ra là chứng tá trong đời sống của chúng ta trong tư cách là các tín hữu Kitô. Sau khi Chúa Giêsu lên trời cùng Chúa Cha, nhiệm vụ của các môn đệ - nhiệm vụ của chúng ta - là tiếp tục loan báo Tin Mừng bằng lời nói và việc làm. Và các môn đệ của Chúa Giêsu, là chúng ta, làm như thế bằng cách làm chứng cho tình yêu của Ngài: hoa trái được sinh ra là tình yêu. Được gắn bó với Chúa Kitô, chúng ta nhận được các ân sủng của Chúa Thánh Thần, và bằng cách này, chúng ta có thể làm điều tốt cho người lân cận, chúng ta có thể làm điều tốt cho xã hội, cho Giáo hội. Cây được biết đến bởi quả của nó. Một đời sống Kitô hữu thực sự làm chứng cho Chúa Kitô.
Và làm thế nào chúng ta có thể thành công trong việc này? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được” (c.7). Sự chắc chắn rằng những gì chúng ta yêu cầu sẽ được ban cho chúng ta thật là một điều táo bạo. Hoa trái cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào lời cầu nguyện. Chúng ta có thể cầu xin cho biết suy nghĩ như Ngài, hành động giống như Ngài, nhìn thế giới và mọi vật bằng con mắt của Chúa Giêsu. Như thế, chúng ta có thể yêu thương anh chị em của chúng ta, bắt đầu từ những người nghèo nhất và những người đau khổ nhất, giống như Ngài đã làm, và yêu thương họ bằng trái tim của Ngài và mang đến cho thế giới hoa trái tốt lành, hoa quả bác ái, hoa quả bình an.
Chúng ta hãy phó thác vào lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ luôn luôn hoàn toàn hợp nhất với Chúa Giêsu và sinh nhiều hoa trái. Xin Mẹ giúp chúng ta ở trong Chúa Kitô, trong tình yêu của Người, trong lời của Người, để làm chứng cho Chúa Phục Sinh trong thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 02/05/2021)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét