Ads 468x60px

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2022

CHÚA TRỞ NÊN NGƯỜI NGHÈO... (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)


“Nhận thức rằng Thiên Chúa đã hóa thành người phàm thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần biết Thiên Chúa đã hóa thành loại người phàm nào. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thấy Thánh Gioan và Thánh Phaolô khác biệt nhau ra sao và bổ sung cho nhau như thế nào trong cách thức mỗi vị mô tả mầu nhiệm nhập thể. Đối với Thánh Gioan, điều này bao gồm sự kiện Ngôi Lời là Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể (x. Ga 1: 1-14); đối với Thánh Phaolô, điều đó bao gồm thực tế là ‘Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ’ (x. Pl 2: 5ff.) Đối với Thánh Gioan, Ngôi Lời, là Thiên Chúa, đã làm người; còn với Thánh Phaolô ‘Chúa Kitô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó’ (x 2 Cor: 8-9)...
‘Bí tích’ của sự nghèo khó! Đây là những từ rất mạnh mẽ, nhưng chúng có cơ sở. Nếu quả thực, bởi sự kiện nhập thể, theo một cách nào đó, Ngôi Lời đã mặc lấy mọi người lên mình Ngài (như một số giáo phụ Hy Lạp đã tuyên bố), thì về cách thức điều này được thực hiện, Người đã mặc lấy lên mình những người nghèo, những người khiêm nhường, và những người đau khổ. Chúa Giêsu đã “thiết lập” dấu chỉ này theo cùng một thể thức như Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người nói khi bẻ bánh: ‘Này là mình Thầy’ và Người cũng dùng những từ ngữ tương tự như thế về người nghèo. Người đã làm như vậy khi đề cập đến những gì người ta đã làm - hoặc không làm - cho những người đói khát, chịu giam cầm, trần truồng hay là những người lạ, bằng cách trang trọng thêm rằng: ‘mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy, và mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’ (Mt 25: 31ff.)...
Giáo hội của người nghèo không chỉ bao gồm những người nghèo trong chính Giáo hội! Theo một nghĩa nào đó, tất cả những người nghèo trên thế giới đều thuộc về nó, cho dù họ đã được rửa tội hay chưa. Một số người sẽ phản đối: ‘Sao lại thế? Họ chưa lãnh nhận đức tin hoặc chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội mà!’ Điều đó đúng, nhưng nếu như thế thì cũng không có các Thánh Anh Hài mà chúng ta mừng sau lễ Giáng sinh. Trong mắt Thiên Chúa, sự nghèo khó và đau khổ của họ, nếu không xuất phát từ tội lỗi, chính là phép rửa bằng máu của chính họ. Thiên Chúa có nhiều cách cứu rỗi hơn những cách chúng ta tưởng tượng ra, mặc dù tất cả những cách này, không có ngoại lệ nào đều phải qua Chúa Kitô và ‘trong một cách chỉ một mình Thiên Chúa biết’.
Người nghèo ‘thuộc về Chúa Kitô’, không phải vì họ tự nhận mình thuộc về Ngài, nhưng vì Ngài tuyên bố họ thuộc về mình, Ngài tuyên bố họ là chi thể của Ngài. Điều này không có nghĩa là chỉ cần nghèo trong thế giới này là đủ để tự động bước vào vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa. Những lời: ‘Hỡi những ai được Cha Ta chúc phúc, hãy đến’ (Mt 25:34) được gửi đến những người đã chăm sóc người nghèo, không nhất thiết được gởi đến cho chính những người nghèo chỉ vì họ nghèo về vật chất trong cuộc sống của họ...
Đức Giáo Hoàng, cùng với mọi mục tử trong Giáo hội, thực sự là ‘cha của người nghèo’. Tất cả chúng ta đều vui mừng và cảm thấy được khích lệ khi thấy vai trò này được các Giáo hoàng gần đây và đặc biệt là vị mục tử hiện đang ngồi trên ngai tòa Thánh Phêrô coi trọng như thế nào. Ngài là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người nghèo trong một thế giới chỉ quen với việc chọn lọc và đào thải. Ngài chắc chắn đã không ‘quên người nghèo’! Trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy một phước lành đặc biệt dành cho những ai quan tâm đến người nghèo:
Phúc thay ai lưu tâm đến người nghèo khổ:
trong ngày hoạn nạn, sẽ được Chúa cứu nguy.
Chúa bảo vệ và giữ gìn mạng sống,
lại ban cho hạnh phúc trên đời,
không trao họ cho địch thù hung hãn. (Tv 41: 2-3).
Trong Tin Mừng, chúng ta đọc về Đức Maria và Thánh Giuse rằng “nhà trọ không có chỗ cho họ” (Lc 2, 7). Ngày nay, không có chỗ cho người nghèo trong quán trọ trên thế giới, nhưng lịch sử đã cho thấy Thiên Chúa đứng về phía nào và Giáo hội phải đứng về phía nào. Đến với người nghèo là noi gương sự khiêm nhường của Chúa. Đó là tự mình nhỏ bé vì tình yêu thương, để nâng đỡ những người bên dưới.” (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.