Sau cuộc hành trình dài dành cho việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta bắt đầu một chu kỳ giáo lý mới. Tôi hy vọng rằng với hành trình cầu nguyện này, chúng ta đã thành công trong việc cầu nguyện tốt hơn một chút, cầu nguyện nhiều hơn một chút. Hôm nay, tôi muốn suy gẫm về một số chủ đề do Thánh tông đồ Phaolô đề ra trong Thư gửi tín hữu Galát. Đó là một Thư rất quan trọng, thậm chí tôi dám nói, mang tính quyết định, không chỉ để hiểu rõ hơn về vị Tông đồ, mà trên hết là để xem xét một số chủ đề được ngài đề cập một cách sâu sắc, cho thấy vẻ đẹp của Tin Mừng…
Đặc điểm đầu tiên xuất hiện từ Thư này là công việc truyền giảng tin mừng vĩ đại được Thánh Tông đồ thực hiện; ngài đã đến thăm các cộng đồng ở Galát ít nhất hai lần trong các cuộc hành trình truyền giáo của ngài. Thánh Phaolô ngỏ lời với các Kitô hữu của lãnh thổ đó. Chúng ta không biết chính xác ngài đề cập đến khu vực địa lý nào, cũng như không thể nói chắc chắn về ngày ngài viết Thư này. Chúng ta biết rằng người Galát là một dân tộc Celt cổ đại, sau nhiều thăng trầm, họ đã định cư ở khu vực rộng lớn Anatolia, nơi có thủ đô là thành phố Ancyra, ngày nay là Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Phaolô chỉ kể lại rằng, vì bệnh tật, ngài buộc phải ở lại vùng đó (x. Gl 4:13). Thánh Luca, trong Tông đồ Công vụ, thay vào đó, tìm thấy một động lực thiêng liêng hơn. Ngài nói rằng “Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia” (16: 6).
Hai sự kiện không mâu thuẫn với nhau: đúng hơn, chúng cho thấy con đường rao giảng Tin Mừng không phải lúc nào cũng tùy thuộc vào ý muốn và kế hoạch của chúng ta, nhưng đòi hỏi sự sẵn lòng để cho mình được định hình và đi theo những con đường khác không lường trước được. Trong số anh chị em, có gia đình đã chào hỏi tôi: họ nói rằng họ phải học tiếng Latvia, và tôi không biết ngôn ngữ ấy là gì, vì họ sẽ đi truyền giáo ở vùng đất đó.
Ngày nay, Chúa Thánh Thần tiếp tục đưa nhiều nhà truyền giáo rời quê hương và đến một đất nước khác để thực hiện sứ mệnh của họ. Tuy nhiên, điều chúng ta thấy là trong công việc truyền giảng Tin Mừng không mệt mỏi của mình, Thánh Tông đồ đã thành công trong việc thành lập một số cộng đồng nhỏ rải rác khắp vùng Galát. Thánh Phaolô, khi đến một thành phố, một vùng nào đó, đã không xây dựng một nhà thờ lớn ngay lập tức, không. Ngài tạo ra các cộng đồng nhỏ vốn là chất men của nền văn hóa Kitô giáo ngày nay của chúng ta. Ngài bắt đầu bằng cách tạo ra các cộng đồng nhỏ. Và những cộng đồng nhỏ này lớn lên, chúng lớn mạnh và tiến triển.
Ngày nay, phương pháp mục vụ này cũng được sử dụng trong mọi vùng truyền giáo. Tôi nhận được một lá thư vào tuần trước, từ một nhà truyền giáo ở Papua New Guinea; ngài nói với tôi rằng ngài đang rao giảng Tin Mừng trong rừng, cho những người thậm chí không biết Chúa Giêsu Kitô là ai. Quả là đẹp đẽ! Người ta bắt đầu bằng cách hình thành các cộng đồng nhỏ. Ngay cả ngày nay, phương pháp rao truyền tin mừng này vẫn là phương pháp rao truyền tin mừng đầu tiên…” (ĐTC Phanxicô, 23/06/2021)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét