Giống như Phêrô, chúng ta được kêu gọi để thoát khỏi cảm giác thất bại trước những cuộc đánh cá đôi khi thảm khốc của chúng ta. Để thoát khỏi nỗi sợ hãi làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta tìm kiếm nơi ẩn náu trong an toàn của chính mình và cướp đi lòng can đảm dám nói lời tiên tri.
Giống như Phaolô, chúng ta được mời gọi để thoát khỏi sự phô trương bề ngoài giả hình, thoát khỏi sự cám dỗ để thể hiện mình với quyền lực thế gian hơn là với sự yếu đuối trong đó có không gian cho Thiên Chúa; thoát khỏi một lòng đạo vụ luật khiến chúng ta cứng nhắc và không linh hoạt; thoát khỏi những liên hệ nguy hiểm với quyền lực và khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và tấn công.
Hai thánh Phêrô và Phaolô để lại cho chúng ta hình ảnh một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn với lòng trung tín và tình yêu dịu dàng, vì chính Ngài là Đấng hướng dẫn Giáo hội. Một Hội Thánh yếu ớt, nhưng lại tìm thấy sức mạnh trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hình ảnh của một Giáo hội được tự do và có khả năng mang đến cho thế giới sự tự do mà thế giới không thể tự nó ban cho: đó là tự do khỏi tội lỗi và cái chết, khỏi cam chịu, khỏi cảm giác bất công và mất hy vọng làm mất nhân tính cuộc sống của những người nam nữ trong thời đại chúng ta.
Chúng ta hãy hỏi, hôm nay trong lễ kỷ niệm này và cả sau đó nữa: các thành phố, xã hội của chúng ta và thế giới của chúng ta cần tự do đến mức nào? Bao nhiêu xiềng xích phải được phá vỡ và bao nhiêu cánh cửa đóng lại bấy lâu nay phải được mở toang! Chúng ta có thể giúp mang lại sự tự do này, nhưng chỉ khi trước tiên chúng ta để cho mình được tự do bởi sự mới mẻ của Chúa Giêsu, và bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Thần…
Chúng tôi cầu nguyện cho anh em, cho tất cả các mục tử, cho Giáo hội và cho tất cả chúng ta: để khi được giải thoát bởi Chúa Kitô, chúng ta có thể trở thành những Tông đồ của tự do trên khắp thế giới.” (ĐTC Phanxicô, 29/06/2021)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét