1-Tháng 3 là tháng kính Thánh Giuse-Bổn mạng Gia Trưởng. Ngày 8.3, anh em Gia Trưởng là chồng, có dịp quan tâm cách đặc biệt hơn đến vợ-người phụ nữ của mình, theo ý chỉ cầu nguyện chung của tháng: “xin cho tất cả mọi nền văn hóa biết tôn trọng quyền lợi và phẩm giá của phụ nữ.”
2-Dù có sự tiến bộ đáng kể trong cách cư xử với phụ nữ nơi gia đình và xã hội, nhưng họ vẫn là số đông nạn nhân của bạo lực gia đình: phải chịu đau khổ về thể xác và tinh thần nhiều lần, nhiều cách. Đó là lý do Đức giám mục giáo phận, trong Thư mục vụ Năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, kêu gọi “Tẩy trừ bóng tối-ba không”, có :“Không sử dụng bạo lực trong gia đình dưới bất cứ hình thức nào, dù là lời nói hay việc làm.”
3-Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 của nước ta định nghĩa: 'Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình'. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. (website Nhân dân hằng tháng, 11.02.2014)
4-Gia đình khởi đầu được xây dựng trên mối quan hệ yêu thương của hai người nam nữ nên vợ chồng. Thách đố gia đình, khủng hoảng gia đình, bạo lực gia đình…; và đối lại: xây dựng gìn giữ gia đình, Phúc âm hóa gia đình, thánh hóa gia đình… đều tác động đầu tiên đến mối liên hệ thiêng liêng và căn bản của gia đình : vợ-chồng.
5-Ý khấn tháng 1/2014 tại Tàpao có 7.137 xin cho gia đình hòa thuận và 10.002 ý xin cho chồng chung thủy! Phúc âm hóa đời sống gia đình là làm mới lại lời cam kết học thuộc khi chuẩn bị hôn nhân, tuyên bố công khai long trọng trong Thánh Lễ cưới để làm nên Bí tích hôn phối : “Anh (em)… nhận em (anh)… làm vợ (chồng) và hứa giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em).” Vợ chồng tự mình âm thầm lập lại lời kết ước ấy trong sám hối và cầu nguyện, để xin Chúa giúp sống trung tín với giao ước và sự kết hợp nên một Thiên Chúa đã tác thánh, “loài người không được phân ly.”
6-Ngay khi nên vợ nên chồng, họ được cộng đoàn hiệp ý với chủ tế trong Thánh Lễ cưới cầu nguyện qua lời chúc hôn :
“Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha đã tạo dựng muôn loài từ hư vô, và an bài mọi sự trong trời đất ngay từ thuở ban đầu. Khi dựng nên con người gống hình ảnh Cha, Cha đã đặt người nữ làm trợ tá bất khả phân ly của người nam, vì vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương thịt. Như thế, Cha dạy chúng con rằng: sự gì Cha đã phối hợp nên một, loài người không bào giờ được phép phân ly.
Lạy Cha, Cha dùng bí tích cao trọng thánh hóa tình nghĩa vợ chồng, để hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp nhiệm mầu giữa Ðức Kitô và Hội Thánh. Lạy Cha, Cha đã phối hợp người nữ với người nam và từ nguyên thuỷ đã chúc phúc cho xã hội họ gầy dựng nên được sinh sôi nảy nở. Lời chúc phúc này, dù nguyên tội hay đại hồng thuỷ cũng không xóa bỏ được.
Xin ghé mắt nhân từ nhìn đến chị (bà) T.vừa thành hôn với anh (ông) T., và đang cầu mong được Cha ban ơn phúc. Xin cho chị (bà) được đầy lòng yêu thương, biết ăn ở thuận hòa, luôn noi gương các thánh nữ đã được tán dương trong Sách Thánh.
Xin cho anh (ông) T. biết trọn niềm tin tưởng ở chị (bà) T., nhìn nhận chị (bà) là người bạn bình đẳng, và cũng được thừa hưởng sự sống là hồng ân Chúa ban. Xin cho anh (ông) biết luôn luôn kính trọng và yêu thương chị (bà) như Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh.
Vậy giờ đây, lạy Cha, xin cho đôi tân hôn này được kiên trì giữ vững đức tin, và thiết tha yêu mến luật Cha; được trọn tình chung thuỷ với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện. Xin ban cho họ được sức mạnh của Tin Mừng, để họ trở nên những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô trước mặt mọi người.
Xin cho họ (sinh con và) được trở nên cha mẹ mẫu mực khôn ngoan đạo đức, và khi đã trải qua tuổi thọ an nhàn, họ được về thiên quốc, cùng các thánh hưởng phúc trường sinh. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”
7-Trong Thánh Lễ cưới, đôi bạn là người thụ động lắng nghe lời chúc hôn. Nay, vợ chồng hãy biến thành lời nguyện của mình, tự mình đọc lại lời chúc lành cao đẹp ấy, trong tư cách là người trực tiếp nói với Chúa: thay danh xưng ở ngôi vị thứ 3 (anh, chị, họ) trong bản văn, bằng chính ngôi vị thứ nhất (con, chúng con) và thay động từ hiện tại hoàn thành (vừa thành hôn) bằng quá khứ (đã thành hôn được…2 năm, 5 năm, 10 năm, 25 năm, 44 năm…) để xin Chúa gìn giữ và thánh hóa gia đình mình, giúp vượt qua thách đố của thời đại, sống ơn gọi hôn nhân gia đình theo thánh ý Chúa.
8-“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm ; Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”; Đã rằng là nghĩa vợ chồng-Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời…” Tục ngữ, ca dao đã từng ca ngợi tình nghĩa cao đẹp của vợ chồng, đáng trân trọng giữ gìn, phát huy trong văn hóa dân tộc.
9- Khi cám dỗ vũ phu, bạo lực gia đình trổi dậy, người chồng hãy lấy lời khuyên của thánh Ambrôsiô để dừng lại: “Con không phải là chủ của nàng, nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ… Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng.”
10-“Người làm chồng hãy yêu thương vợ như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ, trái lại người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh. Còn vợ thì hãy kính trọng chồng.” (Eph5, 25-33) Lời Chúa đây chính là sức sống giúp củng cố và làm nồng ấm lại tình yêu vợ chồng mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống chung, thắng vượt khuynh hướng bỏ rơi “nữa kia của mình” cũng là “chính thân thể mình” mà đi tìm và liên kết với một đối tượng khác.
11- Vợ chồng ngắm lại ảnh đẹp ngày cưới, cũng hãy hồi tưởng, chiêm ngắm lại bầu khí thánh thiêng trong Thánh Lễ cưới của mình, được giáo phụ Tertulianô mô tả, và Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II lập lại trong Tông huấn Gia Đình : «Tôi múc đâu ra sức mạnh để nói cho thỏa về niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được Thánh Lễ thừa nhận, được lời chúc lành niêm ấn, được các thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn y… Có đôi bạn nào đẹp bằng đôi bạn Kitô hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một nguyện ước, cùng một nề nếp, cùng một công việc phục vụ. Cả hai là con một Cha, cùng phục vụ một Chúa, không gì phân rẽ họ nổi, trong tinh thần cũng như trong thể xác, họ là hai trong cùng một thân xác. Ở đâu có cùng một thể xác, ở đó cũng có cùng một tinh thần.» (số 13)
12-Cầu chúc : Các đôi vợ chồng thắng vượt trào lưu tìm cái mới lạ ngoài hôn nhân của tệ nạn xã hội, nhưng biết tìm lại hình ảnh tươi đẹp của người bạn đời: chính là món quà quí giá nhất Chúa ban cho mình và gia đình mình ; và lời chúc hôn ngày cưới, được thành sự cho mọi đôi vợ chồng Công Giáo : “kiên trì giữ vững đức tin, trọn tình chung thủy với nhau để nêu gương một đời sống thánh thiện, trở nên chứng nhân đích thực của Đức Kitô trước mặt mọi người…”
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét