-Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu định hướng loan báo Tin Mừng hay dạy giáo lý theo cách thức Á châu là “Kể lại câu chuyện Chúa Giêsu”. Lời Chúa, nhất là Tin Mừng là nguồn mạch, là “linh hồn của việc dạy giáo lý”.
Hướng dẫn Tổng quát dạy giáo lý của Bộ Giáo Sĩ dạy: “Mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những được tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”.
Tất cả các hoạt động loan báo Tin Mừng phải nhằm giúp cho việc hiệp thông với Đức Kitô.” (số 80)
-Kinh Mân Côi được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là “Bản tóm lượt Tin Mừng.” Xưa, người ta coi lần hạt là việc sùng kính Đức Mẹ, không phù hợp thực hiện trong giờ chầu Thánh Thể, nay nó được khuyến khích vì lần chuỗi Mân Côi còn là “Tưởng nhớ Đức Kitô với Mẹ Maria” (Tông thư Kinh Mân Côi, số 13) và “Kinh Mân Côi là một trong những con đường truyền thống của lời cầu nguyện Kitô giáo hướng đến việc chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô.” (sđd, số 18)
-Thánh 5, tháng Hoa kính Đức Mẹ lại đến. Lời kinh Mân Côi được cất lên từ cá nhân, gia đình, liên gia, giáo xứ, Trung Thánh Mẫu Tàpao… nhịp nhàng sốt sắng để tôn kính Đức Mẹ như lòng đạo đức bình dân quen làm. Nhịp sống đạo tháng 5 thử đưa ra một gợi ý Giáo lý (Dự tòng) từ Kinh Mân Côi theo định hướng nêu trên:
I-CHUYỆN KỂ: (Lc 1, 26-56)
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà."29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.30 Sứ thần liền nói: "Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận."34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! "35 Sứ thần đáp: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II-GIÁO LÝ
1. Êlisabet còn gọi là bà Isave vợ tư tế Dacaria, mẹ của thánh Gioan, người cử hành phép rửa tại sông Giođan nên gọi là Tẩy Giả (Gioan Baotixita). Tên khác của ngài là Gioan Tiền Hô vì đi trước hô vang dọn đường cho Chúa đến.
2. Thiên Chúa : Đấng chúng ta tôn thờ, “Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất”; “là Cha toàn năng đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”
3. Sứ thần Gabriael : cũng như bao thiên thần là “muôn vật vô hình, là loài thiêng liêng, được dựng nên để phục vụ Thiên Chúa và giúp đỡ loài người.” Các ngài bất tử. Thiên thần sa ngã : bất tuân, chống lại Thiên Chúa trở thành ma quỉ còn gọi là Satan.
Mỗi người chúng ta cũng có một thiên thần gìn giữ bảo vệ mình gọi là thiên thần hộ thủ, Lễ nhớ vào ngày 02.10. Hai Tổng lãnh thiên thần khác Lễ kính cùng lúc với sứ thần Gabriel vào ngày 29.09 là Micael và Raphael.
4. Thánh Giuse: “là người công chính” Chúa chọn làm bạn trăm năm của Đức Maria, cha nuôi Chúa Giêsu, làm nghề thợ mộc, người Gia trưởng mẫu mực trong gia đình. Ngài có Lễ trọng mừng kính vào ngày 19.03, và Lễ nhớ thánh Giuse thợ vào ngày 01.05. Ngài còn được kính nhớ vào các ngày thứ 4 trong tuần.
5. Đức Maria: “trinh nữ” Dothái, mang thai “bởi phép Chúa Thánh Thần,” sinh ra Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh trọn đời.
6. Giêsu : nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Chúa Giêsu còn gọi là Đức Kitô-Kitô tiếng Hylạp, đồng nghĩa với Messia tiếng Dothái có nghĩa là “được xức dầu”. Thành phần dân Chúa được xức dầu là : vua, tư tế và ngôn sứ (tiên tri). Chúa Giêsu có cả ba vai trò cao cả ấy.
7. Con Đấng Tối Cao : Chúa Giêsu không chỉ “là người thật như ta ngoại trừ tội lỗi”, mà là “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật… đồng bản thể với Đức Chúa Cha…” Ngài chính là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu con người tội lỗi. Thánh Gioan viết “Ngôi Lời đã làm người”-tức Lời Chúa trở nên sống động thành một con người cho ta nghe, thấy, chạm đến… Vì Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, nên Đức Maria, còn gọi thân mật là Đức Mẹ, Đức Bà, có đặc ân là Mẹ Thiên Chúa.
8-Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, nên ta tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha-Con-Thánh Thần.
*Phân biệt thái độ kính thờ của chúng ta : Thiên Chúa: tôn thờ-thờ phượng, phụng thờ ; Đức Mẹ: đặc biệt tôn kính trên thiên thần và các thánh ; thiên thần, thánh Isave, thánh Giuse và các thánh: tôn kính.
III-CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, để cứu con người tội lỗi kiêu căng, Chúa đã khiêm tốn hạ mình làm người trong mầu nhiệm nhập thể. Nhờ Đức trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ chúng con, người nữ cao trọng muôn đời khen là diễm phúc, đã khiêm hạ nhận mình là nữ tì của Chúa, xin giúp chúng con biết sống khiêm nhường với Chúa và với anh chị em chúng con.
IV-THỰC HÀNH
1-Làm dấu Thánh Giá tuyên xưng Chúa Ba Ngôi
2-Lần chuỗi : Thứ nhất “Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai, ta hãy xin cho được ở khiêm nhường.”
-Hai mươi ngắm Mân Côi : Vui-Sáng-Thương-Mừng chúng ta đã thuộc. Các đoạn Lời Chúa tương ứng cũng không khó tìm để kể lại câu chuyện cuộc đời Chúa Cứu Thế. Bạn hãy kể tiếp những câu chuyện còn lại, và dựa vào đó giới thiệu niềm tin Kitô giáo cho người Á châu theo cách châu Á…
Mũi Né, 12.04.2015
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét