“Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần phải cảnh giác để không kéo lê ngày tháng trong những thói quen, đừng để lòng ra nặng nề bởi những rắc rối của cuộc sống (Lc 21, 34); đừng để những muộn phiền của cuộc sống đè nặng chúng ta. Vì vậy, hôm nay là một dịp tốt để tự hỏi: điều gì đè nặng lên trái tim tôi? Điều gì gây gánh nặng cho tinh thần của tôi? Điều gì khiến tôi phải ngồi vào ghế của sự lười biếng?
Thật đáng buồn khi thấy các Kitô Hữu “ngồi trên ghế bành”! Đâu là những thứ tầm thường làm tôi tê liệt, những tệ nạn, những thói hư tật xấu nào đè bẹp tôi xuống đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và đối với gánh nặng trên vai của những người anh em, tôi đang chú ý hay đang thờ ơ? Những câu hỏi này tốt cho chúng ta, bởi vì chúng giúp giữ cho trái tim chúng ta không chây lười.
Nhưng, thưa cha, hãy nói cho chúng con biết: chây lười là gì? Thưa: Nó là kẻ thù lớn của đời sống thiêng liêng, thậm chí của đời sống Kitô Hữu. Chây lười là sự lười biếng thâm căn, kết tủa thành nỗi buồn, làm mất đi niềm vui sống và khát vọng hoạt động. Đó là một trạng thái tinh thần tiêu cực, nó là một tinh thần xấu xa đóng đinh linh hồn trong sự bất động, và đánh cắp niềm vui của nó. Nó bắt đầu với nỗi buồn, và cứ thế trượt dài đến mức mất đi niềm vui. Sách Châm ngôn nói: “Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh” (Cn 4, 23). Hãy bảo vệ trái tim: điều này có nghĩa là phải cảnh giác, cảnh giác! Hãy tỉnh táo, hãy giữ lấy trái tim của mình.
Và hãy thêm một thành phần thiết yếu: bí quyết để luôn cảnh giác là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu nói: “Hãy luôn tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21, 36). Lời cầu nguyện giữ cho ngọn đèn của trái tim luôn cháy sáng. Đặc biệt là khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành nguội lạnh, thì lời cầu nguyện sẽ khơi dậy nó, bởi vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa, trở lại với trung tâm của mọi sự. Cầu nguyện đánh thức linh hồn khỏi giấc ngủ và tập trung nó vào những gì là quan trọng, vào mục đích chúng ta tồn tại. Ngay cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta cũng không sao nhãng việc cầu nguyện.
Tôi đã thấy trong chương trình “A sua immagine”, nghĩa là “Trong hình bóng Ngài”, một sự phản ánh tuyệt đẹp về lời cầu nguyện: nó sẽ giúp ích cho chúng ta. Lời cầu nguyện của trái tim có thể giúp ích cho chúng ta, ngay cả với những lời khẩn cầu ngắn lặp đi lặp lại. Trong Mùa Vọng, hãy quen với những lời khẩn cầu ngắn, chẳng hạn như: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chỉ cần thành tâm cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Thời điểm chuẩn bị cho Giáng Sinh này thật đẹp: chúng ta hãy nghĩ về máng cỏ, hãy nghĩ về Giáng Sinh, và hãy nói từ trái tim: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. Chúng ta hãy lặp lại lời cầu nguyện này suốt cả ngày, và tâm hồn sẽ luôn tỉnh táo! “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”: đó là lời cầu nguyện mà cùng nhau chúng ta hãy nói ba lần, tất cả cùng nhau. “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”, “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến”. (ĐTC Phanxicô, 28/11/2021)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét