Nhịp sống đạo tháng 4 này chúng ta tiếp tục học lại Tông huấn Gia Đình từ số 18-25, được chọn lọc thành 15 câu gần như trích nguyên văn lời của Đức chân phước giáo hoàng Gioan Phaolô II. Phần này Tông huấn muốn nhấn mạnh đến mối liên kết yêu thương của mọi thành phần trong gia đình, để thắng vượt nguy cơ rạn nứt, chia rẽ, phân ly ngày nay. Nhờ Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, nhờ các Bí tích, nhất là Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể, gia đình tìm lại sự hiệp thông yêu thương.
21.H. Tại sao tình yêu là nguồn mạch và sức mạnh sự hiệp thông trong gia đình ?
T. Gia đình được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, làm nên một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn nam nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Không có tình yêu, gia đình không phải là một cộng đồng các ngôi vị. Không có tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện mình. (18)
22.H. Gia đình cần ân sủng Chúa Thánh Thần thế nào ?
T. Ơn của Thần Khí là luật sống cho đôi bạn Kitô hữu, đồng thời là hơi thở hướng dẫn họ, để mỗi ngày họ phát huy được thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ, ý chí, linh hồn, hầu biểu lộ cho Hội Thánh và cho thế giới thấy sự hiệp thông mới mẻ về tình yêu do ân sủng Đức Kitô ban tặng. (19)
23.H. Vì sao buộc giữ đặc tính bất khả phân ly trong hôn nhân?
T. Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly. (20)
24.H. Giáo Hội nhấn mạnh thế nào về đặc tính này khi thực trạng có nhiều gia đình ly tán?
T. Hội Thánh tái khẳng định mạnh mẽ giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân cho những người ngày nay đang nghĩ rằng thật khó, và hơn nữa thật không sao có thể liên kết với một người suốt đời, và đối với những người đang cuốn theo một nền văn hoá từ chối sự bất khả phân ly của hôn nhân, có khi họ còn công khai khinh bỉ việc đôi bạn cam kết sống trung thành với nhau. Phải vui mừng loan báo cho họ rằng : tình yêu vợ chồng là tình yêu đặt nền tảng và tìm được sức mạnh nơi Đức Kitô. (20)
25.H. Tính bất khả phân ly dựa trên nền tảng nào ?
T. Dựa trên nền tảng là ý định Thiên Chúa đã bày tỏ trong mạc khải của Ngài: chính Ngài muốn hôn nhân phải bất khả phân ly, và Ngài ban cho nó ơn này như kết quả, dấu chỉ và đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối trung thành mà Thiên Chúa đã có đối với con người, và là tình yêu của Chúa Kitô dành cho Hội Thánh. (20)
26.H. Chúa Kitô ban gì cho đôi bạn để bảo toàn tính bất khả phân ly?
T. Ngài canh tân ý định nguyên thuỷ của hôn nhân, và trong lúc cử hành Bí tích Hôn phối, Ngài ban cho họ “một tấm lòng mới”, như thế, không những đôi bạn có thể vượt lên sự “cứng lòng”, mà nhất là họ còn có thể dự phần vào tình yêu toàn diện và dứt khoát của Đức Kitô, là giao ước mới và vĩnh cửu đã trở thành xác phàm. (20)
27. H. Đôi bạn phải khắc ghi điều gì để giữ vững đặc tính này?
T. Đôi bạn phải ý thức rằng, ơn sủng Bí tích mình lãnh nhận vừa là một ơn gọi, vừa là một lệnh truyền phải trung thành mãi mãi, bất chấp các thử thách và khó khăn, với một lòng quảng đại tuân theo ý Chúa : “Điều Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.” (20)
28. H. ĐTC đã khen ngợi những gia đình trở nên chứng tá tốt lành của hôn nhân bất khả phân ly thế nào?
T. Ngài ca ngợi và khích lệ đông đảo tất cả các đôi bạn, mặc dù gặp những khó khăn to lớn, vẫn giữ gìn và phát triển sự bất khả phân ly cao quí ấy: làm thế, họ khiêm tốn và quả cảm đảm nhận trách nhiệm đã trao cho họ là trở nên dấu chỉ trong thế giới, một dấu chỉ kín đáo và quí giá, đôi khi bị thua chước cám dỗ, nhưng lại được đổi mới không ngừng, là dấu chỉ về sự trung tín không biết mệt mỏi của tình yêu Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô đã có đối với tất cả mọi người và từng người. (20)
29.H. Sự hiệp thông vợ chồng tạo nên các mối liên hệ nào nữa?
T. Nó tạo nền tảng để xây dựng sự hiệp thông rộng lớn hơn trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa những anh chị em trong nhà với nhau, giữa những người bà con gần và những thành phần khác của gia đình. (21)
30.H. Vì sao gọi gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia?
T. Gia đình Kitô hữu là một mạc khải, một sự thực hiện đặc biệt mối hiệp thông trong Hội Thánh. Vì thế, gia đình Kitô hữu có thể và phải được gọi là “Hội Thánh tại gia”. (21)
31.H. Mọi thành phần trong gia đình có bổn phận gì?
T.Mỗi người theo ơn riêng của mình, đều có ân sủng và trách nhiệm để từng ngày biến gia đình thành một trường học đào tạo cho nhân tính ngày một hoàn hảo và phong phú hơn, bằng tình yêu và sự chăm sóc các em nhỏ, những người đau yếu già nua, phục vụ lẫn nhau trong đời sống qua việc chia sẻ của cải, niềm vui, nổi khổ. (21)
32.H. Điều gì làm cho tương quan cha mẹ và con cái tốt đẹp?
T. Chính là sự trao đổi có tính cách giáo dục giữa cha mẹ và con cái, làm cho mỗi người đều có thể cho đi và nhận lại. Qua tình yêu, sự kính trọng và vâng lời đối với cha mẹ, con cái đóng góp cho việc xây dựng một gia đình thật sự nhân bản và Kitô giáo. Còn cha mẹ thực hành quyền bính của mình như một tác vụ nhắm tới lợi ích nhân bản và Kitô hữu, giúp con cái đạt được sự tự do có trách nhiệm. (21)
33.H. Làm sao gìn giữ sự hiệp thông gia đình?
T. Sự hiệp thông đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hoà giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng: sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy. (21)
34.H. Trước nguy cơ tan vỡ, gia đình cần đến Chúa thế nào ?
T. Thiên Chúa của sự bình an mời gọi mọi gia đình tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất, cách riêng bằng việc tham dự vào Bí tích Giao hoà và bàn tiệc Mình Thánh Chúa, sẽ đem lại cho gia đình Kitô hữu ân sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng, để thắng vượt mọi chia rẽ, bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn: “xin cho tất cả nên một.” (21)
35.H. Người chồng phải cư xử với vợ ra sao?
T. Vì cả hai bình đẳng với nhau, nên người nam phải có sự kính trọng sâu xa đối với phẩm giá của vợ mình, như thánh Ambrôsiô đã viết: “Con không phải là chủ của nàng, nàng được trao cho con để làm vợ chứ không phải làm nô lệ… Hãy đáp lại những chú ý nàng đã dành cho con, và hãy biết ơn tình yêu của nàng.” (25)
“Rượu tình yêu” của gia đình có thể bị nhạt nhòa hay cạn hết. “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3) chính là lúc gia đình đang lâm nguy, mọi thành viên sống rời rạt, xa cách, phân ly. Khi đó, gia đình cần đến Chúa Giêsu. Vì “Chúa Giêsu đã quy tụ và liên kết các thế hệ! Người là nguồn vô tận phát sinh tình yêu thắng vượt mọi khép kín, cô đơn, muộn phiền. Trong cuộc sống gia đình, anh chị em có nhiều phút giây tuyệt đẹp: ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc nhà, giải trí, cầu nguyện, đi chơi, đi hành hương, giúp đỡ nhau… Tuy nhiên, nếu không có tình yêu, sẽ chằng có niềm vui, và Chúa Giêsu, tình yêu đích thực, chính là Đấng ban tình yêu đó cho chúng ta: Người ban Lời Chúa soi chiếu đường chúng ta đi, ban Bánh hằng sống nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống nhọc nhằn.”(ĐTC Phanxicô-Thư kêu gọi các gia đình cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế giới về gia đình 2014, viết ngày 02.02.2014)
Theo gợi ý của ĐTC Phanxicô, chúng ta cùng mọi người trong gia đình, khi cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha cũng hãy khẩn cầu : “xin cho chúng con hôm nay tình yêu hằng ngày”, để Chúa Kitô, Đấng hiện diện tại tiệc cưới Cana, vẫn luôn hiện diện trong mọi gia đình, tiếp tục làm phép lạ cho các gia đình, biến đổi tình yêu “lạt như nước lã” thành nồng ấm như rượu ngon cho vợ chồng, cho cha mẹ với con cái, và cho anh chị em với nhau.
Lm NHDuy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét