Ads 468x60px

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

THINH LẶNG NHƯ THÁNH GIUSE (ĐTC Phanxicô, 15/12/2021)


“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta tiếp tục suy tư về thánh Giuse. Sau khi đã trình bày về môi trường sống của ngài, vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, và trình bày về ngài như là người công chính và hôn phu của Mẹ Maria, hôm nay tôi muốn xem xét một khía cạnh quan trọng khác nơi con người ngài: đó là sự thinh lặng. Ngày nay, rất nhiều lần chúng ta cần sự thinh lặng.
Thinh lặng rất quan trọng, tôi bị đánh động bởi một câu trong Sách Khôn ngoan, mà khi đọc nó tôi nghĩ về lễ Giáng sinh. Đó là: “Khi đêm chìm trong sự im lặng sâu thẳm nhất, thì lời của người đã xuống trần gian”. Trong khoảnh khắc im lặng nhất Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra. Điều quan trọng là phải nghĩ về sự im lặng trong thời đại mà dường như nó không có nhiều giá trị lắm.
Các sách Phúc âm không tường thuật bất kỳ lời nào của thánh Giuse thành Nadarét. Ngài không nói lời nào. Điều này không có nghĩa là ngài là người lầm lì. Không! có một lý do sâu xa hơn. Với sự thinh lặng của mình, thánh Giuse xác nhận điều mà thánh Augustinô viết: “Theo thước đo mà Ngôi Lời – Ngôi Lời làm người – lớn lên trong chúng ta thì lời nói giảm đi”. Theo thước đo mà Chúa Giêsu, đời sống thiêng liêng tăng lên, thì lời nói bớt đi.
Chúng ta có thể nói rằng những người nói như vẹt bớt nói đi một tí. Chính thánh Gioan Tẩy Giả, là tiếng kêu trong hoang địa: “Hãy dọn đường cho Chúa” (Mt 3,1), đã nói về Ngôi Lời: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Điều này có nghĩa là Người phải nói còn tôi phải im lặng. Qua sự thinh lặng của mình, thánh Giuse mời gọi chúng ta hãy dành chỗ cho sự Hiện diện của Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm, cho Chúa Giêsu.
Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải là sự khuyết tật, không phải là sự lầm lì; đó là một sự im lặng đầy lắng nghe, một sự im lặng cần cù, một sự im lặng bộc lộ nội tâm cao cả của ngài. Thánh Gioan Thánh Giá nhận xét: “Chúa Cha đã nói một lời, và đó là Con của Người, và Lời này luôn luôn nói trong sự thinh lặng vĩnh cửu, và trong thinh lặng, Lời này phải được linh hồn lắng nghe”.
Chúa Giêsu đã được lớn lên trong “trường học” này, trong ngôi nhà ở Nadarét, với gương mẫu hàng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse. Và không có gì ngạc nhiên khi chính Người đã tìm kiếm những khoảng thinh lặng trong những ngày của Người (x.Mt 14,23) và đã mời gọi các môn đệ hãy có một kinh nghiệm như thế: “Anh em hãy vào nơi vắng vẻ, nghỉ ngơi một lát” (Mc 6,31).
Thật tốt biết bao nếu mỗi người chúng ta, theo gương thánh Cả Giuse, có thể tìm lại chiều kích chiêm niệm của cuộc sống, được mở rộng cho sự thinh lặng. Nhưng từ kinh nghiệm, chúng ta đều biết rằng điều đó không hề dễ dàng: sự im lặng làm chúng ta sợ hãi đôi chút, bởi vì nó đòi chúng ta nhìn sâu hơn vào bản thân và đối diện với phần chân thật nhất của chúng ta. Rất nhiều người sợ sự im lặng, họ phải nói, hoặc nghe, radio, tivi…, nhưng họ không thể chấp nhận sự thinh lặng vì họ sợ. Triết gia Pascal nhận xét rằng “tất cả những bất hạnh của con người đều xuất phát từ một sự thật duy nhất, đó là họ không thể yên lặng trong căn phòng riêng của mình”. (ĐTC Phanxicô, 15/12/2021)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Địa chỉ: Hiệp Hòa, Tân Thắng, Hàm Tân, Bình Thuận.