Ý định của Thiên Chúa đối với nhân loại thật là tốt lành, nhưng trong đời sống thường nhật, chúng ta thấy có sự ác hiện diện. Các chương đầu tiên của sách Sáng thế mô tả sự bành trướng từ từ của tội lỗi trong cuộc sống con người. Adong và Evà (Xc. St 3,1-7) nghi ngờ ý hướng nhân từ của Thiên Chúa. Họ nghĩ Chúa là một thần minh ghen tị, ngăn cản hạnh phúc của họ. Từ đó nảy sinh sự nổi loạn: họ không còn tin tưởng nơi một Đấng Tạo Hóa quảng đại, mong muốn hạnh phúc cho họ. Tâm hồn họ, chiều theo cám dỗ của ma quỷ, mơ ước được toàn năng: “Nếu chúng ta ăn trái cây này, chúng ta sẽ trở nên như Thiên Chúa” (Xc v.5). Nhưng kinh nghiệm đi theo chiều hướng ngược lại: mắt họ mở ra và họ thấy mình trần trụi (v.7).
“Sự ác càng trở nên mạnh mẽ hơn với thế hệ thứ hai của loài người: đó là vụ Cain và Abel (Xc. St 4,1-16). Cain ghen với em mình; mặc dù chính anh ta là con trưởng, nhưng Cain coi Abel như đối thủ, một người âm mưu chiếm đoạt quyền thượng của anh ta. Sự ác xuất hiện trong tâm hồn Cain và hắn không thể cầm hãm nó. Và thế là câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên kết thúc bằng một cuộc giết người.
Trong dòng dõi Cain có những nghề thủ công và nghệ thuật được phát triển, nhưng cũng có cả bạo lực nữa, được biểu lộ qua bài ca đau thương của Lamec, giống như một bài ca thù hận: “Tôi đã giết một người vì một vết thương của tôi và giết một đứa trẻ vì sây sát của tôi [...] Cain sẽ bị báo thù 7 lần, nhưng Lamec sẽ được phục thù 77 lần” (St 4,23-24). Và thế là sự ác lan rộng như vết dầu loang, đến độ chiếm toàn bức tranh: “Chúa thấy rằng sự gian ác của loài người lan tràn trên trái đất và mỗi ý định trong tâm hồn con người không là gì khác hơn là điều ác, mãi mãi” (St 6.5). Những bích họa lớn về đại hồng thủy (Chương 6-7) và tháp Babel (chương 11) cho thấy cần có một sự bắt đầu lại, như một công trình tạo dựng mới, sẽ được viên mãn trong Chúa Kitô.
Sự hiện diện của những người công chính
Tuy nhiên, trong những trang đầu tiên của Kinh thánh, cũng có một câu chuyện khác được viết lên, kém nổi bật, khiêm tốn và đạo đức hơn, diễn tả sự phục hồi niềm hy vọng. Tuy hầu như tất cả mọi người đều cư xử một cách tàn bạo, biến căm thù và chinh phục thành động lực lớn của cuộc nhân sinh, nhưng cũng có những người có khả năng chân thành cầu khẩn Thiên Chúa, viết lên vận mệnh con người một cách khác.
Abel đã dâng tiến Thiên Chúa một hy lễ các của đầu mùa. Sau khi Abel chết, Adong và Eva có một người con thứ ba là Set, từ đó sinh ra Enos, có nghĩa là “phàm nhân hay chết”, và người ta nói: “Thời đó người ta bắt đầu cầu khẩn danh Chúa” (4,26). Rồi Enoc xuất hiện, là nhân vật “đồng hành với Thiên Chúa” và đã được cất lên trời (Xc. 5,22.24). Và sau cùng là chuyện ông Noe, người công chính, “cùng đi với Thiên Chúa” (6,9), và Thiên Chúa có ý định xóa bỏ nhân loại (Xc. 6,7-8).”
Khi đọc những câu chuyện ấy, ta có cảm tưởng kinh nguyện là bờ đê, là nơi nương náu của con người, trước làn sóng tràn đầy sự ác gia tăng trên thế giới. Nhìn cho kỹ, chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu thoát khỏi chính mình. Những người cầu nguyện trong những trang đầu tiên của Kinh thánh là những người kiến tạo hòa bình; thực vậy, kinh nguyện, khi chân thành, giải thoát khỏi những bản năng bạo lực và là một cái nhìn hướng về Thiên Chúa, để Ngài tái chăm sóc tâm hồn con người. Ta đọc trong Sách Giáo Lý: “Phẩm tính ấy của kinh nguyện là điều được nhiều người công chính trong mọi tôn giáo sống thực” (CCC 2599). Kinh nguyện vun trồng những mảnh vườn tái sinh, tại những nơi mà oán thù của con người chỉ có thể làm cho sa mạc lan rộng.
Đó là lý do tại sao chủ quyền của Thiên Chúa tiến qua những người nam nữ ấy, họ thường bị hiểu lầm và bị gạt ra ngoài lề trong thế giới. Nhưng thế giới sống và tăng trưởng là nhờ sức mạnh của Thiên Chúa mà những tôi tớ của Ngài lôi kéo xuống nhờ kinh nguyện của họ. Đó là một loạt người không ồn ào, ít khi được nói đến trong thời sự, nhưng rất quan trọng để trả lại niềm tín thác cho thế giới! (Pope Fr, 27/05/2020)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét