Bài Tin Mừng trích từ tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa mà chúng ta vừa nghe xảy ra không lâu trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trong cuộc thương khó. Bản văn đề cập đến cám dỗ mà Chúa đã phải trải qua trong cơn hấp hối trên thập tự giá. Vào thời điểm tột cùng đau khổ và tình yêu ấy của Ngài, nhiều kẻ trong số những người có mặt đã chế nhạo Ngài một cách tàn nhẫn bằng những từ như: “Hãy tự cứu mình đi!” (Mc 15,30). Đây là một cám dỗ lớn. Nó không tha cho một ai, kể cả chúng ta là những Kitô hữu. Đó là cám dỗ chỉ nghĩ đến việc cứu lấy bản thân và phe nhóm của chính mình, chỉ tập trung vào các vấn đề và các lợi ích của chúng ta, như thể không có gì khác là quan trọng. Đó là một bản năng rất con người, nhưng là một sai lầm. Đó là cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa bị đóng đinh.
Hãy tự cứu lấy mình. Những lời này được nói trước hết bởi “những người đi ngang qua” (câu 29). Họ là những người bình thường, những người đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và những người đã chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Bây giờ họ đang nói với Ngài, “Hãy tự cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập tự giá”. Họ không có lòng thương hại, họ chỉ muốn phép lạ; họ muốn thấy Chúa Giêsu xuống khỏi thập tự giá. Đôi khi chúng ta cũng thích một vị thần làm nhiều điều kỳ diệu hơn là một vị thần từ bi, một vị thần đầy quyền năng trong mắt thế giới, là người thể hiện sức mạnh của mình và xua đuổi những kẻ ao ước thấy chúng ta bị khốn đốn. Nhưng đó không phải là Thiên Chúa, nhưng là sản phẩm từ óc sáng tạo của chính chúng ta. Chúng ta thường muốn một vị thần theo hình ảnh của chúng ta, thay vì chúng ta phải trở nên phù hợp với hình ảnh của chính Người. Chúng ta thường muốn có một vị thần giống như bản thân chúng ta, thay vì phải làm cho chính mình trở thành giống như Chúa. Như thế, chúng ta thích thờ phượng chính mình hơn là thờ phượng Thiên Chúa. Cách thức thờ phượng như vậy được nuôi dưỡng và lớn lên thông qua sự thờ ơ đối với tha nhân. Những người qua đường đó chỉ quan tâm đến Chúa Giêsu để thỏa mãn những ước muốn của riêng họ. Chúa Giêsu, bị coi là một kẻ bị ruồng bỏ khi bị treo trên thập tự giá, không còn được họ quan tâm nữa. Ngài ở trước mắt họ, nhưng lại ở xa trái tim họ. Sự thờ ơ khiến họ xa rời thiên nhan đích thật của Chúa...” (ĐTC Phanxicô, 20/10/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét