“... Anh chị em thân mến, đồi Canvê là địa điểm diễn ra cuộc “đấu khẩu” lớn giữa Thiên Chúa, Đấng đến để cứu chúng ta và con người, là những kẻ chỉ muốn cứu chính mình. Đó là cuộc tranh luận giữa niềm tin vào Chúa và sự tôn thờ cái tôi; giữa con người buộc tội và Thiên Chúa bào chữa. Cuối cùng, chiến thắng của Thiên Chúa đã được tỏ lộ; lòng thương xót của Ngài đã cúi xuống trên trái đất. Từ thập giá, ơn tha thứ tuôn đổ và tình yêu huynh đệ được tái sinh: “Thập giá làm cho chúng ta trở thành anh chị em” (Benedict XVI, Diễn từ tại buổi Đi Đàng Thánh giá tại Đấu trường Colôsêô của Rôma, ngày 21 tháng 3 năm 2008). Cánh tay của Chúa Giêsu, dang ra trên thập tự giá, đánh dấu bước ngoặt, vì Thiên Chúa không chỉ ngón tay vào ai hết cả, nhưng thay vào đó, ôm lấy tất cả. Vì chỉ tình yêu mới có thể dập tắt hận thù, chỉ có tình yêu cuối cùng mới có thể chiến thắng bất công. Chỉ có tình yêu mới có khả năng nhường chỗ cho những người khác. Chỉ có tình yêu mới là con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn giữa chúng ta.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa chịu đóng đinh ban ơn để chúng ta được hiệp nhất và huynh đệ hơn. Khi chúng ta bị cám dỗ đi theo con đường của thế gian này, xin cho chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8: 35). Sự mất mát trong mắt thế giới lại chính là ơn cứu rỗi đối với chúng ta. Xin cho chúng con học nơi Chúa, Đấng đã cứu chúng con bằng cách trút bỏ chính mình (x. Pl 2, 7) và mặc lấy thân phận khác: từ Thiên Chúa, Người đã trở thành phàm nhân; từ Thần Khí, Người trở thành huyết nhục: từ một vị vua, Người trở thành nô lệ. Chúa yêu cầu chúng ta làm điều tương tự, là hạ mình, là “trở nên khác đi” để tiếp cận với người khác. Càng trở nên gần gũi với Chúa Giêsu, chúng ta càng cởi mở và “phổ quát” hơn, vì chúng ta sẽ cảm thấy có trách nhiệm với người khác. Và những người khác sẽ trở thành phương tiện cứu rỗi chính chúng ta: tất cả những người khác, mọi con người, bất kể lịch sử và tín ngưỡng của họ. Bắt đầu với những người nghèo, là những người giống Chúa Giêsu nhất. Vị Tổng Giám Mục vĩ đại của thành Constantinople, Thánh Gioan Kim Khẩu, đã từng viết: “Nếu không có người nghèo, phần lớn sự cứu rỗi của chúng ta sẽ bị lung lay” (Bàn về Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-rinh-tô, XVII, 2). Xin Chúa giúp chúng ta cùng nhau đồng hành trên con đường huynh đệ, và nhờ đó trở thành những chứng nhân đáng tin cậy cho Thiên Chúa thật.”
(ĐTC Phanxicô, 20/10/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét