“Chiên” ở đây chính là hình ảnh Kinh Thánh dùng để chỉ Dân Chúa và Mục Tử là người hướng dẫn Đoàn Dân. Chiều “thuận” thì ai ai cũng rõ… nhận được sự chăm sóc giúp đỡ của đoàn chiên, và đáp lại tấm lòng của những người ở xa, những độc giả quí mến quan tâm, thăm hỏi, xin mạn phép chia sẻ chiều “nghịch” trong mối tương quan giữa Mục Tử và Đoàn Chiên.
Dù là Đức Giáo Hoàng-Mục Tử của Giáo Hội toàn cầu, là Giám Mục-Chủ Chăn giáo phận hay Linh Mục-mục tử nơi giáo xứ, tất cả đều cảm nghiệm chính Thiên Chúa là Mục Tử Tối Cao của ta, còn “Ta là Dân Người, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95, 7 ; Tv 100, 3). Tất cả chúng ta, dù là giáo sĩ hay giáo dân đều cùng hát lên lời Thánh Vịnh 22 : “Chúa chăn nuôi tôi…” với niềm xác tín “Chúa là Mục Tử, Người dẫn lối chỉ đường cho con đi…”. Mọi mục tử, khi chúc lành cho dân chúng, đều phải ý thức như chính tổ phụ Giacóp đã xác định để chúc phúc cho Giuse : “Xin Thiên Chúa là Đấng mà cha ông của cha là Áp-ra-ham và I-xa-ác đã bước đi trước tôn nhan, xin Thiên Chúa là mục tử chăn dắt cha từ khi cha chào đời cho đến ngày hôm nay… chúc phúc cho những đứa trẻ này” (St 48, 15-16).
Thế mà Thiên Chúa, Mục Tử của chúng ta cũng “chịu” để cho đoàn chiên chăm sóc. Tổ phụ Abraham được vinh dự chăm sóc Chúa : “ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: "Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ các ngài đây!" Khách trả lời: "Xin cứ làm như ông vừa nói!" Ông Áp-ra-ham vội vã vào lều tìm bà Xa-ra mà bảo: "Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh." Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa.” (St 18,1-8).
Thật ra Chúa không cần chúng ta chăm sóc. Ngay cả khi chúng ta xây đền thờ, dâng của lễ, dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa… thì cũng là cách Chúa khiêm tốn “chịu” để cho con người “chăm sóc” một tí thôi. Vì “ĐỨC CHÚA phán thế này: "Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi?” (Is 66, 1). “Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình” (Kinh Tin Kính) đâu cần hy lễ : “ĐỨC CHÚA phán: "Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì?Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!” (Is 1,11). Chúng ta cũng đồng ý với lời Tiền Tụng lễ Tạ Ơn : “Vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con hạnh phúc muôn đời”. Nhưng “Chúa Cả trời đất” lại vui nhận “một tấm lòng tan nát khiêm cung” của người sám hối : “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,19).
Thiên Chúa, Đấng chăm sóc mọi loài mọi vật, lại vui nhận để chúng ta là tạo vật “chăm sóc” Ngài, vì Ngài thích đón nhận tâm tình hiếu thảo của chúng ta. Sách Sáng thế 19, 1-3 còn kể lại sứ giả của Chúa cũng vui nhận sự chăm sóc nơi Dân Người : “Hai sứ thần đến thành Xơ-đôm vào buổi chiều; ông Lót lúc ấy đang ngồi ở cửa thành Xơ-đôm. Vừa thấy các ngài, ông Lót đứng lên ra đón các ngài và cúi sấp mặt xuống đất. Ông nói: "Thưa các ngài, kính xin các ngài ghé lại nhà tôi tớ các ngài đây để nghỉ đêm và rửa chân, rồi sớm mai các ngài tiếp tục đi đường." Họ đáp: "Không! Chúng tôi sẽ nghỉ đêm ngoài đường phố." Nhưng ông nài nỉ các ngài mãi nên các ngài ghé lại và vào nhà ông. Ông làm tiệc đãi các ngài, nướng bánh không men, và các ngài đã dùng bữa.” Sứ thần của Chúa cũng không nở bỏ qua lòng hiếu khách và ước muốn phục vụ của ông Lót, mà để cho gia đình ông chăm sóc trong khi thi hành sứ vụ của Chúa !…”
Bình An, Thứ Tư Tuần Thánh 12/04/2006
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét