Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, (CN 6 PS, năm C), khi chào tạm biệt các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói gần như một giao ước: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Và Ngài nói thêm ngay lập tức: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14,27). Chúng ta hãy suy ngẫm về những cụm từ ngắn này.
Trước hết, bình an Thầy để lại cho anh em. Chúa Giêsu chào tạm biệt bằng những lời thể hiện tình cảm và sự bình yên. Nhưng Ngài làm như vậy trong một khoảnh khắc không có gì khác ngoài sự thanh thản. Giuđa đã bỏ đi để phản bội Ngài, Phêrô sắp chối Ngài, và hầu chắc là những người khác sẽ bỏ rơi Ngài. Chúa biết điều này, nhưng Ngài không quở trách, không nặng lời, không đưa ra những diễn từ cay đắng. Thay vì thể hiện sự kích động, Ngài vẫn từ tốn cho đến cùng. Có một câu tục ngữ nói rằng bạn chết theo cách bạn đã sống. Nói cách khác, những giờ phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu giống như bản chất của toàn bộ cuộc đời Ngài. Ngài cảm thấy sợ hãi và đau đớn, nhưng không chiều theo sự phẫn uất hay phản kháng. Ngài không để cho mình trở nên cay đắng, Ngài không trút ra những oán giận, Ngài không nóng nảy. Ngài bình yên, một sự bình yên đến từ trái tim hiền lành quen với sự phó thác. Đây là nguồn bình an mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Vì không ai có thể để lại cho người khác sự bình an nếu họ không có sự an bình trong chính họ. Không ai có thể trao ban bình yên, trừ khi người đó được yên bình.
Thầy để lại bình an cho anh em: Chúa Giêsu chứng tỏ rằng sự hiền lành là khả thi. Ngài đã thể hiện điều đó một cách đặc biệt trong thời khắc khó khăn nhất, và Ngài muốn chúng ta cũng hành xử theo cách đó, vì chúng ta cũng là những người thừa kế hòa bình của Người. Ngài muốn chúng ta hiền lành, cởi mở, sẵn sàng lắng nghe, có khả năng xoa dịu căng thẳng và tạo nên sự hòa hợp. Đây là việc làm chứng cho Chúa Giêsu và có giá trị hơn một ngàn lời nói và nhiều bài giảng.
Hãy là chứng nhân của hòa bình. Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy tự hỏi mình xem liệu chúng ta có cư xử như thế ở nơi chúng ta sống, chúng ta có xoa dịu căng thẳng và xoa dịu xung đột không? Liệu chúng ta có quá gay gắt với ai không, luôn sẵn sàng phản ứng, bùng nổ, hay chúng ta biết cách đáp trả một cách bất bạo động, chúng ta có biết cách đáp trả bằng những hành động ôn hòa không? Làm thế nào để tôi phản ứng? Mọi người có thể tự hỏi mình điều này.
Chắc chắn, sự hiền lành này không hề dễ dàng. Trên mọi bình diện, thật khó làm sao để có thể xoa dịu xung đột! Cụm từ thứ hai của Chúa Giêsu có ích cho chúng ta ở đây: sự bình an của Thầy, Thầy ban cho anh em. Chúa Giêsu biết rằng bản thân chúng ta không thể vun đắp hòa bình, rằng chúng ta cần giúp đỡ, rằng chúng ta cần đến ân sủng. Hòa bình, là nghĩa vụ của chúng ta, trước hết là một ân sủng của Thiên Chúa. Trên thực tế, Chúa Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” (c. 27). Bình an này là gì mà thế giới không biết và Chúa ban cho chúng ta? Sự bình an này là Chúa Thánh Thần, cùng một Thần Khí của Chúa Giêsu. Đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, đó là “quyền năng bình an” của Thiên Chúa. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng giải trừ bạo lực trong tâm hồn chúng ta và lấp đầy con tim chúng ta bằng sự thanh thản. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng nới lỏng sự cứng rắn và dập tắt những cám dỗ tấn công người khác. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, người nhắc nhở chúng ta rằng có anh chị em bên cạnh chúng ta, không phải là chướng ngại vật hay đối thủ. Chính Ngài, Chúa Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta sức mạnh để tha thứ, để bắt đầu lại, để bắt đầu lại cuộc đời bởi vì chúng ta không thể làm điều này bằng sức riêng của mình. Và chính với Ngài, với Chúa Thánh Thần, chúng ta trở thành những người nam nữ của hòa bình.
Anh chị em thân mến, không có tội lỗi, không có thất bại, không có thù hận nào có thể làm nản lòng chúng ta khiến chúng ta không nài xin ân sủng này từ Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự bình an cho chúng ta. Chúng ta càng cảm thấy lòng mình xao động, càng cảm thấy mình đang bồn chồn, nóng nảy, tức giận trong lòng, thì chúng ta càng cần cầu xin Chúa ban cho Thần Khí bình an cho chúng ta. Chúng ta hãy học cách nói mỗi ngày: “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Đây là một lời cầu nguyện đẹp. Chúng ta sẽ nói điều đó cùng nhau chứ? “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Tôi không nghe rõ. Hãy nói to một lần nữa: “Lạy Chúa, xin ban bình an cho con, xin ban Thánh Thần cho con”. Và chúng ta cũng hãy cầu xin điều này cho những người sống bên cạnh chúng ta, cho những người chúng ta gặp hàng ngày, và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia.
Xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể là những người kiến tạo hòa bình.” (ĐTC Phanxicô, 22/05/2022)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét