…Đọc lại Lịch Sử Cứu Độ, chúng ta sẽ gặp thấy các Tổ Phụ, các Thủ Lãnh, các Vua, các Ngôn Sứ đều được sự giúp đỡ của Dân, tạo thuận lợi trong việc thi hành sứ vụ Chúa trao. Những trợ giúp quý báu ấy : từ lời góp ý của bố vợ dành cho Môsê để có “những người có tài và đặt họ làm đầu dân” giúp lãnh đạo Dân (x. Xh 18, 13-27 ); đến “hũ bột không vơi” của bà goá thành Sarepta dành cho ngôn sứ Elisa (x. 1V 17, 7-15)… tất cả đều biểu lộ tấm lòng của Dân dành cho mục tử. Sự nâng đỡ tinh thần hay vật chất của Dân sinh ích nhiều cho thừa tác viên hoàn thành công việc Chúa trao. Có thể nói, Chúa sai mục tử chăn dắt dân, thì Chúa cũng dùng Dân chăm sóc mục tử.
Chính Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành cũng nhận được sự chăm sóc của đoàn chiên. Trong khi rao giảng Tin Mừng, huấn luyện các Tông Đồ, chữa lành bệnh nhân… Chúa vẫn nhận được sự giúp đỡ của các phụ nữ. Chính những phụ nữ đứng dưới chân thập giá là những người đã từng giúp đỡ Chúa : “Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người.” (Mt 27, 55); “Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giê-su khi Người còn ở Ga-li-lê. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giê-ru-sa-lem, cũng có mặt tại đó.” (Mc15, 41); họ cũng giúp đỡ các tông đồ nữa : “Bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.” (Lc 8, 3)
Đặc biệt gia đình Matta, Maria và Ladarô tại Bêtania được coi là nơi dừng chân của Chúa. Chúa nhiều lần ghé nơi đây và nhận được sự chăm sóc, phục vụ của chị em họ. Ngay cả 6 ngày trước khi bước vào cuộc thương khó, Chúa còn ghé lại đây : “Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đến làng Bê-ta-ni-a, nơi anh La-da-rô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giê-su; cô Mác-ta lo hầu bàn, còn anh La-da-rô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Một trong các môn đệ của Đức Giê-su là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ sẽ nộp Người, liền nói: "Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?" Y nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giê-su nói: "Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu." (Ga 12, 1-8).
Không biết có phải đây là lần cuối cùng không, nhưng có thể coi đây là lần thăm viếng quí báu nhất mà Chúa dành cho gia đình này. Bởi lúc này tâm trạng Chúa “buồn rầu, xao xuyến” (Mt 26, 17) trước những biến cố đau thương Ngài sẽ chịu, thế mà Ngài vẫn dành cơ hội cho gia đình mến yêu này đãi tiệc, phục vụ, hầu bàn.
Chúng ta cũng có thể suy diễn các Tông Đồ đã nhận được sự chăm sóc, giúp đỡ về vật chất khi bận rộn loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh : các tín hữu “ngày một đông số” (Cv 16, 5). Thánh Phêrô còn nhận được sự nâng đỡ tinh thần của Dân khi bị tù đày : “Đang khi ông Phê-rô bị giam giữ như thế, thì Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông.” (Cv 12, 5) và ông đã được giải thoát…
Để hoàn tất ba cuộc hành trình truỵền giáo và chăm sóc nhiều giáo đoàn, Thánh Phaolô, một người mang “cái dằm” (2Cr 12, 7) đau đớn, một người làm việc nhiều đến nỗi quên áo và đồ đạc : “Cái áo choàng tôi đã để lại nhà anh Các-pô ở Trô-a, thì khi đến, xin anh đem theo, cũng như các sách vở, nhất là những cuộn giấy da.” ( 2 Tm 4, 13), chắc chắn nhận được sự chăm sóc của nhiều tín hữu. Trong thư Rôma, ngài viết : “Tôi xin giới thiệu với anh em chị Phê-bê, người chị em của chúng tôi, là nữ trợ tá Hội Thánh Ken-khơ-rê. Mong anh em tiếp đón chị trong Chúa cách xứng đáng, như dân thánh phải đối xử với nhau. Chị có việc gì cần đến anh em, xin anh em giúp đỡ, vì chính chị cũng đã bảo trợ cho nhiều người, kể cả tôi nữa.” (Rm 16,1-2).
Là tù nhân của Đức Kitô, thánh Phaolô còn nhận được sự bảo vệ của đoàn chiên : “Tại Đa-mát, tổng đốc của vua A-rê-ta đã cho lính canh gác thành để bắt tôi. Nhưng người ta đã cho tôi vào một cái thúng, rồi thòng qua cửa sổ dọc theo tường thành. Thế là tôi thoát khỏi tay ông ta.” (2 Cr 11, 32-33)
Cha ông chúng ta đã từng bảo vệ các thừa sai truyền giáo, chăm sóc họ, hy sinh có khi cả tính mạng để lo lắng cho hàng giáo sĩ. Thánh Nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt vì che dấu Cha Lý không chỉ cho chúng ta mẫu gương người nữ oai hùng, mà con để lại một lời can đảm : “Xin Cha ẩn dưới rãnh này. Đức Chúa Trời gìn giữ thì Cha thoát, bằng không Cha và con đều bị bắt” (Thiên Hùng Sử-tr. 215)…
Trong đời sống của người mục tử, không phải là không có những người như anh thợ rèn đã làm khổ thánh Phaolô : “A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều khốn khổ; Chúa sẽ cứ việc anh ta làm mà trả báo. Cả con nữa, cũng hãy đề phòng anh ta, vì anh ta mạnh mẽ chống lại lời chúng ta rao giảng.” (2 Tm 4,14-15), tuy nhiên nó không thể làm mờ đi hình ảnh đẹp của mối tương quan đầy yêu thương giữa mục tử và đoàn chiên.
Ngày nay, vẫn còn nhiều giáo dân cao niên, đáng lý phải “được phục vụ” của con cháu, lại tự nguyện làm người “phục vụ” (x. Mt 20, 28) cho các Cha theo gương bà nhạc gia thánh Phêrô (x. Mc 1, 31). Không ít người hy sinh việc nhà để lo việc xứ. Cha xứ đau bịnh, giáo dân đau buồn tìm thầy, tìm thuốc, có người còn dám xin gánh bệnh cho Cha nữa… thật cảm động !
Tạ ơn Chúa vì những gì Chúa chăm sóc con qua đoàn chiên của Chúa. Hơn 5 năm thi hành tác vụ Linh Mục và 3 năm 3 ngày thực hiện vai trò là mục tử giáo xứ Bình An, con đã cảm nghiệm phần nào lời huấn đức đầy kinh nghiệm của Đức Cha Nicolas để dọn lòng lãnh chức thánh : “Điều bận tâm chính yếu là trở nên một mục tử tốt. Một mục tử tốt thì không cần Chúa lo, giáo dân cũng lo cho.”
Điều con lo lắng là chưa tốt đủ để xứng hợp với sự chăn dắt của Chúa và sự chăm sóc của đoàn chiên !
Bình An, Thứ Tư Tuần Thánh 12/04/2006
Cố gắng viết theo sự khích lệ của độc giả
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét