1- Ngày 01 tháng 3 là ngày giỗ mãn tang của Đức Cha Giuse kính yêu. Với lòng biêt ơn, chúng ta lắng động tâm hồn, cầu nguyện cho ngài hạnh phúc muôn đời trong tình yêu Chúa dành cho những tôi tớ trung thành phụng sự Chúa.
2- Tháng 3 vừa có ngày 13 hành hương Năm Thánh của Gia trưởng, vừa có ngày 19 Bổn mạng của chúng ta. Cả tháng cũng là tháng Bổn mạng, vì là tháng kính Thánh Cả Giuse. Xin thông tin cho anh em chương trình hành hương Năm Thánh:
• Ngày 12:
-15g20 : họp mặt tại nhà hầm quảng trường C-Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao-trao đổi mục vụ đồng hành với các gia đình khó khăn
-16g30: Đức Cha Giám Quản huấn từ -Ban đại diện mới của Gia trưởng giáo phận tuyên hứa
-19g00-19g30 : Kiệu Đức Mẹ
-19g30-19g50 : Giáo lý Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao
-19g50-20g30: Chầu Thánh Thể
• Ngày 13: 06g30 khấn; 07g00-Thánh Lễ
Vừa là dịp Đại Hội mừng Bổn mạng, vừa hành hương Năm Thánh Đức Mẹ Tàpao theo chương trình mục vụ của giáo phận, “Giáo dân phải luôn phát huy ý thức về giáo phận”, nên anh em hãy tích cực tham dự cuộc ngội ngộ đặc biệt này.
3- Ngoài việc hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh, anh em và mọi người siêng năng hành hương vì:
-Hành hương là “hành động đến dâng hương”: dâng hương là hành vi phụng thờ. Dù ở Tàpao không có dâng hương nơi linh đài, (sợ nhiều khói ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy rừng?!) những chúng ta đến đó để thờ phượng Chúa qua việc lãnh nhận bí tích giao hoà, tham dự Thánh Lễ chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi… “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay tỏa trước tôn nhan.”
-Hành hương là “hành trình về quê hương”: Chúng ta đang lữ hành dưới thế nhưng “quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3, 20). Mỗi lần hành hương là rời khỏi nơi sống thường ngày, rời quê hương tại thế để tập dược “lên núi Chúa” (x. Xh 19-20), lên núi để gặp Chúa qua Đức Mẹ, gặp Chúa gặp Mẹ nơi quê hương đích thực, dừng lại những bận tâm trần thế, để “tìm kiếm những sự trên trời”... Đó là hành trình tập sự về quê hương vĩnh cửu.
-Hành hương là “hành xác để toả hương nhân đức”: Đi hành hương luôn trải qua đường xa, ít ngủ, ăn ít, đi nhiều, leo núi, dang nắng hay dầm mưa… ít nhiều tùy nơi đi nơi đến, tất cả đòi hỏi hy sinh về thể xác. Đây là tinh thần khổ chế tự nhiên và tự nguyện để toả hương thơm các nhân đức: Tin-Cậy-Mến; tình liên đới, hiệp thông huynh đệ, lòng bác ái hy sinh…
Đó là ý nghĩa theo từ ngữ. “Hướng dẫn lòng đạo đức bình dân” của Toà Thánh cho chúng ta ý nghĩa thâm sâu của việc hành hương:
-“Hành hương có nền tảng Kinh Thánh từ thời Abraham, Isaac và Giacop đến Sikhem (x. St 12, 6-7 ; 33, 18-20) đến Bêthel (x. St 28, 10-20 ; 35, 1-15) và Mambrê (x. St 13, 18 ; 18, 1-15) nơi Chúa đã tỏ mình ra cho các ngài và hứa ban cho các ngài miền “đất hứa”… Chúa Giêsu đều đặn đi hành hương Giêruselem (x Ga 11, 55-56) theo qui định đàn ông con trai Israel, phải đến trình diện trước tôn nhan Chúa mỗi năm ba lần “(x. Xh 23, 17) (số 280)
-“Người hành hương hiệp thông trong lòng tin và đức ái không chỉ với những người cùng đi với mình mà còn với chính Chúa nữa… Khách hành hương cũng hiệp thông với cộng đoàn địa phương của mình, và qua cộng đoàn ấy với toàn thể Hội Thánh, tức là Giáo Hội ở trên trời và Giáo Hội còn đang lữ hành ở trần gian. Người ấy còn hiệp thông với các tín hữu trong suốt bao thế kỷ, đã cầu nguyện cùng một nơi ấy. Khách hành hương hiệp thông với thiên nhiên bao quanh linh địa mà họ ngưỡng mộ và thúc đẩy họ tôn trọng thiên nhiên. Cuối cùng, khách hành hương hiệp thông với toàn thể nhân loại mà những khổ đau và hy vọng được biểu hiện bằng nhiều cách nơi ấy qua các dấu chỉ của tài năng và nghệ thuật.” (số 286)
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét