Chúng ta đã lắng nghe bài tường thuật đơn giản và cảm động về việc chữa lành mẹ vợ của Ông Simon, người chưa được gọi là Phêrô, trong bản Tin Mừng Marcô. (Mc 1, 29-31) Tình tiết ngắn gọn này, với những biến thể nhỏ nhưng đầy sức gợi cảm, cũng được thuật lại trong hai sách Tin Mừng Nhất lãm khác. Thánh Máccô viết: “Mẹ vợ ông Simon bị ốm vì sốt”. Chúng ta không biết đó có phải là một bệnh nhẹ hay không, nhưng về già, ngay cả một cơn sốt đơn giản cũng có thể nguy hiểm. Khi anh chị em già, anh chị em không còn kiểm soát được cơ thể của mình nữa. Người ta phải học cách lựa chọn những gì nên làm và những gì không nên làm. Sinh lực của cơ thể suy giảm và bỏ rơi ta, dù lòng ta không ngừng khao khát. Lúc đó, người ta phải học cách thanh lọc ham muốn: kiên nhẫn, lựa chọn những gì có thể yêu cầu được của cơ thể và của cuộc sống. Khi chúng ta già, chúng ta không thể làm những điều giống như khi chúng ta còn trẻ: cơ thể có một nhịp độ khác, và chúng ta phải lắng nghe cơ thể và chấp nhận giới hạn của nó. Tất cả chúng ta đều có những giới hạn này. Giờ đây, cả tôi nữa cũng phải dùng đến gậy chống.
Bệnh tật đè nặng lên người cao niên một cách mới lạ và khác biệt so với khi còn trẻ hay người lớn. Nó giống như một đòn giáng mạnh vào thời điểm vốn đã khó khăn. Nơi người già, bệnh tật dường như đẩy nhanh cái chết và, dù gì, cũng làm giảm thời gian sống của chúng ta, điều mà chúng ta vốn coi là ngắn ngủi. Mối nghi ngờ lẩn khuất nói với chúng ta rằng chúng ta sẽ không hồi phục, “lần này sẽ là lần cuối cùng tôi bị ốm…”, và vân vân: những ý tưởng này xuất hiện. Người ta không thể hy vọng mơ về một tương lai mà bây giờ dường như không còn hiện hữu nữa. Một nhà văn nổi tiếng người Ý, Italo Calvino, đã ghi nhận sự cay đắng của những người già, những người phải chịu đựng việc mất mát những điều của quá khứ, nhiều hơn là tận hưởng sự xuất hiện của cái mới. Nhưng khung cảnh Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta hy vọng và cung cấp cho chúng ta một bài học đầu tiên: Chúa Giêsu không một mình đến thăm bà già ốm yếu đó: Người đến đó cùng với các môn đệ. Và điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ một chút.
Chính cộng đồng Kitô hữu phải chăm sóc người già: họ hàng và bạn bè đã đành, nhưng cả cộng đồng nữa. Việc thăm hỏi người cao niên phải được thực hiện bởi nhiều người, với nhau và thường xuyên. Chúng ta đừng bao giờ quên ba dòng Tin Mừng này, đặc biệt là hiện nay số lượng người già đã tăng lên đáng kể, cả vấn đề người trẻ nữa, vì chúng ta đang ở trong mùa đông nhân khẩu này, chúng ta có ít con cái hơn, và chúng ta có nhiều người già và ít người trẻ hơn. Chúng ta phải cảm thấy có trách nhiệm thăm viếng những người già, những người thường ở một mình, và dâng họ lên Chúa bằng những lời cầu nguyện của chúng ta. Chính Chúa Giêsu dạy chúng ta cách yêu thương họ. “Một xã hội thực sự chào đón sự sống khi họ nhận ra rằng nó cũng đáng quý lúc tuổi già, lúc tàn tật, bệnh tật nghiêm trọng và ngay cả lúc đang tàn lụi” (Thông điệp gửi cho Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, ngày 19 tháng 2 năm 2014)…” (ĐTC Phanxicô, 15/06/2022)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét