Ads 468x60px

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)


“... Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta mở rộng chân trời: từ biển Galilê đến khắp cùng thế giới, từ các tông đồ đến chúng ta: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Trong tiếng Hy Lạp, động từ eskenosen (nghĩa đen là ‘dựng lều hạ trại’), ở thì aorist, chuyển tải ý tưởng về một hành động đã hoàn thành và không thể đảo ngược được. Con Người đã xuống thế gian và Thiên Chúa không thể hư mất. Một Kitô hữu có thể mạnh dạn hơn tác giả của Thánh Vịnh để tuyên bố rằng:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động, núi đồi có sập xuống biển sâu,
dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thủy triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46, 2-4)
“Chúa ở cùng chúng ta”, cụ thể là đứng về phía con người, như một người bạn và một đồng minh chống lại thế lực của cái ác. Chúng ta cần khám phá lại ý nghĩa nguyên thủy và đơn giản trong mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời, vượt lên tất cả những giải thích thần học và những tín lý được xây dựng trên đó. Thiên Chúa đã cư ngụ giữa chúng ta! Ngài muốn biến sự kiện này thành tên riêng của mình: Emmanuel, Chúa ở cùng chúng ta. Điều mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: ‘Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen’. (Is 7, 14) đã trở thành sự thật.
Như tôi đã từng nói, chúng ta cần quay trở lại cuộc tranh cãi đầu tiên trong tất cả các cuộc tranh cãi về Kitô học hồi thế kỷ thứ năm, trước các Công đồng Êphêsô và Chancêđon, để tái khám phá nghịch lý và tai tiếng chứa đựng trong tuyên bố: ‘Ngôi Lời đã cư ngụ giữa chúng ta’. Thật đáng đọc phản ứng của một người ngoại giáo có học thức sống vào thế kỷ thứ hai, sau khi biết về tuyên bố này của các tín hữu Kitô. Nhà triết học Celsius đã kinh hoàng và kêu lên rằng: ‘Con của Chúa, mà lại là một người chỉ sống cách đây vài năm thôi à?’ Ngôi Lời hằng sống là một người chỉ mới ở đây “hôm qua hay hôm kia” thôi sao? là một người đàn ông “được sinh ra từ một người quay tơ nghèo, trong một ngôi làng của xứ Giuđêa” sao? Phản ứng ấy khá dễ hiểu: sự kết hợp hoàn hảo giữa thần tính và nhân tính trong con người của Chúa Kitô là điều mới lạ nhất có thể có, là “điều mới mẻ duy nhất dưới ánh mặt trời”, như Thánh Gioan thành Đamát định nghĩa.
Trận chiến lớn đầu tiên mà đức tin nơi Chúa Kitô phải đương đầu không phải là về thần tính của Ngài, mà là về nhân tính của Ngài, và về chân lý của mầu nhiệm nhập thể. Căn nguyên của sự từ chối đó là giáo điều của Plato, nói rằng ‘không có Thiên Chúa nào lại hòa hợp với con người’. Từ kinh nghiệm cá nhân, Thánh Augustinô khám phá ra rằng căn cội của khó khăn mà thánh nhân cảm thấy để có thể tin vào mầu nhiệm nhập thể là sự thiếu khiêm nhường. Như ngài viết trong cuốn Tự Thuật của mình ‘không khiêm nhường, tôi không thể hiểu được sự khiêm nhường của chính Thiên Chúa’.
...
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, trong sứ điệp Giáng Sinh năm 1962, đã nêu lên lời cầu nguyện cháy bỏng này: “Hỡi Lời Vĩnh Hằng của Cha, Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, hãy đổi mới một lần nữa hôm nay, trong thẳm sâu tâm hồn chúng con, điều kỳ diệu phi thường trong sự giáng sinh của Chúa”. (Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 18/12/2020)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.